Tranh sóng giờ vàng trên truyền hình – Nhà đài “nhịn miệng” đãi khách

Thứ Hai, 15/12/2014, 11:25
Giờ vàng được ví như một mảnh đất chật ở con phố hốt bạc nên ai cũng muốn chiếm. Sự giẫm đạp, chen lấn xô đẩy là điều không thể tránh khỏi và lắm lúc phạm quy. Phim được chiếu trong khung giờ vàng các ngày trong tuần, các chương trình truyền hình thực tế lên sóng vào giờ vàng ngày cuối tuần đều do nhà đài đã “nhượng” lại cho tư nhân. Để đến nỗi ngay chương trình của bản thân nhà đài lại lùi vào mảnh đất khác, ít người nhòm ngó vì nằm trong góc khuất.

Việc nhà đài “nhịn miệng” đãi khách thể hiện tính vô cùng cởi mở với khách. Và đương nhiên vị khách ấy phải là khách sộp. Người Mỹ có câu: “Ai trả giá cao, thì cái đấy sẽ là của bạn”, câu nói thật đúng trong trường hợp này.

Ai trả giá cao thì cái đấy sẽ là của bạn?

"Giờ vàng" đương nhiên là tốt hơn "giờ bạc", "giờ đồng". Các vận động viên đi thi người nào cũng chỉ mong muốn giành được huy chương vàng, bị đẩy xuống thứ hạng bạc hay đồng sẽ ít người nhòm ngó, và đôi khi nó sẽ chìm vào quên lãng. Mà ở đời đã là cuộc thi, thì ai cũng muốn tranh nhau về nhất, bỏ lại địch thủ ở phía sau. Thế nên mới có cuộc đua tài để tranh giải vàng, giờ vàng. Mà đã là cuộc đua thì cũng có đúng luật và phạm luật. Nhưng chẳng phải cuộc đua nào cũng công tâm và có tính chính xác. Giờ vàng là khung giờ thu hút khán giả nhiều nhất, và bất kỳ một nhà sản xuất dù là phim truyền hình hay các gameshow đều tranh nhau muốn được sở hữu "giờ vàng". Thực đơn chỉ có một mà nhiều người muốn mua vậy ai trả giá cao thì cái đấy sẽ là của bạn.  

Mấy năm trở lại đây, truyền hình thực tế là thực đơn không thể thiếu với mọi nhà, phải nói nó khá phong phú, đa dạng và vô cùng nhiều mẫu mã, từ những chương trình Giọng hát Việt nhí,  Giọng hát Việt, Nhân tố bí ẩn, Cặp đôi hoàn hảo, Gương mặt thân quen, Vua đầu bếp, Việt Nam Idol, Tôi tỏa sáng, Cuộc đua kỳ thú, Project Runway, Vietnam’s Next Top Model, Vietnam’s Got Talent… Các chương trình liên tục gối nhau.


Trong đó có không ít chương trình được cho là khá hấp dẫn bởi tính mới lạ và nhiều chiêu trò. Chương trình càng gây ấn tượng, càng thu hút được lượng khán giả chú ý bao nhiêu sẽ bán được nhiều hợp đồng quảng cáo để thu lợi nhuận. Và lợi nhuận này sẽ rơi vào tay chủ "buôn đất" - không ai khác chính là nhà đài. Và để bán đất cũng sẽ có cò đất, nhưng tỉ lệ ăn chia phần trăm của cò sẽ ít hơn rất nhiều chủ đất. Nhà sản xuất phim, các công ty truyền thông tư nhân ngoài việc bảo đảm về yếu tố chất lượng còn phải có một phòng ban chuyên đi chạy quảng cáo cho chương trình của mình đang phát sóng. Nhiều khi, người ta đánh giá sự thành công của một bộ phim hay một chương trình truyền hình thực tế bằng cách xem thời lượng quảng cáo, và định giá quảng cáo trong chương trình ấy có số tiền là bao nhiêu? Giá quảng cáo vào giờ vàng trong chương trình Giọng hát Việt mùa đầu tiên trên VTV3 là 180 triệu cho 30 giây quảng cáo. Giá quảng cáo thời lượng 30 giây trong giờ phát sóng của chương trình Giọng hát Việt nhí năm nay lên đến con giá khủng là 300 triệu. Giá quảng cáo trong các chương trình truyền hình thực tế khác trong giờ vàng ngày cuối tuần trên kênh VTV3 đều trên 150 triệu trong 30 giây quảng cáo.

Đương nhiên VTV3 là khu đất vàng nên giá được đội lên cao chứ ở những kênh VTV khác của truyền hình giá rớt thê thảm. Ví dụ như: Cũng như ở khung giờ vàng trên VTV6 vào ngày Thứ bảy, Chủ nhật hằng tuần giá quảng cáo cũng chỉ ở mức 25 triệu đồng/30 giây.

Gameshow - Có hay không chuyện "cờ gian bạc lận"?

Phim hay các gameshow của chương trình truyền hình thực tế muốn hút khách để bán quảng cáo đều phải tạo ấn tượng mạnh cho khán giả. Tất nhiên nói đến hai từ ấn tượng thì cũng có ấn tượng tốt và ấn tượng xấu. Nhưng, chắc chắn chương trình đó phải có độ hot, gây tranh cãi, đủ thu hút thế là thắng. Vì thế cũng không ít những ì xèo của chương trình mang lại, cảnh nóng dung tục trên phim được ngang nhiên chiếu vào giờ vàng. Hay các gameshow cố tình tạo scandal để cho thêm phần rôm rả, hút khách. Câu kéo khán giả vào để bênh vực bình chọn nhắn tin cho thí sinh, nhưng cuối cùng quyền quyết định cũng vẫn là giám khảo hay thực chất là ban tổ chức?! Ầm ĩ chuyện dàn xếp kết quả của cuộc thi. Ca sĩ Phương Thanh đã từng bức xúc khi tham gia một chương trình truyền hình thực tế: "Theo tôi, sân chơi Bước nhảy hoàn vũ chỉ là ván cờ kéo rất dài giữa hai đại gia nhiều tiền: Ban tổ chức, nhà tài trợ và đại gia khán giả. Trong ván cờ này tôi chỉ là quân cờ thôi. Tại sao? Cũng số điểm cao, cũng có nhiều tin nhắn bình chọn nhưng người của khán giả lại không có quyền đi tiếp cuộc chơi. Đây chính là do cách tính riêng mà người ta vẫn nói là "Cờ gian bạc lận". Mình không có bằng chứng cụ thể nhưng chỉ cần nhìn vào cách chơi cờ là hiểu rồi". Sau tất cả các ì xèo trong và ngoài diễn đàn thì ban tổ chức luôn khẳng định họ trung thực nhưng không vì thế mà người ta không thể không đặt câu hỏi nghi vấn về độ trung thực của một số các chương trình truyền hình thực tế.

Trò lố của thí sinh trong chương trình truyền hình thực tế.

Trên thực tế có quá nhiều chương trình gameshow mà gần như tất cả đều mua bản quyền nước ngoài và người ta "đóng chai, đóng lọ", giữ nguyên tem mác bê nguyên xi lên sân khấu truyền hình. Tất cả sự ầm ĩ này thì ở các chương trình giải trí gameshow nước ngoài cũng đều đã có cả. Sự ồn ào của thí sinh và giám khảo, những câu nói châm chọc gây hiềm khích của vị giám khảo quyền năng, hay sự lên gân lên cốt cùng nhiều trò nhố nhăng của một vài thí sinh liệu có nằm trong kịch bản sẵn có?! Khi người ta được nhiều người biết đến cần 1 trong 2 điều kiện: hoặc tài năng thật sự, hoặc trò lố. Nếu không có tài năng, anh ta sẽ đi bằng trò lố. Những gì bất thường đều gây ấn tượng.

Ví dụ: Thí sinh quỳ bò van vái trên sân khấu truyền hình trước các vị giám khảo và hàng triệu khán giả truyền hình cốt chỉ để vào được vòng trong. Đó là trong chương trình Vietnam Idol Hoàng Quân (Quân Kun) đến từ khu vực phía Nam đã quỳ gối, chắp tay van xin giám khảo cho mình thêm cơ hội. Hành động gây sốc trên khiến sau này khán giả ấn tượng với chương trình và có người nghi ngại rằng sự quá trớn của anh chàng vô tình lại nằm trong một phần kế hoạch của Ban tổ chức?!

Những chương trình truyền hình thực tế của hãng truyền thông tư nhân phủ sóng giờ vàng trên truyền hình.

Những dị biệt gây nên sự khác biệt. Ở các gameshow không ít thì nhiều đang trong mùa thi đã có những gợn sóng, nào chuyện thí sinh có tình cảm với giám khảo, hay trong chương trình Bài hát yêu thích tháng 9 tại Nhà hát Hòa Bình, TP HCM, phát sóng trực tiếp trên VTV3 là màn tranh cãi nảy lửa, giữa hai vị giám khảo, một được gọi là đanh đá - đạo diễn Lê Hoàng và MC, nhà báo Trác Thúy Miêu đều cùng làm giám khảo, đây được coi là phát kiến mới của ban tổ chức. Để đến nỗi sau màn đối khẩu kịch liệt với đồng nghiệp thì nữ nhà báo này ở cuộc thi lần sau khi ngồi ở ghế giám khảo đã hùng dũng đội mũ bảo hiểm để sẵn sàng đỡ "gạch", "đá" từ dư luận. Nhưng, gì thì gì, dù to tiếng cãi nhau giữa Lê Hoàng và Trác Thúy Miêu thì cuộc đối thoại căng thẳng này cũng không hề nhạt, và nó chính là dư vị cho bàn tiệc thêm miếng khoái khẩu. Đây cũng là điều mong đợi trong kịch bản của nhà sản xuất chương trình?!

Càng gay cấn, nảy lửa, tỷ lệ thuận với việc càng hút khách. Càng hút khách càng bán được nhiều quảng cáo và quảng bá chương trình để nhiều người biết đến. Nhưng, cũng thực nực cười, ở  chương trình Bài hát yêu thích người ta không ấn tượng ca sĩ thể hiện hay nhạc sĩ tác giả của bài hát bằng một vị giám khảo được coi là mạnh miệng MC, nhà báo Trác Thúy Miêu thắng thế Lê Hoàng, người mà trước đến nay vẫn được tôn làm sư phụ đanh đá. Sau vụ xung đột ý kiến gay gắt giữa hai nhân vật đang cực hot trên truyền hình, ngay lập tức trên khắp diễn đàn cộng đồng mạng và ngoài đường, trong nhà lối xóm bình luận rôm rả, bàn tán sôi nổi về hai nhân vật đặc biệt này. Vì thế quảng cáo càng bán được rào rào?

Chèn ép con cưng, nhịn miệng đãi khách

Bước sang mùa thứ 10 của Sao Mai điểm hẹn là một trong những chương trình ruột của nhà đài, còn nhớ năm 2004 lần đầu tiên chương trình này lên sóng trên đài truyền hình đã gây được ấn tượng tốt, và từ đó nhiều gương mặt ngôi sao được tìm ra tại chương trình ca nhạc uy tín này như Tùng Dương, Hoàng Hải, Phương Linh, Phạm Anh Khoa… Đồng hành cùng khán giả 10 năm, Sao Mai điểm hẹn ngày càng bị lép vế so với các chương trình gameshow đang tung hoành khác của các hãng truyền thông tư nhân như Công ty truyền thông Cát Tiên Sa (Giọng hát Việt nhí, Nhân tố bí ẩn, Cặp đôi hoàn hảo…) và Công ty BHD (Vua đầu bếp, Vietnam Idol…) hay Đông Tây promotion đang làm mưa gió trên khung giờ vàng của VTV3 các ngày cuối tuần. Để đến nỗi đứa con cưng chương trình ca nhạc - Sao Mai điểm hẹn - bị chính cha mẹ "hắt hủi" nên được xếp lịch chiếu vào “giờ hiểm” 19 giờ trên VTV6. Giờ mà ai cũng muốn xem thời sự. Vì vậy, thí sinh dù hay dù dở ở chương trình này cũng ít được số đông khán giả nhòm ngó, thuộc mặt biết tên.

Nếu như ở các chương trình gameshow âm nhạc của các công ty truyền thông tư nhân liên tục thắng lớn cho ra những sao âm nhạc của giới trẻ như Văn Mai Hương, Uyên Linh trong chương trình Vietnam Idol, hoặc Hương Tràm (quán quân Giọng hát Việt mùa đầu tiên 2012),  Trúc Nhân cũng nổi lên từ cuộc thi The  Voice, hay Bùi Anh Tuấn cũng ấn tượng sâu đậm trong The Voice… Và nhiều thí sinh khác cũng trở thành hiện tượng âm nhạc thì thí sinh trong chương trình Sao Mai điểm hẹn 3 năm trở lại đây khá mờ nhạt bởi khán giả không có dịp để thưởng thức vì thiếu chiêu trò hấp dẫn lại thêm việc thay đổi lịch chiếu. Sao Mai điểm hẹn 2014 đã mất hẳn sóng giờ vàng trên kênh VTV lại còn bị quăng quật sau năm 2012 chuyển từ VTV3 sang VTV4. Vòng chung kết lên sóng vào 19 giờ trên VTV6.

Bằng chứng cho thấy, sóng giờ vàng trên VTV3  vào ngày cuối tuần đã được "mua đứt bán đoạn" cho các công ty truyền thông tư nhân; và đương nhiên ai mạnh kẻ đấy sẽ thắng. "Mạnh về gạo, bạo về tiền" quả không sai.

Mỹ Trân
.
.