Triệu phú Tony Fernandes, người từng coi giấc ngủ là lãng phí thời gian

Thứ Năm, 01/02/2018, 14:59
Từ năm 6 tuổi, Fernandes đã tuyên bố với cha ông, một bác sĩ, rằng ông sẽ khởi nghiệp một hãng hàng không. Cha ông đùa: “Nếu con mà làm được người gác cửa khách sạn Hilton, thì ta cũng vui rồi”. Và Fernandes đã không chỉ làm người gác cửa khách sạn Hilton.

Đam mê kinh doanh đã ở trong máu của ông, nhiều hơn từ người mẹ, người đã điều hành cả một doanh vụ bán đồ dùng gia đình trực tiếp thành công tại Malaysia.

Là một kế toán viên, ông khởi nghiệp ở Warner rồi chuyển sang Công ty Virgin Communications của chính Branson trước khi về lại Malaysia năm 1992, khởi nghiệp trong ngành âm nhạc. Ông trở thành giám đốc điều hành trẻ nhất của Warner Music, Malaysia, và lẽ ra đã ở lại lĩnh vực ông yêu thích này: Fernandes chơi thành thạo guitar và piano, cũng như có nhiều ý tưởng lớn về việc biến âm nhạc dân tộc từ chỗ bên lề thành chủ lưu và hiện đại.

Nhưng với tinh thần ăn thua lớn, ông đã chuyển sang thế giới bất định của ngành hàng không ngay sau các vụ tấn công khủng bố 11-9. Tháng 10-2001, Fernandes thế chấp căn nhà của ông để có tiền vận hành một hãng hàng không mà ông đã mua với giá một ringgit.

Khoản tiền đó, và những khoản vay mượn khác, giúp ông mua hai chiếc Boeing 737 cũ, trả lương cho 200 nhân viên, và mắc nợ 11 triệu USD. Một năm sau, không biết nhờ phép lạ gì, hãng hàng không đã hòa vốn, và Fernandes không quay đầu lại kể từ đó.

Ngày nay, nếu ở phương Tây, người ta ngưỡng mộ Micheal OLeary, CEO của hãng hàng không giá rẻ đóng tại Dublin (Ireland), Ryanair, thì ở châu Á, Fernandes là cái tên không thể bỏ ra khi nhắc tới lĩnh vực đang tăng trưởng cực nhanh này. Tiền bạc đã giúp nhà triệu phú thỏa mãn nhiều đam mê khác của ông, ngoài kinh doanh và âm nhạc. Fernandes mua một đội đua công thức 1 và CLB Anh Queens Park Rangers, từng chơi ở Premier League, nhưng cả hai vụ đầu tư đều không như ý.

Tony Fernandes và vợ mới cưới trên du thuyền ở Pháp.

Ăn thua lớn cũng ở trong máu Fernandes, nhưng vụ cá cược làm ông tự hào nhất có lẽ là khi đội đua công thức 1 của ông vượt qua đội Virgin Group của đối thủ Richard Branson, một tỉ phú người Anh. Kẻ thua cuộc Branson giờ sẽ phải cạo lông chân, mặc váy đỏ, và đi lên một chuyến bay của AirAsia phục vụ đồ uống cho hành khách.

Fernandes, ngày nay có tài sản nửa tỉ USD, lẽ ra cũng đã làm bác sĩ như cha ông, nếu ông là một đứa con biết nghe lời. Nhưng thay vì thế, ông rời Malaysia năm 12 tuổi sang Anh học, rồi tốt nghiệp Trường Kinh tế London.

Tuy nhiên, với hàng không giá rẻ, khó ai làm tốt hơn ông. Fernandes là một trong những CEO đầu tiên tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để bán vé và tiếp thị. Mỗi bài đăng trên tài khoản Facebook của ông đều nhận được hàng chục nghìn “like” là chuyện bình thường, trong khi trên Twitter, ông nhắn trung bình 10 tin mỗi ngày.

Không chỉ tay năm ngón hay chỉ đạo qua mạng xã hội, cứ hai tháng hoặc tương đương, ông đích thân tham gia vào công việc: cùng phi hành đoàn phục vụ hành khách, đứng ở quầy soát vé hay giám sát việc bốc dỡ hành lý.

Trò chuyện về triết lý công việc của mình sau khi ra mắt cuốn hồi ký 244 trang “Flying High” (tạm dịch: Bay cao) ở Singapore vào cuối tháng 10-2017, Fernandes chia sẻ ông từng là kiểu người “làm tất cả mọi chuyện với nỗ lực tối đa”, dù năm qua, ông đã chậm lại để “tìm kiếm sự cân bằng cần thiết”, và ông thừa nhận ta không thể “chạy 100% công suất ngày nào cũng thế”.

Vào thời “chạy 100% công suất” đó, Fernandes thường làm việc 18 tiếng mỗi ngày và coi giấc ngủ là sự lãng phí thời gian.

Đó sẽ là sự hòa hợp cần thiết để ông điều hành công ty giờ đã lên tới 220 chiếc máy bay và đội ngũ 20.000 nhân viên khắp châu Á. Với khởi đầu ngắn ngủi và khiêm tốn khiến chính ông cũng coi sự thành công hôm nay là một câu chuyện thần tiên thật sự.

“Tôi là người suy nghĩ tích cực nhất thế giới, nhưng tôi sẽ không bao giờ tin chúng tôi có thể tạo ra những gì chúng tôi đã tạo ra được. Với tất cả những gì đã làm được, Fernandes thực sự có quyền hùng hồn tuyên bố: “Nếu tôi bị xe buýt tông chết ngày mai, tôi cũng không có gì phàn nàn”.

Những gì diễn ra tưởng như siêu thực, nhưng với Fernandes, ông vẫn sống một cuộc đời rõ ràng: “Cuộc đời tôi đã không thay đổi bao nhiêu. Tôi cảm thấy mình vẫn là con người cũ. Nên tôi thấy giống như ảo giác khi có sách về tôi xuất bản, rồi nghe những người trẻ nói tôi truyền cảm hứng cho họ. Cảm giác thật hay, nhưng tôi chưa bao giờ tin những chuyện này sẽ xảy ra. Nhưng mơ ước là tốt. Đừng để ai nói với bạn là bạn không được quyền mơ.

Hãy yêu những gì bạn làm và hiểu rằng không gì có thể thay thế cho làm việc cật lực. Cuối cùng, hãy sống cho trọn vẹn, đừng nghe ai cả. Tôi đã không nghe cha mẹ mình khi họ bảo tôi làm bác sĩ”.

53 tuổi, triệu phú này vừa kết hôn lần thứ hai vào tháng 10-2017. Cô dâu lần này là người Hàn Quốc, tên Chloe. Đám cưới đã diễn ra tại Pháp.

Đám cưới được tổ chức lặng lẽ trong khách sạn siêu sang Cap Estel ở Cote dAzur, một thị trấn nghỉ dưỡng xa hoa của Pháp cách Monaco 15 phút di chuyển. Chỉ 150 khách mời có mặt ở đám cưới, bao gồm những nhân vật cộm cán trong giới kinh doanh của Malaysia như Chủ tịch AirAsia kiêm Giám đốc điều hành Tune Group, Datuk Kamarudin Meranun, Chủ tịch CIMB Group, Datuk Seri Nazir Razak, và cựu Bộ trưởng Ngoại thương và Công nghiệp Tan Sri Rafizah Aziz.

Báo Malaysia New Straits Times đã đăng những bức hình rất đẹp về cô dâu, chú rể. Họ đã hẹn hò được hơn 2 năm. Chloe “dễ mến và thân thiện”, nhưng đó là tất cả những gì báo chí biết được về bà Fernandes. “Ngay cả họ của cô ấy cũng được giữ bí mật chỉ trong gia đình và bạn bè”, tờ báo viết, nhưng cũng cho biết cô từng là diễn viên điện ảnh và 34 tuổi.

Chủ tịch CIMB Group, Datuk Seri Nazir Razak, là phù rể. Ông Fernandes có một con gái 23 tuổi, làm nghề thiết kế đồ họa ở Anh, và một con trai 16 tuổi đang học ở Kuala Lumpur, từ cuộc hôn nhân trước đó của ông với bà Deborah Lee Bergstrom.

Đám cưới đó đã khép lại một năm tuyệt vời cho ông chủ AirAsia Group. Khi được hỏi về cô vợ mới người Hàn Quốc, ông cười lớn và kể về cuộc đời người có gia đình. “Cứ hỏi nhân viên của tôi thì biết. Tôi đang làm họ phát điên vì giờ tôi tập trung hơn nhiều. “Sự tập trung là từ khóa với cuộc sống của tôi hiện giờ. Thật tuyệt vời. Tôi rất thích, tôi thích về nhà, tôi thích có việc để làm với một người khác” - ông kể.

“Ông có quỳ khi cầu hôn không?” - “Không, vì tôi già rồi” - Fernandes nói, đập chân vào đầu gối phải - “và tôi có vấn đề với đầu gối rồi. Đĩa xương sụn của tôi bị nứt lúc đó”. Ông kể thêm rằng mình đã ngỏ lời ở một nhà hàng tại Paris, nơi họ gặp nhau lần đầu.

“Trời rất lạnh, và tôi đã làm điều tôi nghĩ mình không bao giờ làm. Tất nhiên, tôi cũng có bày vẽ một chút và tôi bị những người khác ở đó cười. Việc tôi cầu hôn ở nơi tôi đã gặp cô ấy và trải qua toàn bộ các thủ tục lôi thôi đó để đảm bảo cô ấy hiểu - cô ấy đã không nhận ra - không phải là kiểu người của tôi. Nên cũng hay”.

Ngọc Minh (tổng hợp)
.
.