Tranh cãi quanh chuyện ai là người đầu tiên cất cánh

Thứ Tư, 05/06/2013, 16:45

Mới đây, một bài báo nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày ra đời của máy bay (1903-2013) - được tạp chí Jane's Defence Weekly - là tờ báo uy tín trên thế giới chuyên về hàng không - đăng tải có thể sẽ khiến cho những nhà viết sử về máy bay phải xem lại quan niệm cho rằng, người lái chiếc máy bay có động cơ đầu tiên trên thế giới, bay lên trời, là hai anh em nhà Wright (Orville Wright và Wilbur Wright).

Sự kiện này diễn ra vào ngày 17/12/1903 tại trang trại Kill Devil Hills. Lần đầu, máy bay do Orville điều khiển, bay cao 3m trong 12 giây với tốc độ 10,9km/giờ, quãng đường bay được là 37m. Tiếp theo, cả hai anh em bay thêm 2 lần nữa cũng với độ cao 3m, quãng đường dài lần lượt là 53 và 61m. Bài báo đăng trên Jane’s Defence Weekly đưa ra những cứ liệu khác.

Người đầu tiên lái chiếc máy bay có động cơ bay lên trời là một người Đức. Ông tên Gustav Weisskopf, thợ cơ khí, sống ở Bayern. Khi di cư sang Mỹ năm 1890, ông đổi tên thành Gustav Whitehead, và chiếc máy bay của ông được đặt tên là "Thần ưng" (Condor). Nó cất cánh vào tháng 8/1901 tại bang Connecticut - nghĩa là trước anh em nhà Wright 2 năm!

Chiếc Condor do Ủy ban Gustave Whitehead chế tạo và… bay được!

Theo tạp chí Jane's Defence Weekly, sau khi nghiên cứu các bằng chứng do chuyên gia John Brown, thuộc Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ (NASA) cung cấp, thì Whitehead chế tạo chiếc Condor năm 1900, hình dáng nửa giống xe hơi, nửa giống chiếc thuyền với đôi cánh có thể xòe ra hoặc gập vào được. Condor trang bị 2 động cơ chạy xăng. Động cơ thứ nhất công suất 20 mã lực truyền ra 2 cánh quạt dùng để bay, động cơ thứ hai công suất 10 mã lực để chạy xe. Khi muốn bay, Whitehead cho đôi cánh xòe ra rồi cho động cơ 20 mã lực hoạt động. Lực đẩy của động cơ xe và lực quay của 2 cánh quạt giúp cho chiếc Condor đạt đến tốc độ cất cánh.

Để chứng minh, chuyên gia John Brown đưa ra một bài báo đăng trên tờ Bridgeport Herald, số ra tháng 8-1901 với bức ảnh do phóng viên John T. Daniels chụp Whitehead đứng cạnh chiếc Condor. Bài báo viết: "Ngày 14/8/1901, tại Faiefield, Connecticut, chiếc Condor gồm một cánh đơn với một động cơ 2 thì, 4 xi-lanh, nằm phía trước, đánh lửa bằng pin khô. Bình xăng chứa 2 lít xăng. Thân máy bay được làm từ gỗ thông, gỗ vân sam và tre, gia cố bằng ống thép. Hệ thống dây điều khiển cánh lái là dây đàn piano. Các tấm phủ cánh lấy từ lụa Nhật Bản, gắn chặt vào khung bằng keo.

Toàn bộ máy bay nặng 800kg, thêm ông Whitehead nữa là khoảng 880kg. Nó được đẩy ra từ sân sau của ngôi nhà số 241, đường Pine. Một lát, trợ lý của ông Whitehead quay những cánh quạt, động cơ nổ giòn, tuôn ra từng luồng khói trắng. Sự kiện ấy thu hút nhiều người dân xung quanh đổ xô ra để xem cỗ máy kỳ lạ. Vừa sợ hãi, vừa phấn khích, họ huýt sáo khi thấy chiếc Condor chạy càng lúc càng nhanh dần rồi nhấc khỏi mặt đất, bay là là trên đầu họ…".

Tiếp tục hoàn thiện chiếc Condor, Whitehead bay lần thứ nhì vào ngày 22/1/1902, trước sự chứng kiến của 17 người. Ông cho chiếc Condor bay dọc theo bờ biển với ý định chỉ bay không quá 1km nhưng ông đã bay được 2,7km ở độ cao 17m trước khi nó rơi xuống nước rồi được kéo vào bờ. Tuy nhiên, khác với anh em nhà Wright, là chuyến bay của họ được quay phim lại thì chuyến bay của Whitehead chỉ là một tấm ảnh chụp ông và chiếc Condor đậu trên… mặt đất, và điều này đã tạo ra nhiều phản bác.

Tom Crouch, Giám đốc Viện Sử học hàng không Smithsonian cho rằng: "Chuyến bay đầu tiên trên thế giới của Whitchead chỉ là trò lừa bịp". Trong blog của mình, ông Crouch viết: "Những thập niên tiếp theo, các phi công ở Mỹ và châu Âu đã bay lên  trời theo mô hình máy bay mà anh em nhà Wright đã chế tạo chứ không ai bay với máy bay của Whitehead". Crouch kết luận: "Hoặc là Whitehead bằng cách nào đó đã tự thổi phồng mình, hoặc ông ta chưa bao giờ bay với một cỗ máy - vốn chỉ là chiếc xe hơi".

Whitehead bên cạnh chiếc Condor năm 1901.

Trước khi bay lên trời với chiếc Condor, năm 1899, Whitehead đã bay thử một chiếc máy bay chạy bằng động cơ hơi nước cũng do ông chế tạo. Trong cuốn sổ tay của mình, ông viết: "Tôi tiến hành thử nghiệm ở ngoại ô Pittsburgh, Oakland vào mùa xuân năm 1899. Trong khi những trợ lý của tôi cho than vào lò để làm sôi nước trong bình hơi nhằm khởi động máy, tôi ngồi ở phía trước máy bay, tay nắm chặt cần điều khiển. Một lát, máy bay bắt đầu chạy nhưng nó không cất cánh được mà đâm sầm vào một tòa nhà bằng gạch rồi vỡ ra từng mảnh. Lính cứu hỏa lôi tôi ra khỏi đống vỡ vụn ấy, tôi chỉ bị thương ở chân. Qua thử nghiệm này, tôi rút ra rằng động cơ hơi nước vừa nặng, lại vừa không tạo ra đủ công suất để nâng máy bay lên khỏi mặt đất".

Năm 1927, Whitehead chết trong cảnh nghèo đói. Tất cả tài sản của ông đều được dùng cho việc chế tạo máy bay. Ngay cả khi chỉ kiếm được 2,5 đôla, ông vẫn dùng nó để mua một thanh thép mà ông tin rằng nó sẽ là một bộ phận nào đó của chiếc Condor trong tương lai. Cho đến khi mất, chiếc Condor của ông vẫn chưa được cấp bằng sáng chế và ông đành lòng nhìn những chiếc máy bay Curtiss, do Glenn Curtiss chế tạo sau ông nhiều năm, làm chủ bầu trời. Dẫu vậy, tạp chí Jane's Defence Weekly vẫn khẳng định Whitehead là người đầu tiên trên thế giới bay lên trời bằng một máy bay có động cơ. Bài báo trên tờ tạp chí này viết: "Chuyến bay của Whitehead là sự thật. Ông ấy đã phá vỡ huyền thoại của anh em nhà Wright”.

Cũng cần nói thêm rằng, cuối năm 1980, một nhóm nghiên cứu người Đức đã dựa trên những bản vẽ của Whitehead để làm ra chiếc Condor với vật liệu, động cơ, giống y như chiếc Condor của Whitehead. Sau đó nó được cho bay thử nghiệm bởi Ủy ban Gustave Whitehead (HFRC-GV) vào năm 1997, và đã thành công. Hội Địa lý Quốc gia Hoàng gia Anh - đồng thời là chủ nhân của Kênh truyền hình National Geographic cũng đã tiến hành thực nghiệm bằng cách thiết kế một chiếc Condor theo đúng nguyên mẫu của Whitehead trên máy tính, và kết luận rằng nó hoàn toàn có thể bay được

Hòa Cao (tổng hợp)
.
.