Trò chuyện với người đóng vai Mai Lan trong "Cô gái xấu xí"

Thứ Ba, 18/01/2011, 15:25
“Tôi may mắn là rất hiếm khi phải làm những điều mình không thích. Chỉ có điều những điều yêu thích lại khá nhiều nên tôi muốn học để biết nhiều mà thôi. Tôi không tự đặt mình vào cái hộp khuôn khổ nào để hạn chế khả năng của mình. Tôi thích được nhảy ra khỏi cái hộp nhỏ để tìm những cái hộp lớn hơn, và đến lúc không còn vướng bận về những thành hộp đang cản tầm nhìn của mình nữa” - diễn viên Lan Phương tâm sự.

Nói không ngoa, trước nay, trong suy nghĩ của nhiều người khi nghĩ về diễn viên là nghề “Ăn không đến nơi, học không đến chốn”, hay nhắc đến người đẹp làm trong ngành giải trí là một số người lại tỏ ra dè bỉu: “Nhan sắc tỉ lệ nghịch với tri thức”. Có lẽ, những nhận định trên là hoàn toàn phiến diện, một minh chứng cho thấy, ngay khi bộ phim “Cô gái xấu xí” phủ sóng trên toàn quốc, khán giả bị hấp dẫn bởi nhân vật Mai Lan.

“Truy tìm tung tích” diễn viên ấn tượng này, mới hay, ngoài đời Mai Lan tên thật là Lan Phương, gốc Bắc, thuộc thế hệ 8X. Ngoài năng khiếu diễn xuất vượt trội, Phương đỗ cả ba trường đại học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Ngoại thương, Trường cao đẳng Sân khấu & Điện ảnh TP HCM. Quyết định theo học Trường Nghệ thuật và Ngoại thương. Và, là cô chủ nhỏ, giàu có, khi một mình sở hữu cả gia tài, vừa nhan sắc quyến rũ trời ban vừa vốn tri thức phong phú...

Phóng viên (PV): Hà Nội đang là những ngày đông giá rét, mọi người co ro trong cái lạnh cắt da của gió mùa đông bắc, cái ngày bé tí teo, xa quê từ năm lên 10 tuổi cùng gia đình vào Nam đến giờ, Lan Phương có còn ký ức về quê hương, ngoại thành Hà Nội, làng Thanh Trì hay không?

DV Lan Phương: Dù đã 18 năm trôi qua, nhưng hình ảnh về Hà Nội, Thanh Trì vẫn còn sống động trong tôi. Hà Nội với cơn gió heo may, ngồi đằng sau lưng mẹ, trùm khăn voan cho khỏi lạnh đi học mẫu giáo. Hà Nội với đám bạn đi bộ từ trường Quỳnh Mai  về, học sinh túa ra đông đến nỗi ngày nào cũng bị va quệt làm rơi lọ mực, mà tay vẫn cầm cây kẹo mạch nha dính đầy ra miệng. Hà Nội với từng con phố cổ trầm mặc, Hàng Ngang, Hàng Đào, đi mua sắm với mẹ chốc chốc lại nghe người bán hàng bảo: "Xinh quá, giống hai chị em quá"...

Còn Thanh Trì, ngọt ngào hình ảnh của bà và tuổi thơ leo trèo hái quả, nhảy dây. Có những buổi sáng tỉnh dậy, lười đi học vì lạnh, nhìn ra ngoài, thấy sương mù giăng đầy đường, chẳng thấy gì, chỉ nghe thấy tiếng học sinh ríu rít đi học... Và những đêm giao thừa bên ánh lửa cháy bập bùng, ngồi trông nồi bánh chưng với các em và bà nội, nhai ngô rang, lòng thán phục sao răng bà vẫn còn khỏe thế. Tôi yêu bà vô cùng. Hình ảnh và tình yêu của bà lúc nào cũng còn đầy trong lòng tôi.

PV: Hoài niệm là bản chất của con người, có lẽ ở người nghệ sĩ còn nhiều hơn. Cuộc sống của người nghệ sĩ khó có thể bình lặng mà là những cơn sóng ngầm dữ dội của nội tâm, nó không có hình hài, nó không có tên gọi. Ngay cả khi thành công vẫn quay quắt và ám ảnh bởi quá khứ. Phương có day dứt với quá khứ buồn nào không?

DV Lan Phương: Phương may mắn có một tuổi thơ bình yên và hạnh phúc bên bố mẹ, em trai mặc dù gia đình hồi đó rất nghèo. Bố mẹ làm giáo viên, ngoài giờ dạy trên lớp ra, phải tranh thủ thời gian làm thêm rất nhiều việc khác để kiếm tiền, và khi đêm về cả hai lại ngồi lặng lẽ bên bàn làm việc, soạn giáo án. Cực nhọc nhưng bố mẹ không hề ta thán gì, thương yêu bao bọc các con. Tôi vô cùng biết ơn bố mẹ về điều đó.

Một may mắn khác, là tôi sống khá lạc quan, luôn tin vào điều tốt đẹp của cuộc sống, nên rất dễ quên những chuyện không hay xảy ra với mình. Chỉ những khi vô tình nhớ lại một kỷ niệm không vui nào đó, thì cảm xúc buồn bã hay giận dữ hồi đó lại trở lại trong chốc lát, nhưng khi đã kể xong câu chuyện, thật không để Phương dễ dàng nhớ lại những chuyện không vui.

Mỗi khi nhớ về tuổi thơ là hình ảnh của bà nội lại ùa về. Dù tóc đã bạc, lưng còng, bà vẫn tất bật với công việc đồng áng. Vào những ngày hè nắng cháy, hay cả ngày đông rét căm căm, mưa phùn gió bấc, dáng bà vẫn liêu xiêu trong ô ruộng. Mỗi khi bà đi chợ về, trong làn bao giờ cũng có quà bánh cho hai chị em Phương. Và hình ảnh bà gầy yếu trên giường, không còn đi lại hay nói được. Rồi bà mất như vậy. Điều đó rất đau đớn.

PV: Nhạy cảm quá sẽ rất hay buồn. Và mỗi khi nỗi buồn chợt đến, Phương giải tỏa bằng cách nào?

DV Lan Phương: Khi buồn tôi rất hay khóc, khi đã khóc xong, nỗi buồn cũng theo nước mắt ra đi. Rồi sau đấy, sẽ làm những việc mình thích, như tập đàn, đọc sách, hoặc đến chơi với các em bé mồ côi. Có thời gian tôi rất hay đến đọc sách cho các em bé khiếm thị ở mái ấm Nhật Hồng. Mỗi lần đến với các em, tôi cảm thấy thế giới hỗn độn ngoài kia biến mất, chỉ còn tôi và các em, chỉ còn niềm vui mà tôi và các em mang lại cho nhau. Giống như một thế giới hoàn toàn khác vậy.

PV: Theo học Trường cao đẳng Sân khấu & Điện ảnh TP HCM và Đại học Ngoại thương, đó là hai ngành có vẻ như rất "đối chọi" nhau. Thử sức mình ở các trường đại học, phải chăng, Lan Phương muốn khám phá bản thân, thích những điều mới mẻ nhưng cũng là người luôn luôn mâu thuẫn?

DV Lan Phương: Đúng là trong con người mình có đầy sự mâu thuẫn, nhưng vẫn luôn rất thống nhất vì tổng thể sự mâu thuẫn ấy là chính Phương mà. Phương luôn muốn khám phá những điều mới mẻ, thích thử nghiệm mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Miễn là  mình cảm thấy vui và hạnh phúc thì bản thân sẽ không ngại bất cứ sự thay đổi nào. Tôi thích khám phá cuộc sống, các nền văn hóa, con người, nhưng cuộc sống nội tâm lại khá khép kín, và không thích la cà ở các quán nhậu hay quán cà phê đầy khói thuốc. Tôi thích bay nhảy và làm tất cả những gì mình thích mà không phải lo lắng người ta có thấy kỳ quặc không nhưng lại đặt ra cho mình rất nhiều khuôn khổ. Phương rất hứng thú với các chương trình giao lưu quốc tế nhưng lại rất ít khi tụ tập bạn bè khi đã xong công việc... Phương là như vậy đấy.

PV: Thường thì khi nghĩ đến diễn viên người ta hay hình dung thanh sắc và năng khiếu. Nhưng Lan Phương không chịu dừng lại ở đó. Bộ "hồ sơ" học tập rất đáng ghen tị, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, có tiếng Anh thông thạo, biết thêm tiếng Pháp, tiếng Nhật, chơi đàn piano, 10 năm học múa, biết vẽ... Thật là một cô gái đa tài đa nghệ. Đấy chẳng phải là minh chứng, thay đổi nhận thức khi nhìn về phái đẹp "Nhan sắc tỉ lệ nghịch với tri thức"?

DV Lan Phương: Tôi chỉ muốn làm tất cả những gì yêu thích. Mọi thứ trong cuộc sống của tôi đều xuất phát từ niềm đam mê hoặc yêu thích. Tôi may mắn là rất hiếm khi phải làm những điều mình không thích. Chỉ có điều những điều yêu thích lại khá nhiều nên tôi muốn học để biết nhiều mà thôi. Tôi không tự đặt mình vào cái hộp khuôn khổ nào để hạn chế khả năng của mình. Tôi thích được nhảy ra khỏi cái hộp nhỏ để tìm những cái hộp lớn hơn, và đến lúc không còn vướng bận về những thành hộp đang cản tầm nhìn của mình nữa.

PV: Người nghệ sĩ thường sống rất tự do, đôi khi còn tỏ ra phóng túng, không bị câu nệ và gò bó bởi nguyên tắc nào.  Nhưng nhìn những gì Phương có được thì chắc hẳn bạn phải là người làm việc khoa học, mọi thứ đều được sắp xếp chuẩn mực, chỉn chu và luôn định hướng cho bản thân?

DV Lan Phương: Tôi cũng không thích các nguyên tắc, sự gò bó, đặc biệt là trong công việc.  Tôi thích sự tự do, nhưng luôn có những nguyên tắc của bản thân mình. Những nguyên tắc ấy giúp tôi có nghị lực, niềm tin, và những giá trị thực sự để theo đuổi niềm đam mê của mình, giúp tôi làm tốt hơn công việc của mình và được mọi người tôn trọng. Thế nhưng lại không giỏi trong việc sắp xếp cuộc sống của riêng bản thân mình, ví dụ như các mối quan hệ, chuyện tiền bạc, ăn uống... Thường thì tôi làm mọi việc theo cảm tính dựa trên nguyên tắc sống của mình. Thế thôi.

PV: Lan Phương trên phim, xuất hiện trong các tạp chí và ngay cả khi tiếp xúc ở đời thường, hình ảnh của bạn gợi cho tôi hình dung về cô tiểu thư bé bỏng, khuê các. Nhưng khó ai hình dung cô tiểu thư bé nhỏ ấy xa gia đình từ năm 18 tuổi, và chục năm trời sống một mình, tự lập tại đất Sài Gòn. Nhìn chặng đường đi của Lan Phương, phải chăng ẩn trong một dáng vẻ mềm mại, dịu dàng, đầy nữ tính là một cá tính rất mạnh mẽ, quyết đoán? Thậm chí có tí gan lì.

DV Lan Phương: Phương nghĩ gan lì là không sợ hãi gì cả. Phương biết sợ chứ, nhưng lại rất bướng bỉnh. Nếu tin điều đó đúng thì mình sẽ  đấu tranh cho điều đúng đó. Bản thân mình là người vừa rất yếu đuối và cũng rất mạnh mẽ. Bất cứ một va chạm nhỏ nào trong công việc hay cuộc sống cũng làm Phương khóc và tổn thương rất nhiều. Nhưng sau đó tôi lại vượt qua, lại tin vào điều tốt đẹp hơn, tin vào việc mình đang làm. Sống thanh thản, nhẹ nhàng, không bon chen, ít va chạm, tự trau dồi trong công việc và bản thân mình, nên Phương vẫn sống rất thoải mái và hạnh phúc.

PV: Người ngoài nhìn vào thấy cuộc sống người nghệ sĩ có vẻ như êm đềm tĩnh lặng, nhưng thực chất cuộc sống của họ là những biến động, nó như những cơn sóng biển xô bờ liên miên. Phải chăng, nếu êm ả quá, cuộc sống người nghệ sĩ sẽ trở nên nhàm chán. Và sự sáng tạo nghệ thuật cũng trở nên u tối hơn? Phương nghĩ thế nào về nhận định trên?

DV Lan Phương: Tôi nghĩ cũng có phần đúng, cuộc sống của người nghệ sĩ là trải nghiệm tốt nhất và gần gũi nhất để người nghệ sĩ lấy cảm hứng sáng tạo. Nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc sống phải dữ dội thì mới không nhàm chán và khả năng nghệ thuật mới tốt hơn. Mà thực ra những xung đột bên trong cuộc sống của người nghệ sĩ phần lớn cũng là do tính cách, cách tiếp nhận sự việc, sự va chạm của mọi người. Quan trọng là cách người nghệ sĩ nhìn cuộc sống, cảm nhận cuộc sống xung quanh và mang cuộc sống ấy vào nghệ thuật như thế nào mà thôi.

PV: Đảm nhận nhiều vai chính của sân khấu kịch Phú Nhuận nhưng được khán giả cả nước biết đến là nhờ kênh truyền hình khi bộ phim "Cô gái xấu xí" được phủ sóng trên toàn quốc. Phải chăng, dù là diễn viên kịch có tài hoa đến đâu cũng không được công chúng nhận mặt, biết tên bằng đóng một phim trên truyền hình...

DV Lan Phương: Điều đó là đương nhiên thôi, một vở kịch mỗi đêm diễn chỉ có khoảng 300 người đến xem, còn một tập phim truyền hình đã có không biết bao nhiêu người xem. Đó là công nghệ truyền hình.

PV: Khi yêu cái này, người ta sẽ nhạt cái khác. Giữa sân khấu và điện ảnh Lan Phương cân bằng ra sao?

DV Lan Phương: Tôi yêu cả hai lĩnh vực. Mặc dù vậy, vẫn không phải cố gắng nhiều trong việc cân bằng, tôi đóng phim và kịch song song. Có lúc bận phim quá, thì sẽ ít diễn trên sân khấu đi, lúc nào hết phim, thì lại diễn kịch nhiều hơn. Như vậy lại là cách cân bằng tốt hơn ở mặt khác, đó là Phương được thay đổi môi trường làm việc, được trải nghiệm nhiều dạng nhân vật hơn, gặp gỡ nhiều hơn và học nhiều điều mới hơn.

PV: Sống trong môi trường nghệ thuật không đơn giản, luôn có những cạnh tranh, để cho mình có một chỗ đứng bạn đã phải học cách sống tự lập, gắng gỏi ra sao?

DV Lan Phương: Tôi nghĩ bản thân con người mình với những tính cách riêng của mình là cách tốt nhất để mình luôn là chính mình, và đứng vững trong môi trường nghệ thuật.

PV: Nghệ thuật chỉ là thiên đường cho những người thực sự có tài năng. Nhưng người có khả năng thì nhiều mà tài năng thì rất hiếm.

DV Lan Phương: Từ khả năng đến tài năng là khoảng cách rất xa, và người nghệ sĩ để rút ngắn khoảng cách đó thì cần phải học hỏi không ngừng, trau dồi kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm và không ngừng sáng tạo.

PV: Bài học đầu tiên khi vào nghề của Phương là gì?

DV Lan Phương: Đạo đức diễn viên. 

PV: Tò mò chút xíu, Phương có thể tiết lộ một chút về "nửa kia" của mình không, nghe nói anh ấy là luật sư?

DV Lan Phương: Tôi gặp anh ấy trên chuyến tàu thanh niên Đông Nam Á cuối năm 2009 (lúc đấy Phương được cử là đại diện tiêu biểu thanh niên Việt Nam, có một chuyến đi 2 tháng trên biển - PV) Phương và anh ấy yêu nhau từ khi trên tàu. Cả hai đều vô cùng hạnh phúc khi tìm thấy nhau, và vẫn luôn cảm thấy ngạc nhiên về chuyến tàu định mệnh đã đưa Phương đến với anh ấy.

PVKhi nào bạn thấy mình thực sự hạnh phúc?

DV Lan Phương: Tôi cảm thấy hạnh phúc mỗi ngày trong cuộc sống, trong những điều giản dị nhất. Bây giờ thì mỗi khi gặp anh ấy, hạnh phúc còn tăng lên rất nhiều lần

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.