Triệu phú “dạ minh sa” ở Đồng Tháp Mười

Thứ Tư, 13/12/2017, 09:45
Trước khi vác ba lô đi vào Đồng Tháp Mười, anh bạn Đoàn Hùng, thổ địa vùng này dặn nhiều lần: “Nhớ kiếm một ít thịt dơi về nhậu nha”.

Lượng từ mà bạn tôi dùng nghe rất mông lung: một ít, có thể là một con dơi quạ to đùng nặng cả ký lô hoặc mấy con dơi chuột, dơi cỏ... gom thành 1-2 kí lô. Rồi thì cứ đi, đi là sẽ đến và chắc chắn sẽ có những thứ mình cần.

rong muôn vàn những chuyện lạ kỳ ở Đồng Tháp Mười mà tôi nghe được, có câu chuyện về nghề nuôi dơi lấy phân bán cho nông dân trong vùng trồng cây ăn trái và hoa màu đã giúp nhiều người trở thành triệu phú “dạ minh sa” (phân dơi).

Tuyến đường N2 nối với QL62, QL30 có chiều dài 440km là phần đường Hồ Chí Minh từ huyện Chơn Thành (Bình Phước) chạy xuyên tâm Đồng Tháp Mười qua Tam Nông (Đồng Tháp) đến Vàm Rẫy (Kiên Giang) và kết thúc tại đất Mũi Cà Mau. Chỉ cần đi khoảng 100km qua các huyện Đức Hòa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, TX Kiến Tường, Vĩnh Hưng, Tân Hưng của Long An cũng đủ để ngất ngây trước bao nhiêu cảnh đẹp tuyệt vời và lung linh của rừng tràm, sông nước, đồng lúa, đồng sen... và muôn vàn chuyện lạ về Đồng Tháp Mười như mơ, như thực sống động như những huyền thoại giữa đời thường.

Người miền Tây dựng chòi nuôi dơi lấy phân không phải là chuyện mới lạ, mà gần như khắp các tỉnh đều có làm. Từ An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Long An, Tiền Giang... Nhưng đó cũng là một thứ nghề độc đáo hiếm có ở những nơi khác.

Bên một chòi dơi.

Cũng giống như nghề nuôi chim yến, một khi thấy có hiệu quả kinh tế cao, dễ nuôi thì nhiều người đua nhau làm, rồi hình thành nên những “làng nghề” tự nhiên khá độc đáo. Gọi là nuôi dơi, nhưng thật ra là đầu tư làm chòi, dụ cho dơi kéo đàn về ở, rồi sinh sản, thải phân.

Anh Hai Cảnh ở Tân Bắc (Tân Phước) tính tình rất văn nghệ và hài hước khi ví von nghề làm chòi dụ dơi của anh với ước mơ trúng số Vietlot xây vài chục dãy nhà trọ dụ “mấy em cơ nhỡ” về nuôi... rồi cả bàn nhậu cười ha hả tưng bừng bên chái hiên nhà giữa Đồng Tháp Mười mênh mông nước lũ.

Vào dịp cuối năm, nước lũ rút đi, khu vực Đồng Tháp Mười lại rộ lên chuyện trồng trọt trên đất và những chuyện lạ như nghề bắt rắn, nhái, chuột, cá, nuôi dơi, dụ dơi vào chòi để lấy phân. Nhiều “nhà dơi học” chính gốc nông dân Đồng Tháp Mười như anh Tư An (Tân Thạnh) còn lý luận nghe bén lắm: “Nếu mỗi ngày tăng thêm nhiều chòi dơi, thì đó là minh chứng đàn dơi tăng trưởng rất nhanh và đông đúc. Dơi nhiều, sẽ cho phân nhiều và tăng cao về khả năng thiên địch đối với các loài muỗi, sâu rầy... Nó cũng đồng nghĩa với việc góp phần giảm đáng kể và phòng ngừa hữu hiệu dịch bệnh sốt rét đang lan truyền khắp nơi”.

Câu chuyện của anh Tư An làm nhớ lại câu ca dao xưa ở vùng này: “Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh” ở Đồng Tháp Mười ngày xưa. Nay các loài muỗi, bướm, sâu rầy... chính là nguồn thức ăn vô cùng hấp dẫn và dư thừa đối với loài dơi muỗi, dơi cỏ.

Tợp hết ngụm rượu đế trong cái ly uống trà, ông Ba Lành vỗ tay lên đùi tiếp lời: “Nghề nuôi dơi lấy phân bán thành triệu phú, bộ tưởng dễ ăn mà không dễ chút nào đâu chú mầy. Làm sai một cái là mất sạch, trắng tay liền đó. Đầu tư không nhiều, chỉ khoảng 15-20 triệu một chòi ngon lành, nhưng dơi không vào ở thì làm gì đây? Phải dụ làm sao nó ghiền ở mới được”.

Theo lời các “chuyên gia” miệt vườn, thì cách làm chòi dơi rất đơn giản. Chỉ cần 4 hoặc 6 cây trụ cao khoảng 10m, bằng cột bê tông hay cây khuynh diệp, cây gòn làm thành một chòi dơi diện tích khoảng 10-20m2. Phải dùng lá thốt nốt bó thành từng nuột lớn khoảng một ôm tùy theo chòi lớn nhỏ.

Dơi chỉ mê treo dưới lá thốt nốt và tụ bầy cư trú. Phía dưới chòi, người ta lót tấm bạt hoặc miếng tôn xi măng để hứng lấy phân. Muốn mua lá thốt nốt, người dân Đồng Tháp Mười phải ngược lên miệt biên giới Tịnh Biên, Tri Tôn (An Giang) rồi vận chuyển về hoặc mua từ ghe thương hồ chở xuống bán.

Chòi dơi của ông Tư An.

Trên trần chòi dơi, chủ chòi làm một sàn gỗ chắc chắn đủ sức giữ được trên dưới 500 tàu lá thốt nốt với hàng ngàn con dơi đeo bám vào lá thốt nốt để ngủ ngơi, sinh đẻ và thải phân. Chưa hết, bốn mặt chòi còn phải chằm lá kín mít che gió, mưa, đón nắng vừa tầm. Là loài vật rất nhạy cảm với ánh sáng, nên hướng chính chòi không được thẳng hướng mặt trời, mùa đông lạnh lẽo phải thêm nhiều lá thốt nốt, mùa nắng nóng rút bớt để điều chỉnh nhiệt cho dơi.

Thường thì chòi dơi được dựng cạnh bờ kênh rạch hoặc bên sông để gần nước uống và không khí mát mẻ. Mỗi ngày đàn dơi sẽ rời chòi đi ăn hai đợt. Rạng sáng bay đi đến khi sáng rõ mặt là bay về chòi. Rồi tầm 6 giờ chiều lại bay đi kiếm ăn đến khoảng gần 7 giờ tối là bay về chòi (chuồng). Không ai đếm có bao nhiêu con dơi trong chuồng, nhưng số lượng phân dơi thu hoạch trên dưới hai giạ mỗi ngày đêm cho thấy đàn dơi ước khoảng từ 5 đến 7 ngàn con trong mỗi chuồng.

Nghề nuôi dơi cũng rất công phu, không đơn giản như nhiều người nhìn thấy. Các loài rắn ráo và rắn lục rất khoái khẩu với dơi nên chủ chòi phải thường xuyên thay lá lợp và phát hiện, chống các loài rắn xâm nhập nơi ở của dơi. Với các cây cột chòi, chủ nhà thường bó thiếc bạc trơn để ngăn các loài rắn rít xâm nhập và không để các cây cối rậm cao tiếp giáp với chòi.

Muốn lưu giữ đàn dơi tụ bầy lâu năm để thu hoạch phân, chủ chòi thường thay lá thốt nốt sau 3 tháng một lần, tranh thủ thay và lấy phân lúc dơi kéo hết cả đàn đi kiếm ăn trên dưới một giờ. Nếu làm chậm, bầy dơi trở về thấy động sẽ lập tức bỏ đi nơi khác sinh sống.

Ông Hai Tiền ở Tân Hòa Tây (Tân Phước, Tiền Giang) cho biết: “Chỉ tranh thủ trong vòng 30 phút dơi đi ăn để dọn phân, thay lá... làm khẩn trương, nếu làm chậm dơi bay về sẽ “bất mãn” bỏ đi... Loài dơi có kỷ luật về thời gian rất chuẩn và rất nghiêm ngặt.

Cả đàn dơi rời chòi rất đúng giờ đi kiếm ăn và cùng quay về chòi trên dưới 30 phút không chậm trễ. Do vậy, mà khách đến thăm chòi dơi lúc mặt trời lặn thì chủ nhà còn tiếp, nhưng nếu ngoài giờ đó ra sẽ không thể cho khách đến gần chòi tham quan vì sợ động đàn dơi đang nghỉ ngơi...”.

Đặc biệt vào tháng 3-4 âm lịch, là thời điểm sung túc thức ăn nhất của đàn dơi (nhiều muỗi) nên loài dơi sinh đẻ trong khoảng 2 tuần lễ càng không thay lá, không làm động chòi nếu không chúng sẽ bỏ đi. Dơi là loài động vật cực kỳ nhạy cảm và định vị âm thanh rất siêu hạng.

Vào mùa căng tròn bụng, mỗi đêm chòi dơi có thể thu hoạch 2 giạ phân (20kg/giạ) giá thương lái thu mua tại chỗ bình quân từ 50 ngàn đến 70 ngàn/giạ. Mỗi tháng, một chòi dơi sẽ cho thu nhập từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Một gia đình có từ 2-4 chòi dơi có thu nhập gần chục triệu đồng mỗi tháng. Nhiều làng dơi ở miền Tây được nhiều người biết đến như: Hưng Thạnh, Tân Hòa, Thông Hòa, Vĩnh Thạnh...

Phân dơi theo tiếng Tàu là “dạ minh sa”, vì đem phơi vào ban đêm sẽ có ánh sáng lân tinh như hạt cát nhấp nháy. Trong sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của dược sỹ Đỗ Tất Lợi có ghi: “Dạ minh sa vị cay, hàn, không có độc, vào can kinh, có tác dụng hoạt huyết. Dạ minh sa được bào chế và hợp vị với thảo quyết minh, cốc tinh thảo, mật mông hoa, nhiều khi trộn với cả mật lợn, dùng làm thuốc chữa bệnh thong manh, quáng gà, mắt khô, mắt mờ...”.

Trong xu hướng trồng cây ăn quả và rau củ quả bón phân hữu cơ đang được người tiêu dùng chọn lựa hàng đầu, tránh sử dụng các sản phẩm có chất độc hại, hóa chất không đảm bảo an toàn thực phẩm. Nông dân miền Tây hiện đang rất chuộng phân dơi để bón cho cây trồng và hoa màu.

Ông Nguyễn Văn Đẩu ở Tân Trụ, Long An cho hay: Khoảng tháng 10 âm lịch chính vụ trồng dưa hấu, nhiều người ở đây đều chọn phân dơi để bón, cơ sở không đủ phân cung cấp cho bà con... Theo ông Đẩu, dưa hấu tết bón phân dơi khi chín ruột hạt cát. Ăn vào ngọt lịm nhai nghe ràu rạu đã thèm.

Ông Nguyễn Văn Ren, 52 tuổi, ở xã Tân Phú Tây, Mỏ Cày Bắc, cũng sử dụng rất nhiều phân dơi để bón cho sầu riêng hạt lép chất lượng cao bán vào dịp tết cho biết thêm: Từ khi có nguồn phân dơi, gia đình tôi thường xuyên sử dụng bón cho sầu riêng, cam sành và bưởi xanh cho trái sai, chất lượng ngon hơn nên bán được giá lắm. Giờ thì cương quyết không xài các loại phân bón khác...

Nhiều kiểu chòi nuôi dơi ở miền Tây.

Ngày nay rất nhiều chủ vườn cây ăn trái ở Cồn Thới Sơn, Cồn Phụng, cù lao Ngũ Hiệp, cù lao An Bình, Long Hồ, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam đã sử dụng phân dơi bón cho hầu hết các loại cây trồng ăn quả và rau màu khiến cho sản phẩm làm ra rất được thị trường ưa chuộng và mang lại thu nhập cao.

Phân dơi đang trở thành cứu tinh cho cây trồng và hoa màu giữa thời hóa chất, phân giả đang tác oai, tác quái trên thị trường nông sản. Người trồng cây, rau màu đang vui mừng lấy lại uy tín và phong độ, thì cũng đồng thời tạo ra thu nhập và sự ổn định, phát triển cho người nông dân nuôi dơi lấy phân.

Ông Trần Văn Bảy ở Thạnh Hóa, ngồi nhớ lại: Tui nuôi dơi trên 30 năm, một nghề rất sướng nhưng lại khá bất an. Ngày xưa nuôi dơi kéo nhau về nhiều dữ lắm, có khi đeo sập chòi. Còn bây giờ, nếu không biết giữ thì sẽ càng ngày càng hiếm dơi về chòi. Bọn người “dơi tặc” săn bắt dơi để bán vào quán nhậu nhiều quá...

Bọn “dơi tặc” chỉ cần một cái vợt cước và con dơi mồi, sử dụng món đồ chơi Trung Quốc có âm thanh thu phát ra tiếng kêu “cheo chéo...” là dơi tưởng tụ đàn bay tới. Lập tức, bọn chúng vung vợt bắt dơi khá dễ dàng. Tuy bán với giá bèo bọt chỉ vài nghìn cả chục con dơi, nhưng tất cả đều đưa vào bàn nhậu, không ai mua dơi để phóng sinh bao giờ. Do đó, đàn dơi trong tự nhiên chắc chắn ngày càng mai một dần, khi còn bọn “dơi tặc” hoành hành.

Dựng chòi nuôi dơi khá dễ dàng với nông dân miền Tây. Có thể tận dụng ngay trên bờ ruộng, hoặc các xẻo đất, góc vườn là dựng được chòi. Rất nhiều người đang khấm khá có thu nhập cao nhờ có vài chục công ruộng vườn và lại có thêm vài chòi dơi dưỡng già ở Búng Bình Thiên (An Giang) và Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) và Trà Vinh có trên 360 chòi dơi...

Đi dọc tuyến biên giới Campuchia đoạn từ phía thị trấn An Phú đến Khánh Bình (huyện An Phú, An Giang) mắt nhìn hai bên đường sẽ gặp rất nhiều chòi canh dơi cao cao rất đẹp, nổi bật trên nền cây xanh ngát, mà dân địa phương thường gọi là “cây dơi”. Đây là “nồi cơm, cây tiền” giúp người dân nơi đây thoát nghèo từ nhiều năm qua nhờ nghề nuôi dơi và thu hoạch phân dơi. 

Người đầu tiên làm ra chòi dơi là ai? Từ bao giờ không ai biết. Nhưng theo lời anh Ba Hạnh cựu chiến binh ở cù lao Tân Phong kể lại: Thời chiến tranh, có mấy anh giải phóng lấy lá thốt nốt làm chòi giả trên cây sầu riêng để lừa máy bay trực thăng địch. Bọn địch trúng kế, điều trực thăng, xe tăng, bộ binh hành quân đến bắn phá dữ dội. Bộ đội ta phục kích sẵn hai bên bờ sông bất ngờ nỗ súng tiêu diệt rất nhiều quân dịch và xe tăng, trực thăng...

Sau cuộc chiến khá lâu, bỗng có đàn dơi từ đâu đã kéo về làm tổ sinh sống trong cái chòi trên ngọn sầu riêng, mà không một ai biết được cơ duyên loài dơi rất thích lá thốt nốt làm tổ ngủ... Cũng từ đó, người cựu chiến binh làm chòi giả năm xưa đã phát hiện ra vị ngon đặc biệt của sầu riêng nhờ có phân dơi sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất và anh trở về với ruộng vườn trên mảnh đất cù lao Tân Phong...

Nam Yên
.
.