Trở lại Vân Đường Phủ

Thứ Ba, 27/10/2015, 10:15
Trước lúc đi xa, cụ Vương Hồng Sển (1902 - 1996) muốn biến căn nhà của mình thành "Bảo tàng Vương Hồng Sển", bằng chứng là cụ đã lập di chúc và hiến tặng toàn bộ di sản trị giá hàng triệu USD của mình cho Nhà nước bao gồm căn nhà cổ nằm trên đường Nguyễn Thiện Thuật, quận Bình Thạnh, TP HCM toàn đồ cổ và sách quý mà cả đời cụ nâng niu, trân quý, giữ gìn.

Thế nhưng, đã 18 năm trôi qua kể từ ngày cụ Vương mất, thời gian đủ dài để một em bé trưởng thành, bản chúc thư vẫn còn nguyên giá trị mà một bảo tàng như ước nguyện vẫn chưa thành, trong lúc ngôi nhà xuống cấp, cổ vật bị mất…

Ăn ốc luộc ngắm "bảo tàng"!

Xin nói ngay, người viết không có ý định mỉa mai hay quảng bá quán ốc nằm trong khuôn viên nhà cổ cụ Vương. Bởi, ngoài sự nhộn nhạo của khách đến đây ăn ốc vào mỗi cuối chiều thì chẳng có gì đáng nói ngoài sự hoài niệm, tiếc thương cho di sản trăm năm của người quá cố. Người viết, ít nhất cũng đôi lần làm khách của quán ốc này, và biết chủ nhân quán ốc thuộc hàng con cháu ruột của cụ Vương. Một trong số những người đang ngụ phía sau ngôi nhà cổ của cụ.

Nhà nghiên cứu và sưu tầm cổ vật Trần Đình Sơn đang biễu diễn với chiếc chén của mình.
Có lẽ ai cũng biết, tự thiếu thời cụ Vương đã có thú đam mê sưu tầm đồ cổ. Sau Cách mạng tháng Tám, cụ rời Sóc Trăng lên Sài Gòn lập nghiệp. Chính quyền thuộc địa khi ấy đã biết tiếng cụ nên mời về làm Phó giám đốc Bảo tàng Viện Sài Gòn trong những năm 1947 - 1952. Khoảng thời gian này cụ đã có trong tay bộ sưu tập đồ cổ kha khá.

Năm 1952, cụ Vương nghỉ hưu. Để có chỗ lưu giữ và cũng có nơi cho hậu sinh tới lui chiêm ngưỡng, cụ đã nhờ người điềm chỉ mua xác nhà gỗ ba gian tận miệt Phú Xuân, Nhà Bè, về dựng lại trên diện tích 720m2 đất nằm trên đường Nguyễn Thiện Thuật và ngôi nhà vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Ngôi nhà yêu quý này được cụ Vương gọi tên thân thương là Vân Đường phủ.

Từ lúc cụ Vương đi xa đến nay, không biết có phải do thiếu sự chăm sóc của người đời, hay buồn vì chủ nhân trở thành người thiên cổ mà ngôi nhà bị hư hại nhiều. Cổng chính giờ đây được bịt kín bằng bức tường xi măng. Muốn vào nhà phải đi vào quán ốc phía sau. Khoảng sân tiền đường ngày nào cụ Vương lát đá ong, nay bị bong tróc đâu mất, nhường chỗ cho người ta bày biện các vật dụng sinh hoạt đời thường. Giàn cây cảnh, dây thằn lằn phủ quanh nhà giờ đã trơ trụi, càng khiến cho ngôi nhà trở nên cô quạnh và mất đi vẻ hài hòa cổ kính.

Chúng tôi không có cơ hội vào bên trong ngôi nhà để cảm nhận được sự tĩnh lặng của bụi, của thời gian. Bởi ngôi nhà quanh năm cửa khóa im ỉm, nằm trong diện Nhà nước giữ chìa khóa.

Tuy vậy, theo những gì mà báo chí từng loan tin, ngoài các cổ vật được giao cho Bảo tàng Lịch sử TP HCM tạm thời lưu giữ, bên trong còn lại một ít bàn ghế, sách vở và mối mọt đang gặm nhấm mà thôi. Bà Vương Thị Việt Hoa, cháu gọi cụ Vương bằng bác ruột từng phát đi lời cảnh báo đến người giữ chìa khóa của ngôi nhà về tình trạng ngôi nhà đang xuống cấp - rất có thể sập đổ bất cứ lúc nào. Song, lời cảnh báo trên đang trôi dần vào quên lãng. Trong khi, Vân Đường phủ được xếp hạng Di tích cấp Thành phố từ năm 2003.

Chuyện cụ Vương mất “chén thánh”!

Trước khi cụ Vương qua đời, một số chuyên gia khảo cổ trong nước được cụ mời đến đánh giá sơ bộ các cổ vật mà cụ đang sở hữu lên đến nhiều triệu USD. Sở dĩ bộ sưu tập mang giá trị cao vì chúng có tính đồng bộ, sắp xếp khoa học, cho thấy người chơi có đầu tư nghiên cứu sâu. Mỗi cổ vật đều được đặt tên, chú dẫn xuất xứ, năm tháng mua, mua ở đâu, người bán (cho/tặng) giải thích thế nào… một cách cẩn trọng. Tuy vậy, sinh thời cụ Vương cũng chỉ nhận mình làm nghề sưu tập vì do yêu thích công việc, chứ thật ra không có gì là cao siêu. Theo nhiều người, đó là một sự tự đánh giá có phần nghiêm khắc. Song, vào những năm tháng cuối đời, nằm trên giường bệnh, có người đến thăm khuyên cụ nên bán bộ sưu tập, đừng hiến cho nhà nước? Trong lòng tuy khó chịu nhưng cụ vẫn ví von: "Đồ xưa là vợ bé của qua, hổng bán. Mất thê mất thiếp nhục lắm!".

Bộ sưu tập cụ Vương để lại có đến 849 món, thuộc nhiều đời: Tống, Minh, Thanh, Lê, Trịnh, Nguyễn… Ngoài thú chơi cổ ngoạn, cụ Vương còn sưu tầm hơn 900 đầu sách quý, trong đó: “Lục tỉnh tân Văn”, “Đông Dương tạp chí” và rất nhiều đầu sách ngoại văn viết về Nam Bộ. Việc tặng gia sản cả đời mình cho Nhà nước không chỉ để thực hiện ý nguyện từ trước, đó còn là cách giữ an toàn bộ sưu tập cho hậu thế mà không sợ bị phát tán. Ấy vậy mà một trong số những cổ vật lúc sinh thời cụ Vương vô cùng trân quý đó là chiếc chén ngọc được cụ Vương đặt tên "Tham thì thâm" gần đây đã bị mất cắp?

Vụ mất cắp chén ngọc được giới sưu tầm đồ cổ trong nước đánh giá là có phần hy hữu này xảy ra vào khoảng giữa năm 2008: Trong một lần nhân viên bảo tàng mang chén ngọc ra để chuẩn bị nội dung cho công tác trưng bày. Nhân viên này để chiếc chén trên bàn trong phòng gia, khép cửa đi ra ngoài khoảng 10 phút sau quay lại thì chén ngọc biến mất? Một cuộc truy tìm chén ngọc ngay sau đó được Bảo tàng huy động đến mức có thể, nhưng mọi nỗ lực đều vô vọng. Chiếc chén "Tham thì thâm" đã biến mất không để lại chút dấu vết nào. Tất nhiên mọi nghi vấn đều đặt trong vòng nội bộ, nên cuộc điều tra khi ấy cũng mang tính nội bộ. Mãi đến năm 2012, thông tin vụ mất cắp này mới lọt ra ngoài. Nghe đâu Cơ quan Công an cũng đã vào cuộc truy tìm, nhưng có lẽ việc truy tìm chén ngọc còn khó hơn các tín đồ đi tìm "chén Thánh"?

Đến nay người được cho là biết rõ lai lịch chén ngọc là nhà nghiên cứu và sưu tầm cổ vật Trần Đình Sơn. Chúng tôi đã tìm đến ông và được ông cho biết, đó là vào năm 1980, khi ông mới bước vào con đường nghiên cứu và sưu tầm cổ vật. Trong một lần được người quen giới thiệu gặp luật sư Trần Văn Tốt, nhà trên đường Cao Thắng,  quận 3, TP HCM. Ngay lần đầu nhìn thấy chiếc chén ông đã bị "hớp hồn" với đặc tính kỳ lạ của nó. Ông liền mua ngay chiếc chén. Chiếc chén làm bằng gốm sứ thuộc đời nhà Thanh (khoảng cuối thế kỷ XVIII) và có màu xanh ngọc nên ông gọi là chén ngọc.
Chén “tham thì thâm” có màu xanh ngọc nay đã bị mất cắp. Ảnh tư liệu.

Khoảng năm 1985, trong một lần trao đổi cổ vật, cụ Vương tỏ ra thích thú chén ngọc nên ông Sơn tặng nó cho cụ - người mà ông Sơn luôn kính trọng như một người thầy. Điều này cũng được cụ Vương ghi chép trong quyển sổ chép tay các cổ vật mà cụ Vương hiến tặng, có dòng ghi chú như sau: Chén ngọc "Tham thì thâm" của bà Đốc phủ Hà Minh Phải, về cháu rể là luật sư Trần Văn Tốt, và sau rốt về Cao Sơn (Trần Đình Sơn - NV). Cao Sơn biếu ngày 12/6/1985.

Đây là chiếc chén mà cụ Vương đặc biệt trân quý. Chỉ có rất ít thân hữu thuộc hàng tri kỷ thì cụ Vương mới mang chén ra rót rượu đãi khách. Ông Sơn nhớ chỉ một lần duy nhất từ lúc tặng chén đến ngày cụ Vương mất, đó là dịp sinh nhật hiếm hoi của cụ, bạn bè thân thiết của cụ hôm ấy có Lê Ngộ Châu (chủ biên tạp chí Bách khoa trước năm 1975); Nguyễn Hùng Trương (chủ nhà sách Khai Trí); họa sĩ Nguyễn Văn Rô (Giáo sư Trường cao đẳng Mỹ thuật Gia Định); nhà thơ Hoàng Hương Trang và Trần Đình Sơn được cụ mang chén ngọc ra đãi khách.

Theo ông Sơn, chén ngọc cao 4cm, đường kính 7cm, miệng có hình hoa sen. Thân chén có 7 đường gân nổi, trôn chén có hình xoắn ốc, trong lòng chén có tượng ông tiên mặc áo thụng màu xanh thẫm. Dưới chân trái ông tiên có một lỗ nhỏ bằng đầu chiếc tăm, phía dưới chân phải ông tiên nằm ở trôn chén cũng có lỗ nhỏ tương tự. Chén ngọc chỉ cho phép rót rượu hoặc nước vừa chạm miệng ông tiên, nếu rót thêm, dẫu một giọt thôi thì rượu sẽ theo lỗ nhỏ dưới trôn chén chảy ra ngoài không còn một giọt. Những ai có duyên được chứng kiến cụ Vương "biểu diễn" một lần đều tỏ ra thích thú với đặc tính kỳ lạ này. Theo triết lý của cụ Vương, rượu dẫu ngon đến mấy cũng phải biết dừng lại đúng lúc, nếu tham quá thì sẽ có lúc mất hết không còn một giọt? Từ đó, cụ Vương đặt cho chén ngọc cái tên mang tính khuyên răn: "Tham thì thâm".
Chén sứ của nhà nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Trần Đình Sơn, cũng giống như chén “tham thì thâm”, nhưng có màu hồng ngọc.

Nói về giá trị chiếc chén ông Sơn cho biết, cổ vật đôi khi không dùng tiền để phân định, giá trị của nó còn nằm ở chỗ quý, hiếm và cả sở thích của người chơi nữa. Người chơi có nhiều tiền chưa chắc đã mua được, nên rất khó định giá. 

Chừng nào ước nguyện mới thành?

Cảm nhận của những ai từng biết và yêu mến cụ Vương khi có dịp quay lại Vân Đường phủ, đó là cảm giác cô đơn, hoang tàn, xơ xác. Vì đâu nên nỗi, và trách nhiệm thuộc về ai? Câu hỏi nghe "quen quen" nhưng thật khó trả lời. Bởi, nếu có ai đó chịu trách nhiệm thì ngôi nhà của cụ Vương chắc hẳn nay đã khác?

Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, Vân Đường phủ nay đã ngoài 100 tuổi. Gần 20 năm qua, kể từ ngày cụ Vương mất, con cháu cụ vẫn ở phía sau nhà, nhưng do thiếu bàn tay yêu thương chăm sóc nên ngôi nhà gần như hư hỏng. Chỉ vài mùa mưa nữa thôi, toàn bộ căn nhà sẽ sụp?

Ngay cả UBND TP HCM khi tiếp nhận di chúc của cụ Vương cũng không lường hết được những hệ lụy rất khó giải quyết xung quanh ngôi nhà này. Trong di chúc cụ Vương chỉ thể hiện ý nguyện hiến nhà, cổ vật và sách vở. Đây chính là vướng mắc lâu nay không thể dung hòa giữa Nhà nước với 3 người cháu nội của cụ Vương, dẫn đến việc thành lập Bảo tàng Vương Hồng Sển bị bế tắc? Trước đây, Nhà nước từng có lần thương lượng với cháu nội cụ Vương, bố trí an cư ở một nơi khác. Nhưng cháu nội cụ Vương cho rằng, giờ đây họ đã lớn, mỗi người cần có cuộc sống riêng tư nên đề nghị được nhận 3 căn nhà riêng biệt, điều này Nhà nước không đáp ứng được.

Để cứu vãn di tích có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, một phương án khả thi có thể thực hiện nhanh trong lúc này và có lẽ cũng phù hợp với đạo lý và ước nguyện của cụ Vương lúc sinh thời. Theo ông Sơn, cụ Vương từng tâm sự với những người bạn tri kỷ của mình từ năm 1952, khi cụ vừa mua xác nhà này từ Phú Xuân mang về, cụ vẫn muốn dựng trong Thảo Cầm Viên để sau này tặng luôn cho dễ bề quản lý, nhưng nhà cầm quyền khi ấy không đồng ý. Còn giờ đây mọi chuyện đã khác, Nhà nước cũng nên thương lượng với con cháu cụ Vương, mang xác nhà vào Thảo Cầm Viên phục dựng, trưng bày cổ vật. Vừa thuận lợi về mặt quản lý, vừa tiết kiệm được ngân sách. Chưa kể việc trưng bày tất cả cổ vật sẽ tác động tích cực về mặt xã hội, nhất là trong giới chơi cổ vật.

Nếu ước nguyện thành lập bảo tàng không thành, sẽ thật buồn và tiếc cho cụ Vương. Bởi giờ đây, đến Vân Đường phủ, người ta chỉ nghe tiếng gió xào xạc và những chiếc lá vàng rơi theo bóng người đã khuất!

Kỳ Phương
.
.