Trẻ đường phố tại Mái ấm Thảo Đàn: Mong một ngày mai tươi sáng

Thứ Tư, 10/09/2014, 15:45

Có đến thăm các em tại Mái ấm Thảo Đàn (451/1 đường Hai Bà Trưng, P.8, Q.3) - mái nhà của trẻ em đường phố vì nhiều lẽ phải bám đường phố làm chốn mưu sinh, lấy vỉa hè, ống cống, nghĩa địa làm nơi tá túc, mới thấy rằng giữa chốn phồn hoa đô hội bậc nhất cả nước này, rất nhiều đứa trẻ tiếng là công dân thành phố nhưng sống không nhà cửa, không giấy tờ tùy thân, không được đến trường... và với rất nhiều em, bữa ăn ngon chỉ luôn là điều mong ước.

Bi kịch "Tâm gò mả"

Ngày cuối tuần, theo chân một thành viên Đoàn y bác sĩ Niềm tin - tổ chức thiện nguyện hết lòng với  bệnh nhân nghèo bất hạnh và những số phận không may mắn, chúng tôi len lỏi vào sâu trong con hẻm 357 trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp, tìm đến nơi tá túc của một bé trai tên Tâm.

Theo thông tin ban đầu từ chị Nguyễn Thị Thúy (phụ trách Mái ấm An Toàn ở địa chỉ 4/58 Quang Trung, phường 10, quận Gò Vấp, một cơ sở của Mái ấm Thảo Đàn), trong hơn 60 trẻ lang thang đường phố có hoàn cảnh bi đát đã và đang được mái ấm đưa vào danh sách trẻ cần hỗ trợ, Tâm là một trong những trẻ có hoàn cảnh vô cùng đáng thương: Là công dân thành phố nhưng đến tuổi em không được đến trường vì không có giấy khai sinh. Nơi ở của em và mẹ là mấy nấm mồ lúp xúp mà dân địa phương quen gọi.... khu gò mả!

Gần 20 năm gắn bó với Mái ấm Thảo Đàn, chị Thúy như nhiều anh chị tình nguyện viên khác - những người hết lòng vì sự nghiệp vun bồi, yêu thương trẻ đường phố, tâm sự đã chứng kiến cũng như tiếp cận nhiều bi kịch trẻ thơ. Nhưng câu chuyện của "Tâm gò mả" để lại trong chị những xúc cảm xót xa.

Chị Thúy tâm sự, thà rằng thằng bé là con của những người ở tỉnh lẻ vào Sài Gòn tìm kế sinh nhai, thà rằng bé mồ côi cha nên chuyện bé phải lấy gò mả làm nhà, chịu cảnh mồ côi "có thể chấp nhận được". Đằng này cha bé còn sống, bé được sinh ra ngay tại thành phố nhưng phải sống trong cảnh cơ hàn đến ngoài sức tưởng tượng với tương lai mịt mù, ai biết chuyện cũng đau xót.

Len lỏi qua nhiều con hẻm nhỏ đan xen nhau như mạng nhện, sau nhiều bận hỏi thăm, rồi chúng tôi cũng tìm được khu xóm gò mả nơi mẹ con em "Tâm gò mả" đang sinh trú. Những gì trông thấy thật nao lòng. Đã 8 tuổi rồi mà em Tâm chưa bằng đứa trẻ lên 5.

Nói chuyện lấy mồ mả làm nhà của thằng bé, chị hàng xóm tên Hương, trầm giọng: "Đây là xóm lao động nghèo, ai cũng khó khăn nhưng mẹ con nó là dân bần cùng nhất, đến cái phòng trọ tồi tàn nhất cũng không đủ tiền thuê nên phải lấy gò mả làm nhà trong một thời gian dài. Vừa rồi có mẹ con chị Mai thấy thương quá nên rộng lòng cho tá túc, nhưng chỉ cho mẹ con em được vào nhà khi có người ở nhà. Thường thì ban ngày nhà đó đóng cửa đi làm, đến tối mới về nên vào ban ngày, thằng nhỏ và mẹ phải lang thang đó đây. Mẹ đi làm thuê làm mướn thì nó ghé nhà này nhà nọ ở ké".

Tên đầy đủ của "Tâm gò mả" là Lưu Trọng Tâm. Mẹ em là Nguyễn Thị Điệp. Hỏi về ba, thằng bé nói như khóc: "Ba bỏ mẹ, bỏ con rồi, ba không thèm nhìn con". Những người hàng xóm góp chuyện rằng khi đẩy mẹ con thằng bé ra khỏi cuộc đời mình, "cha của thằng Tâm gò mả" lấy vợ khác, bỏ mẹ con nó bơ vơ giữa cuộc đời. Mẹ nó làm nghề thợ đụng, nghĩa là đụng việc gì thì làm việc nấy, ai sai nhờ việc gì cũng làm để có tiền nuôi thân và nuôi con.

Trong cái cảnh tận cùng ấy, may cho "Tâm gò mả" là hoàn cảnh của nó đã được các anh chị tình nguyện viên ở Mái ấm An Toàn biết được.  "Ban đầu thì mình tiếp cận mẹ con bé hỏi thăm sự tình để có kế hoạch giúp đỡ. Trước tiên là vận động chị ấy cho bé đến sinh hoạt tại mái ấm để được trang bị các kỹ năng đối mặt với các loại tệ nạn và tội phạm, nhất là nạn xâm hại tình dục trẻ em. Do bé không có giấy khai sinh, mà mẹ lại mất hết giấy tờ nên..." - chị Thúy bỏ lửng câu nói với đôi mắt đỏ hoe.

Nhưng ở Mái ấm An Toàn này và cả Mái ấm Thảo Đàn, những bi kịch cuộc đời trẻ thơ như "Tâm gò mả" nhiều lắm. Đó là Quang, từng bị mẹ cha bạo hành bằng cách ném dao, châm nhang vào người. Đó là Bình, 15 tuổi, hiện sống côi cút dưới chân cầu Ông Lãnh (quận 1) vì cha đi lấy vợ, mẹ đi lấy chồng. Rồi cô bé Kim Ngân là dân thành phố nhưng đứng trước nguy cơ phải nghỉ học bởi nợ tiền học phí, bởi cả gia đình em là "hộ nghèo có sổ" với đàn em nheo nhóc....

Miếng mồi ngon của tội phạm... biến thái

Bi kịch số phận của thằng bé "Tâm gò mả" là điển hình cho rất nhiều thân phận trẻ thơ bất hạnh được các tình nguyện viên của Mái ấm Thảo Đàn tiếp cận và tìm cách sẻ chia. Câu chuyện lấy mả mồ làm nơi trú ngụ của mẹ con thằng bé gợi cho chúng tôi nhớ đến những lần ghé tìm hiểu về công tác hỏa thiêu ở nghĩa địa Bình Hưng Hòa (quận Tân Phú) - nghĩa địa lớn nhất TP HCM với hơn 100.000 ngôi mộ, nơi có rất nhiều người lao động tứ xứ bám mả mồ kiếm sống bằng việc nhặt phế liệu, bán nhang đèn, vàng mã... cho kẻ lại người qua.

Và có nhiều, rất nhiều người vì không đủ tiền thuê phòng trọ đã chọn những ngôi mộ có mái che làm nơi tá túc. Cuộc đời gắn với rừng mả mồ như thế, hỏi thăm bất kỳ ai chúng tôi cũng nhận được những cái lắc đầu, những lời tâm tình đong đầy nỗi niềm rằng không dám nghĩ đến ngày mai.

Tâm với khu gò mả mà mẹ con em tá túc.

Trở lại câu chuyện của "Tâm gò mả". Sau khi tìm được thằng bé đang nằm chỏng cheo phía sau một ngôi mộ, anh tình nguyện viên của Đoàn bác sĩ Niềm Tin đã đưa nó đến Mái ấm An Toàn để các bác sĩ khám sức khỏe và "đãi" cho nó bữa đùi gà rán. Bình thường Mái ấm An Toàn có gần 20 em được nuôi dưỡng nhưng hôm nay có đến hơn 60 em. Chị Thúy cho biết các em ở đây đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha hoặc mẹ, hoặc có cha hay mẹ đi bước nữa...

Để sinh tồn, các em phải lấy đường phố làm chốn dung thân. Số trẻ phát sinh cũng có hoàn cảnh như thế, nhưng các em may mắn hơn, vẫn còn được ở với cha mẹ hoặc một trong hai người. "Tiếng là có gia đình, còn được mái ấm, nhưng mái ấm của các em là các khu ổ chuột, hay những căn phòng trọ tồi tàn. Nhiều em phải ngày ngày rong ruổi khắp các nẻo đường bán vé số, đánh giày, bán kẹo xi-gum ở các công viên, tụ điểm ăn chơi... Nói chung, hành trình kiếm sống ấy của các em luôn đầy bất trắc" - Chị Thúy cho biết.

Trong muôn vàn sự bất trắc, những tình nguyện viên nói nhiều về những nguy cơ chết người luôn chực chờ các cô bé cậu bé vốn dĩ là cánh chim non vì miếng cơm manh áo phải bươn chải giữa dòng đời giông bão. Điều này đồng nghĩa với việc muốn hay không các em cũng phải ngày ngày đối mặt với đủ các loại tội phạm. Tôi hỏi bọn trẻ đối mặt với những gì, các em kể hàng lô lốc những lần chứng kiến cảnh người ta hút chích ngoài công viên rồi rủ rê, rồi ép buộc các em cùng phê cho có hội.

"Ớn nhất là mấy thằng biến thái cô chú ơi, bệnh lắm!" - một cô bé trò chuyện. Theo lời kể của cô bé này, những kẻ biến thái ấy gồm đủ dạng người: "Dân mình có, ông tây bà đầm có. Rồi có già, có trẻ, có người ăn mặc lùi xùi, có người nhìn lịch sự, giàu có. Mấy ổng hỏi mua đồ, rồi cho tiền dụ tụi con đi chơi. Có khi mấy ổng bẹo má, vỗ mông bậy bạ lắm!".

Theo anh Huỳnh Tấn Bảo - phụ trách Mái ấm Thảo Đàn, trong rất nhiều nguy cơ trên đường phố, nguy cơ các em bị kẻ bệnh hoạn dùng lời ngon, tiếng ngọt, dùng tiền dụ dỗ để rồi lạm dụng là rất nhiều và đã từng xảy ra nhiều chuyện đau lòng. Vấn nạn ấy đặc biệt xảy ra với những em kiếm sống ở khu phố Tây và các công viên tại trung tâm thành phố.

Bác sĩ Thế Dũng, Trưởng đoàn Niềm Tin vốn xuất thân từ trẻ lang thang góp lời rằng, chỉ cần có ít tiền, có khi là viên kẹo, miếng bánh cùng vài cử chỉ ra bộ yêu thương, nếu không được trang bị các kiến thức, kỹ năng phòng tránh, các em rất dễ sa vào vòng tay của quỷ....

Cần lắm những vòng tay

Theo ghi nhận của chúng tôi, tổng số trẻ đường phố có trong danh sách trẻ cần được hỗ trợ của Mái ấm Thảo Đàn hơn 150 em và con số này gia tăng từng ngày bởi sự di cư vào thành phố của nhiều gia đình ở những miền quê nghèo tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Chị Lê Thị Thu Sa (cùng phụ trách mái ấm Thảo Đàn) cho biết, số trẻ đường phố mà mái ấm lưu danh sách và đang tiếp cận hỗ trợ còn đến từ sự rạn nứt của nhiều gia đình có bố mẹ mải mê làm ăn mà bỏ mặc con cái, hay vợ chồng thường xuyên cãi nhau, hoặc bố hoặc mẹ đi bước nữa: "Buồn chuyện gia đình, giận mẹ cha, mặc cảm, phẫn nộ..., vậy là các em bỏ nhà mà đi. Giữa bao cạm bẫy rình rập, nhất là tệ mại dâm, ma túy, lạm dụng tình dục như hiện nay thì các em khó tránh khỏi bị xâm hại. Nếu không được hỗ trợ, các em dễ sớm chìm sâu trong tệ nạn".

Các bác sĩ đoàn Niềm Tin khám bệnh cho các em.

Để giúp bọn trẻ, gần 20 năm qua, nhiều thế hệ tình nguyện viên ở  Mái ấm Thảo Đàn đã không quản ngại đêm hôm len lỏi khắp các hang cùng ngõ hẻm, vào những điểm nóng về nạn hút chích, mại dâm... tìm cách tiếp cận, đưa các em về với mái ấm, dạy chữ cũng như dạy các kỹ năng đối phó với tệ nạn cho các em.

Qua chuyến thăm khám sức khỏe cho các em, chúng tôi hỏi bác sĩ Trưởng đoàn Trương Thế Dũng, và ghi nhận nhiều nỗi niềm: "Cuộc sống lam lũ, thiếu thốn nơi xó chợ lề đường khiến hầu như các em đều bị các bệnh về răng miệng, tiêu hóa, ngoài da. Quá trình khám bệnh cho các em, chúng tôi còn phát hiện nhiều em mắc các chứng bệnh về mắt, bệnh liên quan đến đường hô hấp. Đặc biệt 10 trẻ thì có đến 8-9 trẻ bị suy dinh dưỡng, nhiều em 12-13 tuổi mà bé choắt như trẻ lên 5".

Chiều muộn, có chứng kiến bọn trẻ lần đầu tiên được khám sức khỏe toàn diện, được các cô chú Đoàn Niềm Tin ôm vào lòng và khoản đãi bữa cháo thịt, bữa đùi gà rán "ăn thả giàn", mới thấy niềm hạnh phúc trong các em dạt dào vô ngần, điều đó được thể hiện qua ánh mắt của các em khi nhìn vào các cô chú tình nguyện viên, ở nụ cười và những cái nắm tay rất chặt không muốn rời. Các anh chị phụ trách mái ấm tiễn khách với thông số não lòng rằng hiện có hàng chục trẻ cần hỗ trợ đến tuổi không được đến trường, không có thẻ bảo hiểm  y tế... vì không có giấy tờ tùy thân cũng như gặp khó khăn về mặt kinh phí.

Chợt nghĩ với trẻ em nghèo, con đường duy nhất giúp các em thoát khỏi cảnh sống cơ hàn, tăm tối mai này là tri thức và học thức. Nay vì nhiều lý do các em không được đi học, tương lai mai này của các em ra sao?

Bích Kiều
.
.