Triển lãm ảnh “Chuyện những bà mẹ đơn thân”: Nói ra, đừng sợ!

Thứ Sáu, 25/03/2011, 14:50
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan thực hiện triển lãm “Chuyện những bà mẹ đơn thân” tại 36 Lý Thường Kiệt - Hà Nội bắt đầu chiều 7/3/2011. 20 bà mẹ đơn thân xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã được tập huấn và giao máy ảnh trong vòng hai tháng để tự chụp về cuộc sống, những gì gần gũi và yêu thương nhất với họ.

20 chị em phụ nữ này chỉ là con số rất nhỏ bằng 1/10 trong 200 hộ phụ nữ đơn thân khác trong xã. 100 bức ảnh được trưng bày lần này được chọn ra từ 1000 bức ảnh là tiếng nói chân thực của người trong cuộc, và các chị em phụ nữ đồng cảnh ngộ. Nhiều câu chuyện cảm động về những con người vượt lên hoàn cảnh, số phận để có một ngày mai tươi sáng hơn. 20 người phụ nữ đơn thân đã vượt qua những định kiến hẹp hòi, nhận thức khắt khe của xã hội, và họ đã dũng cảm băng qua bóng tối của sự tự ti, mặc cảm để chứng minh “Điều chúng tôi muốn nói”.

Những dáng hình liêu xiêu dưới ánh sáng mờ dần của buổi chiều đông lạnh lẽo, họ ngồi cả lại bên nhau, mỗi người là một câu chuyện, mà ở đấy kịch tính đã lên tới đỉnh điểm. Một người phụ nữ trong số họ đứng dậy dõng dạc nói: "Chúng tôi là những nữ anh hùng", lập tức nhiều ánh mắt tò mò nhìn theo chị, ngay cả bản thân tôi cũng không khỏi ngạc nhiên.

"Tại sao chị lại nói mình như vậy?" - tôi buột miệng hỏi. Chị đáp: "Những người khác chỉ có 2 vai, còn chúng tôi phải làm việc bằng 4 vai, việc gì cũng đến lượt mình, làm gì có ai gánh đỡ đâu, chúng tôi vừa là mẹ vừa là cha, và làm đủ mọi nghề từ trồng lúa, ngô, khoai, sắn đến buôn bán lặt vặt, nghề gì cũng làm, gánh đất gánh cát, làm thuê làm mướn để có tiền nuôi con ăn học". Nói rồi, chị dẫn tôi đến những bức hình chị chụp cách đây ít lâu.

Chị tên là Trương Thị Minh, 53 tuổi. Người đàn bà này đã trải qua một cuộc hôn nhân lạ lùng. Năm 18 tuổi, chị đang đi làm đồng thì giữa trưa bị gọi về nhà: "Minh ơi về nhà đi, người ta mang trầu cau sang ăn hỏi kia kìa", chị chạy như bay về nhà để xem mặt chồng thì thấy một người đàn ông ngồi đấy, anh ta cứ tủm tỉm cười với chị. Một tuần sau lễ cưới diễn ra theo sự sắp đặt của hai bên gia đình. Lần này cưới mà chả thấy chú rể đâu? Chị hỏi thì được giải thích là chú rể bị cảm nên tránh ra gió, không đến để xin dâu được.

Khi về nhà chồng chị mới té ngửa, người đến ăn hỏi hôm đó không phải là người chồng bây giờ. Chồng chị thực chất là một người cục cằn, anh ta ít khi mở lời nói với vợ được những câu dịu dàng, thi thoảng bực chuyện gì thì anh ta lại dùng nắm đấm và bạt tai để thể hiện bản lĩnh đàn ông. Người phụ nữ ấy như một cây non giữa giông bão mà không biết bấu víu vào đâu, những lời nói bóng gió cay độc của mấy bà chị chồng như ngàn vạn mũi dao đâm vào trái tim non nớt của chị.

Thì ra, gia đình nhà chị quá nghèo nên đã để cho chị đi lấy chồng khi gia đình nhà chồng chỉ bỏ ra chút ít bạc lẻ mua dâu. Chị làm quần quật như con ở nhưng vẫn không tránh khỏi những trận đòn roi của người chồng thô lỗ. Sau 4 năm chung sống, chị lần lượt sinh cho chồng hai bé trai.  Khi đứa bé thứ hai vừa tròn 2 tháng tuổi thì tai họa ập đến, trong nhà tự nhiên mất vài đấu gạo, mấy bà chị chồng vu cho chị lấy rồi họ lôi chị ra sân đuổi đi khỏi nhà. Người mẹ trẻ nước mắt lưng tròng thanh minh như thế nào cũng không được, để lại đứa con trai cả cho gia đình chồng, chị ôm con trai nhỏ vào lòng và đi khỏi nhà vào cái ngày nắng như đổ lửa.

Đói, khát, kiệt quệ cả về tinh thần và sức lực, người chị lả đi. Thế rồi, chị cũng lê được tấm thân về nhà bố mẹ đẻ, nhưng ngờ đâu ông bà phản đối không cho chị ở lại. Họ sợ rằng gia đình nhà chồng sẽ đến gây khó dễ cho họ, lại còn tiền cưới khi xưa, biết ăn nói thế nào?! Nhìn đứa con thơ 2 tháng tuổi bồng ở trên tay, thương con, lại tủi phận mình, chị trào nước mắt. Gia đình người hàng xóm tốt bụng đã thương tình cho mượn tạm một khoanh đất nhỏ trong vườn. Chị tự tay nhào đất, xin tre dựng tạm gian nhà vách đất bên trong có cái chõng tre để đủ cho hai mẹ con tá túc qua ngày.

Nhưng, dù vậy, nỗi nhớ thằng con đầu vẫn khôn nguôi, có lắm hôm chị chạy đến nhà chồng xin được gặp con, cầu xin được mang thằng bé đi nhưng gia đình nhà chồng không chấp thuận. Có những buổi chiều chị đứng nấp sau bụi cây ở ngoài cửa ngóng vào để được nhìn thấy con, con chó canh nhà thấy chủ cũ không sủa và chị đứng như thế lắm khi tới tắt nắng mặt trời. 11 năm lang thang, 6 lần di chuyển chỗ ở,  năm 1998 khi chứng kiến một đứa bé gái 2 tháng tuổi bị mua đi bán lại, đứa trẻ này cũng bằng tuổi đứa trẻ con chị mà chị bồng trên tay khi xưa bị gia đình nhà chồng xua đuổi hai mẹ con chị ra khỏi nhà. Ngày đêm chị ám ảnh về đứa trẻ đáng thương, không biết số phận nó rồi sẽ đến đâu.

Nói đến đây người phụ nữ can đảm và giàu lòng trắc ẩn ấy lấy tay quệt nước mắt. Nhiều ống kính phóng viên chiếu vào chị và đèn bật sáng lia lịa. Chị nói: "Đừng chụp, tôi khóc thế này vào ảnh thì xấu lắm". Một ai đó trong chúng tôi đã thốt lên: "Không, chị là người phụ nữ đẹp. Chị là hiện thân của người phụ nữ mang tâm hồn Việt Nam đẹp giản dị và nhân hậu".

Tất cả mọi người từ nãy giờ đứng xung quanh chị vẫn muốn được nghe tiếp về câu chuyện của chị và xin chị kể tiếp. Chị rút từ trong người ra một cái ví nhựa xinh xắn to bằng bàn tay màu hồng, giơ lên: "Đây là quà mà con gái tôi nhịn ăn sáng và dành dụm tiền để mua cho tôi chiếc ví này làm quà nhân ngày 8-3. Cháu nay đã 13 tuổi rồi".

Bé Hoài Thương được nhận nuôi từ lúc 2 tháng tuổi, năm nay bé đã 13 tuổi (bên trái); chị Trương Thị Minh và chiếc ví Hoài Thương tặng mẹ.

Bé gái 13 tuổi mua chiếc ví tặng mẹ chính là cô bé 2 tháng tuổi năm đó bị mua đi bán lại mà chị đã chuộc bé về. Chị kể: "Tôi ăn không ngon ngủ không yên, dù khổ đến mấy tôi cũng quyết nuôi cháu". Lúc đó gia cảnh của chị chỉ có vẻn vẹn 3 triệu đồng, gói ghém tất cả số tiền vào một cái túi con, chị đi khắp 6 làng tìm bằng được cháu bé để chuộc về. Chị đã lên không biết bao nhiêu con đò, qua bao nhiêu bến sông, chị vẫn nhớ như in mỗi chuyến đò ngày đó chỉ có 200 đồng, vậy mà chị đã bỏ ra 36.000 đồng để đi đò. May mắn chị đã gặp được gia đình vừa mới mua đứa bé. Khi đưa tất cả số tiền tích cóp, chị được bế cháu bé đi.

Về nhà chị đặt tên bé mang họ chị là Trương Thị Hoài Thương. Thương ngoan và học giỏi lại rất thương yêu mẹ. Vô tình, một người phụ nữ đơn thân trong số 20 phụ nữ ở đây đã chụp ảnh bé Thương, và bên cạnh là lời tâm sự của em, làm cho chị bùi ngùi. "Năm 8 tuổi, cháu biết mình là con nuôi của mẹ cháu nhưng cháu cảm thấy rất vui vì làm con nuôi nhưng mẹ rất thương yêu cháu. Cháu được mẹ yêu thương và chăm sóc như anh lớn. Hàng xóm thường nói cháu có phúc khi được vào gia đình này. Anh trai cũng rất yêu thương cháu...".

Trong các khuôn mặt u uẩn của những tháng ngày cơ cực, lam lũ, câu chuyện của một người đàn bà khác đã để lại một ấn tượng mạnh mẽ cho tôi. Người phụ nữ nhỏ bé ấy đứng bẽn lẽn ở nơi góc phòng. Chị 58 tuổi, sự tảo tần, lam lũ cùng với thời gian làm chị trở nên già nua, mệt mỏi. Nhưng nhìn kỹ ở chị vẫn toát lên một nghị lực sống từ tiếng nói trầm ấm và đôi mắt sáng với ánh nhìn thẳng không lảng tránh.

Chị Đỗ Thị Bình ở thôn Đan Tảo là công nhân ngành đường sắt, gần 40 tuổi mà duyên phận hẩm hiu vẫn chưa lấy được tấm chồng, chị khao khát có con. Và hạnh phúc nhỏ bé ấy đã đến với chị.  Chị không nói với tôi rằng đứa con có phải là kết quả của một tình yêu hay không và tôi cũng không đủ can đảm để hỏi chị, nhưng ít ra chắc chắn điều mà tôi biết thì chị hạnh phúc vì được làm mẹ. Chị kể: "Năm 1992, khi tôi có thai bố mẹ tôi không phản đối, nhưng cũng không vui. Còn các em thì bảo: "Thôi chị nhiều tuổi rồi, cứ để chị ấy đẻ một đứa, hàng xóm xung quanh cũng chả ai nói gì, họ cũng mừng cho tôi vì sau này có đứa con sẽ được nương nhờ. Cơ quan không ngăn cấm, chính quyền cũng thế. Mọi người đều ủng hộ".

9 tháng mang thai trong chờ đợi, chị hạ sinh được một bé trai, khi cháu bé được vài tháng tuổi chị xin nghỉ việc, về hưởng chế độ một lần. Lúc chị về cơ quan không có tiền nên đã cho chị 1.000 viên gạch ximăng (tương đương 1 triệu đồng), hợp tác xã lại chưa chia ruộng nên hai năm đầu, trời lờ mờ sáng chị đã dậy đồ xôi, và hằng ngày cứ quẩy thúng xôi ra trú tạm vào một vỉa hè quen thuộc để có tiền nuôi con.

Sau này khi có vốn Phần Lan dành cho những phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chị được vay vốn hỗ trợ phát triển chăn nuôi và có cơ hội giao lưu với những người đồng cảnh ngộ. Chị tâm sự: "Những người đồng cảnh ngộ bao giờ cũng dễ tìm được tiếng nói chung, dễ chia sẻ với nhau hơn nhiều. Những người có đầy đủ vợ chồng, điều kiện người ta khác thì khó gần gũi hơn".

 Khác với người mẹ đơn thân, bi kịch của những cuộc hôn nhân bị ép buộc, hay bị chồng ruồng rẫy, là một câu chuyện đẹp về tình yêu trong sáng và mãnh liệt nhưng cũng khá bi thương của chị Nguyễn Thị Quý sinh năm 1976, thôn Sơn Đông. Mặc dù bố mẹ anh không đồng ý nhưng vì tình yêu họ vẫn sống với nhau mà không đăng ký kết hôn.

Chị bồi hồi nhớ lại: "Khi biết mình có thai tôi đến bệnh viện định bỏ nhưng anh đã cản tôi: Tạo dựng được một giọt máu như thế thì cố đẻ, anh sẽ không bỏ em đâu, sẽ nuôi mẹ con em tử tế. Anh đã chăm sóc thương yêu hai mẹ con tôi. Tình yêu ấm áp đó kéo dài cho đến năm 2004, khi con gái chúng tôi vừa tròn 5 tuổi thì anh mất vì tai nạn giao thông".

Lúc đấy chị mới hay tin gia đình chồng không hề biết gì về hai mẹ con. Mất đi trụ cột chính trong gia đình, chị phải một mình bươn chải nuôi con. Đứa bé khi sinh ra đời, bố mẹ không đăng ký kết hôn nên chẳng có chế độ trợ cấp gì. Chị phải chạy chợ để kiếm thêm tiền nuôi con. Cuộc sống vốn công bằng, như có luật bù trừ, sau khi anh mất, ông trời đã mang đến cho chị một mái ấm của tình thương tuy không hoàn hảo nhưng đủ để sưởi ấm trái tim tê tái của chị.

"Hai ông bà nội đã nhận cháu và tôi. Hàng tháng ông bà thăm cháu một lần. Khi cháu ốm cũng lên chăm sóc, đỡ đần. Đầu năm lại cho cả tiền đóng học" - chị nói và không giấu khỏi sự xúc động xốn xang. Nay con chị đã 14 tuổi, chị cũng đỡ vất vả hơn xưa, có nhiều người đàn ông đến với chị nhưng chị không muốn đi thêm bước nữa. Âm dương cách biệt qua bao năm rồi mà tình cảm thuở nào vẫn vẹn nguyên sâu thẳm, cộng với tình yêu con của người mẹ khiến chị khước từ hạnh phúc được làm vợ để vẹn tròn thiên chức làm mẹ.

Đi qua những tấm ảnh mà các chị đã chụp, hình ảnh một con gà mái giữa sân nhà, bên cạnh có dòng chữ to "Con gà sao giống mình thế", lời chú thích bên dưới đã gây ấn tượng cho nhiều người. "Nhà tôi hiện chỉ còn con gà này thôi. Tôi thấy nó cô đơn quá. Tôi nghĩ sao nó giống mình thế, nhưng mình hơn nó vì mình có hai đứa con. Con gà này bây giờ chỉ ăn ở nhà, tối lại sang chuồng hàng xóm để ngủ nhờ, có lẽ chỉ có một mình nên nó sang chỗ đông để ngủ".

Đâu chỉ có 20 thân phận đặc biệt của những bà mẹ đơn thân đang hiện hữu trong buổi chiều ảm đạm nơi đây, còn biết bao nhiêu bà mẹ đơn thân khác, họ có thể là nhà văn, nhà báo, ca sĩ, dược sĩ, doanh nhân, chính khách... vì một lý do nào đó, hoàn cảnh và số phận đưa đẩy đã không cho họ hạnh phúc toàn vẹn nhưng họ vẫn sống như đang sống và biết bao người trong số họ có tính cách và cuộc sống khiến chúng ta phải ngưỡng mộ.

Xa kia, lẫn trong những vị khách mời có nữ đạo diễn sân khấu lừng danh NSND Phạm Thị Thành, một trong những người đặt nền móng cho sân khấu đương đại nước nhà cũng là bà mẹ đơn thân hàng chục năm nay. Khi tôi trò chuyện cùng nữ đạo diễn đáng kính về cuộc triển lãm ảnh đặc biệt này và rồi, sau đấy những câu nói của bà cứ văng vẳng bên tôi: "Cuộc triển lãm cho người ta hiểu và thông cảm về người phụ nữ, những hoàn cảnh khó khăn, éo le, đơn thân không phải vì chiến tranh mà vì phức tạp của xã hội, đàn bà như hạt mưa sa, hạt rơi chĩnh ngọc hạt ra vũng bùn. Đàn ông nhiều cách để bỏ vợ thế mà người ta vẫn kiên cường sống, vẫn nuôi con một mình được. Phụ nữ còn mạnh hơn cả phái được coi là mạnh"...

Trần Mỹ Hiền
.
.