Tranh của Bùi Giáng

Thứ Tư, 03/04/2019, 14:45
So với những người ái mộ chỉ sưu tập được những gọng kính gãy hay chiếc giường cũ của cố thi sĩ nhiều giai thoại Bùi Giáng (1926-1998), thì anh Nguyễn Thanh Hoài và họa sĩ Phạm Cung may mắn hơn nhiều. Đó là họ được sở hữu những bức tranh được Bùi thi sĩ vẽ bằng màu nước, bút bi hay bút lông trong những phút “ngẫu nhĩ xuất thần”.


"Bùi họa sĩ" trong mắt Du Tử Lê

Năm 1964, nhà thơ Du Tử Lê đã viết cuốn “Năm Sắc Diện, Năm Định Mệnh” có loạt bài về Bùi Gíang với nhiều đoạn về Bùi họa sĩ khá thú vị. Theo đó, ngoài con người văn chương thơ phú, Bùi Giáng còn là một họa sĩ chuyên vẽ tranh màu nước loại trừu tượng.

Ở khía cạnh này, dễ có ít người biết, mặc dù rất nhiều họa sĩ tên tuổi từng tỏ ý thán phục tranh của ông thì riêng tòa đại sứ Đức đã điều đình mua một số tranh của ông với giá cao… Nhưng ông từ chối, và, chỉ tặng cho tòa đại sứ Đức một bức.

Và đây là quang cảnh trong căn phòng thuê của Bùi Giáng: "Lợi dụng lúc chờ đợi, tôi mượn một ngọn nến soi sáng chỗ làm việc của họ Bùi. Nếu không có chiếc “đi-văng” nhỏ kê sát tường và, đống quần áo vứt bừa bãi trên chiếc giá sách hỏng, trên cả bàn viết, lẫn lộn cùng những chồng sách cao ngút, chắc tôi sẽ có cảm tưởng gian nhà của Bùi Giáng là một phòng bán sách cũ. Bởi chung quanh phòng, những giá sách cao gần sát trần, chất đầy sách đủ loại, cả những chồng sách để ngay ở dưới sàn nhà, lẫn lộn cùng những khung tranh ông vẽ từ mấy năm nay.

Bùi Giáng (phải) và các thân hữu.

Chiếc đi-văng, giường ngủ của Bùi Giáng, cũng được dùng để chứa sách. Ông chỉ chừa lại một khoảng nhỏ đủ để đặt lưng. Trên đầu đi-văng, có 2 mẩu nến cháy dở. Hỏi ra mới biết ông có thói quen dùng đèn cầy đọc sách, bất cứ ngày hay đêm (mặc dù nhà có điện). Ông còn thích bỏ màn suốt ngày. Ông từng tiết lộ với bà chủ nhà rằng, ông làm như vậy, để bạn bè đến thấy không có chỗ ngồi, sẽ rời đi sớm.

Bà chủ nhà kể thêm:“Ông ấy không bao giờ giặt quần áo! Mặc bộ này chán rồi thay ra, mặc bộ khác vào. Cứ thế, xoay tua. Từ vòng này qua vòng khác…”.

Trong căn phòng, tôi ước lượng cũng có tới cả 100 bức tranh to, nhỏ đủ loại. Đa số là những chân dung tưởng tượng.Những khuôn mặt người rách nát đau thương… Như họa sĩ  Trần Quốc Túy bạn tôi cho biết thì khi vẽ, bao giờ ông cũng mặc quần áo chỉnh tề, thắt cravat, nhưng chân lại đi… dép. Ông vẽ rất nhanh, đường cọ đi rất mạnh bạo. Không phác trước… Bạn tôi nói, ông vẽ tranh nhanh như làm thơ vậy.

“Tranh của ông ấy, nếu có mang một giá trị, hay sức quyến rũ nào đó, (dù ông không hề theo học một lớp hội họa cũng như không hề nhờ ai chỉ dẫn) có lẽ vì nó là kết quả của những suy nghiệm, những ray rứt, dày vò tâm thức ông từ quá khứ. Nên trong những giây phút xuất thần, cây cọ của ông phóng đi với những đường nét bất ngờ, mê hoặc…”.

Thời gian này, Bùi Giáng ham mê nhất là khi vẽ chân dung nhà bác học Einstein và nữ nghệ sĩ Kim Cương. Với hai khuôn mặt ấy, ông vẽ đi vẽ lại cả chục lần không chán. Trên tấm kính của mấy tủ sách, tôi cũng thấy dán hình hai nghệ sĩ Kim Cương và Thẩm Thúy Hằng. Không biết ông lấy phụ bản từ tờ báo nào!".

Còn lại hơn 40 bức tranh

Là cháu rể vừa là người gắn bó, chăm sóc Bùi Giáng trong 13 năm cuối đời, anh Nguyễn Thanh Hoài được sở hữu tất cả bản thảo, kèm theo gần 20 bức tranh, băng ghi âm và cả…sổ nợ của Bùi thi sĩ. Tranh mà anh Hoài giữ hầu hết được Bùi Giáng vẽ bằng bút bi, bút mực, ít tranh có tựa đề và chủ yếu là từ năm 1992 trở về sau.

Bức “Lão Từ Hải thất vọng”.

Trong khi đó, họa sĩ Phạm Cung lưu giữ được hơn 20 bức tranh do Bùi Giáng vẽ từ năm 1982 đến 1994. Những bức tranh này chủ yếu vẽ bằng màu nước hoặc bút bi trên giấy khổ A4. Bùi Giáng thường tới nhà Phạm Cung ngồi chơi uống rượu xem Phạm Cung vẽ tranh rồi ngẫu hứng lấy cọ, màu, giấy và bắt đầu vẽ. Giấy để vẽ đa phần là giấy phế liệu do Phạm Cung lúc ấy quá nghèo, không mua được giấy trắng, tốt.

Vợ họa sĩ Phạm Cung lúc ấy buôn bán trà nên ông đã lấy những tờ giấy gói trà màu vàng, ủi phẳng, xếp ngay ngắn dành cho Bùi Giáng. Bùi thi sĩ vẽ rất say mê, khi hết màu nước, ông chuyển sang vẽ bằng bút bi. Cũng như anh Hoài, họa sĩ Phạm Cung trân trọng xếp cất những bức tranh mà Bùi thi sĩ vẽ xong, trong khi tác giả của nó thì lãng quên rất nhanh.

Phạm Cung cho biết, không phải ông đánh giá cao về đường nét hay sắc màu trong tranh Bùi Giáng. “Tôi quý tranh của anh Bùi Giáng vì những câu thơ anh đề trên tranh, đề tài và cách đặt tên rất… Bùi Giáng. Như “Lùa bò vào Hy Lạp mù sương”, “Chân dung người điên”, “Lão Từ Hải thất vọng”, “Chó thuốc”, “Bò khát bia”… Chẳng hạn bức “Người cưỡi ngựa hộc máu” thì không biết là người hộc máu hay ngựa hộc máu?”.

Bức “Lão Từ Hải thất vọng” được Bùi Giáng vẽ vào năm 1982 với chân dung một người đàn ông râu tóc bờm xờm, phía sau là đầu con ngựa, kèm theo 2 câu thơ: “Đêm nay nhớ lại Kiều nhi/ Mới hay không phải tử thi của Kiều”.

Bức “Chân dung”.

Phạm Cung  cho rằng Từ Hải ở đây cũng chính là Bùi Giáng vẽ mình. Bức “Chó hút thuốc” cũng được vẽ vào năm 1982. “Khi đó tui mời anh Bùi Giáng một điếu xì gà do người quen của tui cho, anh đưa lên mũi ngửi tới ngửi lui rồi vẽ thành bức “Chó hút thuốc”, giải thích: Chó còn thèm hút thuốc huống gì là tao”(!).

Họa sĩ Phạm Cung cũng đánh giá cao cái thần của bức “Chân dung” do Bùi thi sĩ ngẫu hứng tự họa khi xem chân dung mình qua nét cọ của Phạm Cung vào năm 1994. Sau đó, Bùi Giáng vẽ thêm bức “Chân dung người điên” với hai con mắt to buồn như lời thơ ông: “Bây giờ riêng đối diện tôi/ Còn hai con mắt khóc người một con”.

Theo lời các ông Bùi Vịnh, Bùi Bảy - vai em của Bùi Giáng, và Giáo sư Vũ Ky - thầy của Bùi Giáng, thì Bùi Giáng vào Sài Gòn dạy học, làm thơ, viết sách và vẽ tranh từ năm 1952. Nhưng hiện nay, xưa nhất chỉ còn lại bức tranh sơn dầu “Quê chàng là Ithaque” do Bùi thi sĩ vẽ vào năm 1963, thuộc sở hữu của nhà thơ Ngô Văn Tao.

Bức tranh với 3 gam màu vàng, đỏ và đen, vẽ một chàng thi sĩ tóc bềnh bồng ngồi trên cỗ xe song mã. Nhà thư pháp Hồ Công Khanh ở Đà Nẵng, hiện đang sở hữu bức “Chân dung tự họa” của Bùi thi sĩ vẽ xuất thần trong triển lãm tranh của họa sĩ Đinh Cường, mà anh mua lại được với giá 1.500USD.

“Điên cho nhẹ người”

Bùi Giáng có điện hay không? Từ lúc còn sống cho nay, đến khi Bùi Giáng qua đời đã 11 năm, việc ông có thật sự điên hay không vẫn còn là một câu hỏi và làm tốn biết bao giấy mực của báo giới bởi cách sinh hoạt, cách lập ngôn… của ông đều khác với người thường, để lại nhiều giai thoại.

Bức “Lùa bò vào Hy Lạp mù sương”.

Nhiều lần đến thăm ngôi nhà cũ mà Bùi Giáng ở những năm cuối đời tại số 482//35/5 Lê Quang Định, phường 11, quận Bình Thạnh, TP -HCM, chúng tôi được anh Nguyễn Thanh Hoài kể nhiều về Bùi thi sĩ. Ông có thói quen dậy rất sớm vì cho rằng thanh khí đất trời dồn tụ vào sáng sớm mà không hưởng thì uổng lắm. Đi uống cà phê, ông luôn chọn quán cóc, quán nghèo để còn “giúp người ta”.

Đến đâu ông cũng nhặt lượm những đồ phế thải để về cho những cô bán ve chai và nói rằng giá trị các cô ấy không thua kém gì các diễn viên nổi tiếng như Brigitte Bardot hay Marilyn Monroe...

Vào những năm 1994, 1995, khi các tòa soạn Thanh niên, Tuổi trẻ đến đặt ông viết thơ đăng báo xuân, ông từ chối vì “để dành đất cho lớp nhà thơ trẻ”.

Có lần anh Hoài hỏi ông: “Ai cũng nghĩ bác “điên” nhưng cháu thấy bác còn tỉnh táo và khôn hơn người ta cả trăm lần. Bác điên thật hay giỡn?” Ông đáp: “Tao là con trai cả trong nhà, nên mọi chuyện trong nhà tụi nó đều bắt tao phải đứng ra giải quyết, nên tao điên cho nhẹ người. Vì vô lẽ ăn rồi cứ đứng ra giải quyết ba chuyện trời ơi, đã điên thì làm sao mà đứng ra giải hoà cho được”. Lần khác ông nói, nếu cứ bận rộn chuyện gia đình, cơm áo thì không thể nào “đi vào cõi thơ” được.

Nhiều lần đang uống cà phê với anh Hoài, ông nói: “Bây giờ tao muốn điên một chút”, rồi đứng lên chạy ra ngã tư làm cảnh sát giao thông, la hét một hồi rồi trở về chỗ cũ. Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ kể rằng có lần Bùi Giáng nói: “Trẫm ghiền điên từ lâu rồi”.

Bùi Giáng hiển nhiên cũng biết việc nhiều người tranh cãi với nhau rằng ông có điên hay là không điên. Ông đã tự viết về mình: “Nó điên? Vâng, nhưng điên một cách vui vẻ. Bạ đâu gọi đó là mẫu thân bát ngát của con. Người ta bảo rằng nó không điên. Có kẻ bảo rằng nó giả vờ điên. Muốn biết nó điên hay không điên, hay giả vờ điên, thì trước hết phải đáp vào câu hỏi: Sao gọi là điên? Nhưng mà? Nhưng mà đó là một câu hỏi chưa hề có một lời giải đáp dưới gầm trời và suốt xưa nay vậy”. Thơ ông có câu “Thưa em, ngôn ngữ quặt què/ Làm sao nói hết nghiệp nghề người điên”… Thái độ của ông khiến người ta càng phân vân, không biết ông điên thật hay điên giả?

Nhưng có một sự thật: Bùi Giáng từng là bệnh nhân tâm thần hẳn hoi. Năm 1965 ông bị hỏa hoạn thiêu cháy hết toàn bộ sách vở quý hiếm, một số tranh và nhiều bản thảo. Điều này khiến ông bị sốc nặng và năm 1969 người thân của ông phải đưa ông vào Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa để chữa trị.

Nhà văn Cung Tích Biền kể rằng: “Từ nhà thương điên trở ra, bữa gặp nhau thấy ông rất tỉnh. Bèn hỏi: “Nhà thương Biên Hòa trị cái tẩu hỏa hay nhỉ!”. Ông trả lời tỉnh queo: “Chữa trị quái gì đâu. Chẳng là ở ngoài mình thấy mình điên số một, khi vô nhà thương điên mới hiểu ra mình là đồ bỏ, là điên nhí, điên tiểu thủ công nghiệp; trong nhà thương điên nhiều cha điên thượng thừa, điên vĩ đại hơn mình nhiều. Do vậy mà mình tự động… thôi điên”. Trong bản tự khai của mình, Bùi Giáng viết: “…Năm 1969 bắt đầu điên rực rỡ…Năm 1971, 75, 93 điên rồ lừng lẫy, chết đi sống lại vẻ vang”. Nghệ sĩ Kim Cương kể: “Ảnh điên mà “trí thức” lắm. Có lần kính bị bể 1 tròng, tôi muốn mua cho kính mới, ảnh nói: “Thôi cô, nhìn đời bằng một con là đủ rồi!”.

Hàn Phong
.
.