Triển lãm tranh 3D cho người khiếm thị

Thứ Ba, 17/03/2015, 08:30
Cuộc triển lãm độc đáo mang tên gọi “Touching the Prado” được tổ chức tại Nhà Bảo tàng Prado ở thành phố Madrid, Tây Ban Nha, giúp cho người khiếm thị có cơ hội “chiêm ngưỡng” những tuyệt phẩm hội họa được in 3D bằng cách chạm tay vào chúng.

Tất cả có 6 kiệt tác của các danh họa như Leonardo da Vinci, Francisco Goya v.v… được sáng tạo bằng công nghệ 3D hiện đại. Cuộc triển lãm được mở cửa cho đến cuối tháng 6/2015.

Hầu hết các nhà bảo tàng trên thế giới đều có những quy đinh chặt chẽ, như là "cấm sờ tay vào hiện vật". Nhưng, đối với những người khiếm thị (mất khả năng cảm nhận thị giác một phần hay mù hoàn toàn) thì họ sẽ thưởng ngoạn nghệ thuật như thế nào? Tại sao người khiếm thị không có được quyền đánh giá tác phẩm nghệ thuật? Đó là vấn đề gây trăn trở cho Ban giám đốc Nhà Bảo tàng Prado ở thành phố Madrid, Tây Ban Nha.

Trong những năm qua, Nhà Bảo tàng Prado đã cùng làm việc với nhiều nhà bảo tàng khác ở châu Âu để mở rộng phạm vi trưng bày các bộ sưu tập, đầu tư vào những chương trình đặc biệt hơn hay đơn giản là xây dựng những con đường dốc dành cho người đi xe lăn dọc theo các gian phòng.

Nhưng, cho đến nay người khiếm thị vẫn không thể tham quan nhà bảo tàng nghệ thuật một cách đúng nghĩa để chiêm ngưỡng những họa phẩm bậc thầy của Goya, El Greco hay Diego Velazquez.

Giải pháp mà Ban giám đốc Nhà Bảo tàng Prado đưa ra là không chỉ hướng dẫn người khiếm thị bằng âm thanh hay chữ nổi, mà còn tạo ra những bản sao 3D tinh tế một số tuyệt tác hội họa.

Cuối cùng, dự án "Touching the Prado" đã ra đời. Marina Chinchilla, Phó giám đốc Nhà Bảo tàng Prado, giải thích: "Mục đích cuối cùng của chúng tôi là mở cửa nhà bảo tàng cho công chúng ở mọi tầng lớp, giúp cho mọi người có cơ hội chiêm ngưỡng các kho tàng nghệ thuật. Trong đó, bao gồm cả những khách tham quan khiếm thị".

Một phụ nữ khiếm thị đang cảm nhận bản sao "Mona Lisa" ở Nhà bảo tàng Prado.

Cách đây hơn năm, Nhà Bảo tàng Prado đã mời các công ty hoạt động khắp Tây Ban Nha để bàn thảo về dự án 3D cho người khiếm thị trước khi chọn Estudios Duredo, công ty chuyên về mỹ thuật ở vùng Basque của miền Bắc nước này.

Bà Cristina Velasco, chuyên gia thiết kế hàng đầu ở Estudios Duredo nói rằng: "Không phải mọi người khiếm thị đều hoàn toàn không nhìn thấy gì cả. Nhiều người vẫn còn nhìn thấy lờ mờ sự vật. Do đó, chúng tôi phải tạo ra bản sao thật giống nhất có thể các nguyên bản nghệ thuật".

Cristina Velasco, nhà thiết kế hàng đầu ở Estudios Duredo.

Trong khi giữ bí mật tuyệt đối những chi tiết trong tiến trình xử lý, Bảo tàng Prado chụp hình ảnh độ phân giải cao một bức tranh và sau đó cùng làm việc với một nhóm người khiếm thị để xác định chi tiết nào cần được nhấn mạnh để những người như họ có thể "xem" bằng tay. Ví dụ, đôi mắt của nhân vật trong bức tranh phải được tạo lõm hơn là lồi để người khiếm thị có thể cảm nhận được.

Cảm nhận kiệt tác Goya bằng cả hai tay.

Bà Velasco cũng nhấn mạnh: "Nếu có quá nhiều chi tiết tinh tế trong bức tranh, sự truyền đạt cảm nhận cho người khiếm thị sẽ rất khó khăn. Do đó, chúng tôi chỉ chọn một số tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu và không có quá nhiều chi tiết. Ngoài ra, chúng tôi cũng phải tôn trọng kích thước thật của bức tranh. Ví dụ như sự cảm nhận kiệt tác Guernica của Picasso".

Các nhà thiết kế sẽ tích hợp các chi tiết bức tranh vào một bản sao được in bằng loại mực đặc biệt. Một hợp chất được phết lên các vùng được đánh dấu trên bức tranh để tạo độ dày cho phép người khiếm thị cảm nhận.

Cuộc triển lãm "Touching the Prado" giới thiệu bản sao của 6 tuyệt tác hội họa, trong đó bao gồm: "Nhà quý tộc đặt bàn tay lên ngực" của Goya, "Apollo trong lò rèn của Thần lửa" của Diego Velazquez và bản sao tuyệt tác "Mona Lisa" của Leonardo da Vinci.

Ngoài số tuyệt tác được tạo 3D, nhà bảo tàng Prado còn sử dụng âm thanh và chữ nổi để giúp người khiếm thị hiểu rõ về tác phẩm.

Dự án "Touching the Prado" nhận được sự phản hồi rất tích cực của đông đảo công chúng.

Rocio Fernandez, một trong những khách tham quan khiếm thị đầu tiên đến Nhà Bảo tàng Prado, phát biểu: "Tôi biết mình không bao giờ có thể nhìn thấy màu sắc hay trải nghiệm nghệ thuật như người bình thường. Do đó, dự án Prado là một bước tiến tích cực".

Được biết Fernandez bị mù bẩm sinh và đây là lần đầu tiên cô được "xem" những bức tranh ở Nhà Bảo tàng Prado. Fernandez sử dụng cả hai bàn tay để thưởng thức bản sao 3D của danh họa Velazquez và đánh giá kích thước của nó.

Cảm nhận "bề nổi" tuyệt tác "Apollo trong lò rèn của Thần lửa" của Diego Velazquez.

Fernandez nói về tác phẩm của danh họa Tây Ban Nha: "Tôi cảm nhận được bề mặt da, chòm râu ngắn và thậm chí cái miệng của nhà quý tộc".

Dĩ nhiên, các bản sao 3D chi tiết kiệt tác hội họa dành cho người khiếm thị của Nhà Bảo tàng Prado mới chỉ là bước đầu.

Bà Velasco cho biết: "Chúng tôi luôn tìm kiếm những cách mới để thể hiện làn da, mái tóc và mặt vải để mô tả chân thật nhất có thể bản gốc. Chúng tôi cũng cố gắng thể hiện những hình ảnh bằng các chất liệu khác nhau như kim loại và kính".

Theo Valasco, dự án "Touching the Prado" gây chú ý ở châu Âu và Prado có thể hợp tác với các nhà bảo tàng cũng như gallery khác trong tương lai.

An An (tổng hợp)
.
.