Trẻ khuyết tật ở Tây Phi: “Là rắn thì phải thả trôi sông...”

Thứ Tư, 09/10/2013, 17:30

Cô bé Giesele 10 tuổi, bị tật từ thắt lưng trở xuống ngay từ khi mới sinh ra, Giesele sống ở một vùng nông thôn của Guinea, hầu như cả ngày em chỉ ngồi bất động ở nhà. Không có bạn bè và thường phải ở một mình, cô bé bị suy dinh dưỡng, mặc đồ rách rưới và ít khi được vệ sinh thân thể. Gia đình xem em như một gánh nặng, họ ước chưa từng có em trên cõi đời này. Họ cho rằng cho bé đi học cũng chẳng ích gì vì bé khó có thể đối mặt được những sự kỳ thị, chế nhạo của bạn bè.

Tuy nhiên,  Giesele vẫn có một chút gì đó may mắn so với những đứa trẻ khuyết tật khác, em vẫn được sống. Ở nhiều địa phương thuộc Cộng hòa Togo, nhiều trẻ khuyết tật thường bị ném hoặc dìm xuống sông cho đến chết.

"Trong cộng đồng của chúng tôi, trẻ em thường mắc bệnh bại não và không thể đứng lên, người ta gọi chúng là “rắn” vì chúng chỉ nằm trên mặt đất. Để loại bỏ những đứa trẻ như vậy, những lễ hội thường được tổ chức trên sông, ở đó bọn trẻ bị quăng xuống nước và người ta nói rằng con rắn đã biến mất”, ông Manuel, một nhà hoạt động nhân đạo xã hội đau đớn nói.

Tương tự như Guinea, ở Siera Leone, người ta thường cho rằng trẻ bị mù hoặc bại liệt chính là "ma quỷ".

Đi sâu vào đời sống cộng đồng dân cư ở Tây Phi, chúng ta có thể nghe thấy những câu chuyện xé lòng về sự ngược đãi và bỏ rơi trẻ khuyết tật. Cậu bé Laurent ở Guinea, 8 tuổi, bị mất thị lực khi còn bé xíu, gia đình không có đủ khả năng chữa trị. Đến bây giờ, Laurent đã mù hoàn toàn, hàng ngày em mò mẫm, lết tấm thân gầy trơ xương khắp nơi để ăn xin. Thi thoảng em đi cùng anh chị em trong gia đình, nhưng hầu như em thường đi xin một mình. Em thường bị những đứa trẻ khác hành hạ. Thậm chí, có khi bị người lớn - những kẻ có tâm địa độc ác đánh đập.

Khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tổ chức phiên họp đầu tiên dành cho các nguyên thủ quốc gia để bàn về người khuyết tật và sự phát triển vào ngày 23/9 vừa qua, thì một bản báo cáo "nằm ngoài khuôn khổ" của Tổ chức Kế hoạch quốc tế Quyền trẻ em và Đại học Toronto (Canada) đã tiết lộ một quy mô khủng khiếp về sự phân biệt đối xử và ngược đãi đối với trẻ khuyết tật ở Tây Phi. Bản báo cáo này đã tố cáo các hành động phi nhân tính như  buôn bán nội tạng trẻ khuyết tật.

Chính phủ các nước Tây Phi đã ký kết, tham gia Công ước trẻ em và Công ước về Quyền người khuyết tật để cam kết trẻ em không lành lặn về mặt thể chất phải được đối xử công bằng. Tuy nhiên, rất ít quốc gia thực hiện trọn vẹn các công ước đó

Phạm Anh Trúc (tổng hợp)
.
.