Trò lừa đảo mang tên “thôi miên”

Thứ Ba, 14/01/2014, 07:05

Bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua vài gói hạt đậu vớ vẩn được quảng cáo là thuốc thần tiên chữa bách bệnh. Bị mất hết tiền bạc vì cầm hộ điện thoại Iphone hay nhận đổi tiền giúp người nước ngoài… Nạn nhân của các vụ việc trên đều cho rằng đã bị các đối tượng dùng thuật thôi miên để sai khiến, điều khiển họ nộp hết tiền bạc, tài sản cho chúng. Những câu chuyện thôi miên để cướp tài sản trở nên hết sức thần bí, ly kỳ…

Trình dược viên cũng mắc bẫy      

Nghe tin Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) vừa bắt giữ được một nhóm 4 người phụ nữ quê Thái Nguyên "thôi miên" một nữ trình dược viên để lừa đảo bằng trò bán hạt bạch tiêu chữa khỏi bệnh ung thư, chúng tôi đã đề nghị Ban chỉ huy Công an quận Tây Hồ cho tiếp xúc với các đối tượng nhằm hỏi chuyện cụ thể về "phép thuật" kỳ bí này.

Trái với hình dung của chúng tôi về nhóm "nữ quái" ranh ma, 4 người phụ nữ bị bắt gồm Nguyễn Thị Thúy (39 tuổi), Trần Thị Hồng (43 tuổi), Nguyễn Thị Linh (30 tuổi), Nguyễn Thị Hợp (30 tuổi)  đều có vẻ ngoài chân chất, mộc mạc của những người phụ nữ nông thôn.

Nguyễn Thị Thúy (ở xóm Me, xã Đông Cao, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên) kẻ cầm đầu nhóm lừa "thôi miên" trên khai nhận, cô ta vốn làm nghề buôn bán rau tại các chợ trên địa bàn huyện Đông Anh (Hà Nội). Sáng dậy sớm đi xe máy xuống các chợ đầu mối mua hàng, đưa về các chợ lẻ tiêu thụ. Đến chiều tối lại phi về Thái Nguyên. Bươn chải là thế nhưng cuộc sống vẫn khó khăn.

Quá trình buôn bán tại các chợ, cô ta đã học mót được trò lừa đảo bán thuốc trị bách bệnh của những kẻ khác. Thấy chúng kiếm tiền quá dễ, Thúy quyết định học theo. Cô ta đi xe máy tới  hiệu thuốc nam ở Bắc Giang. Nhìn thấy một loại hạt có vỏ màu đỏ, ruột màu trắng, dù không biết đó là hạt gì nhưng Thúy vẫn  mua 0,5kg  với giá 70.000 đồng, xay vỡ để không nhận dạng được là hạt gì. Thứ hạt xay này được Thúy đặt tên là bạch tiêu.

Trò lừa này cần có cộng sự nên cô ta rủ Trần Thị Hồng, Nguyễn Thị Linh và Nguyễn Thị Hợp, vốn cũng chỉ là người cùng thôn xã, làm nghề buôn bán rau quả cùng tham gia.

Thúy phân vai cụ thể cho từng người như sau: Hợp và Hồng đi vào các chợ quan sát, tìm những phụ nữ có biểu hiện mọng mắt, đỏ mắt, sắc diện xanh xao, thiếu ngủ. Hợp sẽ tiếp cận và nói với những người này đang bị bệnh trọng, nếu không chữa trị sớm sẽ chuyển sang ung thư. Khi nạn nhân tin đang bị bệnh, Hợp cho biết có loại hạt bạch tiêu chữa được bệnh.

Tiếp theo, Hồng có nhiệm vụ chọn thời điểm thích hợp để tiếp cận nạn nhân và hướng dẫn họ đến  điểm có bán loại hạt này (nơi Thúy chờ sẵn). Sau đó các đối tượng dẫn người bị hại đến gặp Thúy. Tại đây, Hồng và Linh có nhiệm vụ  tranh mua cùng bị hại để tạo lòng tin.

Ngày 11/12/2013, Thúy cùng với Hồng, Hợp, Linh đi 2 xe máy đến khu vực chợ Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội. Theo kế hoạch Thúy, Linh đứng ngoài ngã ba Phạm Văn Đồng - Đỗ Nhuận, còn Hồng và Hợp vào chợ. Khi vào chợ Xuân Đỉnh,  Hợp gặp chị Trịnh Thị Thương là trình dược viên đang mua hàng. Quan sát thấy mắt chị Thương thâm quầng, trong vai người đi chợ cùng mua, Hợp nhìn vào mặt chị Thương, giọng hốt hoảng: "Bệnh của em lên đến mắt rồi mà không biết à?", rồi liến thoắng kể triệu chứng mất ngủ của chị Thương.

Thấy chị Thương kinh ngạc vì kể đúng biểu hiện bệnh, Hợp ra vẻ thương cảm, bảo bệnh này chỉ uống hạt bạch tiêu mới khỏi, không thì nguy hiểm đến tính  mạng. Hồng đi đến, giả vờ nghe được câu chuyện giữa hai người. Hồng bảo Hợp mô tả đặc điểm hạt bạch tiêu rồi nói: vừa nhìn thấy có người ở đằng kia bán loại hạt như vậy. Sau đó Hồng chỉ cho chị Thương, biết địa điểm có bán hạt bạch tiêu là nơi Thúy đang chờ sẵn. Hồng, Hợp vờ xăng xái giúp đỡ, dẫn chị Thương đến chỗ Thúy.

Lúc này Linh đi đến cũng hỏi mua loại hạt đó về chữa bệnh. Linh giằng lấy túi hạt, đòi mua hết, giá bao nhiêu cũng mua.  Thúy đòi giá 5 triệu đồng/thang thuốc.  Sợ Linh mua mất thuốc, Hồng và chị Thương mặc cả xuống còn 4,5 triệu đồng/thang thuốc. Do chị Thương chỉ mang theo 1 triệu nên Thúy và Hồng đi cùng chị Thương đến máy ATM ở đầu ngõ 445, Lạc Long Quân để rút tiền.

Nhận đủ tiền, Thúy đưa túi hạt cho chị Thương và dặn cách dùng. Thúy nói muốn thuốc linh nghiệm phải bí mật, khi mua về không được cho ai biết. Đầu tiên lấy ra 9 hạt cho vào cốc pha uống như pha chè. Khi uống phải đủ 9 ngụm hết cốc thuốc. Nếu để ai biết thuốc sẽ mất tác dụng.

Sau khi lừa được chị Thương, Thúy chia tiền cho Hồng, Linh mỗi người 500.000 đồng, Hoa 700.000 đồng. Về phía chị Thương, dù  uống hạt đúng  theo chỉ dẫn nhưng không thấy sự linh nghiệm xảy ra, biết mình đã mắc mưu bọn lừa đảo. Đến chiều 14/12, bộ tứ lừa đảo lại đến chợ Xuân La (Tây Hồ)  tìm người lừa mua thuốc thì tình cờ chị Thương bắt gặp nên báo công an. Nhóm lừa đảo bị bắt.

Các đối tượng lừa bán hạt khiếm thực bị Công an quận Tây Hồ bắt giữ.

Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ đã trưng cầu Viện Dược liệu, Bộ Y tế giám định số hạt mà các đối tượng bán cho chị Thương với tên gọi bạch tiêu. Qua giám định, Viện Dược liệu cho biết, mẫu hạt gửi giám định là dược liệu khiếm thực (hạt của cây hoa súng), có công dụng: Ích thận, cố tình, kiện tỳ, trừ thấp nhiệt, chỉ tà... Chủ trị: mộng tinh, di tinh, hoạt tính, bạch trọc, đới hạ, tỳ hư, tiêu chảy lâu ngày...

Tại Cơ quan Công an, Nguyễn Thị Thúy và đồng bọn khai nhận chị ta chẳng có phép thuật thôi miên nào hết mà chỉ dàn dựng kịch bản, phân vai người bán kẻ mua hạt "Bạch tiêu" để lừa chị Thương theo đúng thủ đoạn mà chị ta học được. Có lẽ khuôn mặt hiền lành, cách nói chuyện có vẻ thật thà, chân chất, thôn quê như Nguyễn Thị Thúy đã khiến bị hại hoàn toàn tin tưởng vào màn kịch do Thúy và đồng bọn đã diễn.

Thôi miên hay nhẹ dạ, hám lợi?

Trước đó, năm 2010, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) cũng đã bắt giữ ổ nhóm biến hạt hạnh nhân thành thuốc chữa bách bệnh để lừa đảo do Đinh Thị Nga (58 tuổi) ở Nam Định cầm đầu cùng 3 phụ nữ đồng bọn. Mua hạt hạnh nhân ở phố Lãn Ông với giá 90.000đồng/kg, chúng hô biến thành "thần dược", tìm những phụ nữ có biểu hiện tóc bạc sớm, quầng mắt, mụn thịt, nám má... gạ bán với giá từ 4-5 triệu đồng/thang thuốc.

Tin đó là thuốc chữa bệnh, không ít người đã bỏ hàng chục triệu đồng ra mua, có người vì không mang theo tiền còn dẫn các đối tượng về nhà lấy sổ tiết kiệm ra ngân hàng rút tiền mua thuốc. Chính vì vậy, các nạn nhân khi trình báo Cơ quan Công an đã quả quyết rằng bị thôi miên, bị đánh thuốc mê nên mới bị đối tượng điều khiển nộp tiền cho chúng.

Tuy nhiên, để làm rõ việc có hay không chuyện thôi miên  bán thuốc, chúng tôi đã gặp chị Nguyễn Thị Hiền, ở Trâu Quỳ, Gia  Lâm, một nạn nhân của nhóm lừa bán thuốc trị ung thư. Cho chúng tôi xem 2 túi nilon đựng loại hạt vỏ đốm trắng đỏ giống như hạt đỗ và một túi hạt vỏ đỏ ruột trắng đã bị xay vỡ giống như loại hạt khiếm thực mà nhóm của Nguyễn Thị Thúy đã lừa chị Thương, chị Hiền cay đắng cho biết đã mua 2 túi hạt vớ vẩn này với giá… 27 triệu đồng của nhóm đối tượng 3 nam 1 nữ tại chợ Sủi (Gia Lâm).--PageBreak--

Kịch bản mà các đối tượng đã lừa chị Hiền cũng giống như nhóm lừa của Nguyễn Thị Thúy dàn dựng, nghĩa là có người phát hiện bệnh, chỉ dẫn mua thuốc và tranh mua để chị Hiền tin vào thuốc chữa bệnh là có thật. Do đang xây nhà nên khi bị các đối tượng phán bị một loại bệnh hiểm nghèo như ung thư đang phá hủy nội tạng, bệnh đã "chạy" lên mắt, trong vòng 1 tháng nữa sẽ chết, chị Hiền vừa sợ, vừa tin vì cho rằng "hạn" xây nhà.

Nhóm lừa nói rằng bệnh của chị Hiền chỉ uống hạt ngọc thạch mới khỏi. Loại hạt này rất hiếm, 5 năm mới đậu một lần, trồng trên tận Điện Biên. Thi thoảng có người mang xuống chợ bán.

Quá lo lắng cho bệnh tật của mình, chị Hiền răm rắp đi theo kẻ lừa đảo trong vai những người phụ nữ nội trợ chất phác, tìm mua hạt Ngọc thạch. Sau khi bán cho chị Hiền 5 thang thuốc hạt "ngọc thạch" với giá 25 triệu đồng, nhóm lừa còn tiếp tục diễn kịch gạ chị Hiền mua thêm 1 gói hạt "triệt nọc" với giá 2 triệu đồng, nói rằng sau khi uống "ngọc thạch" phải uống "triệt nọc" thì bệnh mới khỏi hoàn toàn. Cách thức uống các loại hạt này cũng bí hiểm, không được cho ai biết, chỉ uống vào buổi tối khi xung quanh không có ai.

Ban đầu chị Hiền cũng cho rằng bị nhóm đối tượng thôi miên để lấy tiền. Tuy nhiên khi tỉnh táo, xâu chuỗi các sự việc xảy ra, chị cho biết sở dĩ mắc bẫy lừa đảo vì chúng đã đánh trúng vào tâm lý lo lắng của chị khi nghe phán bị ung thư. Cách chữa bệnh kỳ bí, đầy màu sắc ma mị mà chúng vẽ ra như không  được nói cho ai biết, không để ai nhìn thấy… chính là thủ đoạn đối phó, không để người khác phát hiện ra cho đến khi chúng hoàn thành trót lọt việc lừa đảo.

Cách đây ít lâu, dư luận  xôn xao, hoang mang khi có thông tin về việc Công an Nghệ An tạm giữ 2 người phụ nữ nghi vấn dùng điện thoại Iphone để thôi miên cướp tài sản. Người phát hiện là anh Nguyễn Trung Dũng, một doanh nhân khi vừa đi ôtô tới sân bay Vinh thì một phụ nữ bước tới đưa ra chiếc điện thoại Iphone 4 nhờ tắt máy hộ và cho biết vừa nhặt được chiếc điện thoại này.

Khi anh Dũng yêu cầu chuyển điện thoại cho Cơ quan Công an, người phụ nữ bỏ chạy định nhảy lên xe máy một người phụ nữ khác chờ sẵn tẩu thoát. Nghi ngờ đây là trò thôi miên lừa đảo, anh Dũng đã giữ 2 người phụ nữ chuyển cơ quan chức năng làm rõ.

Chị Nguyễn Thị Hiền (Gia Lâm, Hà Nội) cay đắng vì bị lừa mua 2 túi hạt đậu với giá 27 triệu đồng.

Đặt câu hỏi có hay không chuyện tội phạm sử dụng thuật thôi miên để điều khiển người bị hại tự nguyện nộp tiền bạc, tài sản qua các thủ đoạn như bán thuốc chữa bệnh hiểm nghèo, nhờ nghe - cầm giúp điện thoại xịn… như nêu trên, Thượng tá Nguyễn Tiến Tần, Phó trưởng Công an quận Tây Hồ khẳng định, không có chuyện thôi  miên mà đây chỉ là thủ đoạn của tội phạm sử dụng đối với những người nhẹ dạ, mất cảnh giác hoặc có lòng tham. Nếu thôi miên để lấy được tài sản của người khác thì có lẽ tội phạm sẽ nhằm vào những nơi nhiều tiền bạc như ngân hàng, tiệm vàng… để gây án chứ không nhằm vào những người ít tiền như vậy.

Như trường hợp nhờ nghe, nhờ tắt điện thoại iPhone (thực chất là điện thoại nhái, rẻ tiền), đối tượng giả vờ không hiểu biết gì về điện thoại, cũng không biết sử dụng nên gạ bán cho người được nhờ với giá rẻ so với giá trị của hàng thật. Người mua do tham của rẻ nên trả tiền ngay với niềm tin đã mua được giá hời, chứ không hề có chuyện bị thôi miên.

Tương tự như vậy, với thủ đoạn bán thuốc chữa bệnh, các đối tượng đã gây niềm tin đối với người bị hại bằng cách đoán đúng các triệu chứng bệnh thông qua các biểu hiện chúng quan sát thấy trên khuôn mặt họ. Tiếp đó, chúng đe dọa nạn nhân bị bệnh nặng, nếu không chữa ngay sẽ chết khiến nạn nhân hốt hoảng, lo sợ, từ đó không còn đủ bình tĩnh, minh mẫn để xử lý tình huống, dẫn đến việc làm theo sự hướng dẫn của chúng.

Mặt khác, các đối tượng đều rỉ tai người mua phải giữ bí mật thì việc chữa bệnh mới có hiệu quả, thuốc phải uống vào buổi tối, khi mọi người đã đi ngủ hết và đặc biệt không được cho người khác biết việc uống thuốc. Tin vào cách chữa bệnh "thần bí" như vậy, nhiều người lỡ mua thuốc khi biết mình bị lừa đành cay đắng chấp nhận, không dám kể cho ai biết. Đây là một trong những nguyên nhân khiến thủ đoạn lừa đảo này diễn ra đã lâu nhưng vẫn có người bị mắc bẫy

H.Vũ
.
.