Tranh chấp hai bờ Đại Tây Dương sẽ đi đến đâu?

Thứ Ba, 05/11/2019, 08:10
Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục gia tăng. Là nền kinh tế lớn nhất EU, Ngoại trưởng Đức phát biểu rằng trong khi EU đưa ra phương án hòa giải thì Mỹ đã từ chối và lựa chọn đi theo con đường đối đầu. Điều đó sẽ buộc EU phải đáp trả và nhấn mạnh sự đồng thuận của các quốc gia thuộc tổ chức này.

Thiệt thì cùng thiệt

EU chủ yếu đáp trả trên 2 phương diện. Một là EU đã chuẩn bị danh sách các mặt hàng của Mỹ có thể bị áp thuế. Hai là EU đã kiện lên WTO việc Mỹ trợ cấp cho hãng máy bay Boeing trong thời gian dài. Nếu phán quyết đưa ra có lợi cho EU thì EU sẽ áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, chẳng hạn như máy bay và linh kiện.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 28 nước EU gộp lại là rất lớn, trong đó chiếm tỷ lệ lớn nhất là 5 nền kinh tế Đức, Pháp, Anh, Italy và Tây Ban Nha. Hơn nữa, những quốc gia này lại có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Mỹ. Tranh chấp thương mại Mỹ - EU leo thang không những khiến các nền kinh tế ở hai bờ Đại Tây Dương khó có khả năng chống đỡ được mà còn khiến kinh tế thế giới và thương mại quốc tế chịu tác động nghiêm trọng.

Có bình luận cho rằng sóng gió trên Đại Tây Dương sẽ lớn hơn nhiều bất ổn thương mại bình thường, sẽ là quy mô toàn diện.

Mặt khác, kinh tế thế giới đang trong tình trạng ảm đạm. Các nước đều lo ngại sâu sắc, các tổ chức, cơ quan khu vực và quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD)... từ đầu năm đến nay liên tục đưa ra cảnh báo, không ngừng hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 và 2020.

Nhà máy Airbus của EU vẫn đang nuôi sống hàng trăm nghìn công nhân viên người Mỹ trên khắp thế giới.

Các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới gồm các ngân hàng đầu tư, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư tư nhân, công ty môi giới, công ty xếp hạng tín dụng... dường như đều phàn nàn về kinh tế thế giới và thương mại quốc tế.

Trong những năm mà toàn cầu hóa kinh tế ngày càng đi vào chiều sâu, các nước trên thế giới thực tế đều ở trên một con thuyền, thương mại đã gắn kết chặt chẽ họ lại với nhau tạo thành một cộng đồng chung vận mệnh. Nhưng, với cách làm hiện nay, nhiều người cho rằng nước Mỹ đang chỉ muốn bản thân họ được lợi, thậm chí còn muốn đẩy khó khăn về kinh tế sang nước khác.

Đối mặt với thuế quan của Mỹ, EU nói rằng nếu Washington kiên quyết áp thuế, bên chịu tổn thất không những là các quốc gia EU mà còn là rất nhiều doanh nghiệp và người dân tìm kiếm lợi nhuận từ tổ chức này. Chỉ riêng hãng Airbus của EU đã nuôi sống hàng trăm nghìn công nhân viên người Mỹ trên khắp thế giới. Gần 40% nhà cung cấp linh kiện của công ty này đến từ Mỹ. Châu Âu gặp bất lợi do Mỹ tăng thuế nhưng Mỹ cũng không thể được lợi từ hành động này.

Do đó, những doanh nghiệp chống lại việc Mỹ áp thuế trả đũa EU lần này sẽ không kém phần mạnh mẽ so với các quốc gia trong khối EU. Rất nhiều công ty hàng không giá rẻ của Mỹ hằng năm dựa vào máy bay Airbus để có sự cạnh tranh về giá để duy trì những chuyến bay của họ.

Những gia đình ở Mỹ đã quen sử dụng rượu Scotch Whisky và phô mai của châu Âu lần đầu tiên sẽ phải bày tỏ sự bất bình với việc Washington tăng thuế hàng hóa truyền thống của EU nhập khẩu vào Mỹ. Lễ Giáng sinh sắp đến gần, nếu những hộ gia đình ở Mỹ nhận thấy chi tiêu của họ cao hơn mọi năm thì sẽ không tránh được việc họ tỏ ra bất bình, thậm chí là có phản ứng gay gắt.

Ai sẽ hưởng lợi?

Vấn đề đặt ra là, trong tình hình kinh tế thế giới ảm đạm, triển vọng kinh tế Mỹ có tươi sáng hay không? Có đúng là chỉ có nền kinh tế Mỹ mới là số một hay không? Gần đây, Mỹ đã công bố các chỉ số kinh tế then chốt là PMI, việc làm trong doanh nghiệp tư nhân và PMI trong ngành phi chế tạo. 3 chỉ số quan trọng này đều thấp hơn dự báo của thị trường.

Điều này không những khiến thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mà còn tiếp tục tạo ra cuộc thảo luận của mọi tầng lớp ở Mỹ và trên thế giới về sự suy yếu của nền kinh tế nước này.

Chính phủ Mỹ đang mong muốn các công ty hàng đầu trong ngành chế tạo của Mỹ và nước ngoài có thể chuyển về Mỹ. Nhưng động thái thời gian qua cho thấy những doanh nghiệp đều có tính toán của riêng mình. Họ bề ngoài tuy tỏ ra hưởng ứng khi đối mặt với sự đe dọa nhưng trên thực tế nhiều doanh nghiệp lại chuyển ra nước khác bằng các phương thức khác nhau. Nguyên nhân quan trọng là họ không thể có lợi nhuận khi quay về Mỹ và như thế sẽ thiếu khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Ngành phi chế tạo của Mỹ càng có những cảnh báo đáng chú ý. Số liệu thống kê mới nhất của Viện Quản lý nguồn cung Mỹ công bố ngày 3-10 cho thấy PMI trong ngành phi chế tạo của nước này đã giảm xuống còn 52,6 điểm, là mức thấp nhất kể từ tháng 8-2016 đến nay. Chỉ số PMI trong ngành phi chế tạo của Mỹ tiếp tục thấp hơn nhiều so với dự báo của thị trường.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm mạnh do những lo ngại bất ổn của các nhà đầu tư.

Tương tự, PMI trong ngành chế tạo và số lượng việc làm trong các doanh nghiệp tư nhân Mỹ trong tháng 9-2019 cũng thấp hơn dự báo. Mặc dù một số thống kê chứng tỏ ngành phi chế tạo của Mỹ vẫn đang tăng trưởng nhưng tốc độ tăng trưởng đã chậm đi nhiều.

Trụ cột của kinh tế Mỹ là tiêu dùng và ngành dịch vụ thì tỷ trọng của ngành phi chế tạo trong nền kinh tế Mỹ lên tới hơn 80%. Một số tổ chức phân tích dự báo rằng kinh tế Mỹ có thể đang từ mở rộng chuyển sang mất đà tăng trưởng kinh tế. Đương nhiên, về mặt khách quan, kinh tế Mỹ hiện tại nếu so sánh theo chiều ngang (so sánh cùng lĩnh vực) vẫn rất mạnh, đặc biệt là thị trường lao động vẫn duy trì xu hướng tăng mạnh.

Theo thống kê, trong tháng 9-2019, nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 136.000 việc làm, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,5%, là mức thấp nhất kể từ tháng 12-1969 đến nay. Số lượng việc làm trong ngành y tế, giao thông vận tải, dịch vụ chuyên nghiệp và các công việc ở chính quyền bang và địa phương vẫn đang tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. Nhưng, xu hướng tăng thêm việc làm của Mỹ hiện tại đã giảm so với năm 2018, năm mà bình quân tăng thêm 223.000 việc làm/tháng.

Ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất trong nền kinh tế nước này đang có tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong 3 năm qua. Nhiều nhà phân tích cho rằng hiệu ứng của việc giảm thuế trên quy mô lớn nhằm kích thích nền kinh tế của chính phủ đang giảm dần. Nhà Trắng trên thực tế biết rất rõ điều này nên gần đây không ngừng gây sức ép buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải hạ lãi suất nhiều hơn.

Không sứt đầu thì cũng mẻ trán

Ngày 4-10, chuyên gia phân tích của Tập đoàn Dịch vụ tài chính toàn cầu JP Morgan của Mỹ cho biết do tranh chấp thương mại, nguy cơ kinh tế thế giới suy thoái lên tới gần 40%. Dự báo cũng cho hay tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong 12 đến 18 tháng tới sẽ chậm lại.

Một số ngân hàng trung ương và nhà lập pháp đã bắt tay vào hành động, mong muốn tra dầu cho bánh xe tài chính nhưng đó là sự phục hồi vừa yếu ớt vừa tốn kém. Trong tình hình Mỹ và các nền kinh tế châu Âu, châu Á tăng trưởng chậm chạp rõ rệt, khả năng xuất hiện suy thoái toàn cầu là điều có thể xảy ra.

“Một tác động nhỏ tới Mỹ cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn tới thế giới”. Cùng với ảnh hưởng của việc Tổng thống Donald Trump đưa ra cải cách thuế trị giá 1.500 tỷ USD bắt đầu giảm dần, kinh tế Mỹ đang thể hiện dấu hiệu bất ổn. Từ tháng 4 đến tháng 6-2019, đầu tư thương mại đã giảm 1% so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài ra, tháng 9-2019, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng đã giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng qua.

Theo phân tích của JP Morgan, nguy cơ kinh tế thế giới suy thoái lên tới gần 40%.

Điều người Mỹ lo ngại hơn là một chỉ số đánh giá hoạt động của các nhà máy tại Mỹ cho thấy ngành chế tạo của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 128 tháng qua. Số liệu này đã khiến chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm mạnh 800 điểm chỉ trong 2 ngày. Báo cáo về chỉ số chứng khoán S&P 500 cho biết trong quý 1 và 2 năm 2019, lợi nhuận mà S&P thu được đều giảm.

Bằng phương thức đánh giá GDP của Mỹ, FED dự báo rằng tăng trưởng năm 2019 là khoảng 2,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 3% mà chính quyền Tổng thống Donald Trump kỳ vọng trong thời gian dài.

Hệ quả

Vì sao lại như thế? Nguyên nhân đương nhiên rất đa dạng và phức tạp nhưng dư luận dường như nhất trí cho rằng cục diện đó liên quan trực tiếp đến việc từ năm 2018 đến nay, Mỹ không ngừng va chạm thương mại với nhiều nước, nhiều khối kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Khi chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, chuỗi phân công ổn định và khá cân bằng vốn hình thành trong nhiều năm qua bị bóp méo, thậm chí là cắt đứt thì chẳng nền kinh tế hay hoạt động thương mại nào, dù có mạnh đến mấy, còn có thể hoạt động một cách bình thường được. Môi trường thương mại lớn bất ổn và khó đoán định rõ ràng sẽ gây tác dụng tiêu cực đối với hoạt động đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp Mỹ, và tác động đến toàn thế giới.

Với sự tác động của chủ nghĩa bảo hộ thương mại đơn phương, nhiều khu vực và quốc gia trên thế giới đang liên kết lại để né tránh hàng rào thuế quan và phi thuế quan của Mỹ.

Nhìn một cách tổng quan, do môi trường tổng thể của chính trị và địa chính trị quốc tế, xung đột khu vực, kinh tế và thương mại thế giới đã thay đổi nên nền kinh tế vĩ mô của nhiều nước phát triển và đang phát triển trên thế giới gặp rất nhiều khó khăn, nợ công tăng vọt, thị trường tài chính rối ren, đầu tư suy giảm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng một thời của Ấn Độ hiện đang giảm đi rõ rệt. Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ gặp rất nhiều khó khăn. Kinh tế của những quốc gia như Venezuela, Iran... còn tồi tệ hơn.

Kinh tế Hàn Quốc vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu đã liên tục suy yếu với tác động kép của chiến tranh thương mại toàn cầu và tranh chấp thương mại Nhật Bản - Hàn Quốc âm ỉ bấy lâu nay. Nước Anh thì gặp rắc rối với sự luẩn quẩn của Brexit, thương mại rơi vào đình trệ. Ngay cả nền kinh tế Đức luôn ổn định vững vàng cũng bắt đầu gặp rắc rối. Thương mại Australia chủ yếu dựa vào xuất khẩu tài nguyên, quặng sắt, cũng gặp phải “cơn gió ngược”.

Đối với khu vực Mỹ Latin, dấu hiệu thấy rõ ở một quốc gia vốn có sự ổn định lâu nay là Argentina, với việc đồng peso mất giá 15% so với đồng USD và thị trường chứng khoán giảm mạnh.

Cục diện của nước lớn tại Trung Đông như Ai Cập, gần đây cũng gặp nhiều bất ổn. Chỉ số chứng khoán EGX 30 của nước này suy giảm 11%, phá hủy toàn bộ lợi nhuận thu được từ đầu năm 2019 đến nay, các nhà đầu tư chay ra nước ngoài. Tình trạng rối ren ở Ai Cập đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế chính trị nhiều nước ở Trung Đông.

Đối với các nước ở Bắc bán cầu, mùa đông sắp đến. Một số phân tích của báo chí liên quan đến tài chính quốc tế cho thấy trong sự ảm đạm của kinh tế thế giới và bóng đen của thương mại toàn cầu, bất kỳ quốc gia nào muốn tránh rủi ro hay đòi hỏi tăng trường đều không phải là việc dễ dàng. Xung đột kinh tế, thương mại, chưa bao giờ là cách tốt để cùng phát triển.

Huy Thông (tổng hợp)
.
.