Tranh cãi về khoản tiền của Saddam Hussein tại NHNN Pháp

Thứ Tư, 23/01/2008, 11:00
Hơn 20 triệu euro tài sản của Iraq dưới thời Saddam Hussein bị đóng băng tại Pháp. Mặc dù năm 2003, Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã có một nghị quyết về vấn đề này, song Baghdad vẫn không thể thuyết phục được Paris trả lại khoản tiền trên từ đó đến nay.

Từ sau khi ông Nicolas Sarkozy trúng cử Tổng thống, nước Pháp đã tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Iraq nhưng vẫn một mực từ chối trả lại cho chính quyền Baghdad 23,48 triệu euro bị phong tỏa tại Ngân hàng Nhà nước Pháp từ sau khi chính quyền Saddam Hussein bị quân đội Mỹ lật đổ năm 2003.

Đến tháng 5/2003, Nghị quyết số 1483 của HĐBA LHQ và một tháng sau đó là một quyết định của Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu tất cả tài sản và các nguồn lực kinh tế của chính quyền Saddam Hussein nằm rải rác khắp nơi trên thế giới lập tức phải được chuyển vào một tài khoản quốc tế đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền Iraq mới.

Phát biểu trước báo giới, một quan chức ngoại giao- người tố cáo sự thiếu thiện chí của chính quyền Jacques Chirac về vấn đề này, lấy làm tiếc rằng: "Nước Pháp là một trong những quốc gia cuối cùng không thực thi các quyết định trên của LHQ và EU. Ngay cả những "thiên đường thuế quan” như Luxembourg cũng đã chuyển giao tiền của Saddam Hussein cho Baghdad. Xét trên khía cạnh pháp lý, nước Pháp đã vi phạm một nghị quyết của LHQ".

Từ năm 2003 cho đến nay, các luật sư của Chính phủ Iraq đã gửi rất nhiều đơn thư khiếu nại tới Bộ Ngoại giao và sau đó là tới Bộ Tài chính Pháp, cơ quan phụ trách hồ sơ vụ việc nhạy cảm này, yêu cầu giải thích nguyên nhân sự việc.

"Chúng tôi hy vọng rằng với sự ấm lên trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước như hiện nay, những đơn thư khiếu nại của chúng tôi sẽ được phúc đáp”- luật sư tư vấn của Chính phủ Iraq, bà Ardavan Amir-Aslani, người vừa có được một cuộc hẹn làm việc với Bộ trưởng Kinh tế Pháp Christine Lagarde vào giữa tháng 1/2008 về vấn đề trên.

Đối với người Iraq, tiền bạc bây giờ cần thiết hơn bao giờ hết để tái thiết đất nước. Phát biểu với tờ báo Figaro, một luật sư về tranh chấp tài sản quốc tế tại Bruxelles nhận định rằng bắt đầu từ tháng 1/2008, căn cứ theo Nghị quyết 1483 của LHQ, phía Pháp phải chuyển toàn bộ số tiền phong tỏa tại Ngân hàng quốc gia nước này cho một tác nhân trung gian, không phải là Ngân hàng Rafidain hay Công ty tái bảo hiểm Iraq.

Trước bình luận này, Bộ Tài chính Pháp đưa ra một lý lẽ pháp lý để phản đối việc chuyển giao trên. “Để chuyển đổi chủ sở hữu một tài sản đã bị phong tỏa, tịch thu, chúng tôi cần phải chờ quốc hội ra một điều luật mới về vấn đề này" - một quan chức của Bộ Tài chính Pháp giải thích. Về phần mình, phía Iraq cho rằng chẳng cần phải thay đổi luật làm gì vì chủ sở hữu của số tiền trên vẫn là một.

Ngay cả Thụy Sĩ, nơi Saddam Hussein cất giấu phần lớn tài sản của mình, cũng đã trao trả toàn bộ về cho chính quyền Iraq hiện nay.

Trước đó, đầu năm 2007, sau rất nhiều tranh cãi pháp lý, cuối cùng Pháp cũng đã trao trả cho Iraq một tòa lâu đài thuộc quyền sở hữu của Barzan al-Tikriti, anh em họ của Tổng thống Saddam Huseein tại Cannes.

Hiện giờ, Baghdad đang mong muốn người Pháp theo gương người bạn láng giềng Thụy Sĩ của họ, để giải tỏa số tiền mà ông Saddam Hussein đã cất giữ tại đất nước hình lục lăng này về cho Iraq. Vào thập niên 70-80 thế kỷ XX, Pháp là một trong những đối tác thương mại chính của Iraq.

Ngoài tòa lâu đài tại Cannes và những khoản tiền bị đóng băng tại Ngân hàng Nhà nước Pháp, Iraq dưới thời Saddam Hussein còn nắm giữ rất nhiều cổ phần trong các doanh nghiệp Pháp thông qua các công ty đầu tư nước ngoài đóng tại Thụy Sĩ hoặc Panama.

Trong số đó phải kể đến Công ty Montana Management của Iraq. Công ty này sở hữu 8,4% cổ phần của nhà xuất bản Hachette và 2,5% của Công ty Hàng không Matra, trước khi công ty này sáp nhập vào Tập đoàn Lagardère SCA.

Ước tính Montana Management tham gia đầu tư vào các công ty của Pháp lên đến 200 triệu euro. Người chủ sở hữu là Montana Management, Khalaf al-Dulaymi, một trong những cựu thành viên đảng Baath thân Saddam Hussein, hiện đang định cư tại Jordania.

Theo các luật sư của Chính phủ Iraq, Khalaf al-Dulaymi còn sở hữu Công ty Đầu tư Midco, vốn trước đây cũng thuộc về Saddam. Chính quyền Iraq đã phát lệnh thu hồi toàn bộ tài sản của Khalaf al-Dulaymi, nhưng người này đang kháng án.

"Ở Syria hay Jordania, mặc dù đã nhiều lần phản ứng nhưng chúng tôi khó lòng mà thu hồi được hàng tỉ USD đã chuyển đi từ Iraq ngay sau khi chiến tranh bắt đầu. Nước Pháp biết rất rõ về chính quyền Saddam Hussein nhưng lại không muốn hợp tác với chính quyền Iraq mới" - bà Ardavan Amir-Aslani cho biết.

Báo chí Pháp nhận định nếu không muốn quay trở lại thời kỳ quan hệ căng thẳng giữa Pháp và Iraq trong thập niên 70-80, nước Pháp của Tổng thống Nicolas Sarkozy hiện nay nên thanh toán dứt khoát cho Iraq những gì vốn thuộc về họ

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.