Trẻ lớp 1 có nên bắt học ngoại ngữ?
Bất chấp quy định của Bộ và Sở Giáo dục và Đào tạo
Con tôi năm nay vào lớp 1. Cháu học ở một trường nội thành Hà Nội. Ngày đầu tập trung ở trường về, cháu mang theo một cặp đầy gồm vở và sách. Trong đó có 2 cuốn sách ngoại ngữ khổ cỡ A4 dày 120 trang do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành với cái tên "Tiếng Anh cho học sinh lớp 1-ABC English", tác giả Nguyễn Quốc Tuấn biên soạn.
Kèm theo đó, cháu mang về thời khóa biểu trong đó cũng phân bố 2 tiết tiếng Anh một tuần. Như thế nghĩa là tiếng Anh đã được ấn định trong chương trình học của con tôi. Tôi vô cùng ngạc nhiên bởi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có hướng dẫn rất rõ ràng dựa trên quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo rằng từ lớp 3, học sinh mới học ngoại ngữ như môn chính: "Ngoại ngữ trong các trường tiểu học chỉ thực hiện trên tinh thần tự nguyện và có sự thỏa thuận của cha mẹ học sinh; có đủ giáo viên đảm bảo chất lượng, đủ máy vi tính, đài cátsét...".
Đằng này, tôi chả thấy nhà trường nơi con tôi học có thông báo gì mà bắt phụ huynh mặc nhiên "chấp hành" việc các con sẽ học 2 tiết tiếng Anh/tuần. Không biết việc sắp xếp giờ học ngoại ngữ cho học sinh lớp 1 nhằm mục đích gì mà nhà trường không cần thỏa thuận với phụ huynh?
Không riêng gì trường của con tôi mà nhiều trường ở Hà Nội cũng tự trao cho mình quyền như vậy bất chấp hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội như đã nói. Trường Ba Đình là một ví dụ. Nhiều phụ huynh có con học trường này đã phàn nàn họ như bị đặt vào "tình thế đã rồi" khi con cái họ cũng mang về bộ sách giáo khoa học Tiếng Anh gồm 2 cuốn và thời khóa biểu trong đó có 2 tiết ngoại ngữ/tuần như trường của con tôi.
Điều đó có nghĩa con cái họ cũng phải học tiếng Anh mà họ không được thông qua. Một phụ huynh chua chát nói: "Việc học ngoại ngữ ở lớp 1 cần thiết hay không thì nhà trường không cần biết đến chúng tôi. Nhưng khi đóng học phí môn tiếng Anh 40.000 đồng/tháng thì họ lại nhớ đến chúng tôi. Quả là nực cười!".
Nếu trường của con tôi và Trường Ba Đình không thông báo một cách trực tiếp về học ngoại ngữ thì Trường tiểu học Hoàng Diệu lại là một ví dụ khác về việc có thông báo nhưng thông báo ấy cũng chẳng khác nào đặt phụ huynh vào tình thế đã rồi như 2 trường trên.
Chả là Trường Hoàng Diệu tổ chức cho học sinh lớp 1 học theo chương trình nâng cao của Language Link (dự định lúc đầu còn có cả chương trình của Phonics), một chương trình hoàn toàn của nước ngoài. Thay vì phải thỏa thuận, bàn bạc trước sau thì Trường Hoàng Diệu ra một thông báo đại ý, nhà trường có 9 lớp 1 thì trong đó 7 lớp chất lượng cao do đào tạo ngoại ngữ theo chương trình của nước ngoài và có giáo viên nước ngoài dạy. Còn 2 lớp bình thường.
Nếu ai tự nguyện cho con học lớp chất lượng cao thì viết đơn đăng ký. Còn không chuyển lớp bình thường. Một phụ huynh nhận xét: "Nếu dựa trên thông báo này có thể thấy rõ ràng "lực lượng" giữa lớp học ngoại ngữ và không ở Trường Hoàng Diệu không tương quan. Và khi không tương quan nghĩa là lớp nào được tổ chức nhiều hơn, nhà trường muốn học sinh đăng ký học vào lớp ấy nhiều hơn.
Trong khi đáng lẽ ra phải chờ sự đăng ký của phụ huynh xong sau đó mới dựa trên số lượng đăng ký đó rồi phân lớp. Như vậy mới khách quan". Phụ huynh này nói tiếp: "Bởi vậy để "yêu" thầy, hơn nữa, theo tâm lý chung ai chả muốn con mình vào lớp nâng cao nên hầu hết chúng tôi đều đăng ký cho con học ngoại ngữ. Đúng là "Trường Hoàng Diệu đã "chơi khó" chúng tôi".
Học tiếng “Lào” nói tiếng “Ý”
Theo thống kê, học sinh lớp 1 với 50 đầu sách vở gồm tất cả các môn, các em phải học 7 tiết mỗi ngày. Trong khi đó đây là thời gian các em làm quen và chuyển đổi từ nếp sinh hoạt chơi nhiều hơn học của chương trình mẫu giáo sang học nhiều hơn chơi của chương trình phổ thông.
Nhiều phụ huynh cho rằng, trong khi các cháu còn đang vật vã với từng con chữ, khó khăn trong việc đánh vần thì việc tăng cường ngoại ngữ trong chương trình học của các em chỉ khiến các em vất vả thêm. Mà thực tế mỗi ngày 2 tiết tiếng Việt, cả 5 ngày 10 tiết liên tục, học sinh còn lẫn lộn "chữ tác thành chữ tộ" thì 2 tiết tiếng Anh/ tuần làm sao nhập tâm được những kiến thức đã học.
Chưa nói đến những kiến thức ấy, khập khiễng quá nhiều so với chương trình tiếng Việt. Chẳng hạn, trong khi ở môn tiếng Việt, học sinh đang tập viết từ, tiếng chỉ gồm 2 chữ cái như bé, vẽ, cỏ... thì ngay tiết học đầu tiên của tiếng Anh, học sinh phải viết một từ gồm 3 hoặc 5 chữ cái thành một nét liền nhau như apple, ball, book... Viết như vậy có khác nào đánh đố học sinh.
Đó là chuyện viết. Còn chuyện đọc mới tức cười. Quá ngây thơ, lại chỉ quen cách đọc tiếng Việt nên nhiều học sinh đọc tiếng Anh đúng theo kiểu học tiếng "Lào" nói tiếng "Ý” như từ "apple" (quả táo) thay vì phải đọc theo cách phát âm của người Anh, các em lại đọc tách riêng từng chữ cái theo kiểu "a-p-p-le".
Khá hơn thì có em đọc "áp-le". Hay từ "ball" (quả bóng), để "xong chuyện", nhiều em đọc "ba-lờ" đúng theo cách đánh vần của tiếng Việt. Một câu tiếng Anh dài như "I have a book"; "Here's for you" thì chẳng biết đường nào mà phát âm. Chứng kiến cảnh các em học tiếng Anh quả là thấy khổ quá!
Chuyện dịch tiếng Anh của học sinh lớp 1 cũng khôi hài không kém. Tôi dám chắc rằng, phần lớn học sinh học lớp 1 hiện nay dù đọc ra rả nhiều câu tiếng Anh nhưng chẳng hiểu gì về nội dung, ngữ nghĩa mặc dù đây là 2 khả năng cần phải song hành để minh chứng hiệu quả học ngoại ngữ.
Bởi phương pháp dạy ngoại ngữ phổ biến của ta hiện nay ở lớp 1 là biến học sinh thành những cái máy "nhại". Mà đã là cái máy nhại thì chỉ cần giáo viên ngoại ngữ bước ra khỏi lớp là học sinh "chữ thầy trả thầy" ngay. Như con của tôi hoặc các bạn của cháu và nhiều học sinh Trường Ba Đình, mặc dù ở lớp còn đang oang oang đọc dưới sự hướng dẫn của giáo viên: "It's a cat"; "It's a ball"... nhưng vừa bước chân ra khỏi cổng trường, hỏi lại, lập tức ấp úng ngay, không dịch được.
Tuy nhiên, cũng cần phải đề cập đến một căn nguyên khác khiến xảy ra tình trạng này ấy là trình độ chuyên môn của giáo viên ngoại ngữ hiện nay. Trong quá trình tìm hiểu thực tế, nhiều phụ huynh đã bày tỏ băn khoăn với chúng tôi: không hiểu trình độ chuyên môn của giáo viên dạy ngoại ngữ hiện nay có đúng theo quy định của ngành giáo dục không mà mỗi người dạy mỗi kiểu, rất lộ cộ, không đồng đều.
Điều đó, khiến cho chất lượng đào tạo ngoại ngữ của học sinh lớp 1 bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong tiếng Việt có câu "nổi tiếng": "Cái nọ nục bình ló năn nông nốc tới tận cửa nò". Thế mà vì trình độ cập kênh nhau đã có giáo viên ngoại ngữ định mang cách phát âm này ra đua với quốc tế.
Và vì sao lại có thể tồn tại nhiều trình độ khác nhau như vậy của giáo viên ngoại ngữ? Có thể nói do chính quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này. Mặc dù đã quy định rất rõ ràng rằng: giáo viên dạy ngoại ngữ cấp tiểu học ít nhất phải tốt nghiệp Cao đẳng hệ chính quy.
Song không hiểu vì thiếu giáo viên hay do nguyên nhân nào khác mà Bộ Giáo dục - Đào tạo lại thêm một nội dung "rất thoáng": "Hoặc trình độ tương đương". Thế nào là trình độ tương đương Bộ lại không giải thích, quy định nên các trường cứ tuyển dụng. Miễn sao "tương đương" là được!?
Bên cạnh đó, sách ngoại ngữ dành cho học sinh lớp 1 hiện nay đang ở tình trạng mỗi trường một kiểu. Có trường sử dụng sách, có sách xuất bản trong nước, sách thì do nước ngòai xuất bản. Việc này cho thấy đào tạo ngoại ngữ ở lớp 1 chưa được quy chuẩn rõ ràng dẫu đây chỉ là môn tự chọn và dạy theo yêu cầu. Và dạy ngoại ngữ đang "mạnh trường nào trường nấy làm".
Trước xu thế hội nhập và toàn cầu hóa trên mọi lĩnh vực hiện nay, học ngoại ngữ là xu thế tất yếu của các trường phổ thông nhất là ở bậc tiểu học. Tuy nhiên, với tâm lý cũng như tư duy còn non nớt của trẻ lớp 1, không nên và không thể để cho trẻ chịu gánh nặng của môn ngoại ngữ. Điều đó sẽ ảnh hưởng không chỉ đến khả năng tiếp thu tiếng Anh mà còn cả tiếng Việt của các em.
Hơn nữa, đã có quy định cụ thể của ngành giáo dục lớp 3 học sinh mới chính thức học ngoại ngữ thì cứ theo quy định đó, chúng ta thực hiện. Chứ đằng này cấm không ra cấm, khuyến khích không ra khuyến khích thì việc học ngoại ngữ của học sinh lớp 1 chỉ khiến phụ huynh tốn tiền, các em căng thẳng mà chất lượng chưa chắc đã như mong muốn...