Vũ Đăng Trí - Người giữ kỷ lục HCV Paragames của Việt Nam

Thứ Tư, 17/12/2014, 20:15
Cứ sau 4 giờ chiều, một người đàn ông bước xuống từ trên chiếc xe thương binh, lưng của ông gập xuống. Ông đi từng bước chậm chạp lên tầng 2 của Bệnh viện Y học Dân tộc cổ truyền. Ở đó có một người đang đợi sẵn bên bàn bóng. Đã nhiều tháng nay cứ vào thứ ba và thứ sáu hằng tuần, người đàn ông khuyết tật này dạy đánh bóng bàn nâng cao cho giám đốc bệnh viện. Được biết, ông chính là Vũ Đăng Trí vận động viên bóng bàn trên xe lăn, người đang giữ kỷ lục huy chương Vàng (HCV) Paragames của Việt Nam với 11 HCV và cả trăm HCV trong nước...

Ông ngồi trên những chiếc ghế nhựa kê chồng lên nhau, và cứ ngồi nguyên một chỗ, chỉ có đôi tay dẻo dai, nhanh nhẹn cử động. Hai người đàn ông, một giám đốc bệnh viện, một người khuyết tật, họ say sưa chuyền bóng. Tiếng bóng bàn đập liên hồi và những cú lướt đầy phấn khích. Mặc dù lưng của ông gập hẳn xuống, khi ông đứng tấm lưng nằm ngang vuông góc với đôi chân. Ông đi rất chậm, từng bước một. Những ngày trái gió trở trời toàn thân ông đau nhức. Vậy mà, ông, chính ông chứ không phải ai khác là người vô địch "ẵm" về HCV toàn quốc bộ môn bóng bàn trên xe lăn. Chuyện về ông là một câu chuyện dài, nhưng xin kể một cách tóm gọn và đầy đủ để hình dung về số phận của một con người…

Vũ Đăng Trí sinh năm 1950. Mới một tuổi, Trí đã mồ côi mẹ. Người mẹ tham gia kháng chiến trong vùng địch hậu bị sốt rét rồi mất. Năm 1954, bà ngoại từ Thanh Hóa ra Hà Nội, cậu bé Trí ở với bà. Khi Trí tròn 7 tuổi, người cha từ chiến trường trở về và đi bước nữa. Người mẹ kế lần lượt sinh ra ba người con. Cậu bé Trí được chuyển về ở với ông bà nội ở Hải Phòng. Rồi ông bà nội lần lượt ra đi, cậu chuyển về Yên Bái ở với mẹ kế. Cha đi bộ đội, thi thoảng mới về thăm nhà. Năm Trí học cấp 1 ở Yên Bái, cậu là 1 trong 2 học sinh xuất sắc được nhà trường tuyển chọn đi tập đánh bóng bàn. Lúc đấy cả tỉnh chỉ có một bàn bóng, và mỗi ngày cậu được chơi từ 1 đến 2 tiếng. Sau vài năm tập luyện đều đặn, chăm chỉ, năm 1962 Vũ Đăng Trí vượt qua nhiều cây vợt trẻ khác của tỉnh đoạt chức vô địch.

Vũ Đăng Trí (bên phải ảnh).

Năm 1965, Trí 15 tuổi vào học Trường Thiếu sinh quân. Với chiều cao 1,7m Trí trúng tuyển vào lớp học đào tạo không quân.  Nằm trong những "hạt giống đỏ", sẽ được nhà trường gửi sang Quế Lâm, Trung Quốc đào tạo. Một lần trong giờ tập, Trí bị ngã chấn thương ở lưng. Những cơn đau kéo dài dai dẳng hành hạ. Trí không thể đứng thẳng mà phải hơi cúi khom người. Cậu được đưa vào Bệnh viện Quân đội 108 để chữa trị. Bố cậu đi B. Trong năm này đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, bệnh viện sơ tán không ở thành phố, cậu được cho về nhà để chữa bệnh. Lúc này bệnh tình của Trí ngày càng trở nên trầm trọng, xương cột sống có vấn đề, cậu không đi lại được. Gia đình làm cho Trí hai cái nạng để cậu tự tập đi. Cậu di chuyển những bước đi khó nhọc và kiên trì. Ở chiến trường, bố cậu hay tin con trai bị chấn thương, năm 1967, ông từ chiến trường trở về để đưa con trai đi chữa bệnh.

Hết phép, bố cậu lại lên đường công tác. Những năm ấy cuộc chiến càng trở nên vô cùng gian khổ và ác liệt. Những ai ở thủ đô Hà Nội không thể quên năm 1972 máy bay B52 Mỹ rải thảm bom xuống phố Khâm Thiên và Bệnh viện Bạch Mai. Lúc này ở bệnh viện những bệnh nhân đủ sức khỏe đi lại đều được cho về, bệnh viện chỉ giữ lại những bệnh nhân nặng không thể đi lại được. Vũ Đăng Trí ở trong số những bệnh nhân phải nằm lại ngày đó. Trí được đưa xuống hầm trú ẩn của bệnh viện, bên ngoài máy bay Mỹ vẫn điên cuồng thả bom. Trong đợt thả bom này một số y tá, bác sĩ bị trúng bom hy sinh.

Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết. Thời điểm đó, tin buồn từ chiến trường báo về - bố của Trí đã hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ ở biên giới Việt - Lào. Năm ấy, ông 47 tuổi, là Phó chính ủy sư đoàn, cấp hàm đại tá. Nỗi buồn thương nhớ cha vô hạn cộng với sự hoang mang tột độ, bao nhiêu mơ ước tan thành khói mây. Nhớ những ngày nằm điều trị ở bệnh viện đọc những lá thư bố gửi về đều dặn: "Con cố gắng phấn đấu vượt lên, khi nào cách mạng thành công, đất nước hòa bình thống nhất, thế nào bố cũng xin Đảng, Nhà nước, Quân đội, bố có tiêu chuẩn đi chữa bệnh sẽ nhường tiêu chuẩn đấy lại cho con để cho con đi nước ngoài chữa bệnh…".

Vũ Đăng Trí trong một trận đấu.

Vậy là, bao hy vọng, bao đợi chờ, bao mong mỏi, bao ước mơ đều tắt ngấm. Cánh cửa tương lai đóng sập cánh ngay trước mắt Trí.  Nhưng, chưa hết, những đòn nghiệt ngã giáng liên tiếp lên vai cậu thanh niên ốm yếu gầy gò. Sau khi được tin bố mất khoảng hai tuần, lúc này Vũ Đăng Trí đang ở cùng mẹ kế và ba người em. Một lần ở ngoài sân Trí nghe thấy mẹ kế nói với gia đình là bà không thể nuôi được cậu mà sẽ trả Trí lại cho quân đội, nhưng không phải  bây giờ mà để Trí ở nhà chăm các em, khi các em lớn thêm một vài tuổi nữa sẽ cho cậu đi. Tận cùng của khổ đau, tận cùng của mất mát, thế là hết.

Một đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa, không nơi bấu víu, người thân rũ bỏ trách nhiệm. Nỗi cô đơn bao trùm. Trí lao mình xuống dòng sông và chỉ muốn chết. Nhưng rồi, nước mát lành ôm ấp bọc lấy cơ thể mỏng manh của cậu, tiếng gọi nơi sâu thẳm trái tim vang lên mạnh mẽ: "Không! Mình không thể chết. Bố và mẹ đều là những chiến sĩ cách mạng và đã hy sinh cho nền độc lập, có lý tưởng. Ngày mẹ còn sống, bà đã viết trong quyển nhật ký mà lớn lên Trí đã được đọc: "Cha mẹ đi chiến đấu vì nước nhà, một mai có hy sinh cũng mong muốn sau này khi lớn con sẽ được sống sung sướng, hạnh phúc trong một đất nước hòa bình”. Nếu mình chết sẽ không xứng đáng với sự hy sinh của bố mẹ”.

Sau này khi đứng ở trên bục vinh quang, giành nhiều HCV về cho Tổ quốc, Vũ Đăng Trí vẫn không quên ký ức đấy, ông đã làm những câu thơ được chắt ra từ niềm vui và nỗi buồn của mình: “Mẹ ơi… Bao  nhiêu năm rồi con không khóc/ Cha hy sinh nỗi đau lớn nhất/ Nước mắt chảy vào tim, nén chặt/ Bệnh hiểm nghèo thêm phận mồ côi/ Đã bao lần con định buông xuôi/ Không muốn sống đầu hàng số phận/ Bao năm trong bệnh viện sống mòn/ Đến một ngày trong trái tim con/ Chợt nhớ lại từng trang nhật ký/ Mẹ để lại trước lúc ra đi/ Mong con sẽ thành người khôn lớn/… Ngày mai con thực hiện ước mơ/ Mẹ mong ước hy sinh, phấn đấu/ Cha ngã xuống góp phần xương máu/ Cho non sông, đất nước hòa bình!/ Nén đau thương con thức tỉnh mình/ Kiêu hãnh sống vượt lên số phận.../ Đã bao lần dưới lá cờ Tổ quốc/ Con nghẹn ngào hát Tiến quân ca/ Con mơ như nhìn thấy mẹ cha/ Chín mươi triệu đồng bào vui sướng/ Ngày mai con thi khắp đấu trường / Trong tim có tình yêu của mẹ/ Tiếp sức cho con, tình em gái trẻ…/ Nâng bước con dưới ánh sao vàng!...”.

Bây giờ mỗi lần nhớ lại chuyện xưa, tất cả đều như thước phim sống động quay chậm, hiện rõ  trong tâm trí của ông. Cái ngày xưa đó, cái ngày chỉ là một cậu thiếu niên 16 tuổi với cú sang chấn cả về thể lực và tâm lý. Sau ngày bố hy sinh, những người bạn chiến đấu cùng đơn vị của bố muốn làm nốt nỗi niềm canh cánh với người đồng đội cũ, các chú ấy tìm về đưa Trí đi khắp các bệnh viện để chữa trị. Bác sĩ kết luận Trí phải mổ, nhưng tỉ lệ thành công không ai dám chắc. Nếu thất bại cậu sẽ phải nằm liệt vĩnh viễn. Đất nước vừa qua chiến tranh, thiết bị y tế còn nghèo nàn lạc hậu. Cũng không ai dám ký vào tờ giấy mổ cho Trí. Những ngày tháng sau đó Trí được đi học, đi làm ở các trung tâm dành cho thương bệnh binh. Chính những ngày nằm ở trên giường bệnh nghe ngoài sân văng vẳng tiếng bóng của cán bộ, nhân viên trong bệnh viện chơi bóng bàn. Tiếng bóng va đập liên hồi nghe thật vui tai.

Một ngày Trí đánh liều bước tới bên bàn bóng nhìn đôi nam nữ đang đánh bóng, cậu cất tiếng: "Cho tôi chơi với được không?". Đôi nam nữ dừng bóng. Họ ngạc nhiên nhìn người thanh niên chống nạng, rồi bất giác cả hai cùng thốt lên: "Cậu muốn chơi ư? Nhưng cậu làm sao có thể di chuyển được khi tay cậu chống nạng thế kia". Họ ái ngại nhìn Trí, đến dịch chuyển còn khó nhọc, đi không vững làm sao có thể chơi bóng bàn. Nói vậy chứ cô gái cũng đưa vợt cho Trí thử chơi. Và Trí đã ngã khụy xuống. Sau hôm ấy, Trí nghĩ muốn chơi được bộ môn này việc đầu tiên là phải tập bỏ nạng. Vậy là kiên trì ngày qua ngày, tháng qua tháng, cuối cùng Trí cũng đã bỏ được nạng. Và Trí kiên trì tập luyện.

Vũ Đăng Trí đang ngồi trước mặt tôi, tuổi đã ngoài 60 nhưng ông vẫn kiên trì tập luyện, mỗi ngày 4 tiếng, có ngày 6 đến 8 tiếng, chẳng bao giờ bỏ. Ngày nắng cũng như ngày mưa, ngay kể cả những hôm trái gió trở trời, mặc những cơn đau co rút hành hạ ông vẫn kiên trì luyện tập đều đặn. Còn một câu chuyện sinh động không kém chuyện thể thao của ông đó là câu chuyện về tình yêu mà ông bảo nó đặc sệt mùi lâm ly bi đát không kém bất cứ một câu chuyện tình ái tiểu thuyết sướt mướt nào.

Ngày còn trẻ,  cũng giống như bao thanh niên khác ông cũng rung động và say đắm trước một bóng hồng. 25 tuổi, lúc này chàng trai trẻ Vũ Đăng Trí bị tiếng sét ái tình làm cho mê mệt. Một cô gái Hà Nội có trái tim ấm áp và chân thành tự nguyện đến với chàng trai ốm yếu, bệnh tật... Lúc này, gia đình cô gái ngăn cấm dữ dội. Bố mẹ sẽ từ cô nếu cô còn yêu chàng trai bệnh tật. Cả gia đình của Trí cũng không đồng ý bởi họ cho rằng Trí lấy vợ làm gì, bệnh tật ốm yếu thế này rồi người ta cũng sẽ bỏ thôi. Thế rồi tình yêu mãnh liệt họ đã đưa nhau đi đăng ký kết hôn.

Nhưng bố mẹ cô gái nhất quyết phản đối. Họ bảo, ông bà sẽ tự tử nếu con họ chung sống với chàng trai khuyết tật này. Vậy là, cả hai người đều nghĩ nếu có cố ở với nhau mà cha mẹ có mệnh hệ nào thì cả đời này họ sẽ sống trong ân hận. Và rồi họ lại dắt nhau ra phường làm giấy ly hôn khi chưa có một ngày thực sự là vợ chồng. Sau cú đó, Trí ngã gục phải nằm viện điều trị mất hơn một năm trời. Mấy năm sau cô gái đi lấy chồng. Còn Trí trở về quê nhà ở Nam Định ôm mãi bóng hình đau khổ dằn vặt ấy.

Mãi đến ngoài 40 tuổi ông mới quen với một người phụ nữ mắt kém ở cạnh nhà. Họ nên duyên chồng vợ và có một cậu con trai. Giờ đây chỉ có hai vợ chồng ông trong một căn nhà nhỏ xíu và có ai nghĩ rằng, một vận động viên bóng bàn trên xe lăn dành HCV quốc gia nhiều nhất Việt Nam lại là một người có tâm hồn mơ mộng, say đắm trong tình yêu với suối nguồn cảm hứng thơ dạt dào xúc cảm. Ông có cả một quyển thơ dày hơn 200 trang. Và, câu thơ của ông: “Trời khuya sâu thẳm màn đêm/ Thoảng nghe trong gió tiếng em nghẹn ngào/ Đêm xuân lạnh lẽo làm sao/ Sầu vương đau khổ dâng trào con tim...”.

Bóng chiều tắt hẳn, ông lầm lũi đi trong dòng đời tấp nập, cuộc đời như một cuốn nhật ký, với những trang cuối còn đang viết dở...

Trần Mỹ Hiền
.
.