Tòng “Thiên Mã” ngã ngựa vì canh bạc liều
Diễn biến đó khiến nhiều người sửng sốt vì ông Phan Bá Tòng từng là 1 trong 7 doanh nghiệp hàng đầu của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP). Tuy nhiên, những người trong giới xuất khẩu thủy sản, xem thông tin đó là hệ quả tất yếu.
"Tay không bắt giặc"
Phan Bá Tòng, sinh năm 1974, tại một vùng duyên hải thuộc tỉnh Cà Mau. Phan Bá Tòng là Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã (THIMACO), địa chỉ tại Lô 2-11E, đường số 09, Khu công nghiệp Trà Nóc II - Phường Phước Thới - Quận Ô Môn - Cần Thơ. Vì vậy, dân trong nghề xuất khẩu thủy sản còn gọi ông là Tòng “Thiên Mã”. Một số người còn ác ý gọi ông là Tòng “Thây Ma Cô”.
Khi chưa tốt nghiệp THPT, Tòng nghe lời xúi giục của bạn bè tham gia vượt biên trái phép bằng đường biển vào năm 1992. Khi cập bến Philippines, Tòng bị chính quyền sở tại đưa ra giam lỏng tại đảo Palawan, cách vịnh Manila 550 km. Vốn là người sôi nổi và dễ kết bạn, trong thời gian này Tòng đã luyện được nghề pha chế rượu (bartender) và luyện thành công khả năng nghe, nói tiếng Anh. Năm 1995, Tòng được hồi hương.
Với số tiền trợ cấp 240 USD của Chính phủ, Tòng về thăm nhà vài hôm rồi khăn gói về Cần Thơ tìm kế sinh nhai.
Có nghề bartender và khả năng tiếng Anh lưu loát, Tòng dễ dàng xin được 1 chân đứng quầy bar discotheque ở khu vực bến Ninh Kiều - nơi có nhiều du khách ngoại quốc cư trú. Với chất hài tếu, dễ gần, Tòng trở thành bạn thân thiết của tất cả những du khách đến bar.
Cảnh thu hoạch cá của Thiên Mã. |
Năm 2000, một doanh nhân chuyên cung cấp thực phẩm thủy hải sản người Mỹ (tạm gọi là ông J) đến Việt Nam trong vai du khách nhưng mục đích chính là tìm vùng nguyên liệu mới. Khi đến vùng đồng bằng sông Cửu Long, ông nhận ra ngay tiềm năng thủy sản dồi dào của vùng đất này. Khi ấy, cá tra, cá ba sa Việt Nam chưa xuất sang thị trường Mỹ.
Một lần ghé quán bar, ông J. nhanh chóng kết bạn với Tòng. Ông thuê Tòng đưa đi gặp trực tiếp nông dân nuôi thủy sản. Nhận thấy, nếu mở chi nhánh thu mua tại Việt Nam chi phí sẽ cao ông J. đề nghị Tòng đứng là làm nhịp cầu trung gian cho các doanh nghiệp thủy sản xuất mặt hàng cá da trơn sang Mỹ. Tại Mỹ, ông J. làm đầu mối bao thầu hết mặt hàng này.
Tòng trở thành một con cò cao cấp chuyên xuất khẩu cá da trơn duy nhất sang Mỹ và ở Mỹ ông J. trở thành người duy nhất phân phối cá da trơn. Từ đó, Tòng phất nhanh, bay cao như diều gặp gió. Giới thủy sản phán đoán, thời điểm đó thu nhập ngầm của Tòng có thể đạt hàng trăm ngàn đô la mỗi tháng.
Trên đỉnh chiến thắng
Khi đã có số vốn đủ mạnh, năm 2005 Tòng thành lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã (Công ty Thiên Mã), tên giao dịch quốc tế là THIMACO. Công ty có một nhà máy chế biến nhưng, Tòng vẫn thu mua hàng chế biến sẵn rồi xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ. Nói chính xác hơn, công ty của Tòng là đại lý trung chuyển cá da trơn sang Mỹ.
Tòng trở thành một ông vua không ngai trong việc xuất cá da trơn sang Mỹ. Mặc dù, Tòng tìm được đơn hàng ở thị trường châu Âu nhưng thị trường chính của Tòng vẫn là Mỹ.
Dù có trong tay nguồn tiêu thụ gần như bất tận nhưng Tòng vẫn bị "nghẹn" do không làm chủ được nguồn cung cấp. Để chủ động nguồn cung, năm 2009, Tòng xây liên tiếp 2 nhà máy chế biến thủy sản là Kim Ngư và Thiên Mã 3. Lúc cao điểm, 3 nhà máy thu hút đến 3.500 công nhân tiêu thụ 300 tấn nguyên liệu mỗi ngày. Với hệ thống 3 nhà máy chế biến, Tòng không còn phải chạy quanh tìm nguồn cung nữa.
Cơ quan Công an đang khám xét biệt thự của Tòng ở Trần Phú, Ninh Kiều, Cần Thơ đêm 31-03-2016 (ảnh đồng nghiệp). |
Khi này, Tòng lại bị "nghẹn" khâu nguyên liệu, tức nguồn cá. Với tham vọng tự cung tự tiêu, năm 2009, Tòng tung tiền mua đất làm trang trại nuôi cá. Tòng còn xây dựng hệ thống sản xuất giống cá bột (cá con) để tự cung ứng nguồn nguyên liệu nuôi. Có thời điểm, người của Tòng đi lùng sục khắp dải đất ven sông Hậu ở khu vực Thốt Nốt (Cần Thơ) để mua đất làm ao nuôi cá.
Ông Hai Tr. - nông dân Tân Lộc (Thốt Nốt) kể: "Lúc đó, Tòng mua đất như rau muống. Có những miếng đất giá trị 1, người chủ không muốn bán kêu giá 10, Tòng cũng mua. Người của Tòng cũng hỏi mua miếng đất của tôi. Vì không muốn bán, tôi kêu giá trên trời, họ vẫn mua. Tôi nâng giá lên, tụi nó cũng chấp nhận mua. Tôi cương quyết không bán".
Với cách mua đất làm trang trại táo bạo đó, tính đến cuối năm 2009, trong tay Tòng có 12 trang trại nuôi cá da trơn và 7 điểm sản xuất ca bột. Hệ thống trang trại của Thiên Mã tự đáp ứng được 20% nhu cầu giống và thỏa mãn 40.000 tấn cá/ năm, đạt 70% nhu cầu chế biến xuất khẩu. Tòng đã gần hoàn tất tham vọng nắm trong ta một quy trình sản xuất khép kín để khỏi lệ thuộc đối tác.
Doanh số xuất khẩu thuỷ sản của Thiên Mã đạt 60 triệu USD trong năm 2009.
Thời điểm này, ven hai bờ sông Hậu thuộc địa bàn Thốt Nốt (Cần Thơ) và Lai Vung (Đồng Tháp) ao cá của Tòng dài ngút mắt. Hằng ngày ca-nô của nhân viên Thiên Mã chạy đầy mặt sông. Trong một cuộc nhậu, Tòng khoe: Trang trại rộng như vậy, chỉ có mua trực thăng mới giám sát hết. Chuyện này trở thành giai thoại Tòng sẽ mua trực thăng.
Cũng thời điểm này xuất hiện giai thoại Tòng đi mua xe ô tô Hummer. Thấy Tòng có vẻ nông dân, nhân viên tư vấn có ý xem thường, khuyên nên mua loại rẻ tiền. Tòng ra ngoài, lát sau khiêng vào một đống bao bàng chứa tiền, hỏi: Nhiêu đây mua nổi chiếc Hummer không?
Một số đại gia xuất khẩu thủy sản khác nhận thấy thị trường tiềm năng ở Mỹ cũng lao vào cạnh tranh. Tòng mất thế độc quyền. Thế là một cuộc chiến ngầm nhưng không kém phần khốc liệt xảy ra giữa Tòng và một số đại gia thủy sản khác.
Ông T. - Một đại gia thủy sản tầm cỡ ở An Giang - kể: "Tôi nghe nói, chính Tòng là người tạo nên sự kiện Mỹ ra điều luật thuế chống bán phá giá cá da trơn đối với một số nước và Việt Nam. Tòng nhận thấy một số doanh nghiệp xuất cá sang Mỹ không qua hệ thống của Tòng và ông thầy (ông J.) nên xúi ông thầy thúc đẩy chính quyền Mỹ ra điều luật chống bán phá giá. Bởi, với quy trình sản xuất khép kín, nếu chiếu theo luật chống bán phá giá cá da trơn thì Tòng nằm ngoài danh sách".
Tòng Thiên Mã (bìa phải) trong đoàn Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự Hội nghị thương mại nghề cá tại Hongkong ngày 19-08-2006. |
Đầu năm 2011, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ra phán quyết hành chính về thuế chống bán phá giá lần 7, đối với sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam vào thị trường Mỹ. Chiếu theo phán quyết đó, có 2 công ty được hưởng thuế chống bán phá giá bằng 0. Trong đó có Công ty Thiên Mã của Tòng. Hàng chục doanh nghiệp Việt Nam khác phải è cổ nộp thuế cho Mỹ sau nhiều ngày phản đối.
Kể như Tòng đã thắng ván bài đầu tiên. Và ván bài thắng đó cũng là vạch xuất phát cho một chuỗi thất bại của công ty Thiên Mã. Tệ hại là Tòng cứ ngất ngây với chiến thắng đó. Tòng tiếp tục thu mua đất để hoàn tất tham vọng tự cung ứng 100% cá nguyên liệu.
Để thực hiện tham vọng đó, Tòng vay nợ tại 5 ngân hàng với số tiền 430,5 tỷ đồng. Từ nguồn vay này, Tòng phải chịu mức lãi gần chạm ngưỡng 80 tỷ đồng mỗi tháng.
Chỉ riêng nguồn vay ở công ty VN, Tòng phải trả lãi đến 2,5 tỷ đồng mỗi tháng (PV trích hồ sơ phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án dân sự ngày 29-11-2012, TAND quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ).
Với lợi thế 0% thuế chống phá giá cá da trơn sang Mỹ, sau cú đột phá "sản xuất quy mô vòng quay khép kín", Tòng hy vọng nắm chìa khóa cánh cửa xuất khẩu độc quyền sang thị trường Mỹ. Nếu bài toán thành công thì chỉ sau một mùa xuất cá, Tòng giải quyết xong các khoản nợ.
Tòng không hay biết, một số đối thủ cạnh tranh đã mở một chiến dịch ngầm. Ông X. - một đại gia nuôi cá ở Thốt Nốt, kể: "Một đại gia nuôi cá ở Thốt Nốt bán cá cho Thiên Mã. Ông này bí mật chen vào một số cá chết rồi chụp ảnh. Ông ấy giao bộ ảnh cho một đại gia xuất khẩu thủy sản đang cạnh tranh với Thiên Mã. Tôi không đoán chắc là ông xuất khẩu thủy sản có thuê ông nuôi cá làm chuyện đó hay không nhưng tôi nghe chính ông nuôi cá nói: Phen này tao cho thằng Tòng Thây Ma chết đứng".
Tuột dốc không phanh
Nguồn tin Thiên Mã thu mua cả cá chết lan nhanh sang thị trường Mỹ. Ông J. chết đứng với những đối thủ cạnh tranh tại Mỹ. Ông J. tuyên bố ngừng bao tiêu sản phẩm của Tòng.
Tự cứu mình, ngay lập tức Tòng chuyển sang thị trường châu Âu. Tuy nhiên thị trường này chỉ tiêu thụ được 40% sản lượng của Thiên Mã. 60% nguồn cá nguyên liệu ở 12 trang trại của Tòng "già quá lứa" nhưng không "xuất áo" được bởi các đại gia xuất khẩu thủy sản "khều chân nhau" không mua cá của Tòng.
Một ao cá quá lứa tiêu tốn hàng chục triệu đồng tiền thức ăn mỗi ngày đã khiến Tòng lao đao. Ông ta đi nài nỉ từng đại gia xuất khẩu thủy sản để tiêu thụ cá nguyên liệu, mà không hay biết đó là đối thủ cạnh tranh ngầm của mình.
Tòng vô tư đến mức nài nỉ đối thủ của mình đi nhà hàng "tươi mát" ăn nhậu. Để chứng tỏ túi tiền "vẫn còn mạnh giỏi" Tòng mang theo cặp tiền để bo cho các nữ tiếp viên. Từ những cuộc nhậu "thương lượng" này, Tòng bị đồn thổi thành kẻ xài tiền như công tử Bạc Liêu.
Trích hồ sơ một vụ kiện của Tòng Thiên Mã và một nhà đầu tư tài chính do tòa án dân sự TAND quận Ninh Kiều (Cần Thơ) xét xử. |
Tòng phải bán tháo cá nguyên liệu bằng nửa giá thị trường. Thiên Mã rơi vào thế khủng hoảng nghiêm trọng. Các nhà máy đóng cửa. Ngoài các khoản nợ vay ngân hàng, Tòng còn nợ nông dân nuôi cá hơn 52 tỷ đồng. Loay hoay với các khoản nợ, Tòng vay nơi này trả nợ cho chỗ kia.
Đến cuối năm 2012, ông Tòng tuyên bố công ty thua lỗ, mất khả năng thanh toán khoản nợ gần 600 tỷ đồng. Có lúc, nông dân nuôi cá kéo đến bao vây nhà riêng của vợ chồng Tòng ở đường Trần Phú, Ninh Kiều (Cần Thơ) suốt cả ngày lẫn đêm. Tòng đành nài nỉ xin trả góp khoản nợ.
Tòng bán dần các trang trại thì gặp đúng thời điểm bất động sản đóng băng. Song song đó, Tòng kêu gọi các nhà đầu tư, công ty mua bán nợ tham gia tái cấu trúc và đề nghị các ngân hàng cho khoanh nợ.
Nguồn tin riêng của ANTG cho biết, Tòng đã gian lận trong việc lập hồ sơ vay vốn tại nhiều ngân hàng. Những hồ sơ này được cho là vi phạm pháp luật. Hiện cơ quan cảnh sát điều tra đang làm rõ mức độ vi phạm của Thiên Mã.