Nhạc sĩ Phó Đức Phương:

Trong gian truân vô kể, lòng tôi tràn trề niềm vui

Thứ Tư, 08/12/2010, 09:30
Người ta khó có thể ngờ, suốt mấy chục năm trời thăng hoa trên cánh đồng âm nhạc, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã có hàng trăm nhạc phẩm không lời và hàng chục ca khúc trữ tình ấn tượng, mang đậm phong vị nồng nàn của âm hưởng đồng bằng Bắc Bộ: "Những cô gái quan họ", "Trên đỉnh Phù Vân", "Chảy đi sông ơi", "Không thể và có thể", "Một thoáng Tây Hồ", "Mái chèo thiên thu",... thế rồi, đùng một cái ông lại rẽ ngang - làm GĐ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc.

Cả chục năm trời bận bịu, tất bật với công việc đòi bản quyền cho các nhạc sĩ, những bước thăng trầm khổ ải của người quản lý đã không cho phép ông sáng tác nữa. Nhiều người gọi ông là "Người tự đầy ải và hành xác mình”. Tại sao, do đâu ông lại có quyết định lựa chọn đột biến này? Và rồi, ngày sau, tương lai của người nhạc sĩ sẽ ra sao?

Phóng viên: Năm nay ông được nhận cúp vàng “Vì sự nghiệp phát triển cộng đồng” và “Nhà quản lý xuất sắc thời kỳ đổi mới trong việc bảo vệ quyền tác giả. Vậy dạo này, ông có sáng tác nào mới không?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: 4 năm nay tôi xin lỗi tất cả những lời đề nghị yêu cầu sáng tác, bởi vì không tài nào mà tập trung tư tưởng được. Tôi làm gì chỉ tập trung được một thứ thôi, không thể chia ra ban ngày làm bảo vệ quyền tác giả, còn tối về thì sáng tác. Cả đêm tôi ngẫm nghĩ về quyền tác giả rồi.

PV: Vậy là cho đến tận giờ gần 10 năm trên con đường đi đòi công lý, bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, ông vẫn "mất ăn mất ngủ". Ông cứ quyết liệt và đau đáu với công việc này là vì lẽ gì?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Từ năm 1997 đến năm 2000, Bộ Văn hóa và Cục Bản quyền đã bắt đầu có ý tưởng mạnh mẽ về quyền tác giả. Nhiều cuộc hội thảo về bảo vệ quyền tác giả có nước bạn sang tham dự trao đổi, Bộ Văn hóa gửi giấy mời Cục Biểu diễn là nơi tôi đang công tác. Mỗi lần có giấy mời cơ quan lại phân công tôi đi. Tôi đi ba bốn buổi hội thảo quốc tế, tự dưng giác ngộ mà thấy rằng bảo vệ quyền tác giả còn nóng bỏng hơn  làm sáng tác.

Sáng tác là việc của cả đời. Tôi được Bộ Văn hóa đào tạo về nhận thức. Sau khi được Nhà nước cho học tập, trao đổi hội thảo với quốc tế tôi thấy không thể nào để tình trạng rối ren và tối tăm, mù mịt về quyền tác giả ở nước mình như thế được nữa. Ngay lúc ấy tôi nghĩ phải khẩn trương đem điều tốt đẹp thế giới đã làm mà Bộ Văn hóa đang cố gắng đi theo con đường đó, mình là người được học, hiểu biết cặn kẽ thì mình phải làm.

Năm 2000, tôi làm bản kiến nghị có 200 nhạc sĩ cùng ký vào gửi lên trình Quốc hội, Trung ương Đảng, Chính phủ phản ánh tình trạng xâm hại quyền tác giả đang vô cùng nghiêm trọng và nặng nề ảnh hưởng xấu trong đời sống xã hội nói chung và đời sống âm nhạc nói riêng, kính mong Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ có giải pháp để khắc phục tình trạng này. Năm 2002 thì được sự đồng ý của Nhà nước, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc ra đời và tôi là Giám đốc Trung tâm.

PV: Khi bắt đầu công việc thì hẳn ông nhận được nhiều lời cổ vũ, động viên, khích lệ nhưng cũng không ít những lời dèm pha, châm chọc, kích bác...

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Khó khăn chồng chất không thể tưởng tượng được. Tôi là người kém về việc lưu trữ cho nên những chuyện đau khổ, gian truân, vô cùng dày đặc thì tôi cũng phải mau chóng quên đi cho nó nhẹ chứ. Bây giờ nếu có một nhà văn nào ngồi cạnh nghe tôi kể về chặng đường đấu tranh bảo vệ quyền tác giả âm nhạc trong gần 10 năm qua thì có thể viết được một thiên tiểu thuyết. Công việc vô cùng khó khăn, vô cùng nặng nhọc, vô cùng vất vả và nếu như không xả thân thực sự thì không làm được. Đã xả thân rồi lại phải là người có tâm, hiểu biết, có uy tín xã hội,  thiếu 1 trong 3 điều đấy thì không làm được.

PV: Thực ra công việc hiện nay mà Trung tâm đang làm hay dẫn đến tình trạng va chạm, dù rằng chẳng ai muốn đôi co, xích mích nhưng cuộc sống nó là tất yếu, tất nhiên như thế, vì đây là vấn đề quyền lợi. Cảm giác của ông ra sao?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Vô cùng mệt mỏi. Bởi vì công việc liên quan đến lợi ích. Khi mình yêu cầu người ta phải trả tiền cho các nhạc sĩ, các nhạc sĩ được vui một chút vì quyền lợi được đảm bảo, thì những người buộc phải rút tiền ra để trả, họ không vui. Tất nhiên có người thấy như thế là đúng và họ trả tiền cho nhạc sĩ một cách tự nguyện trên cơ sở hiểu luật pháp. Cũng khá nhiều người biết vậy nhưng rút tiền ra là xót. Không dễ gì họ trả tiền. Vì nhiều lý do và chúng tôi thường xuyên phải va chạm, đương nhiên tôi phải chấp nhận.

Tôi biết có những người không liên quan gì đến âm nhạc, không ghen tị, đố kị với tôi nhưng họ thấy không vui khi cứ yêu cầu họ phải trả tiền. Mặc dù nếu như không có chuyện đấy họ sẽ yêu quý mình vì yêu mến âm nhạc của mình. Nhưng họ bị Trung tâm Bản quyền tác giả mà tôi là người lãnh đạo thường xuyên gửi công văn với chữ ký "Phó Đức Phương" yêu cầu họ phải trả tiền thì họ vui sao được. Hình ảnh của tôi trong họ giảm đi rất nhiều. Đó là điều mình phải hy sinh.

PV: Mệt mỏi như vậy, sao ông vẫn cứ cố làm, hay ông có suy nghĩ rằng công việc này ngoài mình ra thì chẳng ai có thể đảm đương được?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Tôi nghĩ nếu mà mình không làm thì khó có ai có thể làm được, nghĩ thế mình mới có động lực để hy sinh. Chứ biết có người làm được thì mình đã không chịu lăn lộn như vậy. Công việc này vô cùng quyết liệt, mình phải cố bằng được, chứ còn nếu có người làm được tôi sẽ nhường ngay. Số mệnh của tôi là thế, việc không ai làm được thì lại đến lượt tôi. Việc nếu có người khác làm được thì tôi nhường.

PV: Khi nhận được tiền bản quyền, thái độ của mọi người ra sao?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Hầu hết nhạc sĩ nhận được rất cảm kích. Thế nhưng cuộc sống mênh mông, có người chưa thỏa mãn rằng tại sao được ít thế? Lẽ ra phải nhiều hơn chứ? Hoặc là có người chưa hiểu hết được hy sinh của chúng tôi mà còn băn khoăn là, lợi ích của họ đã được bảo vệ xứng đáng chưa? Hay lợi ích của họ có bị chiết khấu quá nhiều hay không? Nhưng đó là  số lượng rất ít, không đến 1%. Tuyệt đại đa số các nhạc sĩ thấy Trung tâm hết sức gắng gỏi và làm được một chút như vậy là vô cùng quý hóa.

Trung tâm này đã là thành viên quốc tế của Liên minh quyền tác giả âm nhạc trên thế giới (CISAC). Trung tâm ký hợp đồng song phương với 36 tổ chức tương ứng trên thế giới về bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, và hiệu lực điều chỉnh ở 120 quốc gia trên thế giới. Chúng tôi không chỉ đại diện 1.600 tác giả trong nước mà còn đại diện cho hàng chục vạn tác giả âm nhạc trên thế giới và hàng triệu tác phẩm âm nhạc trên thế giới.

PV: Chẳng ai đoán trước được điều gì. Cuộc đời hay bởi có yếu tố bất ngờ. Cách đây 15 năm, ông khó có thể tưởng tượng mình sẽ làm công việc này?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Đây chắc chắn có trong lập trình số phận của tôi, trong tử vi của tôi là phải có 10 hoặc 12 năm, tương đương với một con giáp vô cùng gian truân phải làm công việc không phải là sáng tác. Tôi quan niệm mỗi một cá thể trên hành tinh này đều đã được lập trình sẵn. Tạo hóa vô cùng vi diệu, vô cùng tinh vi mà có thể làm cho cá thể đó đôi khi tin rằng mình có số phận còn một nửa khác thì đinh ninh cuộc đời của mình là do tự mình tạo nên. Dường như các sự kiện tưởng rằng tự mình làm nên cũng đã được lập trình(?!).

Thậm chí còn loài người là còn tranh cãi về điều này. Có những người gian truân, phải cận kề cái chết rồi từ cái chết vươn lên thì rõ ràng phải nỗ lực với nghị lực phi thường vượt lên tất cả những khổ ải để tiếp tục vươn tới những điều sáng sủa tốt đẹp hơn, người ta tưởng đấy là do bản thân nhưng thực ra cũng đã được lập trình sẵn. (cười)

PV: Âm hưởng của sự huyền bí vũ trụ bao la, chất thiền hiện lên rất rõ trong từng tác phẩm của ông. Và một vài tác phẩm đặc sắc như "Trên đỉnh Phù Vân" thì bồng bềnh về với cõi Phật vậy. Nhạc của ông luôn có chất riêng, giai điệu và ca từ vô cùng hấp dẫn, rất ấn tượng.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Mọi người thấy trong âm nhạc của tôi yếu tố tâm linh khá đậm, có thể là như vậy. Có phần nào đó mà tôi đã mon men ở phần nhập đồng, cái đấy mình đi đến tận cùng của sự tưởng tượng của sự chìm đắm, có thể phần nào đó đến được mà người ta gọi tâm linh chăng? Bản thân tôi không phải là người theo đạo Phật, cũng không phải là người siêng đi lễ chùa, nhưng Thiền thì tôi có quan tâm. Ở phương diện nào đó, nhiều khi tôi cảm giác bồng bềnh, lơ mơ lắm, có những vấn đề không được rành rẽ bằng nhiều người khác. Tôi cũng là người cả nghĩ, cả lo, dễ chìm đắm vào công việc một cách thực sự tận tình như cá tính của mình vốn có nên nó đi đến chỗ như thế chăng?

Hồ Núi Cốc.

PV: Thật là lạ, bởi âm nhạc của ông chất Thiền rất rõ, hẳn ông là người hướng nội, còn công việc ông đang làm thì quá ư ồn ào, náo nhiệt. Hai cái này rất đối nghịch nhau.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Ý bạn muốn nói là người sáng tác như tôi thì nên đi ngao du sơn thủy, bồng bềnh mây núi, vào chốn cửa Thiền chắc sẽ phù hợp hơn? Nhưng tại sao tôi lại làm công việc này?!. Một lần có người chiết tự tên Phương trong sách cổ của Trung Hoa bằng chữ nho, để đoán định tử vi về tâm tính con người. Và họ thấy cái tên Phương, Phó Đức Phương, thì giải nghĩa là người rất cả nghĩ và rất có trách nhiệm, luôn luôn e sợ, lo lắng. Chính vì e sợ, lo lắng mà phải cố gắng, vì thế mà có trách nhiệm. Do tính cách như vậy, nên khi tôi nhận trách nhiệm này (Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả - PV) lúc nào tôi cũng lo lắng cho nó phải ngày một phát triển.

Trong căn mệnh của cuộc đời tôi có khoảng thời gian tôi làm việc này hoàn toàn tự giác và làm đến cùng. Trong quá trình làm không phải không có sự say mê, nếu không có niềm vui và sự say mê thì làm sao mà tôi gắng gỏi được. Trong gian truân vô kể, sự việc mỗi một ngày phát triển có hiệu quả thì trong lòng mình tràn trề niềm vui.

 PV: Ông có nghĩ đến một lúc nào đó quay trở lại công việc sáng tác không?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Có chứ, tôi đang hồi hộp chờ đợi đến năm 2011, năm 2012, là hết giai đoạn 1 sang giai đoạn 2 sẽ có lớp trẻ mà trong 8 năm nay họ cùng làm với tôi, họ trưởng thành và có thể gánh vác được công việc này, lúc đấy tôi được rảnh rang. Tôi hy vọng khi trở lại sáng tác thì giống như thời kỳ năm 1997 sau mười mấy năm trời không viết ca khúc nữa,  trở lại viết ca khúc thì lại rộ lên những vụ mùa đơm hoa trĩu quả. Tôi hy vọng như vậy, tất nhiên vẫn hồi hộp lắm vì hiện nay thị hiếu của khán giả cũng khác đi nhiều rồi, mình không thể bắt chước lớp trẻ. Nhưng, thật ra, họ vẫn cần một cá tính âm nhạc Phó Đức Phương.

PV: Vậy là chặng đường dài 10 năm trời đằng đẵng theo đuổi việc bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, ông đã đòi công bằng và bình đẳng cho rất nhiều nhạc sĩ nhưng còn riêng cá nhân ông thì sao, ông "thu lợi" về cho bản thân được gì?


Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Bản chất tôi là một người rụt rè, từ thủa bé đến giờ mình là người ít nói. 10 năm, 12 năm  phải ghé vai vào công việc, tạm gọi là cuộc vận động xã hội, làm được việc đấu tranh cho bản quyền tác giả thì tôi trở thành người cân bằng hơn, tức là bớt rụt rè, hoặc bớt né tránh đi. Trước kia, giữa đám đông mình né tránh, sinh hoạt xã hội mình không quan tâm, tiếp cận chỗ đông người là mình ngại thì bây  giờ mình không ngại nữa. Con người trở thành cân bằng hơn, khỏe khoắn hơn trước. Tôi nghĩ nếu như mình trở lại sáng tác biết đâu âm nhạc mạnh mẽ và khỏe khoắn hơn chăng?!

Ông nở nụ cười tươi tỉnh, cất giọng rất dõng dạc và dứt khoát: "Tôi đang ở trong thời kỳ hiện tại cực kỳ sôi động, và dự kiến bước vào thời kỳ tương lai một cách đầy hồi hộp và rất hăm hở". Ngoài kia bóng dáng quen thuộc, nhạc sĩ Vân Dung, nhạc sĩ Phó Đức Phương bảo: "Nhạc sĩ Vân Dung lâu lâu lại  đến lĩnh tiền bản quyền đấy mà"...

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.