Trái đắng… tinh dầu đỏ

Thứ Sáu, 07/02/2014, 13:25

Nắm bắt tâm lý của người bệnh ung thư hay người có thân nhân lâm bạo bệnh đứng trước cái chết đến gần đa phần đều cuống cuồng, lo sợ nên không tiếc tiền mua các loại biệt dược để chữa bệnh, những năm qua dân buôn tung ra lắm kiểu làm ăn ma mị. Mánh phổ biến chung của đám người này là đơm đặt thái quá thảo dược này động vật kia có tác dụng chữa trị bệnh tật siêu hạng rồi bán với giá trên trời.

Sau thời gian dài tốn cả núi tiền nhưng vẫn không qua khỏi, chết vẫn  hoàn chết với sừng tê giác, sụn cá mập, bột rắn lục đầu dồ đuôi đỏ, tổ yến huyết dỏm... bây giờ là “trái đắng” tinh dầu đỏ.

Ở  tuổi 63, ông Đỗ V.Trí, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM tâm sự ông có đủ kiến thức lẫn lý trí để phân định đâu là biệt dược chính gốc và biệt dược "nổi" nhờ đồn thổi. Theo ông Trí, sau những đắn đo, tìm tòi, nghiên cứu, lý do để ông quyết định mua mấy hộp "tinh dầu đỏ", mỗi hộp 100 viên con nhộng màu vàng (2 triệu đồng/hộp) cho người vợ bị ung thư vú được chỉ định hóa trị tại Bệnh viện Ung Bướu sử dụng, nhờ hoạt chất thần kỳ của loại tinh dầu này: "Không riêng gì Việt Nam mà ngay cả các nhà khoa học trên thế giới cũng khẳng định tinh dầu đỏ có nhiều chất dẫn xuất kháng ung thư, nhất là với bệnh nhân trong giai đoạn đầu hay trong lúc vô phương cứu chữa".

Tinh dầu đỏ mà ông Trí đề cập được chiết xuất từ loài thông đỏ. Được biết cách đây khoảng 4 năm, khi một số thông tin nghiên cứu về tác dụng dược lý của thông đỏ được công bố rộng rãi, nhận thấy đó là tiềm năng để hốt bạc nên giới đầu nậu cùng những người buôn bán dược phẩm - dược liệu tức tốc "bập" vào đó, hợp lực đẩy đưa các tính năng của loài thực vật có từ thời tiền sử này đến tận mây xanh. Khi thiên hạ, mà đặc biệt là người bệnh bị choáng trước các tác dụng siêu hạng của loài thực vật này thì đó là lúc thị trường tràn ngập các sản phẩm được rao là tinh chất tinh dầu thông đỏ.

Thổi phồng sự thật…

Tôi liên lạc với một phụ nữ tên Ly, 42 tuổi, "bà chủ" của hàng loạt tin rao bán tinh dầu thông đỏ trên các trang mạng rao vặt. Hỏi về nguồn gốc của cái gọi là "biệt dược tinh dầu đỏ", chị này nói oang oang như thể nằm lòng rằng trên thị trường có nhiều loại với xuất xứ khác nhau như Mỹ, Canada, Ấn Độ nhưng tin cậy và hiệu quả nhất là tinh dầu đỏ Hàn Quốc: "Hàn Quốc là xứ của loài thông đỏ, lại là quốc gia đầu tiên phát minh ra công nghệ chiết xuất tinh chất từ thông đỏ nên được các chuyên gia y tế hàng đầu trong và ngoài nước tin dùng. Nhiều người bị ung thư vú, ung thư phổi, ung thư vòm họng, ung thư gan... di căn, nhờ uống tinh dầu thông đỏ mà gặt hái niềm vui bất ngờ. Có người mừng quá nói nếu ngày trước sớm biết thì đâu phải chịu cảnh khủng hoảng tinh thần, sống dở chết dở, chịu đau đớn vì phải vô hóa chất (hóa trị - PV) và tốn hàng trăm triệu đồng cho mấy cái thứ tào lao như sừng tê, sừng dinh rắn... mà họ chẳng biết là thật hay giả".

Dân buôn "biệt dược" như bà Ly thì 10 người chẵn chục, hễ có người gọi hỏi thăm thì "ca cổ" nhiệt tình, miệng liến thoắng nhằm thuyết phục "con mồi" chi tiền mua "biệt dược" được mình rao bán. Giá của cái gọi là tinh dầu thông đỏ rất mênh mông, từ 1 triệu đến 3 triệu đồng một hộp. Các con buôn kẻ lý giải tiền nào của đó, người bảo tiền nhiều thì dược chất trong viên con nhộng càng "oách".

Các mẫu sản phẩm được quảng cáo là tinh dầu thông đỏ.

Nói chung, theo như tìm hiểu của chúng tôi, người ta mua tinh dầu thông đỏ dựa vào niềm tin là chính: "Cái gì cũng có giá của nó hết em ơi, cái này chị hổng có nặng về kinh doanh mà thiên về làm phước. Gặp phường bất nhơn, nó bán một hộp đến 4 triệu đồng, còn chị để giá hữu nghị có 3 triệu, gọi là lời chút đỉnh thôi nên em đừng trả giá. Giá vầy là bèo lắm rồi, chỉ cần em uống ba hộp, tốn chưa đến 10 triệu đồng là thấy ngay kết quả. Chứ em biết rồi đó, một mẩu tê giác bé xíu người ta đã bán cả mấy ngàn đô rồi mà uống vào có xi-nhê gì đâu" - bà Xuân, tuổi ngoài 50, rao bán tinh dầu thông đỏ bằng mẫu rao vặt dán trên trụ điện trên đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9, thuyết khách. 

Trên thị trường hiện nay, nổi đình đám là sản phẩm tinh dầu thông đỏ có tên thương mại Pine power gold và Red pine top power, cả hai được quảng cáo xuất xứ Hàn Quốc, có khả năng ức chế, tiêu diệt tế bào ung thư với các thông số chữa trị rất hiệu quả: "Tế bào ung thư vú 95,5%. Tế bào ung thư phổi 78,4%. Tế bào ung thư gan 90,6%. Tế bào ung thư dạ dày 87,2%...".

Không chỉ đưa ra những thông số chẳng dựa trên bất kỳ cơ sở khoa học tin cậy nào, nhiều người còn quả quyết rằng món biệt dược "tinh dầu đỏ" mà mình rao bán còn có tác dụng hữu hiệu đối với các chứng bệnh tiểu đường, tim mạch, mỡ máu, xơ gan, tai biến thành mạch, tai biến mạch máu não.

"Các nhà khoa học Hàn Quốc còn phát hiện tinh chất của cây thông đỏ có tác dụng trong việc điều trị cho người bị sạm, nám da do rối loạn nội tiết tố, người đau dây thần kinh, viêm khớp, tê liệt chân tay... Người có thể trạng suy nhược hay phụ nữ kinh nguyệt không đều, nhất là người bị trục trặc vấn đề sinh lý thì tinh dầu thông đỏ là lựa chọn số một" - bà Xuân quả quyết.

Vạch trần thủ đoạn con buôn

Một số con buôn tinh dầu thông đỏ mà chúng tôi tiếp cận còn đoan chắc một số tộc người trên đất Lâm Đồng, nhất là người Mạ và Cil sống ở huỵên Lạc Dương, quanh núi Bà - Bidoup (đỉnh núi cao nhất ở Lâm Đồng - PV) nhờ biết sử dụng tinh chất từ cây thông đỏ mà lúc nào cũng khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, sống lâu trăm tuổi nhưng không bị đớn đau do thoái hóa khớp, tinh thần lúc nào cũng minh mẫn.

"Người bản xứ ở Lâm Đồng sử dụng thông đỏ để hãm trà, hoặc ngâm rượu. Bí quyết tráng kiện của họ là ở chỗ đó. Khi người ta khỏe mạnh thì tất nhiên phải ăn được, ngủ được. Một người như thế thì chuyện sống thọ, có nhiều con cái, không mắc bệnh tật lặt vặt thì đâu có gì lạ" - Thủy, rao bán tinh dầu thông đỏ trên chính trang face của mình, lập luận.--PageBreak--

"Chuyện tinh chất của cây thông đỏ có tác dụng ức chế, chữa trị nhiều chứng bệnh ung thư đến nay vẫn chưa có chứng liệu cụ thể. Nếu có thì cũng dừng lại ở phạm vi hỗ trợ điều trị, tuyệt đối không có chuyện ung thư kiểu nào cũng chữa dứt và chắc rằng khi sử dụng phải qua bào chế phức tạp mới lọc được dược chất. Thực tế cho thấy trong y học dân gian, cây thông đỏ được người Trung Quốc sử dụng điều trị cho người mắc các chứng bệnh liên quan đến tim mạch, giảm đau. Tại Ấn Độ, các thầy thuốc cổ truyền dùng chất paclitaxel chiết xuất từ thông đỏ hay đem lá với vỏ cây này nấu thành cao trị chứng hen suyễn... Còn tại Việt Nam, y học cổ truyền chẳng đề cập nhiều đến việc dùng thông đỏ trong chữa trị" - dược sĩ Trần V.M., 45 tuổi, người rất bất bình với kiểu làm tiền người bệnh của dân con buôn, tiết lộ.

Sở dĩ dược sĩ M. ngại nêu tên thật bởi sợ bị dân con buôn vì bị "phá" chuyện làm ăn sẽ tìm cách trả thù. Theo dược sĩ M., trên thị trường hiện nay, không như ngộ nhận của nhiều người, tinh dầu thông đỏ được bán dưới dạng thực phẩm chức năng chứ không phải thuốc. Nhưng để bán được giá, dân buôn lắm kẻ mập mờ bảo là thuốc và có kẻ còn ma mãnh hơn, bảo muốn chữa bệnh này bệnh kia - tất nhiên là những bệnh bác sĩ "chê" phải uống tinh dầu thông đỏ do chính họ nhập từ Hàn Quốc kết hợp với trà thảo dược cũng do họ sản xuất, có như vậy mới đạt hiệu quả cao.

"Như thế là bịa đặt, nói quá sự thật" - dược sĩ M. khẳng định như thế và lưu ý bệnh ung thư nếu phát hiện sớm, trong giai đoạn đầu thì việc chữa trị dứt điểm không phải là trở ngại với các bác sĩ chuyên ngành: "Khi thấy cần thiết phải hóa trị hoặc xạ trị để có thể cứu được sinh mạng người bệnh thì hội đồng y khoa chuyên môn sẽ hội chẩn và đưa ra chỉ định ấy. Nên nếu ai đó vì sợ vào hóa chất, chiếu tia xạ mà tự ý bỏ ngang phác đồ điều trị này và nuôi hy vọng vào tinh dầu thông đỏ hay các loại cây cỏ được quảng cáo là biệt dược này nọ thì quả là tai họa cho chính bản thân họ".

Cận cảnh hoa và lá cây thông đỏ.

Coi chừng… vong mạng!

Theo các chuyên gia ngành y hiện đại lẫn cổ truyền, các loại cây thuốc, biệt dược, thực phẩm chức năng này nọ chỉ có tác dụng hỗ trợ, bồi bổ thể lực người bệnh sau giai đoạn hậu phẫu và việc sử dụng phải có chỉ định, theo dõi của người có chuyên môn chứ không có kiểu thích gì dùng nấy. Lương y Thái Bình (Hội Đông y TP HCM) chỉ ra mối nguy khác quanh những hộp tinh dầu thông đỏ có mặt ở thị trường Việt Nam bằng hình thức hàng xách tay không rõ nguồn gốc.

Ông bảo chưa chắc người ta trả tiền là có thể mua được hộp tinh dầu thông đỏ thật. Bởi như cơn sốt nọc bọ cạp xanh ở châu Mỹ cách đây không lâu, có người sau khi trả đến 5-6 triệu đồng cho một lọ nọc độc bọ cạp là chất dịch trắng trong suốt đựng trong lọ thủy tinh sau đó đã giật mình, lo lắng không biết đó có phải là nọc bọ cạp chính gốc hay chỉ là lọ nước lã. Bởi thực tế chẳng có tín hiệu, dấu hiệu gì để chứng minh đó là tinh chất nọc bọ cạp ngoài chiếc hộp giấy được thiết kế, in ấn rất bắt mắt.

Một số công bố nghiên cứu của y học hiện đại cho biết thông đỏ có tên khoa học là Taxus Wallichiana Zucc, thuộc họ Taxaceae, có lá và vỏ chứa hoạt chất 10 - DB III được dùng để sản xuất chất Taxol là nguyên liệu chính để điều chế thuốc chữa trị một số bệnh ung thư như ung thư buồng trứng, ung thư vú, ung thư phổi...

Cần nói rõ rằng, những thông tin trên được phát tán khá rộng rãi dựa trên tư liệu của nước ngoài chưa được các chuyên gia ngành y Việt Nam kiểm chứng hay phát ngôn chính thức. Do đó chẳng có cơ sở gì để chứng minh những viên con nhộng tinh dầu đỏ đựơc rao bán trên thị trường (nếu là hàng thật) là… siêu biệt dược.

"Vấn đề ở chỗ những hộp bao bì kia ai làm cũng được và vấn đề ở chỗ chất lượng của phần lõi bên trong. Vì lòng tham, vì hám lợi, đâu thể loại trừ khả năng người bán lấy viên con nhộng nào đó cho vô hộp bao bì do chính họ đặt in và bảo đó là tinh dầu thông đỏ được xách tay ở xứ Hàn. Với người bệnh nan y, thời gian được tính bằng vàng, mỗi một ngày trôi qua là mỗi khoảnh khắc vàng bị hao phí. Trong tình cảnh dầu sôi lửa bỏng ấy, lại phải uống thần dược thông đỏ trời ơi thì..." - lương y Thái Bình phân tích.

Cuối năm 2013 đầu năm 2014 này, có dịp đến Lâm Đồng, sẵn câu chuyện tinh đầu thông đỏ đang "nóng", chúng tôi tìm đến xã Đa Chais, vùng cư trú lâu đời của tộc người Cil ở huyện Lạc Dương tìm hiểu thực hư việc sử dụng "thần dược" thông đỏ. Thật bất ngờ, khi được hỏi thăm, 10 người như một, mà là các già làng giàu kinh nghiệm trong việc sử dụng các loại cây lá rừng để trị bệnh đều lắc đầu.

Già làng K'Đơn ở thôn K'long K'lanh, lưng chừng núi Bà cho biết, trên đỉnh núi từng có sự hiện diện của thông đỏ nhưng bà con cũng xem chúng như nhiều loại thông khác ở vùng, không hề biết chuyện lấy lá, lấy vỏ dùng làm thuốc, hãm trà, ủ rượu gì cả

Thành Dũng - Đức Mừng
.
.