Trào lưu đổ tiền tỷ làm Youtube

Thứ Tư, 29/07/2020, 16:28
Giới nghệ sĩ không ngại đổ tiền tỷ để sản xuất MV, web drama với nội dung, hình ảnh đa dạng, phong phú.

Trong thời đại 4.0, nhu cầu “nghe, nhìn” đang lấn át dần văn hóa đọc, YouTube ngày càng cho thấy sức hút của mình. Nền tảng này không chỉ là nơi chia sẻ những video thỏa mãn nhu cầu giải trí mà đã trở thành một mạng xã hội tương tác khổng lồ, đồng thời là công cụ kiếm tiền của rất nhiều người. Trong đó, giới nghệ sĩ không ngại đổ tiền tỷ để sản xuất MV, web drama với nội dung, hình ảnh đa dạng, phong phú.

Sản xuất tiền tỷ, chiếu miễn phí

Tại Việt Nam, web-drama bắt đầu xuất hiện từ năm 2012 với các nhóm hài Dam TV, BB&BG, Ghiền Mì Gõ... thông qua những clip gây bão trong cộng đồng mạng như: “Kính vạn bông”, “Tình yêu tuổi học trò”... 

Các sản phẩm này có điểm chung là nội dung thiếu chiều sâu, kinh phí đầu tư thấp, diễn viên nghiệp dư, kỹ thuật sơ sài nên gần như khán giả chỉ xem cho vui là chính. Ở những cái gọi là bộ phim này, các nghệ sĩ chủ yếu hướng vào thị trường khán giả trẻ tuổi với thói quen giải trí trên mạng, vì thế mà đề tài chỉ thuần giải trí, ít có những thông điệp sâu sắc.

Hòa Minzy đầu tư tiền tỷ cho MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp”.

Từ năm 2014 đến nay, mạng xã hội bùng nổ mạnh mẽ và YouTube ngày càng phổ biến, web-drama cũng nở rộ với hàng hoạt phim ngắn, phim hài, phim sitcom xuất hiện. Thời điểm này, web drama đã không còn là sân chơi dành riêng cho những bộ phim vốn đầu tư ít, dàn diễn viên không ăn khách nữa. Nhiều ê-kíp làm phim chuyên nghiệp với đội ngũ diễn viên nổi tiếng cũng bắt đầu đặt lòng tin hơn vào phim chiếu mạng.

Đơn cử, có thể kể đến những cái tên như: Việt Hương, Thu Trang, Huỳnh Lập, Quách Ngọc Tuyên, Nam Thư... liên tiếp đầu tư các series mới. Nội dung của các sản phẩm này cũng được định hướng theo “chất” của từng nghệ sĩ. 

Chẳng hạn, chủ đề về học đường, vườn trường, thanh xuân vẫn được xem là thế mạnh của các nhóm sáng tạo trẻ như: FAPTV, La La School, MoWo..., thì đề tài về thế giới ngầm hay cổ trang với kinh phí đầu tư bạc tỷ là địa hạt của các nghệ sĩ lớn. Đơn cử, có thể kể đến các sản phẩm như: “Bố già” - Trấn Thành (4 tỷ đồng/5 tập phim), “Thập tam muội” - Thu Trang (1 tỷ đồng/3 tập phim), “Đại kê chạy đi” - NSND Hồng Vân (hơn 1 tỷ đồng/6 tập phim)...

Ở lĩnh vực âm nhạc, giới nghệ sĩ cũng chịu chơi không kém, thậm chí dốc hết hầu bao, đi vay nợ để sản xuất MV tiền tỷ chỉ để... chiếu online. Mới đây nhất, MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp” của Hòa Minzy thu hút bởi sự đầu tư hoành tráng về bối cảnh, phục trang... 

Nữ ca sĩ tiết lộ, để thực hiện được MV này, cô đã phải “vay nóng” ngân hàng, vay tiền người yêu, thậm chí bán luôn cả bộ sưu tập túi xách hàng hiệu để chi trả một số tiền “bằng một căn hộ chung cư cao cấp”, “bằng một chiếc xe tốt”, mang đến cho khán giả những khung hình mãn nhãn thực hiện tại cố đô Huế.

Trước Hòa Minzy, đã có rất nhiều sao Việt sẵn sàng “khô máu” để mang đến một sản phẩm âm nhạc tiền tỷ hoành tráng. Với Chi Pu, giọng hát của cô còn gây nhiều tranh cãi trái chiều, song sự đầu tư và chỉn chu về mặt hình ảnh trong các MV của cô là điều đáng ghi nhận. 

Phía ê-kíp của cô tiết lộ, ngay từ các MV đầu tay như: “Từ hôm nay”, “Anh sai rồi, anh xin lỗi em đi”, “Đóa hoa hồng”, “Anh ơi ở lại”..., nữ ca sĩ đã dốc toàn bộ số tiền mà mình tích góp được sau nhiều năm hoạt động nghệ thuật. Được biết, ban đầu, cô dự định dùng số tiền đó để mua nhà ở TP Hồ Chí Minh.

Hay, để làm dự án MV cổ trang “Cánh hoa tổn thương”, mẹ của Hoàng Yến Chibi phải bán một căn nhà để đưa con gái vài tỷ đồng đầu tư thực hiện MV này. Nữ ca sĩ thừa nhận đây là sản phẩm đắt tiền nhất trong sự nghiệp âm nhạc của mình khi có kinh phí bằng 3-4 sản phẩm trước đó gộp lại. Theo nhiều nguồn tin, kinh phí của MV nằm ở mức xấp xỉ 5 tỷ đồng.

“Một vốn bốn lời” có thật hay không?

Bà Chang Trần - giảng viên thuộc chương trình của Google tại Việt Nam thừa nhận, việc nghệ sĩ đổ xô làm video YouTube là xu hướng tất yếu của thời đại 4.0. Phương thức này không những khiến các nghệ sĩ gần gũi với khán giả, tăng lượng người hâm mộ hơn mà còn dự tính đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ. Hiện nay, nhiều nhãn hàng từ thẩm mỹ viện, mỹ phẩm, game, đồ uống... bắt đầu quan tâm đến loại hình giải trí này, bỏ vốn đầu tư cùng nghệ sĩ làm MV, web drama lồng ghép quảng bá sản phẩm của mình hoặc tài trợ chính.

Poster web drama “Thập tam muội”.

“Nếu các sản phẩm như MV, web drama mang lại hiệu ứng tốt thì sẽ tăng lượng tương tác với kênh YouTube. Các khoản lợi nhuận khổng lồ sẽ đến từ các nhà tài trợ, các sản phẩm quảng cáo - trong đó, bao gồm cả quảng cáo xuất hiện trực tiếp trong nội dung video và quảng cáo được chèn vào video đăng tải trên YouTube. Doanh thu ấy cũng căn cứ theo vị trí địa lý”, bà Chang Trần cho hay.

Đáng lưu ý, YouTube không bỏ tiền ra trả cho người làm video. Về bản chất, YouTube nhận tiền quảng cáo từ các công ty, tập đoàn, thương hiệu muốn quảng cáo trên YouTube sau đó đơn vị này sẽ trích tiền quảng cáo nhận được và chia cho người làm video một phần. Số tiền những YouTuber (người có chương trình phát trên YouTube) này nhận về sẽ được tính theo công thức: Số click chuột hoặc lượt xem quảng cáo nhân với giá 1 click hoặc một lần xem.

Thực tế, cho tới nay, chưa ai công khai số tiền thu về nhờ việc làm YouTube vì liên quan tới hợp đồng bảo mật giữa hai bên. Song, giới chuyên môn nhận định, đây vẫn là mảnh đất tiềm năng và màu mỡ nếu bản thân nghệ sĩ có sư đầu tư nghiêm túc về chiến lược và kế hoạch dài hơi.

Theo thống kê, tại Việt Nam, mỗi cú click chuột vào quảng cáo, YouTuber được trả khoảng 600 đồng. Ở thị trường Mỹ và châu Âu, mức giá cao hơn, khoảng 0,3 - 1 USD. Tỷ lệ click chuột vào quảng cáo tại Việt Nam ở khoảng 5% trên tổng số lượt xem. Như vậy, với 1 triệu lượt xem, số tiền bạn thu được khoảng 30.000.000 đồng, nhân lên như thế đến hàng chục triệu, trăm triệu lượt xem.

Thử tìm kiếm trên YouTube, kênh của Sơn Tùng M-TP có khoảng 7,34 triệu lượt theo dõi. Cá biệt, với MV “Hãy trao cho anh”, nam ca sĩ Thái Bình đã trở thành chủ nhân MV có số lượt xem đồng thời khi công chiếu cao nhất thế giới. 

Các MV ca nhạc do Sơn Tùng thực hiện đều được đầu tư công phu và bài bản. Từ âm nhạc, hình ảnh, nội dung được chuẩn bị đến cả những chi tiết nhỏ nhất. Do đó, số tiền mà anh thu được từ việc quảng cáo chèn với MV của mình trên YouTube được cho là không hề nhỏ. Ước tính mỗi năm, số tiền mà chàng trai này nhận được có thể đạt mức từ 1,5 tỷ - 23 tỷ đồng.

Hay với Chi Pu, dù giọng hát của cô còn gây nhiều tranh cãi trái chiều, song nữ ca sĩ vẫn được cho là “rủng rỉnh” với thu nhập từ các MV có số lượt xem tăng lên mỗi ngày. Đó còn chưa kể, nhờ sức ảnh hưởng rộng rãi, các nghệ sĩ còn có cơ hội trở thành gương mặt đại diện của các thương hiệu lớn, cơ hội kiếm tiền từ ca khúc nhờ việc biểu diễn ở các phòng trà, liveshow...

Rõ ràng, YouTube dù ban đầu được sinh ra chỉ là mạng xã hội chia sẻ video trực tuyến nhưng giờ đây, nền tảng này lại là trợ thủ đắc lực của các ngôi sao đã có tên tuổi và là nơi để các bạn trẻ tạo dựng tên tuổi của mình. Có không ít gương mặt trẻ “bước ra thực tế” nhờ YouTube, thậm chí rộng mở bước chân và showbiz như trường hợp Huỳnh Lập (DamTV), BB Trần (BB&BG), An Nguy gây bất ngờ khi tham gia The Face, tham gia đóng phim “Chú ơi đừng lấy mẹ con”...

Vẫn cần có giới hạn

Thị trường làm web drama, MV đăng tải trên YouTube vẫn đang nở rộ và bắt đầu giai đoạn chọn lọc. Ngoài câu chuyện giải trí, văn nghệ, câu chuyện nội dung và hình ảnh của các sản phẩm này vẫn là những tranh cãi chưa hồi kết. 

Sơn Tùng M-TP chi tiền tỷ để mời rapper đình đám Snoop Dogg tham gia MV.

Việc không phải trải qua các khâu kiểm duyệt cũng có thể là lợi thế của các sản phẩm chiếu mạng so với sản phẩm chiếu trên kênh chính thống như truyền hình, điện ảnh. Nhưng, đây lại là lỗ hổng cho nhiều sản phẩm không chất lượng, thực hiện cẩu thả thậm chí truyền tải nội dung phản cảm, đi ngược với chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục.

Có không ít MV, web drama xuất hiện tràn lan các cảnh ăn mặc hở hang, đánh nhau, uống rượu, hút thuốc, sử dụng các loại vũ khí bạo lực... vẫn được thoải mái tiếp cận mọi đối tượng khán giả. Đơn cử, đó là phiên bản “Thập tam muội” (web drama) và “Chị Mười ba” (phiên bản điện ảnh). Để qua cửa kiểm duyệt, dù đã gắn nhãn C18 (cấm khán giả dưới 18), “Chị Mười ba” cũng phải lái theo hướng “hài hóa” và tiết giảm tối đa mức độ của những phân cảnh đánh nhau giữa các băng đảng giang hồ.

MV “Mời anh vào team em” của Chi Pu có rất nhiều cảnh gợi cảm, đụng chạm cơ thể quá đà khiến Chi Pu nhận về không ít “gạch đá”. Dù MV đã được gắn mác 16+ nhưng nhiều khán giả không khỏi “sốc” khi một cô nàng dễ thương như Chi Pu lại dám ăn mặc và làm những hành động táo bạo đến vậy. Trên các diễn đàn và mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, những chi tiết trong MV “Mời anh vào team em” là phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam và gây ảnh hưởng không tốt tới giới trẻ.

Hiện nay, YouTube đã có những quy định tương đối cụ thể với các nội dung được đăng tải trên nền tảng này như: không phải là nơi dành cho nội dung khiêu dâm; không được đăng video và nhận xét có nội dung lăng mạ; không nên đăng nội dung bạo lực hoặc đẫm máu nhằm mục đích gây sốc, tạo sự giật gân hoặc không có lý do chính đáng; không đăng các video khuyến khích người khác làm những việc có thể khiến họ bị tổn thương nghiêm trọng, đặc biệt là trẻ em...

Ngoài ra, đơn vị này cũng cung cấp tính năng gắn cờ hay giới hạn độ tuổi, báo cáo người dùng lạm dụng, báo cáo vi phạm, bảo mật... cũng được áp dụng nhưng với một nền tảng mở, mỗi giờ có hàng trăm giờ nội dung được đăng tải, việc kiểm soát này không thể triệt để.

Vẫn biết YouTube là nền tảng do nước ngoài cung cấp, chúng ta vẫn chưa có quy định mang tính pháp lý để kiểm duyệt các nội dung được đăng tải. Chính vì vậy, trách nhiệm chính vẫn nằm ở bản thân nghệ sĩ - những người trực tiếp sản xuất MV, web drama. 

Thành tích lượt xem, chỉ tiêu kiếm tiền cũng rất cần nhưng bản thân nghệ sĩ cần ý thức mình là người tuyên truyền, quảng bá văn hóa.  Nếu đi quá đà, sa vào câu view một cách rẻ riền mà thiếu sự đầu tư nội dung và tính nghệ thuật, các nghệ sĩ sẽ biến sân chơi hữu ích này trở thành nơi dung tục với những sản phẩm tạp nham, rẻ mạt.

Thảo Dung
.
.