Trao giải Cánh diều 2018: Rằng vui thì thật là vui...

Thứ Sáu, 19/04/2019, 12:10
“Nhìn vào danh sách phim điện ảnh dự giải năm nay, chúng tôi phấn khởi nhiều hơn là buồn. Mỗi phim mang một màu sắc khác nhau, đa dạng thể loại, đặc biệt phim “thảm họa” hoàn toàn vắng bóng” – PGS. TS Trần Luân Kim, Trưởng ban giám khảo hạng mục phim truyện điện ảnh nhận định.

Nhiều điểm sáng ấn tượng

Giải Cánh diều 2018 đã tìm được những chủ nhân cho ngôi vị cao nhất tại đêm trao giải 12-4 diễn ra ở Nhà hát Quân đội phía Nam, TP Hồ Chí Minh. Dù tôn vinh nhiều thể loại phim như phim truyện truyền hình, phim tài liệu, hoạt hình, phim ngắn… nhưng hạng mục phim truyện điện ảnh luôn được đông đảo khán giả mong chờ và quan tâm nhất. Bởi nó là nhân tố tiêu biểu để nhận diện nền điện ảnh trong nước.

Sự sôi nổi của phim Việt trong năm 2018 đã giúp giải Cánh diều năm nay hội tụ nhiều ứng viên sáng giá chứ không “vơ bèo vạt tép” hoặc “so bó đũa chọn cột cờ” như nhiều năm trước.

Năm nay, 14 phim điện ảnh tham gia tranh tài, gồm những cái tên từng gây sốt phòng vé như “Tháng năm rực rỡ”, “Siêu sao siêu ngố”, “Trạng Quỳnh”, “Chàng vợ của em”, “Hồn papa da con gái”… cũng như các bộ phim giàu sức tìm tòi, sáng tạo như “Người bất tử”, “Song lang”… Chung cuộc, “Chàng vợ của em” đánh bại “Song lang”, “Tháng năm rực rỡ” để giành giải Cánh diều vàng.

Đạo diễn Mai Hồng Phong (trái) và Đỗ Phú Hải nhận giải Cánh diều vàng cho phim “Quỳnh búp bê” và “Bên kia sông”.

Trước đây, chất lượng phim Việt trồi sụt, phim hài nhảm, kinh dị được dịp thắng thế. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho hay, tiếng cười trong phim Việt giờ đây rất duyên dáng, thú vị và đúng tình huống chứ không còn gượng ép, thọc lét khán giả như xưa. Phim ma cũng hoàn toàn vắng bóng. Theo bà, một thời gian dài, phim nội địa chạy theo dòng phim ma vì nghĩ nó dễ câu khách.

So với thế giới, phim Việt thường bắt chước motif quen thuộc. Hễ nhân vật đến ngôi nhà hoang là bắt đầu gặp ma hoặc chuyện kỳ quái. Các phim remake (làm lại kịch bản nước ngoài) cũng ít dần, nhường chỗ cho kịch bản thuần Việt.

PGS.TS Trần Luân Kim, Trưởng ban giám khảo hạng mục phim điện ảnh, nhận xét mỗi phim mang một vẻ, đa dạng đề tài, thể loại. Có phim lãng mạn nhẹ nhàng, có phim hài hước dân gian, có phim mang niềm hoài cổ… Trong số 14 phim, chỉ duy nhất một phim còn lúng túng khi xử lý vấn đề đưa ra, thể hiện theo kiểu cũ, dàn trải và lơ mơ.

“Điểm sáng của năm 2018 là các phim vẫn xem khán giả là trên hết nhưng lại không hề dễ dãi, tùy tiện. Đa phần các phim chỉn chu và hướng tới cái vui, cái đẹp. Điều này chứng tỏ nhà làm phim đã có nhiều cố gắng chăm chút chất lượng phim nhằm thỏa mãn công chúng” – ông nói.

“Chàng vợ của em” đoạt giải Cánh diều vàng.

Cũng theo PGS.TS Trần Luân Kim, nếu như trước đây, phim có doanh thu cao chưa chắc đã là phim hay như “Để mai tính 2”, “Tèo em”... vì thị hiếu khán giả còn xuề xòa, coi phim vui là chính thì năm nay đã chứng minh điều ngược lại. Những phim đông khách như “Chàng vợ của em”, “Tháng năm rực rỡ”, “Hai Phượng”… đều được giới phê bình đánh giá cao. Rất tiếc, mùa giải này lại thiếu vắng hai kỷ lục phòng vé mới là “Cua lại vợ bầu” (190 tỷ) và “Hai Phượng” (200 tỷ).

Phim hay đạt doanh thu “khủng” chứng tỏ thị hiếu, nhận thức thẩm mỹ của khán giả đã nâng cao đáng kể. Ban giám khảo giải Cánh diều cho biết chính nhờ điều này, họ có thể bắt đầu yên tâm coi doanh thu là một yếu tố quan trọng để đánh giá chất lượng phim.

Một số ưu điểm có thể thấy rõ là phim Việt giờ đây rất biết tận dụng sự tiến bộ của công nghệ và đầu tư công phu các yếu tố nghe nhìn. Góc máy lạ, hình ảnh nên thơ, đẹp mắt, âm thanh sống động không hề thua kém phim quốc tế. Nhịp điệu phim tốt, nhanh chứ không lê thê. Dạng phim có mặt nghệ sĩ ngôi sao để câu khách nhưng diễn xuất đơ, dở đã trở thành quá vãng.

Dàn diễn viên mới tinh nhưng rất hợp vai trong các phim như “Siêu sao siêu ngố”, “Chàng vợ của em”, “Song lang”, “Thạch thảo”… đã giúp nội dung phim truyền tải mạch lạc, cuốn hút người xem.

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát cho rằng sự xuất hiện của các phim khai thác tinh hoa văn hóa cha ông hoặc mang màu sắc dân tộc như “Song lang”, “Trạng Quỳnh”, “Người bất tử”… cũng là điều đáng trân trọng. Nếu “Song lang” khai thác về thời hoàng kim của nghệ thuật sân khấu cải lương thập niên 60-70 thì “Trạng Quỳnh” lại tập trung vào những giai thoại dân gian quen thuộc.

Riêng các phim có đề tài hiện đại thì phản ánh rất chân thực và sâu sắc đời sống xã hội công nghiệp hôm nay. Chẳng hạn như chùm phim về nữ giới như “Gái già lắm chiêu”, “Sếp tôi là nữ”, “Chàng vợ của em”… khẳng định vị trí xã hội ngày càng cao của người phụ nữ nhưng cũng cho thấy sự bận rộn đến nỗi họ quên chuyện tình duyên, chăm lo tổ ấm. Những hạt sạn vô lý thường gặp trong phim Việt cũng dần mất dấu. Đội ngũ làm phim khá chắc tay, có nền tảng chuyên nghiệp.

NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam đánh giá, nhiều năm qua, mảng phim truyền hình cũng có sự tiến bộ vượt bậc về mặt chất lượng lẫn sức hút công chúng. Nếu như những năm trước “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”, “Chiều ngang qua phố cũ”… khiến khán giả không ngừng tranh luận sôi nổi thì năm qua, phim truyền hình tiếp tục duy trì sức nóng.

Đặc biệt, sức nóng không chỉ dừng lại ở các phim của miền Bắc như “Quỳnh búp bê”, “Cả một đời ân oán” mà lan tận phim truyền hình trong Nam như “Gạo nếp gạo tẻ”, “Bên kia sông”, “Mộng phù hoa”…  Vì chất lượng ngang tài ngang sức nên giải Cánh diều vàng hạng mục phim truyền hình vinh danh cả hai tác phẩm: “Quỳnh búp bê” và “Bên kia sông”.

Đạo diễn Charlie Nguyễn nhận giải Đạo diễn xuất sắc cho phim “Chàng vợ của em”.

Giải trí vẫn đè bẹp nghệ thuật

Trong 14 phim điện ảnh tham gia tranh giải lần này chỉ có một phim là của nhà nước: “Nơi ta không thuộc về" của đạo diễn Đặng Thái Huyền (Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất). Riêng phim “Thạch thảo” do nhà nước kết hợp tư nhân. 12 phim còn lại đều thuộc tư nhân. Sự áp đảo của tư nhân trong nhiều năm liền, thậm chí có năm hoàn toàn vắng bóng phim nhà nước khiến các nhà chuyên môn lo lắng.

Nhà biên kịch Đoàn Tuấn cho rằng, chính vì nhà nước “thả” thị trường điện ảnh cho tư nhân nên thị trường này tràn ngập phim giải trí và rất hiếm hoi phim giàu giá trị nghệ thuật. “Song lang” là tác phẩm hiếm hoi giàu tính nghệ thuật dũng cảm cạnh tranh với phim thương mại. Ở phòng vé, dù được giới phê bình đánh giá cao, phim không mang lại doanh thu như mong đợi.

Kỳ vọng thắng lớn tại một sân chơi tôn vinh chuyên môn như giải Cánh diều của “Song lang” cũng hoàn toàn tan vỡ. Đứa con tinh thần của đạo diễn Leon Quang Lê chỉ dành giải bạc và được thêm niềm an ủi là diễn viên Liên Bỉnh Phát đoạt giải “Nam diễn viên chính xuất sắc”.

Tại các hạng mục quan trọng của giải Cánh diều 2018, phim giải trí thắng thế. “Chàng vợ của em” lập cú hattrick khi giành giải Cánh diều vàng, giải Đạo diễn xuất sắc cho Charlie Nguyễn và Nữ diễn viên phụ xuất sắc cho Thanh Trúc.

Kết quả như “Song lang” là điều mà các nhà làm phim đều thấm thía vì trước đây có vô số tiền lệ. Do đó, dù chất lượng phim Việt đã có nhiều thay đổi tích cực nhưng phần đông các phim vẫn duy trì mảng miếng hài pha chút ít lãng mạn, thanh xuân để dễ hút khách chứ ít phim mạo hiểm chọn lối đi riêng.

“Tuy nhiên, hài của chúng ta vẫn chỉ là hài để cười chứ chưa nâng tầm thành tiếng cười sâu sắc, châm biếm thâm thúy. Bởi xưa nay, cha ông ta rất giỏi ở việc lấy tiếng cười để châm biếm thói hư tật xấu của xã hội giúp người đời sửa mình. Bản thân các bộ phim bây giờ đều làm khá chắc tay, lấy được cảm xúc của người xem, tuy nhiên nhiều phim chỉ chú trọng cười cho vui, cho sảng khoái mà không biết tận dụng nó để nâng tầm ý nghĩa” – nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát tiếc nuối.

Các cụm rạp cũng hoàn toàn thuộc về ông lớn tư nhân, đặc biệt là của các tập đoàn nước ngoài. Nhà biên kịch Đoàn Tuấn dẫn chứng, trong khi Trung Quốc có 33 cụm rạp nằm trong tay nhà nước thì Việt Nam chỉ có một cụm rạp. Khi nhập phim họ cũng hạn chế phim ngoại còn chúng ta nhập ồ ạt. Năm qua, số phim ngoại nhập lên đến gần 300 phim. Trong số đó, đa phần là phim mang tính giải trí chứ rất ít phim nghệ thuật, mang cá tính sáng tạo riêng.

Được đánh giá cao nhưng phim “Song lang” chỉ giành Cánh diều bạc.

Tràn ngập phòng vé vẫn là kinh dị, hài hước, hành động. Phim Việt nhìn vào đó cũng đổ xô làm theo kinh dị, hài khiến dòng phim này trên trở nên bão hòa. Phim tâm lý xã hội, hướng thiện rất ít chứ đừng nói đến phim giàu bản sắc văn hóa Việt. Không chỉ phim nghệ thuật, dòng phim tài liệu, hoạt hình của nước ta cũng chật vật đường ra rạp.

May mắn những năm gần đây, một vài hãng phát hành trong nước ưu tiên cho dòng phim tài liệu như “Lửa Thiện Nhân”, “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, “Đi tìm Phong”… Tuy nhiên con số này không nhiều.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng thời điểm này là lúc rất cần sự ra đời của Quỹ hỗ trợ điện ảnh Việt Nam. Bởi ở các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… đều có quỹ hỗ trợ điện ảnh để giúp đỡ các nhà làm phim sáng tạo những đứa con tinh thần đậm cá tính, đặc biệt là dòng phim tôn vinh văn hóa của nước họ.

Quỹ hỗ trợ này cũng là nơi để các đạo diễn, nhà làm phim trẻ trông chờ để biến những dự án tâm huyết thành hiện thực chứ không thể mãi chật vật ôm kịch bản đi xin nguồn quỹ nước ngoài. Tuy nhiên, qua nhiều năm triển khai, Quỹ hỗ trợ điện ảnh Việt Nam vẫn chưa thể ra đời vì còn nhiều vướng mắc trong khi nền điện ảnh trong nước đã có bước phát triển vượt bậc, xuất hiện loạt gương mặt trẻ tài năng.

Diều vẫn chưa bay cao?

Nhiều năm qua, dù đã có nhiều cố gắng nhưng giải Cánh diều vẫn bị nhiều nhà làm phim thờ ơ. Trong năm 2018, số lượng phim Việt gần 40 phim nhưng chỉ có 14 phim tham gia là một con số vô cùng ít ỏi. Giới làm phim độc lập - nơi quy tụ sáng tạo nghệ thuật tiên phong, lại không mấy mặn mà với giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam. Ban tổ chức tiết lộ rằng nhiều lần mời các đạo diễn phim độc lập nhưng họ luôn từ chối dự giải.

Điều đáng buồn là tại tọa đàm “Sản xuất điện ảnh, phim truyền hình năm 2018” bên lề giải Cánh diều, mục đích là để những nhà làm phim tư nhân cùng ngồi lại chia sẻ, trao đổi nhưng rất ít nhà làm phim tư nhân xuất hiện. Tại lễ trao giải năm nay, rất nhiều hạng mục cũng vắng mặt nghệ sĩ được vinh danh khiến khán phòng khá lặng lẽ. Còn nhớ vài năm trước, diễn viên Quyền Linh cho biết không ít nghệ sĩ không còn mặn mà với giải Cánh diều. Việc xin tài trợ cũng rất chật vật.

Lý do được đưa ra là kết quả giải Cánh diều năm nào cũng gây tranh cãi khiến giải giảm sức hút. Nếu “Song lang” chỉ dừng lại ở Cánh diều bạc khiến nhiều người tiếc nuối thì việc dàn diễn viên “Quỳnh búp bê” hoàn toàn vắng mặt ở đề cử các hạng mục diễn viên xuất sắc khiến công chúng bất bình. Bởi so về diễn xuất thì Phương Oanh (vai Quỳnh búp bê), Thu Quỳnh (My sói), Thanh Hương (Lan cave), Doãn Quốc Đam (Cảnh)... nổi trội hơn nhiều so với Kim Tuyến (phim Mộng phù hoa) và Nhan Phúc Vinh (Ngày ấy mình đã yêu).

Tuy nhiên, Kim Tuyến và Nhan Phúc Vinh đều đoạt giải Nữ, nam diễn viên chính xuất sắc nhất hạng mục phim truyền hình. Ban tổ chức lý giải rằng vì “Quỳnh búp bê” đã giành giải Cánh diều vàng cho phim hay nhất thì các hạng mục còn lại nên dành cho các phim khác? Cách trao giải “hòa cả làng” này được xem là đặc sản của Cánh diều nhiều năm qua khiến nó khó bay cao.

Mai Quỳnh Nga
.
.