Vở kịch “Người tù trao áo” kỉ niệm 90 năm Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam:

Trọn vẹn hiến dâng cho Đảng

Thứ Tư, 05/02/2020, 20:35
Nhân kỉ niệm 90 năm Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2/1930 - 3/2/2020, Nhà hát Công an Nhân dân (CAND) giới thiệu vở kịch “Người tù trao áo”, tác giả kịch bản NSƯT Bùi Vũ Minh, đạo diễn NSND Lê Hùng, chỉ đạo nghệ thuật NSND Nguyễn Thúy Hiền, Giám đốc Nhà hát CAND.

Vở kịch “Người tù trao áo” nói lên sự khó khăn gian khổ của những chiến sĩ cách mạng bị giam cầm tại nhà tù Côn Đảo, nơi được coi là địa ngục trần gian qua hình tượng liệt sĩ Vũ Văn Hiếu và liệt sĩ Võ Thị Sáu.

Gian khổ cùng cực không ngăn được ý chí đấu tranh giành tự do của các chiến sĩ cách mạng, máu xương của họ đã đổ nhưng tinh thần của họ không bao giờ thay đổi, luôn bất khuất và vững vàng hướng về Đảng, về Tổ quốc. Họ là tấm gương sáng về tinh thần đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Vở kịch như một lời tri ân thành kính của các nghệ sĩ chiến sĩ Công an dâng lên các chiến sĩ yêu nước đã hi sinh tại nhà tù Côn Đảo.

Người con gái đất đỏ Võ Thị Sáu

Hôm 24 tết Nguyên Đán Canh Tý vừa rồi, mặc dù cái lạnh cắt da cắt thịt với những giọt mưa xuân cũng không cản được bước chân khán giả đến Nhà hát Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng thưởng thức vở “Người tù trao áo”.

Cảnh đồng chí Vũ Văn Hiếu kiệt sức do bị hành hạ dã man tại nhà tù Côn Đảo.

Vở kịch xoay quanh hai nhân vật chính là hai Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu và Vũ Văn Hiếu. Với người nghệ sĩ, diễn xuất vào thời khắc này như được “nhập đồng” trên sân khấu, diễn mà như không diễn. Lòng người nghệ sĩ đã hướng cả về chiến sĩ đã anh dũng hi sinh vì Tổ quốc thiêng liêng.

Đây không phải là lần đầu tiên vở kịch ra mắt công chúng mà cách đây 5 năm, vào tháng 12-2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã kí và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho liệt sĩ Vũ Văn Hiếu - người Bí thư đầu tiên Đặc khu mỏ Quảng Ninh. Cũng năm này, Nhà hát kịch CAND đã dàn dựng thành công vở “Người tù trao áo” bởi đạo diễn NSND Lê Hùng, NSND Nguyễn Công Bẩy. Vở diễn đi công diễn ở nhiều nơi và được đón nhận nồng nhiệt.

Lần này tuy là diễn lại vở cũ nhưng các nghệ sĩ đã có hàng tháng trời chuẩn bị kĩ lưỡng từ câu thoại trong kịch bản đến lối diễn xuất tinh tế. Thiết kế mỹ thuật Đặng Minh Tuấn, âm nhạc Toàn Lê.

Nghệ sĩ Ngọc Hân vai đồng chí Vũ Văn Hiếu, nghệ sĩ Kim Thoa vai cô Sáu, nghệ sĩ Đăng Hòa vai đồng chí Lê Duẩn, nghệ sĩ Văn Tuấn vai đồng chí Phạm Văn Đồng, nghệ sĩ Tiến Việt vai đồng chí Nguyễn Văn Linh, nghệ sĩ Quốc Thắng vai đồng chí Lê Hồng Phong, nghệ sĩ Việt Tùng vai đồng chí Ngô Gia Tự, nghệ sĩ Linh Nam vai đồng chí Nguyễn Văn Cừ, nghệ sĩ Sùng Lãm vai đồng chí Nguyễn An Ninh, nghệ sĩ Hoàng Công vai đồng chí Trần Xuân Độ...

Võ Thị Sáu là một nữ chiến sĩ an ninh nhiều lần thực hiện các cuộc mưu sát nhắm vào các sĩ quan Pháp và những người Việt cộng tác đắc lực với chính quyền thực dân Pháp tại miền Nam, Việt Nam. Do bị chỉ điểm, cô bị quân Pháp bắt và tòa án binh Pháp xử tử. 

Trong “Sổ giám sát tử vong năm 1947-1954” còn lưu lại tại Côn Đảo, còn dòng chữ ghi bằng tiếng Pháp: “Le23 Janvier: 1952. 195 G. 267 Võ Thị Sáu dite CAM mort 23/1/1952 7h P. Condor Par balles...” (Tù nhân số G Võ Thị Sáu bị xử bắn vào ngày 23/1/1952 vào hồi 7 giờ). Nữ liệt sĩ anh hùng Võ Thị Sáu mất vào ngày 27 tháng Chạp năm 1951 (âm lịch), nghĩa là chỉ còn vài ngày nữa là bước tới thời khắc giao thừa. Năm 1993, cô được truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Câu chuyện kịch bắt đầu với nữ anh hùng Võ Thị Sáu bị quân đội Pháp mang ra hành hình và sau đó âm hồn chị đã gặp được các chiến sĩ cách mạng kiên trung trong cuộc chiến chống chế độ thực dân Pháp tại nhà tù Côn Đảo. Cuộc hội thoại đầy cảm động giữa liệt sĩ Võ Thị Sáu và đồng chí Vũ Văn Hiếu đã khiến người xem không cầm được nước mắt.

Một cảnh hấp dẫn trong vở kịch “Người tù trao áo”.

Đồng chí Vũ Văn Hiếu nói với Võ Thị Sáu: “Là các đồng chí đã hi sinh tại địa ngục trần gian, nhà tù Côn Đảo, Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh...”. Võ Thị Sáu ngạc  nhiên: “Cháu đã được nghe kể nhiều về các chú. Còn chú Hiếu sao cháu chưa được nghe nhắc đến bao giờ?”. Đồng chí Vũ Văn Hiếu trả lời: “Cháu ơi, cách mạng Việt Nam còn rất nhiều nhà cách mạng khuyết danh yêu nước rồi cháu sẽ biết”. Võ Thị Sáu vẫn chưa hết bàng hoàng: “Chú Hiếu, tại sao cháu lại được gặp mọi người ở đây? Có phải cháu đã chết rồi phải không ạ?”. Đồng chí Vũ Văn Hiếu khảng khái: “Đối với chúng ta cái chết không phải là sự kết thúc!”.

Võ Thị Sáu thảng thốt nói với người chiến sĩ cộng sản: “Kìa chú Hiếu ơi, mọi người ra thắp hương ở mộ cháu đông quá. Chú Hiếu, cháu nhớ nhà, cháu nhớ má lắm. Ơ, kìa ai như má cháu. Má ơi, má nhìn con đi má ơi. Má có nhận ra con không ạ? Má ơi, má ơi, con Sáu của má đây. Chú Hiếu ơi, mẹ cháu không nghe thấy tiếng cháu gọi...”. Để trấn an cô gái tuổi chưa đầy 18 bị thực dân Pháp xử tử, người liệt sĩ trấn an cô gái: “Cháu đừng xúc động quá, nghe chú nói, âm dương cách biệt...”.

Anh hùng lực lượng vũ trang liệt sĩ Vũ Văn Hiếu

Vở kịch đã tái hiện lại nhà tù Côn Đảo, nơi được coi là địa ngục trần gian. Nhà lao Côn Đảo mà thực dân Pháp xây dựng bên trong có nhiều song sắt kiên cố, để giam giữ những chiến sĩ cách mạng Việt Nam đấu tranh vì độc lập tự do cho dân tộc. Ở đó đã giam cầm những chiến sĩ cách mạng kiên trung như đồng chí Vũ Văn Hiếu, đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn An Ninh, Trần Xuân Độ...

Cảnh kịch còn tái hiện lại không khí cách mạng lên cao tại khu mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả, vào mùa hè năm 1930. Mở đầu là cuộc bãi công của công nhân chống đuổi thợ, chống đánh đập, giảm giờ làm ca đêm, tăng tiền lương 20%. Cuối cùng, bọn chủ mỏ phải chấp nhận tăng lương cho công nhân, cuộc đấu tranh thắng lợi đã cổ vũ phong trào công nhân toàn khu mỏ.

Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất (tháng 10-1930) đã quyết định thành lập ở khu mỏ một khu đặc biệt lấy tên là Đặc khu Đông Triều - Hòn Gai - Cẩm Phả. Cuối tháng 10-1930, đồng chí Vũ Văn Hiếu trở thành Bí thư Đặc khu ủy đầu tiên của khu mỏ Quảng Ninh.

Ngày 9/2/1931, đồng chí Vũ Văn Hiếu cùng một số đồng chí khác bị địch bắt ngay tại cơ quan Đảng ủy Cẩm Phả - Cửa Ông. Mùa hè năm ấy, thực dân Pháp đưa đồng chí Vũ Văn Hiếu ra xử tại Hội đồng Đề hình Hà Nội cùng hơn 40 cán bộ, đảng viên khác, chúng đã kết án đồng chí 20 năm tù cầm cố và đày ra nhà lao Côn Đảo.

Sau 5 năm bị tra tấn tàn khốc ở nhà tù Côn Đảo, năm 1936, đồng chí Vũ Văn Hiếu được trả tự do cùng gần 200 anh em khác, trong đó có các đồng chí: Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị, Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt)... Ra tù được ít ngày, đồng chí đã kịp thời bắt liên lạc với số anh em tù ở Côn Đảo được trả tự do trong đợt trước và quyết định ra mỏ tìm lại cơ sở cũ. Tuy nhiên, mật thám Pháp đã không cho đồng chí đặt chân đến đất mỏ, phải trở lại Hà Nội.

Anh hùng Võ Thị Sáu và Vũ Văn Hiếu trong vở “Người tù trao áo”.

Đầu năm 1940, đồng chí Vũ Văn Hiếu bị mật thám Pháp bắt lại cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Vũ Thiện Tấn, Phạm Chương, Phan Văn Voi... Nhiều tháng tra tấn ròng rã nhưng không khuất phục được các chiến sĩ cách mạng, giặc Pháp đưa đồng chí Vũ Văn Hiếu ra xét xử cùng một số đồng chí khác. Đầu năm 1941, đồng chí Vũ Văn Hiếu lại bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo lần thứ hai, giam cùng các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Văn Cúc (tức đồng chí Nguyễn Văn Linh), Nguyễn Tạo, Phan Văn Voi...

Ra Côn Đảo một thời gian, đồng chí Vũ Văn Hiếu sức khỏe suy giảm do sự hành hạ man rợ của kẻ địch. Biết mình không sống nổi vì đã kiệt sức, được bên ngoài gửi vào cho một cái áo, Vũ Văn Hiếu quyết định sẽ trao áo lại cho đồng chí mình.

Tranh thủ khi đồng chí Lê Duẩn đến gần, Vũ Văn Hiếu đã cởi chiếc áo mình đang mặc đưa cho đồng chí Lê Duẩn và nói: “Tôi sắp chết rồi, tôi nghĩ mãi mà không biết làm cái gì để phục vụ Đảng đến phút cuối cùng, tôi có chết cũng không sao, áo đây, đồng chí mặc lấy để sống mà làm việc cho Đảng”. Đồng chí Lê Duẩn từ chối nhưng đồng chí Vũ Văn Hiếu vẫn khăng khăng không chịu, đồng chí bảo: “Tôi nghĩ kỹ rồi, chỉ còn việc này là tôi còn cống hiến được cho Đảng, sao đồng chí không nhận”.

Và đồng chí Vũ Văn Hiếu, người chiến sĩ cộng sản ấy đã trút hơi thở cuối cùng vào đầu năm 1943 khi mới 36 tuổi tại nhà tù Côn Đảo. Vở kịch đã để lại cảm xúc cho nhiều cán bộ chiến sĩ trong lực lượng CAND và đông đảo người xem.

Người Bí thư Đặc khu ủy đầu tiên của Khu mỏ Quảng Ninh đã hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, là tấm gương sáng ngời về lòng trung thành vô hạn với lý tưởng cộng sản. Lẽ sống và phẩm chất cách mạng của đồng chí đã trở thành biểu tượng tình yêu Đảng, Tổ quốc, “Sống vì Đảng, chết không rời Đảng” để chúng ta học tập, noi theo.

Hiện nay, Côn Đảo đã trở thành một trong 23 di tích quốc gia đặc biệt. Đặc điểm nổi tiếng nhất của nhà tù này là khu “chuồng cọp”. Nơi đây là bằng chứng về sự ngược đãi tù nhân đến tàn bạo của thực dân Pháp, quân đội Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Theo Đại tá, NSND Nguyễn Công Bẩy - Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác Chính trị, trong đợt kỷ niệm 90 năm Ngày Thành lập Đảng, Nhà hát CAND đã tăng cường tuyên truyền hình ảnh đẹp, gương người tốt việc tốt, gương điển hình của các Anh hùng Lực lượng vũ trang với những tấm gương chiến đấu, hi sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc.

Vở kịch “Người tù trao áo” là một trong số những hoạt động đó, nhằm ca ngợi hình tượng người chiến sĩ cách mạng Việt Nam, trong đó khắc họa hình ảnh cuộc đấu tranh của những lão thành cách mạng như Lê Hồng Phong, Vũ Văn Hiếu, Võ Thị Sáu... Vở kịch với những vai diễn tiêu biểu đã làm đậm nét chân dung hình tượng người chiến sĩ cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống thực dân xâm lược.

“Người tù trao áo” như một lời tri ân đến với những anh hùng liệt sĩ có công với Tổ quốc. Đồng thời, thông qua câu chuyện lịch sử, vở kịch truyền tải đến người xem bài học sâu sắc, những thế hệ trẻ hôm nay sống làm sao cho xứng đáng với quá khứ đầy tự hào của cha anh.

Mỹ Trân
.
.