Trẻ vị thành viên tham gia mạng xã hội: Những bất trắc từ cuộc sống ảo
- Hội thảo “Báo chí và mạng xã hội nhìn từ góc độ đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”
- Quản lý mạng xã hội: Tiền kiểm hay hậu kiểm?
Khi trẻ không được định hướng dùng mạng xã hội
Dù chưa bao giờ thử sức làm diễn giả, tôi liều lĩnh nhận lời cùng một anh bạn đến nói chuyện về mạng xã hội ở một trường học tại Hà Nội theo lời mời của Ban giám hiệu, khán giả là học sinh lớp 6 tới 12. Đây có thể nói là một tín hiệu đáng mừng về cách giáo dục thời đại Internet, người lớn chúng ta không thể cứ mãi thờ ơ vô tâm đứng ngoài bỏ mặc lũ trẻ hoạt động, sống, chơi một cách bản năng, ngây thơ và quá thiếu kiểm soát trên mạng.
Theo một con số khảo sát gần đây, mạng xã hội thông dụng nhất là Facebook được cho là có tới hơn 30 triệu tài khoản người Việt sử dụng thường xuyên trong nước. Tôi luôn hoài nghi về con số này cho đến khi đứng trước các cháu học sinh trong hội trường hôm đó.
Thật ngạc nhiên bởi theo điều khoản của Facebook thì trẻ dưới 13 tuổi “không” có cơ hội sử dụng nó, sự thật không hoàn toàn như vậy bởi đa số các cháu nhỏ phía dưới kia đều có tài khoản mạng xã hội này bằng cách khôn lỏi “ăn gian” tuổi khi khai báo khởi tạo địa chỉ email cho đến tài khoản Facebook. Nói theo cách của lũ trẻ thoăn thoắt bàn phím máy tính hoặc iphone, đơn giản trong một nốt nhạc.
Ở phần nói về sự khác biệt giữa hình ảnh mà mình tự đánh giá và hình ảnh mọi người đánh giá về mình, có một cậu bé lớp 6 mạnh dạn xung phong lên sân khấu. Trong 5 phút, tôi đề nghị cháu viết ra tối đa những gì liên quan đến bản thân, sở trường sở đoản, ưu điểm nhược điểm, sở thích và những điều không thích...
Khi cậu bé viết xong những thứ trên lên 1 tờ giấy A0, chúng tôi đề nghị cậu cầm giấy và đối chiếu những gì cậu tự nhận xét với ý kiến của các bạn cùng lớp. Hoá ra đó là một học sinh nhút nhát và cả lớp ngay lập tức cùng hùa vào chế nhạo, cười cợt. Phần "Không thích", cậu viết: "Không thích bị gọi là Zica".
Tôi hỏi một bạn cùng lớp, Zica là gì? Cậu bạn to béo này cười phá lên và nói rất to vào micro: "Là thả bom B52 chú ạ. Bạn ấy rất hay xả khí nên chính cháu đặt biệt hiệu cho bạn ấy!". Cả khu vực lớp cậu bé nghe thế cười rộ lên.
Cậu bé quay đi sượng sùng, len lén quệt nước mắt. Nén sự giận dữ, anh bạn tôi lên đứng cạnh cậu, nhìn vào mắt nó, như nhìn con trai mình và nói: “Cháu rất giỏi, cháu làm tốt lắm”.
Rồi bạn tôi nói với các bạn cùng lớp cậu bé rằng, hãy vỗ tay vì cậu ấy hôm nay đã rất dũng cảm, cậu ấy dám lên đây, không những thế còn dám thẳng thắn nói ra điều các bạn vẫn trêu đùa mà cậu ấy không thích. Không có gì hay ho cả khi cả một tập thể hùa vào chế giễu một người bạn trong chính tập thể của mình. Và đó là một hành động đáng xấu hổ.
Các học sinh lớp khác quay lại nhìn lớp ấy, vỗ tay, và huýt sáo. Nhiều cháu cúi đầu im lặng. “ Giờ các cháu thấy sao khi một tập thể đông hơn giễu cợt các cháu?”.
Im lặng.
“Chú mong muốn từ hôm nay, không bạn nào gọi bạn này là Zica nữa, vì bạn ấy đã nói rõ là bạn ấy không thích rồi, có được không?”.
Và bọn trẻ vui vẻ đồng thanh đáp “có”, rồi vỗ tay đón bạn về chỗ ngồi. Tôi tin là chúng sẽ giữ lời hứa, bởi hình như trẻ con tử tế và uy tín hơn người lớn nhiều.
Chúng tôi không chắc đã làm tốt trong tình huống này. Nhưng tôi chắc chắn cậu bé đã làm tốt khi nỗ lực thoát khỏi sự áp đặt.
Đây là một bài học hoặc ví dụ tương đối trực quan cho đám trẻ lớp 7, những cư dân mạng xã hội mini hiểu thêm về mặt trái khi đối diện đám đông. Trên mạng là điển hình, cái tôi bản thân mỗi con người tự cho là thế này, thế kia, tốt đẹp ra sao và cả sự yêu ghét nhưng dưới con mắt, quan điểm của những tài khoản mạng khác dù thân hay sơ đều có nhiều khác biệt.
Ẩn sau những bàn phím, tài khoản thật giả, vô danh, một lúc nào đó họ dễ dàng tấn công, “ném đá” hoặc có nhiều hành động ác ý gây tổn thương cho nạn nhân không hề có một chút cảm xúc hoặc cảm thông nào đáng có.
Tôi hỏi lũ trẻ đã từng bị tấn công trên mạng bao giờ chưa và phản ứng ra làm sao, nhiều bàn tay nhỏ xíu giơ lên. Chỉ có một số chọn phương án im lặng, đa số hùng hồn tuyên bố: “Cháu chửi nhau lại với chúng nó ạ”.
Đến buổi chiều gặp gỡ nhóm học sinh lớn hơn, lớp 11 và 12. Ở cái tuổi lỡ cỡ hình thành nhân cách không thể giảng dạy theo cách áp đặt các em phải thế này và làm thế kia, dù rằng được tiếp cận, hấp thụ nhiều nền văn hóa, ngôn ngữ nước ngoài qua điện ảnh, sách truyện, Internet… nhưng sự hồn nhiên trong suy nghĩ vẫn luôn đúng với lứa tuổi, điều này rất khó để đi tắt được.
Chúng tôi nhấn mạnh về cách chia sẻ thông tin trên mạng cũng như gửi lời khuyên hãy tránh xa những cuộc cãi vã, xúc phạm người khác trên Facebook. Nếu có điều bực dọc, lại càng nên tránh xa mạng xã hội.
Làm thế nào để trẻ sử dụng mạng xã hội an toàn?
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, tác giả cuốn sách nổi tiếng về các hiện tượng xấu trên mạng xã hội “Thiện Ác và Smartphone” cho rằng, có nhiều nguy cơ không tốt cho trẻ vị thành niên khi sử dụng mạng xã hội.
Việc đầu tiên, trẻ còn quá nhỏ, chưa đầy đủ các kỹ sống nên dễ mất các kỹ năng giao lưu trực tiếp. Thay vào đó là các kỹ năng giao lưu trên mạng, mất kỹ năng xã hội, mất kỹ năng thấu cảm. Nhìn, hiểu cảm xúc, đọc các ngôn ngữ cơ thể của người khác sẽ rất yếu, bởi trên mạng các cháu quen với các emotion icon (hình biểu tượng cảm xúc bằng các ký tự bàn phím). Các cháu sẽ không có những sự tinh tế cần thiết, mất kỹ năng đọc cảm xúc người khác là một thiệt thòi rất lớn.
Nguy cơ thứ 2, khi kết nối với thế giới mạng nhiều quá thì đồng nghĩa mất đi sự kết nối thực tế với thế giới bên ngoài, là gia đình, thiên nhiên cây cối… Điều này vô cùng quan trọng.
Nhiều vụ việc bạo lực học đường có nguyên nhân từ cách ứng xử, mâu thuẫn trên mạng xã hội. |
Và đánh mất cảm xúc với bản thân, sự mơ mộng bản thân. Ví dụ việc đó được xây dựng khi một mình có thể là đọc sách, đầu óc lang thang đây đó. Đó là một sự giàu có của tuổi thơ dành cho trẻ nhỏ. Và việc trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội quá nhiều khi “một mình” lại đi tìm kiếm những người bạn trên mạng để trò chuyện hoặc tiêu hao nhiều năng lượng vào những thông tin hiển thị trên mạng xã hội.
Điều đó có thể làm nông cạn hóa tư duy trẻ. Những gì có thể xảy ra với người lớn thì cũng có thể dễ dàng hơn xảy ra với trẻ hơn. Bởi chúng chưa có những trải nghiệm thấu đáo khác hoặc kinh nghiệm đối phó với “khủng hoảng” mang tính tập thể.
Mạng xã hội được ví như cuốn nhật ký điện tử mở, nếu chủ nhân của nó quá vô tư trong tuổi thần tiên chia sẻ lên đó thoải mái cảm xúc, hình ảnh đời tư hay những tâm tư buồn vui tuổi học trò. Có thể, một lúc nào đó, tương lai không đoán trước sự thành công của họ, và những thông tin đó rất có thể trở nên bất lợi, gây ra những tổn thương không đáng có.
Một ví dụ vô cùng cụ thể về trường hợp Hoa hậu báo Tiền Phong 2016, Đỗ Mỹ Linh. Ngay trong đêm cô đăng quang, tài khoản Facebook của Mỹ Linh được cư dân mạng xới tung lên. Tất thảy những bức xúc, lời chửi rủa của Mỹ Linh trên Facebook cá nhân từ nhiều năm trước được chụp lại và lan tỏa như bão trên mạng. Đám đông chửi rủa, mạt sát và miệt thị tân hoa hậu không thương tiếc.
Một điều vô cùng quan trọng đám đông hung hãn cố tình bỏ qua là những dòng trạng thái trên mạng ấy được viết trong thời gian từ năm 2009 tới 2012 bởi một cô bé Mỹ Linh vị thành niên, 13 tuổi và 16 tuổi. Không phải là đương kim hoa hậu ngày hôm nay, nhưng đám đông ấy không thể tha thứ.
Vậy định hướng cho trẻ sử dụng mạng xã hội như thế nào trong “thế giới mở” như hiện nay?
Chị Lương Lan My, một phụ huynh học sinh bày tỏ quan điểm: “Tôi thấy việc giáo dục, hướng dẫn kỹ năng cho các con trong việc sử dụng mạng xã hội là rất cần thiết. Tôi hiểu rằng điều này không có trong giáo trình nhưng việc nhiều trường học bắt đầu đưa vào giảng dạy cho học sinh, đối tượng trẻ vị thành niên là vô cùng cần thiết, nên triển khai rộng rãi hơn. Chúng ta có thể thấy rõ một điều rằng không thể cấm đoán được trẻ dùng Facebook, Youtube…
Nhiều phụ huynh chúng tôi không phải ai cũng thành thạo máy tính, mạng Internet để có thể sát sao quản lý. Thông tin trên mạng bây giờ vô cùng đa dạng, trẻ tiếp cận thông tin tốt phục vụ việc học hành hoặc trau dồi kỹ năng ngoại ngữ là điều tốt thì không sao. Song hành với đó vô cùng nhiều thông tin độc hại, khiêu dâm hoặc những cãi vã vô bổ.
Có thể nhìn thấy ngay bao nhiêu sự việc đã xảy ra thời gian qua mà bắt nguồn từ mạng xã hội. Trẻ em đang ở cái tuổi các cụ nói “dở ông dở thằng”, sĩ diện rất cao và phản ứng bồng bột. Thế là nảy sinh mâu thuẫn từ trên mạng lại hẹn hò nhau ra ngoài xử lý bằng chân tay vô cùng phản cảm. Đó còn là những vết thương tâm lý không dễ gì xóa bỏ khỏi trẻ”.
Có thể thấy ngay khi trẻ nảy sinh mâu thuẫn với chúng bạn hay các vấn đề trên mạng lại thường chọn phương án im lặng, tự giải quyết mà không thông báo cho gia đình hoặc nhà trường. Chính điều này đẩy vấn đề lên cao trào và hậu quả khôn lường.
Cách đây không lâu cũng chuyện mà chúng ta gọi là trẻ con, moi móc và bịa đặt câu chuyện lên mạng xã hội, có cháu tìm cách tự sát. Vô cùng bồng bột, nếu như không hướng dẫn, giáo dục, kiểm soát và cả chia sẻ cùng trẻ vị thành niên các kỹ năng sống trên mạng thì mọi chuyện sẽ càng trở nên muộn màng. Phụ huynh và nhà trường cần bắt tay sớm vào câu chuyện này.
Có một câu nói rằng: “Nếu chúng ta đang vui vẻ sử dụng những sản phẩm miễn phí, đơn giản chúng ta chính là sản phẩm”. Điều đó hoàn toàn đúng với những thứ miễn phí vô cùng phổ biến tràn lan trên mạng Internet, các hòm thư điện tử miễn phí và mạng xã hội cũng miễn phí nốt.
Các hãng công nghệ được gì trong việc phục vụ chúng ta, thông tin cá nhân. Họ lấy tất thảy thông tin cá nhân với những thuật toán siêu việt, từ thói quen, quan điểm chính trị, tôn giáo, món ăn yêu thích, gu thời trang hay những mẫu câu thường xuyên tìm kiếm trên mạng… và chúng được sử dụng cho việc chạy bán quảng cáo đích xác đúng đối tượng hay những điều gì khác người sử dụng hoàn toàn không thể hay biết. Điều này đã không tốt lắm cho người lớn và hiển nhiên càng không tốt cho trẻ vị thành niên khi bị “phơi bày” mọi thứ trong siêu thị thông tin khổng lồ, Internet.
Thế đấy, chúng ta, người lớn có thể đã vô tình bỏ qua hoặc không bao giờ được biết cái thế giới và cách cư xử trên mạng của lũ trẻ. Giám hộ trẻ sử dụng Internet luôn là điều cần thiết và việc này bắt đầu luôn không bao giờ là muộn.