Tiếp nhận hiến tặng bản Tiến quân ca từ gia đình nhạc sĩ Văn Cao:

Tri ân người nhạc sĩ cách mạng xuất chúng

Thứ Tư, 13/07/2016, 15:25
Tới đây, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam sẽ chính thức tổ chức trọng thể lễ tiếp nhận văn bản hiến tặng bài Tiến quân ca, bản sao viết tay bài Tiến quân ca của cố nhạc sĩ Văn Cao do gia đình trao tặng. Cùng đó là lễ truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho cố nhạc sĩ Văn Cao; tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho bà Nghiêm Thúy Băng, vợ cố nhạc sĩ Văn Cao.

Đây là niềm vinh dự đối với gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao và cũng đáp ứng được lòng mong mỏi của toàn thể nhân dân, với tấm lòng ngưỡng mộ và tri ân người nhạc sĩ cách mạng xuất chúng. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà thơ, họa sĩ Văn Thao, con trai cả của cố nhạc sĩ Văn Cao xung quanh sự kiện này.

Phóng viên: Được biết khi nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đưa lên trình Chủ tịch Hồ Chí Minh để lựa chọn, Quốc dân Đại hội thông qua có 3 tác phẩm, trong đó có Tiến quân ca. Vậy Tiến quân ca được lựa chọn như thế nào, thưa họa sĩ Văn Thao?

Nhạc sĩ Văn Cao.

Nhà thơ, họa sĩ Văn Thao: Có thể nói, người sáng tác Tiến quân ca, người tự tay viết bài Tiến quân ca để in trên báo Độc Lập cũng chính là tác giả. Đây là một việc hiếm xảy ra, không chỉ riêng ở Việt Nam. Phiến đá in bài Tiến quân ca sau đó đã được đích thân nhạc sĩ chuyển cho Bảo tàng Lịch sử và hiện nay vẫn được lưu giữ.

Tiến quân ca, sau khi ra đời, thì lập tức được lan tỏa khắp nơi. Và đó là một trong những bài hát cách mạng đầu tiên. Sau đó, sang đến năm 1945,  khoảng giữa năm 1945, nhạc sĩ Văn Cao sáng tác tiếp bài Chiến sĩ Việt Minh. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi có bài Diệt phát xít.

Có một kỷ niệm mà tôi được nghe về việc lựa chọn bài Tiến quân ca, do chính cha tôi kể lại. Buổi sáng ngày 16/8/1945, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đưa lên 3 bài: Tiến quân ca, Chiến sĩ Việt Minh của nhạc sĩ Văn Cao và bài Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi. Sau khi nghe xong, Bác Hồ nói: Bài Diệt phát xít của chú Thi là một bài rất hay. Ngắn gọn. Xúc tích. Và dễ phổ cập. Nhưng không thể chọn làm bài chào cờ được nữa vì chủ nghĩa phát xít đã tan rã rồi. Bài thứ hai là Chiến sĩ Việt Minh của nhạc sĩ Văn Cao, Bác nói riêng ý kiến Bác, là Bác thích bài này.

Đặc biệt là cái đoạn kết có câu: "Thề phục quốc, tiến lên Việt Nam! Lập quyền dân, tiến lên Việt Nam! Đài hạnh phúc, đắp xây tự do. Việt Nam tranh đấu chống quân ngoại xâm." Bác thích nội dung của đoạn kết đó. Phải nói rằng, từ những ngày đó, nhạc sĩ Văn Cao đã viết "lập quyền dân", mà "lập quyền dân" là đúng ý của Bác. Và cho đến bây giờ vẫn mang hơi thở cuộc sống, mang tính thời sự rất cao.

Nhưng sau đó Bác bảo thế này: Nếu chọn bài này (tức là bài Chiến sĩ Việt Minh), làm bài chào cờ (Quốc ca), e rằng dài quá, nhân dân đứng sẽ mỏi chân. Và bài này cũng là bài khó hát. Cho nên, theo Bác, bài Tiến quân ca là hợp nhất. Vừa ngắn gọn, dễ phổ cập, dễ hát. Cuối cùng Bác đã chọn Tiến quân ca.

PV: Quốc gia nào cũng có Quốc ca. Nhưng một bản Quốc ca ra đời trong cách mạng, song hành cùng cách mạng, mang theo cùng với nó sứ mệnh lịch sử như lời hiệu triệu toàn dân chống giặc ngoại xâm, giành độc lập thì hình như trên thế giới không có nhiều? Trong số đó theo như tôi biết có La Marseillaise, Quốc ca Pháp và một bài nữa chính là Tiến quân ca. Ông có thể chia sẻ thêm?

Bản nhạc Tiến quân ca lưu truyền trên mạng internet.

Nhà thơ, họa sĩ Văn Thao: Sau sự kiện biến buổi mít-tinh của Chính phủ Trần Trọng Kim thành cuộc tuần hành biểu dương và bày tỏ tinh thần ủng hộ Mặt trận Việt Minh tại Quảng trường Nhà hát Lớn ngày 17/8/1945, thì cùng với lá cờ đỏ sao vàng, Tiến quân ca đã trở thành lời hiệu triệu mạnh mẽ, được nhân dân khắp nơi thuộc và hát, với khí thế hừng hực…

Ngày 19/8/1945, Mặt trận Việt Minh lại tổ chức một cuộc mít-tinh lớn tại Nhà hát Lớn để chuẩn bị cướp chính quyền. Lúc này thì cờ đỏ rợp trời rồi. Chính thức nhạc sĩ Văn Cao, đứng chỉ huy dàn hợp xướng Đội Thiếu niên Tiền phong hát Tiến quân ca ngay giữa quảng trường. Nghĩa là Tiến quân ca, khi nhạc sĩ Văn Cao còn chưa biết là được chọn làm Quốc ca, thì đã vang lên trên quảng trường Nhà hát Lớn.

Vì thế, có thể nói Tiến quân ca đồng hành cùng cuộc Cách mạng lịch sử của dân tộc. Nó không đi theo, và cũng không sáng tác để biểu dương một chiến thắng cụ thể nào. Tiến quân ca ra đời trước đó (1944) và góp phần vào cùng làm nên thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám. Và sau đó thì như mọi người đều biết, ngày 2/9, trong lễ đọc Tuyên ngôn độc lập của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Tiến quân ca được cử hành trọng thể, một cách chính thức trở thành Quốc ca trong lễ chào cờ sáng mùa thu năm ấy.

Sau đó thì toàn quốc kháng chiến, Tiến quân ca tiếp tục đồng hành cùng cuộc kháng chiến của dân tộc. Cho đến sau khi hòa bình lập lại, năm 1955, trước khi Quốc hội Khóa II họp, vào tháng 9/1955, nhạc sĩ Văn Cao được Quốc hội mời lên, đề nghị sửa lời. Trước đó, cả một thời gian dài vẫn sử dụng lời cũ "Tiến lên, cùng thét lên! Chí trai là đây nơi ước nguyện", và cả "Hỡi ai lòng chớ quên, Bắc Sơn cùng Đô Lương, Thái Nguyên". Nghĩa là lời cũ đã được sử dụng 10 năm trời, từ 1945 đến 1955. Quốc ca bây giờ là được nhạc sĩ Văn Cao đổi lời vào tháng 9/1955 và được Quốc hội thông qua…

PV: Được biết trong việc chỉnh sửa lời của bài hát Tiến quân ca, nhạc sĩ Văn Cao vẫn còn có một số điều chưa ưng ý. Với tư cách là con cả trong gia đình, ông đã tiếp xúc với thông tin này như thế nào?

Nhà thơ, họa sĩ Văn Thao: Sau khi được yêu cầu, nhạc sĩ Văn Cao đã sửa lại lời ca cho phù hợp với tình hình mới (Hòa bình lập lại). Tuy nhiên, theo tôi được biết, lời bài ca sau đó lại được sửa qua công tác kiểm duyệt một lần nữa, thay đổi một số chữ mà cho đến tận sau này, khi tâm sự với tôi, ông cụ vẫn tỏ ý không hài lòng.

Ví dụ như câu "Cùng chung sức kiến thiết xây đời mới" thì chữ “kiến thiết” bị sửa thành “phấn đấu”. Theo ông cụ, chữ "kiến thiết" là chữ rất rõ ràng, chữ thuần Việt. Còn "phấn đấu" nó yếu đi. Hay như câu "Núi sông Việt Nam ta vững bền" thì chữ "Núi sông" bị đổi thành "Nước non". Nước non là từ Hán Việt, đôi khi không hay bằng. Còn chữ "Núi sông", theo nhạc sĩ Văn Cao, mang tính khẳng định cao hơn.

PV: Vậy bây giờ văn bản mà gia đình quyết định hiến tặng là bản gốc từ năm 1944 hay bản đã chỉnh sửa năm 1955 được sử dụng cho đến nay, thưa ông?

Nhà thơ, họa sĩ Văn Thao, con trai trưởng cố nhạc sĩ Văn Cao.

Nhà thơ, họa sĩ Văn Thao: Bản gốc thì bây giờ đi vào lịch sử rồi. Gia đình sẽ hiến tặng theo bản hiện tại đang sử dụng.

PV: Còn một chi tiết nữa về việc chỉnh sửa giai điệu bài hát. Theo thông tin được biết, khi chỉ huy dàn kèn cử hành bài Tiến quân ca, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên đã đề nghị nhạc sĩ Văn Cao điều chỉnh trường độ nốt Rê mở đầu ngắn lại (Bản gốc của nhạc sĩ Văn Cao sáng tác ở giọng Sol Trưởng. Hiện tại hầu hết các bản nhạc bài Tiến quân ca lưu hành trên mạng được dịch giọng Si Giáng trưởng). Việc này như thế nào, thưa ông?

Nhà thơ, họa sĩ Văn Thao: Theo ý đồ ban đầu của nhạc sĩ Văn Cao khi viết Tiến quân ca thì nốt đầu ngân dài, chủ ý vang lên hùng tráng như một tiếng cồng. Thì đấy là ý tưởng của tác giả. Còn theo như ý ông Đinh Ngọc Liên, người chỉ huy dàn nhạc tấu bài Tiến quân ca, nốt đầu nên vào luôn đi cho dễ hát (cắt ngắn trường độ nốt). Còn giữ tiếng ngân dài như bản gốc thì người không có kỹ thuật, đại bộ phận quần chúng nhân dân sẽ khó hát hơn. Và nhạc sĩ Văn Cao đã đồng ý.

PV: Về việc hiến tặng bài Tiến quân ca, ý kiến của các thành viên trong gia đình như thế nào, thưa ông?

Nhà thơ, họa sĩ Văn Thao: Việc làm này là thể theo nguyện vọng của nhạc sĩ Văn Cao trước khi mất. Bản thân cha tôi cũng đã tiên đoán được bản nhạc sẽ trở thành tài sản chung của quần chúng nhân dân, đất nước. Trong di cảo, ông viết: "Một tháng sau khi báo phát hành, tôi từ cơ quan ấn loát trở về. Qua một đường phố nhỏ (bây giờ là phố Mai Hắc Đế), tôi chợt nghe thấy tiếng đàn mandolin từ một căn gác vọng xuống.

Có người đang tập hát Tiến quân ca. Tôi dừng lại và tự nhiên thấy xúc động. Một xúc động đến với tôi hơn tất cả những tác phẩm của tôi đã được trình diễn ở các rạp hát trước đây. Tôi nhận ra được vài chỗ nhịp điệu còn chưa được hoàn chỉnh. Nhưng bài hát đã in ra rồi. Bài hát đã được phổ biến và không còn là của riêng tôi".

Về phía gia đình tôi, mọi người đều vui vẻ và đồng thuận. Bài Tiến quân ca đã đi vào lịch sử, đã là của nhân dân rồi. Việc trao tặng này mang tính thủ tục là chính.

PV: Ngay cả nhạc sĩ và gia đình cũng ý thức được bản thân tác phẩm là của nhân dân từ lâu rồi, vậy thì ngoài việc thực hiện di nguyện của nhạc sĩ, qua việc hiến tặng lần này, gia đình có mong muốn thêm điều gì liên quan đến ca khúc Tiến quân ca nữa không, thưa ông?

Nhà thơ, họa sĩ Văn Thao: Nhạc sĩ Văn Cao từng không ít lần nói với mọi người trong gia đình và kể cả trong các phát biểu bên ngoài rằng "tôi đâu có sáng tác Quốc ca? Tôi chỉ sáng tác một bài ca yêu nước. Một bài ca cách mạng cho một đội quân cách mạng. Tôi không hề nghĩ sau này nó sẽ trở thành Quốc ca. Còn việc nó trở thành Quốc ca là do nó (bài hát đó)!"

Có thể khẳng định lại rằng, cho đến bây giờ, cả về sau này, Tiến quân ca vẫn là một trong những sáng tác, một ca khúc cách mạng của nhạc sĩ Văn Cao. Số phận của tác phẩm vượt qua cả sự quán xuyến của tác giả là điều vẫn thường xảy ra. Chỉ có điều, vì đó là Quốc ca, nên vấn đề bản quyền từ lâu gây nhiều thắc mắc. Và gia đình cũng gặp nhiều phiền toái trong chuyện này.

PV: Phiền toái như thế nào, thưa ông?

Nhà thơ, họa sĩ Văn Thao: Ví dụ như ai cũng tưởng rằng bài Tiến quân ca này sẽ được hưởng rất nhiều nhuận bút? Đại loại thế. Hoặc là lại có nhiều người nghĩ bài Tiến quân ca này đã là Quốc ca rồi thì là điều... đương nhiên như thế!

Theo tôi và gia đình, việc hiến tặng tự nguyện, công khai lần này cũng giải quyết được một số vấn đề khó xử vẫn tồn tại từ xưa đến nay. Bởi cũng sẽ có người đặt câu hỏi, là không biết rằng suốt từ hồi đó, từ hồi được chọn cho đến bây giờ, trải qua rất nhiều thăng trầm, bài ca đó vẫn đồng hành với đất nước này. Vậy thì trả (nhuận bút - nv) như thế nào đây? Trả bằng cái gì? Và lần (hiến tặng) công khai chính thức này sẽ giải tỏa những băn khoăn ấy.

Cái thứ hai là gia đình không thấy, và bản thân gia đình cũng chưa bao giờ có công văn, thư từ gì lên đặt vấn đề với nhà nước về vấn đề bản quyền bài Tiến quân ca, được sử dụng làm Quốc ca. Mà gia đình luôn tâm nguyện một lúc nào đó, thể theo nguyện vọng, thời cơ đến, thì sẽ trao tặng tác quyền bài Tiến quân ca cho nhân dân, với Quốc hội là cơ quan đại diện tiếp nhận.

Về việc gia đình có yêu cầu gì, thì tôi khẳng định gia đình không yêu cầu gì cả. Trao tặng công khai, tự nguyện cho nhân dân. Và Quốc hội đứng ra tiếp nhận. Tôi cũng muốn thay mặt gia đình cảm ơn sự tiếp nhận trân trọng này. Yêu cầu tiếp nhận lần này được đáp ứng nên gia đình cũng hoàn toàn đồng thuận, không đòi hỏi.

Và cũng xin nói thêm cho rõ, về việc trao tác quyền, thì có thể hiểu rằng từ nay trở đi, việc sử dụng hoàn toàn do Nhà nước. Nhưng nhạc sĩ vẫn giữ bản quyền về giai điệu và lời hát. Không ai có quyền thay đổi tác phẩm, ngoại trừ chính tác giả của nó. Và nhạc sĩ đã mất rồi thì bản nhạc ấy mãi mãi đi vào lịch sử. Về mặt nguyên tắc không ai được quyền thay đổi gì thêm nữa.

PV: Xin cảm ơn ông!

Việt Ba (thực hiện)
.
.