Triển vọng chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc

Thứ Năm, 09/07/2020, 17:29
Đại dịch COVID-19 đã gây ra cú sốc kinh tế trên toàn thế giới và cho nhân loại thấy rõ các xã hội của chúng ta dễ bị tổn thương tới mức nào. Là quốc gia đầu tiên phải đối mặt với cuộc khủng hoảng này, Trung Quốc đang ở tuyến đầu trong lĩnh vực phục hồi kinh tế hậu đại dịch.

Trên thực tế, Bắc Kinh đã triển khai các biện pháp nhằm ổn định nền kinh tế nội địa. Trong bối cảnh quá trình phục hồi hậu đại dịch đang được định hình, rất nhiều những thay đổi quan trọng tạo ra bối cảnh kinh tế mới của Trung Quốc đang dần trở nên rõ ràng hơn.

Đại dịch COVID-19 đã gây ra những tổn thất khổng lồ cho nền kinh tế lớn nhất châu Á. Số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 17-4 cho thấy, Tổng sản phẩm quốc nội của nước này trong quý I giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới do Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) công bố ngày 14-4 một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc khi cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng 1,2% trong năm 2020.

Nếu thành công, Trung Quốc có thể sẽ không còn vận hành với tư cách một "công xưởng thế giới" nhiều như trước nữa.

Trên thực tế, đến quý II, khi dịch bệnh được khống chế, nền kinh tế của nước này bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, xuất khẩu hiện vẫn chiếm 30% GDP của Trung Quốc, do đó trong bối cảnh dịch bệnh, nhu cầu của toàn thế giới bị giảm sút và khó có thể phục hồi trong vòng 2 đến 3 năm tới nên Trung Quốc không tránh khỏi phải chịu cú sốc từ bên ngoài.

Nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại của Trung Quốc đã khiến nước này chịu tổn thất nặng nề khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Để thoát ra khỏi tình trạng này, Bắc Kinh cần tìm kiếm một hình mẫu phát triển tự lập cho 10 năm tới.

Những chính sách mới được Bắc Kinh công bố đã phản ánh đường lối này. Nổi bật nhất có lẽ là gói kích thích kinh tế, trong đó đặc biệt tập trung vào các năng lực công nghệ mới. Mục tiêu là đầu tư khoảng 1.400 tỷ USD trong vòng 6 năm để đạt được sự tự chủ về công nghệ, không phụ thuộc vào Mỹ nữa. Gói này hỗ trợ việc giới thiệu tất cả mọi thứ từ các hệ thống không dây cho đến các trung tâm dữ liệu lớn có thể phục vụ các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet Vạn vật.

Một kế hoạch khác được đẩy mạnh vừa qua khá giống với các kế hoạch của những năm trước, đó là một sự tập trung mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng kiểu cũ. Kế hoạch chi tiết “Phát triển miền Tây” mới của Bắc Kinh kêu gọi tăng cường đầu tư vào các tỉnh miền Trung và Tây, bao gồm một danh sách dài các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng mới, chẳng hạn như đường sắt Tứ Xuyên - Tây Tạng, các cơ sở dầu mỏ và lưu trữ khí đốt dưới lòng đất, các dự án công nghiệp mới.

Cùng với kế hoạch công nghệ số, chính sách hướng Tây mới nhằm mục đích giúp Trung Quốc tự chủ hơn trong các công nghệ cốt lõi, sản xuất thực phẩm và nhu cầu của người tiêu dùng. Đây cũng là một lá chắn bảo vệ trước những vấn đề ngày càng gia tăng mà Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Chủ tịch Tập Cận Bình phải đối mặt. Các bên nhận trợ cấp từ các gói cho vay của Trung Quốc theo BRI đang trải qua tình trạng suy thoái kinh tế trầm trọng, khiến nguy cơ vỡ nợ ngày càng tăng và đặt ra một trở ngại cho các dự án BRI mới.

Những biện pháp của chính phủ nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 và bối cảnh thế giới hiện nay đã và đang làm thay đổi các động lực của nền kinh tế Trung Quốc. Theo một báo cáo gần đây của công ty tư vấn và quản lý quốc tế hàng đầu thế giới McKinsey, đại dịch COVID-19 đã và đang thúc đẩy 5 xu hướng định hình nền kinh tế Trung Quốc.

Xu thế đầu tiên là số hóa, với các công cụ điện tử ngày càng trở thành giải pháp phổ biến, mở rộng từ mô hình kinh doanh doanh nghiệp với khác hàng (B2C) sang mô hình doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B). Kinh doanh bằng kênh bán hàng điện tử trong quý I của Nike tại Trung Quốc đã tăng 30% so với cùng kỳ năm trước sau khi Công ty Nike đăng những bài tập thể dục tại nhà thông qua ứng dụng trên di động của họ. Cách thức làm việc cũng thay đổi đáng kể: số người sử dụng ứng dụng Dingtalk - nền tảng giao tiếp và hợp tác doanh nghiệp doanh nghiệp - đã tăng gần gấp đôi chỉ trong một quý, lên 17,7 triệu người sử dụng.

Xu hướng thứ hai là giảm phụ thuộc vào các mối quan hệ toàn cầu. Những sự kiện kinh tế và chính trị phức tạp đã thúc đẩy sự thay đổi trong mối quan hệ giữa Trung Quốc với thế giới và COVID-19 dường như đang đẩy mạnh xu hướng này. Trước COVID-19, Trung Quốc đã giảm mức độ tiếp xúc với thế giới khi phần lớn tăng trưởng kinh tế của nước này được tạo ra bởi tiêu dùng trong nước, chuỗi cung ứng đã trưởng thành và được nội địa hóa, đồng thời các khả năng sáng tạo cũng được tăng cường.

Xu thế thứ ba là tăng cường độ cạnh tranh. COVID-19 sẽ khiến cường độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp gia tăng, tạo ra phần thưởng lớn hơn song cũng dẫn tới nhiều rủi ro hơn cho các công ty của Trung Quốc.

Xu thế thứ tư tại Trung Quốc hiện nay là sức tiêu dùng bắt đầu hạ nhiệt. Giới trẻ đông đảo của Trung Quốc chưa bao giờ trải qua một thời kỳ suy thoái kinh tế ở trong nước trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Đại dịch này đã làm thay đổi hành vi tiêu dùng của họ, buộc họ phải suy nghĩ kỹ hơn về chi tiêu và tiết kiệm.

Xu thế cuối cùng là khu vực kinh tế tư nhân và xã hội sẽ phát triển. Sau đại dịch SARS 2003, chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước là động lực chính của nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay khu vực tư nhân và các công ty công nghệ hàng đầu đang có vai trò quan trọng hơn, đóng góp gần 2/3 tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và 90% việc làm mới, tạo ra thay đổi lớn trong cán cân sức mạnh kinh tế.

Nếu hình mẫu phát triển mới của Chính phủ Trung Quốc thành công, nghĩa là Trung Quốc giảm phụ thuộc vào bên ngoài, nước này có thể sẽ không còn vận hành với tư cách một “công xưởng thế giới” nhiều như trước, thay vào đó sẽ giống như một thị trưởng tiêu thụ tầm cỡ châu lục mà các thị trường phương Tây từng mơ ước từ hơn 200 năm qua. Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng nhất của hình mẫu mới này vẫn là giảm thiểu những tổn thương từ bên ngoài.

Khánh An (Tổng hợp)
.
.