Tràn lan tu sửa tôn tạo di tích: Đừng để “mạnh ai nấy làm…”

Chủ Nhật, 07/10/2012, 11:30

Bấy lâu nay, trùng tu, tôn tạo, tu bổ di tích vẫn như một hồi chuông nóng chưa có hồi kết. Người ta loay hoay giải mã cho những di tích cổ đã được xếp hạng vì sự xuống cấp cần phải khắc phục như thế nào? Nhiều di tích sau khi được trùng tu đã thay hình biến dạng từ một lão nông ọp ẹp trở mình thành cô gái khoa trương, lòe loẹt. Lại có di tích sau khi được tôn tạo từ một “nhan sắc thuần Việt” biến thành thứ lai căng, tây chẳng phải tây, tàu chẳng ra tàu nhưng nhất định không phải của Việt Nam.

Người ta mặc áo mới, tô son điểm phấn cho “ông già, bà cả” để biến những di tích - một di sản quý báu của ông cha - thành thứ của cải của riêng mình. Trách nhiệm này thuộc về ai? Vẫn chưa có lời đáp. Những tranh luận giữa các nhà đầu tư (đa phần là nhà chùa tự phát), với cơ quan chức năng ngành văn hóa, và các nhà nghiên cứu di sản, cả người dân đã lên đến đỉnh điểm. Cuộc tranh luận bàn về “cái đẹp của di tích”.

Di tích xuống cấp, tràn lan xây sửa di tích?!

Tự ngàn đời nay, Việt Nam vẫn là một nước đa phần người dân theo tín ngưỡng đạo Phật. Và trải qua nhiều thăng trầm biến thiên dâu bể của thời cuộc, đạo Phật vẫn đồng hành và ngày càng đóng một vai trò chính yếu trong đời sống tâm linh của người Việt. Người Việt hành hương đến cửa chùa, cửa đền, cửa phủ, cửa đình đâu chỉ hôm rằm, mồng một, những ngày lễ, tết hay hội hè trong năm. Những năm gần đây, người dân đi lễ chùa ngày càng đông khi đất lại chẳng thể nở ra được. Vì thế ngôi chùa nhỏ ấm cúng khi xưa ngày càng trở nên chật chội, nhỏ hẹp. Đất chật, người đông, thành ra nhiều di tích  trong nội thành bị những nhà bên cơi nới, xô đẩy đến nỗi cái sân vườn của di tích bị bó hẹp lại, mỗi mùa mưa nắng nó càng rệu rạo yếu ớt, nhỏ bé khiêm nhường trước những ngôi nhà cao lớn vuông thành sắc cạnh ngang nhiên đứng chắn, đứng ngáng.

Này đây bức tượng loang lổ bởi màu thời gian,  biết bao hoành phi câu đối, phù điêu từ thời ông cha ta còn sót lại, mái đình, mái chùa rêu phong cũ kỹ, những nét chạm khắc hoa văn tinh xảo trên gỗ của người thợ lành nghề xưa… Những thứ đơn sơ mà thanh nhã, cổ kính mà gần gụi,  mộc mạc mà trang nghiêm, khi bước chân đến di tích là có cảm giác thư thái an lành, xua đi bao thứ hỗn độn, ô tạp của cuộc sống bộn bề chung quanh. Đến di tích con người như được trở về với bản ngã để soi rọi lòng mình hướng đến cõi niết bàn Vô chấp. Và, cũng có người cốt đến di tích để ngắm nghía, thưởng ngoạn vẻ đẹp quyến rũ thanh thoát của một thế giới tâm linh huyền bí.

Vậy mà, tiêu chí cho cái đẹp lại hóa ra không đồng nhất. Người ta bảo những ngôi chùa, mái đình, của người Việt đẹp là biết nương nép hòa cùng với thiên nhiên tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình. Ấy thế nhưng, xem ra nay chẳng còn phù hợp.  Khắp nơi nơi từ thành phố, đô thị ồn ào đến làng quê, thôn xóm nhộn nhịp phát triển, di tích cổ đã trở nên lạ lẫm. Người ta dùng những thứ dầu ngoại bóng loáng sơn phết lên những tấm phù điêu tôn quý, những mái đình thân quen cũ kĩ, cả những bức tường gạch cũ cũng được phết lên thứ sơn ngoại mà mưa không bị ẩm. Một màu nâu đất của di tích được người ta tạo thành một mảng màu lòe loẹt và phô trương quá mức. Những cây cột bằng gỗ lim Lào to gấp rưỡi cây cột cũ, cả những thanh xà ngang chạm trổ rồng phượng cũng ngang nhiên gỡ xuống để thay thế bằng thứ chạm khắc công nghệ rập khuôn, vô hồn cốt.

Hỏi ra, người ta bảo, các di tích ấy là do sự khắc nghiệt của thời gian nay đã xuống cấp nghiêm trọng nên được khách thập phương thành kính cung tiến để nhanh chóng sửa sang xây dựng lại nhà chùa. Nếu không kịp thời "chạy chữa" nhanh thì di tích chỉ còn cái cảnh hoang tàn. Làng trên, xóm dưới nhất mực tỏ lòng thành kính nên đã tự sửa sang, tu bổ di tích. Nếu đợi tiền của của nhà nước thì phải ngày nọ tháng kia đến khi di tích chỉ còn trơ cái vỏ vì bên trong mối mọt mục ruỗng hết cả.

Cái đẹp tựu trung vẫn không có sự đồng nhất. Đa phần người nhà chùa muốn xây to, xây mới. Các nhà nghiên cứu di sản thì lại muốn sửa sang y chang như hiện trạng ban đầu. Khách thập phương đến cầu bái thì mỗi người mỗi ý. Để đến khi người ta kêu ầm lên là bức tử di tích thì các cơ quan chức năng của ngành văn hóa mới vội vã vào cuộc. Truyền thông lại được một phen ầm ĩ. Xấu đẹp của di tích, lỗi này thuộc về ai?

Lăng Gia Long - cổng vào tẩm điện vừa được trùng tu.

Nhà nghiên cứu di sản Trần Lâm Biền (Cục Di sản - Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch): Cán bộ cứ ngồi ở bàn mà làm việc, không thường xuyên đi kiểm tra

PV: Theo ông, trách nhiệm về việc tu bổ di tích trước hết thuộc về ai? 

Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền: Một di tích được công nhận ở cấp nào đi chăng nữa thì cũng được bảo hộ của pháp luật. Bất kể một di sản nào của quá khứ để lại thì chế độ nào quản lý nó chế độ ấy làm chủ, chính quyền làm chủ, chính  quyền ấy giao cho ngành văn hóa.  Họ muốn xây lòe loẹt thế nào đi chăng nữa thì trách nhiệm trước hết phải ở ngành văn hóa, chứ chưa chắc phải là ở chính những người làm ăn lòe loẹt. Bởi anh không xác nhận được chính anh thì làm sao anh xác nhận được cho những di sản văn hóa. Khi mà anh đã xếp hạng di tích, anh không tạo nên một bệ đỡ pháp luật cho di tích ấy thì đương nhiên là có những sai lầm.

PV: Theo ông, tại sao việc trùng tu tôn tạo di tích liên tiếp xảy ra những sai lầm?

Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền: Sai lầm cơ bản thứ nhất là nằm trong tập tính của người dân, muốn xây dựng mới để gây công quả, nhưng cái đó là của thời xưa cho nền tảng vô thức và không có sự bảo hộ của pháp luật như ngày nay. Thứ hai chính không có bệ đỡ pháp luật ấy, khiến cho nhận thức về quyền làm chủ đối với di tích bị bấp bênh. Những người phụ trách tôn giáo tín ngưỡng nhiều khi lầm lẫn tưởng mình là chủ nhân. Điều đó đừng lợi dụng sự nể nang và yếu kém của cán bộ ngành văn hóa để lầm lẫn giữa tình cảm và lý trí, giữa ước muốn cá nhân và pháp luật. Cái đó hiện nay đang nhập nhằng. Chính từ sự nhập nhằng không rõ rệt ấy nên đi đến sai lầm trong việc tu sửa các kiến trúc cổ truyền.

PV: Ngành văn hóa có trách nhiệm đến đâu trong việc tu bổ, tôn tạo di tích, giữ gìn nét đẹp của ông cha, thưa ông?

Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền: Cán bộ theo dõi địa bàn quá ít hoặc cứ ngồi ở bàn làm việc mà không thường xuyên đi kiểm tra.  Hình thức đi kiểm tra không mấy khi được người ta đặt ra. Cho nên chuyện kiểm tra đối với cán bộ văn hóa gắn với di tích là phải thường xuyên thì nay tôi xem công việc đó hầu như người ta quên. Và khi cán bộ của ngành văn hóa không làm công tác kiểm tra thì người ta phá hoại là bình thường.

PV: Nói về quan niệm thẩm mỹ cho di tích thì cũng rất khó, vì mỗi người mỗi ý…

Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền: Chúng tôi đặt đề án tại hồ sơ. Có nghĩa là khi xếp hạng như thế nào thì xin trả lại nó như thế.

PVKhắp nơi người ta tự phát trong việc trùng tu tôn tạo di tích, thì ngành văn hóa sẽ phải có biện pháp gì ngăn chặn kịp thời?

Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền: Tự phát mà bảo đi giải quyết từng di tích một thì không ai làm được. Không lấy đâu ra cán bộ mà làm được. Bảo tồn di tích thì cần nhất là có sự tuyên truyền. Giữa người quản lý và người nghiên cứu phải bắt tay nhau thật chặt chứ không thể anh nghiên cứu chỉ nghiên cứu và anh quản lý chỉ quản lý.

Ngũ môn đình Kim Liên đang xây dở theo mẫu cổng chùa Láng hay một ngôi đình truyền thống? Ảnh: Khánh Linh.

TS Nguyễn Quốc Tuấn (Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo): Bây giờ mạnh ai nấy làm…

PV: Việc tự phát chỉnh trang, nâng cấp tu bổ các di tích hiện nay đáng báo động…

TS Nguyễn Quốc Tuấn: Nhà sư không nên coi ngôi chùa là vật sở hữu của riêng mình mà phải coi mình là người đại diện của giáo hội, đang trụ trì một di sản mang tầm quốc gia. Nhà sư khắc họa hình ảnh người lãnh đạo tinh thần bậc chân tu, nên có cách hành xử cho đúng đắn chứ không thể  sử dụng chùa như một sở hữu riêng. Điều đó không được phép.

PV: Nhiều ngôi chùa sau khi đổ tiền tỉ vào việc trùng tu, tôn tạo bị người đời xót xa gọi là: "Bức tử di tích". Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào? Chúng ta cần phải làm gì để hạn chế, giảm thiểu căn bệnh mặc áo mới cho di tích?

TS Nguyễn Quốc Tuấn: Công tác tu bổ tôn tạo di tích bây giờ đặt ra nhiều vấn đề mà ta phải góp tay vào giải quyết. Bàn nhiều để bổ sung vào luật trong công tác điều hành giữa Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cơ quan chuyên trách về tôn giáo (Ban Tôn giáo chính phủ) để xác định trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ, tiêu chí ở trên một  di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cấp quốc gia, di tích cấp đặc biệt. Ba bên phải ngồi lại với nhau, phải soạn thảo ra ít nhất một thông tư. Nếu ta chưa làm được luật thì ta phải có một thông tư, một quy định, hay ít nhất một văn bản pháp quy để quy rõ vai trò trách nhiệm của nhà sư trụ trì, quy định vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương, của những người quản lý nhà nước về lĩnh vực tôn giáo đối với một di tích. Chứ bây giờ thì mạnh ai người nấy làm.

Đã từng xảy ra chuyện nhà sư không muốn công nhận chùa mình là di tích, hay công nhận rồi nhưng cũng không tuân thủã triệt để luật di sản. Anh tu sửa gì, các phật tử cúng dường như thế nào, tất cả như vậy thì phải được phép của chính quyền. Mà nếu chúng ta cứ để diễn ra như thế này  tượng cổ càng ngày càng mất đi, chi tiết kiến trúc cổ càng ngày càng mất đi, chỉ thích xây chùa hoành tráng, chùa lớn, tượng trát vàng, trát bạc. Người ta tin vào tâm linh, tin vào đạo Phật, cúng dường nhiều tỉ đồng, để thỏa mãn nhu cầu tâm linh của mình, tưởng như vậy là bảo vệ di sản, nhưng như vậy vô hình trung góp tay vào triệt tiêu di sản

Mỹ Trân
.
.