Trầm cảm vì… nghiện Internet
Các kết luận là dựa trên câu trả lời của 1.319 người tham gia một bảng câu hỏi trên mạng. Việc chọn người tham gia khảo sát là thông qua liên kết trên các mạng xã hội. Những người này được hỏi liệu họ đã sử dụng mạng Internet nhiều hay ít và cho những mục đích gì. Họ cũng được hỏi một loạt các câu hỏi để đánh giá xem có bị trầm cảm hay không. Những người trả lời có độ tuổi từ 16-51, với độ tuổi trung bình là 21.
Tác giả chính, Tiến sĩ Catriona Morrison, cho biết: "Internet đóng một vai trò rất lớn trong đời sống hiện đại, nhưng lợi ích của nó đi kèm với mặt trái. Trong khi nhiều người trong chúng ta sử dụng Internet để thanh toán các hóa đơn, trả tiền mua hàng và gửi e-mail, có một nhóm nhỏ dân số cảm thấy khó kiểm soát thời gian họ lên mạng, tới mức nó ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày của họ".
Nghiên cứu mới cho thấy rằng việc sử dụng Internet quá mức có liên kết với trầm cảm, nhưng nhóm nghiên cứu chưa biết là cái nào đến trước - người trầm cảm thích dùng Internet hay là dùng Internet gây ra trầm cảm? Những người chỉ trích nghiên cứu này nói không có chẩn đoán tin cậy cho thói nghiện Internet, và phương pháp chọn người tham gia khảo sát có thể dẫn tới kết quả thiên vị.
Tiến sĩ Vaughan Bell, từ Viện Tâm thần học tại Trường King's College London cho biết, theo định nghĩa, những người được xác định là nghiện Internet thường có cảm xúc đau khổ, do đó, các kết luận trên không phải là một ngạc nhiên lớn. Về nguyên nhân và hậu quả, ông đã chỉ ra rằng nghiên cứu trước đó đã gợi ý là những người đang chán nản hoặc lo âu có nhiều khả năng sử dụng Internet chứ không phải là ngược lại.
Ông nói thêm: "Có những người thật sự đang chán nản hoặc lo lắng sử dụng Internet tới mức tách mình ra khỏi những phần còn lại của cuộc sống của họ, nhưng nó cũng tương tự như có những người xem tivi quá nhiều, chôn mình trong sách vở hoặc đi mua sắm quá mức. Chưa có đủ bằng chứng cho thấy vấn đề chính là do Internet".
Các tổ chức từ thiện về sức khỏe tâm thần cho biết cách mọi người sử dụng thời gian của mình và các loại tương tác xã hội mà họ tham gia cũng có thể tác động đến đời sống tinh thần.
Tiến sĩ Andrew McCulloch, Giám đốc điều hành Quỹ Sức khỏe tâm thần, chỉ ra rằng trên một phương diện nào đó thì Internet có thể hữu ích. Trong phạm vi Internet khuyến khích tình bạn có ý nghĩa và kết nối xã hội thì nó có thể là một tác động rất tốt đến cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, tương tác xã hội trực tuyến thường không nên thay thế một đời sống xã hội thực, ngoài mạng.
Sophie Corlett, thuộc Tổ chức Từ thiện sức khỏe tâm thần Mind, cho biết: "Bằng chứng cho thấy rằng mục đích hoạt động như tập thể dục và giao lưu xã hội mặt đối mặt giữa con người là một trong các yếu tố giúp chúng tôi có sức khỏe tâm thần tốt. Mặc dù sử dụng Internet quá mức không thể nói là gây ra vấn đề sức khỏe tâm thần, nhưng nếu một người nghiện web thay thế tình bạn có ý nghĩa và các giao lưu xã hội bằng các liên hệ ảo trên Internet, thì điều này có thể có ảnh hưởng xấu đến đời sống tinh thần của họ"