Toan tính đằng sau cuộc chiến giá dầu

Thứ Ba, 17/03/2020, 13:23
Khi Saudi Arabia khởi động cuộc chiến giá cả để trả đũa việc OPEC+ (mà đối trọng chính là Nga) không đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng bằng việc tuyên bố giá dầu thô sẽ hạ thêm từ 4 đến 8USD/thùng, chỉ sau một đêm, giá dầu thế giới đã trở lại mức của thời kỳ Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991.

Báo chí nước ngoài cho rằng Saudi Arabia đã “trở mặt” với Nga, không những sự hợp tác trong OPEC+ suốt 4 năm qua sụp đổ mà còn có nghĩa là hai bên đang khởi động một cuộc chiến giá dầu thế giới. Thị trường sẽ ra sao?

“Cờ ngoài, bài trong”

Rõ ràng là Saudi Arabia muốn cắt giảm sản lượng để giữ giá dầu, trong khi doanh thu từ dầu cũng là sự hỗ trợ chính của nền kinh tế Nga. Lẽ ra, Nga cần liên kết với Saudi Arabia trong vấn đề giảm sản lượng này. Nhưng vì sao họ lại đi ngược lại? Theo một số nhà phân tích nhận định động thái của Nga rõ ràng là nhắm vào Mỹ, với đòn giảm giá dầu để tấn công ngành dầu đá phiến của Mỹ.

Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và quan hệ quốc tế tại Moscow, Alexander Dynkin nói với hãng Bloomberg rằng lý do Nga quyết định hy sinh OPEC+ là để kiềm chế các công ty sản xuất dầu đá phiến của Mỹ và trả đũa lệnh trừng phạt của Mỹ đối với dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 giữa Nga và các nước châu Âu. Tuy nhiên, lại cũng có luồng phân tích cho rằng thách thức từ dầu đá phiến của Mỹ chỉ là một trong những động cơ khiến Nga phản đổi giảm giá dầu mà thôi. Còn một số nguyên nhân khác nữa.

Phân tích cho thấy nước Nga sẽ “chơi lớn” trong cuộc chiến giá dầu lần này.

Thứ nhất, dựa trên phán đoán xu hướng giá dầu trong tương lai, trong tình hình sản lượng dầu khí của Mỹ tăng, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm, đặc biệt là dịch COVID-19 khiến nhu cầu dầu mỏ của thế giới giảm đi, Nga nhận định giá dầu thế giới sẽ tiếp tục giảm. Và nếu tiếp tục bắt tay với OPEC hạn chế sản lượng, giảm giá dầu không giúp làm tăng giá dầu, do đó nên tăng sản lượng để giành lấy thị phần xuất khẩu thì hơn. Thứ hai là chính bản thân nước Nga đã chuẩn bị đủ nguồn lực tài chính để ứng phó trước việc giá dầu sụt giảm này.

Mặc dù ngân sách của Nga phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu khí nhưng dự toán ngân sách tài chính của nước này hiện tại và trong vài năm tới dựa trên tiêu chuẩn cơ bản 42,4 USD/thùng dầu, nên nếu giá dầu giảm, với số lãi trước đó công thêm các nguồn khác, sẽ đủ để nước Nga “chơi lớn” vụ này.

Tuy nhiên, lại cũng có luồng ý kiến cho rằng không hẳn động thái của nước Nga là để nhằm vào Mỹ. George Friedman, nhà phân tích chính trị, người sáng lập tổ chức tư vấn Geopolitical Futures, nói với tờ Newsweek rằng việc Nga từ chối giảm sản lượng phần nhiều là để đối phó với những tác động kinh tế của dịch COVID-19. “Chỉ khi giá dầu nhanh chóng tăng trở lại, mới có khả năng Nga chấp nhận đề xuất giảm sản lượng của Saudi Arabia để tăng giá dầu nhưng cân nhắc sức ép từ việc kinh tế suy giảm do dịch COVID-19, họ (Nga) dự đoán cho dù cắt giảm sản lượng cũng sẽ không khiến giá dầu ổn định nên đã từ chối yêu cầu của Saudi Arabia. Như vậy, điều này không vì mục đích làm tổn hại Mỹ mà là để bảo vệ nền kinh tế Nga”, ông Friedman phân tích.

Thêm nữa, không giống Saudi Arabia tự sản xuất và tiêu thụ, việc sản xuất dầu của Nga phần lớn được đầu tư bởi các công ty dầu khí nước ngoài. Giảm sản lượng sẽ liên quan đến liên minh giữa các nước và thỏa thuận giữa chính phủ với các công ty trong nước, uy tín quốc gia vì thế sẽ bị tổn hại.

Cốt lõi là tranh giành thị phần

Và đàm phán gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng thất bại có nghĩa là thỏa thuận ban đầu sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 3, các nước đã bắt đầu tiết lộ kế hoạch tăng sản lượng vào tháng tới. Theo phân tích của CNBC, Mỹ, nhìn vào chiến lược tăng sản lượng dầu của Saudi Arabia và Nga cho thấy các nước này đang chuyển sang ưu tiên thị phần thay vì bình ổn thị trường và giá dầu.

Hiện tại, sản  lượng dầu của Trung Đông và Bắc Phi thấp hơn khoảng 2 triệu thùng/ngày so với mức cao nhất kể từ năm 2018, điều đó có nghĩa là nếu các nhà sản xuất quyết định “mở van”, sẽ có không gian lớn để tăng sản lượng. Đồng thời, sản lượng của Nga hiện nay là khoảng 130.000 thùng/ngày, thấp hơn mức đỉnh của thời gian trước. Edward Bell, nhà phân tích của Emirates NBD trong một báo cáo đã kết luận rằng Nga rõ ràng đang thực hiện chiến lược giành thị phần trong cuộc chiến này.

Hành vi của Saudi Arabia được cho là khó hiểu hơn. Cũng muốn giành giật miếng bánh thị phần, song sự kết hợp giữa giảm giá và tăng sản lượng thì chỉ kìm hãm giá dầu nhiều hơn, khác gì một hành vi “tự sát”? Và, ngay lập tức, thị trường chứng khoán Riyadh trở nên tồi tệ. Cổ phiếu của Tập đoàn Năng lượng quốc gia Saudi Arabia (Aramco) mới được niêm yết chưa đầy 3 tháng đã giảm sâu nhất trong cùng thời gian, xuống dưới mức chào bán 32 riyal.

Theo một số phân tích, động thái của Riyadh chủ yếu là để bảo toàn thị phần. Ngoài ra cũng là để Saudi Arabia có chi phí để thực hiện chính sách “bên miệng hố chiến tranh”. Năng lực sản xuất của Saudi Arabia dư thừa, chi phí dầu thô thấp và vẫn có thể tăng sản xuất. Cho dù giá dầu giảm mạnh, nước này vẫn ít nhiều có lợi nhuận.

Hơn nữa, Saudi Arabia có thể muốn thông qua biện pháp cạnh tranh không lành mạnh này để gây sức ép cho các nước sản xuất dầu mỏ như Nga quay trở lại bàn đàm phán. Stephen Innes, chiến lược gia trưởng về thị trường tại AxiCorp - công ty thương mại ngoại hối có trụ sở tại Sydney cũng cho rằng biện pháp giành thị phần bằng cách tăng sản lượng của Saudi Arabia là một chiến lược mang tính răn đe.

Về xu hướng của cuộc chiến giá dầu lần này, theo hãng tin Reuters, dẫn nguồn một báo cáo khẳng định hai bên (Nga và Saudi Arabia) đang bước vào cuộc chiến giá dầu có thể có giới hạn và chiến thuật. Khả năng cao nhất của cuộc chiến này là hai bên sẽ rơi vào khủng hoảng trong khoảng vài tuần hoặc vài tháng cho đến khi giá dầu thấp đến một mức thỏa thuận nào đó để khôi phục giới hạn của OPEC+.

Tuy nhiên, nếu giá dầu tiếp tục biến động mạnh thì sẽ tác động đến cục diện chính trị và nền kinh tế toàn cầu. Giá dầu có tác động mạnh đến lạm phát, khả năng sẽ khiến những nỗ lực của các ngân hàng trung ương đối với nền kinh tế càng khó khăn hơn.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.