Tranh giả, tranh chép tràn lan
“Vườn chuối” của họa sĩ Nguyễn Sáng, “Ba cô gái” của Dương Bích Liên, “Đường phố Hà Nội” của Bùi Xuân Phái... đều bị các nhà phê bình, họa sĩ cho rằng nét vẽ khá thô sơ, vụng về so với tài năng của các danh họa. Đây là những bức tranh do ông Vũ Xuân Chung mua từ ông Jean-Francois Hubert (người Pháp) - chuyên gia cao cấp về nghệ thuật Việt Nam và châu Á của hãng đấu giá Christies Hong Kong.
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cho hay: “Tôi biết Vũ Xuân Chung từ rất lâu. Cậu ấy là dân buôn bán chứ không am hiểu nhiều về tranh. Khi sắp mở triển lãm, Chung mời xem ảnh chụp một số bức tranh có dấu xác nhận mua từ nước ngoài về. Dù thấy cậu ấy rất tự tin, đưa ra đủ giấy tờ xác nhận hẳn hoi nhưng tôi cũng nói thật với cậu ấy là mình cảm thấy nhiều bức không thật. Chung không nghe và vẫn tổ chức triển lãm nên mới xảy ra cơ sự”.
Cũng tại triển lãm này, họa sĩ Thành Chương lên tiếng bức tranh “Trừu tượng” ký tên họa sĩ Tạ Tỵ là của mình. Ông cho biết bức tranh được sáng tác năm 1971, vẽ người bạn gái Kim Anh theo trường phái lập thể. Ông cũng đưa ra bản phác thảo bức tranh được cất giữ kỹ bấy lâu nay để chứng minh.
Riêng bức ảnh cũ chụp tại Hà Nội năm 1972, trong ảnh là họa sĩ Bùi Xuân Phái cùng ba người bạn, phía sau là cánh cửa gỗ có treo bức tranh “Trừu tượng” được ông Jean-Francois Hubert cung cấp cho báo chí nhằm chứng minh bức tranh là của Tạ Tỵ đã bị nhiều người cho là cắt ghép vụng về. Bức tranh thẳng thớm trong khi cánh cửa hơi nghiêng. Vụ việc càng rõ ràng khi gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái cung cấp bức ảnh gốc không hề có bức tranh trên cánh cửa. Nhiều người phỏng đoán ai đó đã xóa tên Thành Chương đi và ghi tên cố danh họa Tạ Tỵ vào để bán được giá.
Còn họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, chị gái họa sĩ Thành Chương, nói: “Xem tranh, tôi sững người và cảm giác nó rất quen thuộc. Người trong tranh rất giống cô Kim Anh. Tôi không nhớ rõ vì bức tranh này được vẽ cách đây mấy chục năm nên chỉ ngờ ngợ. Nhưng tôi đã xem một số tranh của Tạ Tỵ, tôi chưa nhìn thấy ông vẽ theo kiểu này”.
Ngày 19-7, một hội đồng chuyên môn gồm các họa sĩ lão làng, lãnh đạo các cơ quan hữu trách được thành lập để thẩm định các tranh trên. Có mặt trong hội đồng này, họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mĩ thuật TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm: “Bảo tàng có quyền triển lãm bất kỳ tranh của ai miễn là được cho phép. Nhưng bộ sưu tập này có rất nhiều tranh của bậc thầy Việt Nam nên lẽ ra trước khi triển lãm, Bảo tàng phải xem xét kỹ. Giới chuyên môn chỉ cần nhìn qua là thấy các bức tranh không thể hiện đúng trình độ, tài năng của các cụ. Phòng tranh dỏm này không những làm mất uy tín của Bảo tàng mà còn bôi bác các danh họa, tăng thêm sự mất uy tín của thị trường mỹ thuật Việt Nam vốn đã xuống cấp khủng khiếp”.
Vụ việc được xem như “giọt nước tràn ly” cho vấn nạn tranh giả tồn tại dai dẳng ở Việt Nam. Hồi tháng 5, tại một cuộc đấu giá ở Paris, bức “Thiếu nữ uống trà” được cho là của Vũ Cao Đàm và bức “Ra chơi” được cho là của Mai Trung Thứ bị tố là tranh giả. So sánh hai bức với bức gốc, dễ dàng nhận thấy sự sao chép kém cỏi, hời hợt.
Bức “Ba cô gái” của họa sĩ Dương Bích Liên là một trong số 15 bức tại triển lãm bị cho là tranh giả. |
Chẳng hạn bức “Thiếu nữ uống trà” giả mạo bị giới chuyên môn phát hiện ngay khi nhìn vào bố cục. Trong bức tranh gốc, Vũ Cao Đàm vẽ bốn cô gái ngồi quây quần bốn góc khá hài hòa. Thế nhưng ở bức tranh giả, vị trí ngồi của các cô bị xáo trộn, hai cô ở giữa như tranh nhau chỗ ngồi, nhìn rất bất hợp lý. Phong cảnh ngoài cửa sổ cũng vẽ qua loa chứ không có cảnh núi non, con đường uốn lượn đầy tinh tế như tranh thật.
“Mắc lỡm” lần này lại là nhà đấu giá Auction.fr. tiếng tăm, có đội ngũ thẩm định, cố vấn nhiều kinh nghiệm. Tranh ta sang trời Tây còn “qua mặt” như thế thì đâu khó “gài bẫy” thị trường nội địa vốn èo uột với kiểu bán dấm dúi, ít đấu giá công khai và nguồn nhân lực, máy móc giám định còn hạn chế.
Giới họa sĩ thừa nhận rằng cũng có chuyện các danh họa tự chép tranh của mình nhưng đó là do biến cố lịch sử, do yêu cầu của thời cuộc. Thời chiến tranh, nhiều tranh quý cần phải được lưu giữ cẩn thận, tránh hư hại nên khi đi trưng bày, triển lãm, không hiếm chuyện bảo tàng nhờ họa sĩ chép lại tranh của chính mình dù biết chất lượng sẽ không thể nào bằng bức gốc. Ở những bức tranh này thường phải có đánh dấu là phiên bản hai. Loạn lạc, các bức tranh chép không được quản lý kỹ lưỡng dẫn đến dễ bị tuồn ra bên ngoài...
Bây giờ, các tiệm chép tranh ở Việt Nam mọc lên tràn lan, sẵn sàng chép tranh khi khách có yêu cầu mà không hề đoái hoài đến ý kiến tác giả. Nếu mua ở gallery (phòng trưng bày tranh, tượng nghệ thuật) và được quảng cáo là tranh thật thì người mua cũng không tài nào phân biệt khi thiếu trình độ. Hiện nay, họa sĩ phụ thuộc vào gallery. Một số không ngại chép tranh của mình vì chúng bán chạy. Có vậy họ mới tồn tại ở gallery.
Nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định cũng có nhiều tranh bị chép. Ông ngán ngẩm: “Họ chép thì còn đỡ vì phải bỏ công sức, chứ lấy từ trên mạng xuống rồi bung hình in ra làm nhòe hết thì còn thảm hơn”. Từ chuyện chép tranh tràn lan, thiếu kiểm soát dẫn đến chuyện tranh giả là tất yếu. Tranh giả tập trung chủ yếu vào các danh họa vì bán được giá. Người mua không cần biết tác phẩm vẽ gì mà chỉ cần nhìn tên họa sĩ.
Chúng ta rất tự hào vì hiếm có nước nào được những 3 bộ tứ như hội họa Việt Nam: Trí - Lân - Vân - Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn); Nghiêm - Liên - Sáng - Phái (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái) và Phổ - Thứ - Lựu- Đàm (Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm). Nhưng những quả lừa đắng chát đã khiến tranh Việt chưa bao giờ chạm ngưỡng 1 triệu đô la trên sàn đấu giá quốc tế trong khi nhiều nước không có bề dày như chúng ta đã và đang vượt lên.
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền: Tranh giả đang làm xấu nền mỹ thuật Việt Nam Cách đây hơn 10 năm, khi Hãng đấu giá Christies Hong Kong lần đầu tiên tổ chức đấu giá tranh của các họa sĩ Việt tại Việt Nam, giám đốc hãng đề nghị tôi thẩm định hai bức. Xem tranh, tôi nói: bức tranh của Bùi Xuân Phái là giả vì bức này hiện nằm ở bảo tàng trong nước. Phải công nhận người chép rất giỏi. Bức thứ hai là của bác Nguyễn Sáng thì tôi có thể khẳng định 90% là tranh giả. Tôi không cam đoan 100% vì không phải là máy móc mà đo lường hết. Các bác này là thầy của tôi, suốt ngày tôi đến nhà để xem các bác vẽ. Đường nét, phong cách của các bác, tôi rất thuộc. Bác Nguyễn Sáng thường vẽ những nét rất mạnh, dứt khoát, không có run rẩy, ngắt quãng. Dù có lúc bác cầm đầu bút sát ngón tay và đưa nét nhìn có vẻ chậm nhưng xong thì vẫn thấy một nét rất mạnh. Cách vẽ đôi mắt, đôi tay này không phải là của bác Sáng. Nhưng khi ra Hà Nội thì đại diện của Christies được rất nhiều nhà sưu tập có tiếng trong đó có ông Hà Thúc Cần cam đoan là tranh thật. Christies tự tin cho đấu giá. Tranh bán xong thì dư luận ầm ĩ nên hãng buộc phải hoàn tiền cho người ta. Tôi nghĩ có thể Vũ Xuân Chung cũng là nạn nhân vì người thầy Hà Thúc Cần, người truyền niềm đam mê sưu tập tranh cho Chung, là nhà sưu tập lão luyện cũng có lúc nhìn nhầm. Vấn đề trong vụ này không phải là chúng ta “đánh” cậu ấy mà phải đánh động và diệt trừ những đường dây ngầm đã và đang cho ra đời ồ ạt tranh giả làm lũng đoạn thị trường mỹ thuật bấy lâu nay. Có người mua tranh thật về cất rồi chép làm tranh giả để bán vì rất nhiều tiền. Ngoài kẻ gian hám lợi thì họa sĩ tự chép tranh của mình cũng là chuyện thường. Chẳng hạn các cụ ngày xưa chép tranh sơn dầu sang sơn mài. Tôi cũng có lúc từng chuyển một bức sơn dầu của mình sang chất liệu sơn mài. Nhưng vẽ một bức mà chép ra hẳn 25 bức y chang nhau xếp đầy dưới sàn nhà thì đến người mua cũng chết dở. Tôi từng được Hội Mĩ thuật TP Hồ Chí Minh bầu vào hội đồng xác nhận tranh thật hay tranh giả. Có ông người Hàn Quốc đến mang một số tranh và quyển sách in số tranh của các danh họa Việt Nam mà ông ấy đã mua cả mấy trăm ngàn đô la để nhờ tôi xác nhận. Tôi xem xong thì lặng cả người vì không thể hạ bút ký xác nhận vào bức tranh nào. Có ông khác mua tranh của Tạ Tỵ, mua một bức lại thấy bức thứ hai giống y hệt, ông mua tiếp vì nghĩ bụng trong số các bức giả kiểu gì cũng có bức thật. Mua đến bức thứ 6 thì lại có tiếp bức giống y hệt. Ông nản quá, xin đầu hàng. Trong cuộc triển lãm mừng sinh nhật danh họa Marc Chagall, nhiều bức tranh của ông trên khắp thế giới được trưng bày. Ông phát hiện một bức tranh của mình là tranh chép. Thủ phạm bị phạt 6 tháng tù. Ngay khi ra tù, hắn bảo vẫn chép tranh vì rất thích tranh Marc Chagall. Vậy là có quy định: tranh chép phải có kích thước khác với bản gốc và phải ghi rõ trên tranh “đây là tranh chép”. Ngoài ra, họa sĩ đã qua đời 50 năm thì người khác mới được phép chép và cũng phải tuân thủ nguyên tắc trên. Một thời gian hội họa Việt được đánh giá rất cao nhưng giờ nó chững lại. Tranh giả và tranh chép nhiễu loạn khiến người mua, giới sưu tập mất niềm tin. Hội họa vô giá vì độc bản thì ta đã phá vỡ tính độc bản ấy. Tranh nghệ thuật chưa được sự quan tâm đúng mức của nhà nước. Sự quản lý và luật pháp còn lỏng lẻo. Nếu tranh nghệ thuật của Việt Nam có con đường đi nghiêm túc thì chắc chắn nó có thể sánh ngang, thậm chí vượt bậc so với các nước trong khu vực. Quỳnh Nga (ghi) |
Trung Quốc: Tranh sao chép không còn chỗ đứng Ngôi làng Dafen (Trung Quốc) từng được coi là công xưởng sản xuất tranh chép của thế giới khi có lúc nơi đây cung ứng 60% sản lượng tranh chép toàn cầu. Tuy nhiên, thị trường hiện nay gần như đã bão hòa, không còn nhiều người thích những bức tranh chép rẻ tiền như vậy nữa. Có thể nói làng chép tranh khổng lồ Dafen đang đứng trước những sự lựa chọn mới không hề dễ dàng: Thay đổi cách thức vẽ tranh từ sao chép lại các bức họa của các danh họa nổi tiếng đến tự vẽ những bức tranh mới phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Những đòi hỏi này từ thực tế khách quan, nếu không tự đổi mới, làng nghề sẽ không thể tồn tại được nữa. Dafen là một làng chài thuần nông cho đến năm 1989 khi Huang Jiang, một doanh nhân người Hồng Kông, bậc thầy về tranh chép đến ngôi làng này cùng 20 họa sĩ khác. Chi phí rẻ và rất gần Hồng Kông là một lợi thế. Ông đã bán được vài chục bức tranh sao chép mỗi tháng cho người nước ngoài, hầu hết là người Mỹ và châu Âu. Khi biết tiềm năng của thị trường, ông đã dạy nghề cho những họa sĩ từ nhiều nơi đến ngôi làng. Những năm qua, nhu cầu tranh chép tăng vọt nên Huang làm ăn rất phát đạt. Sinh viên tốt nghiệp từ các học viện nghệ thuật Trung Quốc đổ xô đến Dafen, họ được đào tạo từ 3 đến 6 tháng để có thể vẽ đến 20 “kiệt tác” một ngày. Mỗi bức tranh ở đây có giá từ vài đô la đến vài trăm đô la. Họ không sợ vi phạm bản quyền tác giả với lập luận rằng “các tác phẩm gốc đều là tác phẩm của công chúng vì nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm này đã chết trên 70 năm”(?!). Giờ đây, trước tình hình khách hàng nước ngoài ngày càng ít đi, các họa sĩ lại nhắm đến đối tượng khách hàng trong nước, họ vẽ những bức tranh sống động về phong cảnh, truyền thống, những bức chân dung đầy màu sắc. Các họa sĩ ở đây cũng dành nhiều thời gian hơn cho công việc của họ. Thay vì ra lò 15 bức tranh chép mỗi ngày, họ tập trung sáng tác thật sự và bán với giá cao. Các bảo tàng địa phương giới thiệu tranh trưng bày của nhiều họa sĩ tài năng mới, những bức tranh được đề cao. Lin Jinghong, chủ cửa hàng tranh HongYi, một cửa hàng nhỏ có bày bán những bức tranh ngựa cho biết, tranh của ông phần lớn bán cho khách du lịch và xuất khẩu sang Nga khá tốt và “hiện vẫn còn nhiều cơ hội ở đây”. Nhưng ông lo ngại rằng việc cải tiến công nghệ in ấn một ngày nào đó có thể làm mất cơ hội kinh doanh của ông. Tuy nhiên, Liu Yaming, một người bán tranh ở Dafen 17 năm nay, cho biết ông rất lạc quan về tương lai của làng: “Một số nghệ sĩ rất sáng tạo và thị trường sẽ chấp nhận họ”. Ông lưu ý rằng: “Hầu hết các bức tranh ở Dafen, đặc biệt là những bức tranh có chất lượng tốt, không được tạo ra từ dây chuyền, chúng là sản phẩm của các cá nhân”. “Qua 10 hay 20 năm nữa, mọi người sẽ thích nghi dần và ngôi làng sẽ không biến mất”. Lương Lan (theo LA times) |