Triển khai gói tín dụng 30.000 tỉ : Rắc rối thủ tục vay vốn mua nhà

Thứ Ba, 18/06/2013, 15:25

Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở đã chính thức có hiệu lực đang được kỳ vọng sẽ góp phần làm ấm lại thị trường bất động sản. Tuy nhiên vẫn còn nhiều băn khoăn…

Tôi thử đi vay mua nhà

Chiều 3/6, tôi tìm đến Phòng giao dịch của Ngân hàng BIDV trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Nghe tôi nói muốn tìm hiểu thủ tục vay tiền mua nhà ở xã hội, một chuyên viên Phòng quan hệ khách hàng cá nhân bảo rằng "hôm nay có rất nhiều người đến hỏi thủ tục vay mua nhà như anh".

Sau khi hỏi tôi định mua nhà ở dự án nào, thu nhập hiện nay của hai vợ chồng và số tiền dự định vay… anh này liền đưa cho tôi xem mẫu "giấy đề nghị vay vốn" dài tới gần 3 trang A4 với 10 mục cần phải khai, từ thông tin khách hàng; thông tin vợ (chồng) của khách hàng; thông tin về nghề nghiệp của khách hàng; chi tiết khoản vay đề nghị, rồi tài sản đảm bảo cho khoản vay; thông tin về thu nhập và tài sản; thông tin về quan hệ tín dụng với các ngân hàng…. Và trong phần "hồ sơ đính kèm", người vay sẽ phải kèm theo tờ đề nghị vay vốn này bản sao chứng minh thư, bản sao giấy đăng ký kết hôn (nếu có), hợp đồng lao động, bảng lương/ sao kê lương, hợp đồng mua bán tài sản và giấy tờ chứng minh nhu cầu sử dụng vốn vay…

Theo nhân viên này thì để vay được tiền, việc đầu tiên là tôi phải đưa ra được bản hợp đồng mua bán căn hộ với chủ đầu tư. Sau đó ngân hàng sẽ thẩm định và sẽ phải có một cuộc gặp theo kiểu "3 mặt 1 lời", tức là khách hàng, chủ đầu tư và ngân hàng. Nếu đủ điều kiện vay thì chỉ trong 4 ngày sẽ ký hợp đồng vay vốn. Nguyên tắc là khách hàng sẽ phải có số tiền tương ứng tối thiểu 20% trị giá của căn hộ và phải "đi trước", tức là trong đợt thanh toán đầu tiên khách hàng sẽ phải trả trước cho chủ đầu tư, sau đó căn cứ vào thông báo thu tiền của chủ đầu tư và số tiền khách hàng được vay, ngân hàng sẽ giải ngân theo tiến độ.  

Nghe tôi nói thu nhập của hai vợ chồng được khoảng gần 20 triệu đồng/ tháng và định vay khoảng 500 triệu đồng, anh nhân viên ngân hàng cười bảo "thu nhập như vợ chồng anh thì làm sao mà gọi là thu nhập thấp được. Hiện nay bọn em vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể xem người muốn vay tiền có mức thu nhập bao nhiêu thì được vay vì thu nhập thấp quá thì khó trả nợ, nhưng nếu thu nhập cao quá mà vẫn cho vay thì lại sợ phạm luật vì anh biết rồi đấy, với gói tín dụng này, nếu làm sai là có thể bị xử lý hình sự. Chắc là vài hôm nữa sẽ có hướng dẫn cụ thể, tốt nhất là anh cứ về nghiên cứu kỹ quy định đi, khi nào có hợp đồng mua bán căn hộ thì điện cho em, em sẽ tư vấn tiếp vì những người công tác trong lực lượng vũ trang như anh thì luôn nằm diện ưu tiên nhất rồi". 

Thực tế hiện nay nhu cầu về nhà ở đang rất lớn, bởi theo kết quả rà soát mới nhất của Bộ Xây dựng, hiện khu vực đô thị cả nước có 1,74 triệu người khó khăn về nhà ở (diện tích dưới 5m2/người), đa số đều là người có thu nhập thấp, muốn mua nhà chắc chắn sẽ phải vay.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, gói hỗ trợ này là một sự cố gắng của Chính phủ trong nỗ lực phát triển nhà ở cho những người có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, để đáp ứng đủ điều kiện được vay lại không phải dễ. Chỉ cần nhìn vào quy định trong tờ khai đề nghị vay vốn của ngân hàng cũng thấy phải có nhiều thủ tục. Không những thế, mức lãi suất 6%/năm trong 10 năm mặc dù được cho là thấp nhất hiện nay nhưng vẫn là khoản chi phí không nhỏ.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đưa ra một phép tính: nếu một người mua nhà ở xã hội hay nhà ở thương mại bình dân sẽ cần vay ngân hàng khoảng 600 triệu đến 800 triệu đồng, giả sử thời hạn vay tổng cộng là 20 năm, trong đó 10 năm đầu được vay với mức lãi suất 6%/năm, thì trong vòng 10 năm đầu, người vay phải trả khoảng 2,7 triệu - 3,5 triệu/tháng (bao gồm 150-200 nghìn (tiền lãi) + 2,5 triệu - 3,3 triệu (tiền gốc), trong 10 năm tiếp theo người vay có thể phải trả khoảng 2,8 triệu - 4 triệu/tháng (cả gốc và lãi) nếu lãi suất cho vay tăng cao thậm chí lên đến khoảng 15-20%/năm.

"Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước nên đưa thêm điều kiện đối với các ngân hàng muốn tham gia phân bổ gói cứu trợ này phải cam kết cho đối tượng vay ưu đãi được trả góp trong thời hạn từ 15-25 năm. Hay có cơ chế hỗ trợ đối tượng vay được ân hạn thời gian bắt đầu phải thanh toán gốc vay sau 2-3 năm kể từ ngày ký hợp đồng vay".

Còn Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên lại cho rằng lãi suất chỉ nên ở mức 3%/ năm và nên cố định trong vòng 7 năm, bởi lãi suất mua nhà bao giờ cũng phải thấp hơn nhiều lãi suất đang cho vay thực tế bởi có tài sản đảm bảo.

Doanh nghiệp liệu có mắc kẹt với nhà ở xã hội?

Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, ông Trần Đức Minh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kinh Đô TCI, một doanh nghiệp đang triển khai nhiều dự án bất động sản ở Hà Nội, thì cho rằng với quy trình thủ tục chuyển đổi dự án như hiện nay, doanh nghiệp nên chọn đầu tư vào phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ hơn là tập trung vào nhà ở xã hội bởi khách hàng mua nhà tại các dự án thương mại giá rẻ vẫn được vay vốn ưu đãi.

Cùng chung quan điểm này, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cũng cho rằng theo Khoản 1 Điều 2 Thông tư 11, thời gian cấp nguồn vốn 30.000 tỉ của Nhà nước tối đa là 36 tháng kể từ ngày 1/6/2013. Do đó, với cơ chế, thủ tục chuyển đổi phức tạp, chậm chạp như hiện nay, nếu các doanh nghiệp bất động sản xin chuyển đổi xong dự án nhưng rồi không được vay vốn hay hết thời hạn được vay nguồn vốn 30.000 tỉ như quy định nêu trên thì rõ ràng, các doanh nghiệp này sẽ lâm vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan", và hệ lụy kéo theo sẽ lại là những dự án nhà ở xã hội "trên giấy".

Ông Trịnh Văn Quyết nêu ý kiến: "Tôi rất kỳ vọng các doanh nghiệp bất động sản sẽ tính toán thực hiện các dự án nhà ở có mức giá trên dưới 12-13 triệu/m2 và rất mong các ngân hàng sẽ chủ động đưa ra các chương trình khuyến khích người dân mua nhà trả góp trong thời hạn 20-25 năm. Có như vậy, Việt Nam mới có thể xây dựng một thị trường bất động sản bền vững trong tương lai.

Đã đến lúc các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam phải nghiên cứu và vạch ra một chiến lược phát triển riêng, dài hạn cho mình thay vì làm theo "phong trào" như thời gian vừa qua"

Nguyễn Thiêm (nguyenthiemantg@gmail.com)
.
.