Trục lợi từ nỗi đau người khác trên mạng xã hội

Thứ Sáu, 28/04/2017, 08:15
Chắp vá, cắt ghép vài tấm ảnh các vụ án thương tâm, thêm mắm, dặm muối để có một câu chuyện bi thương, sau đó tung lên mạng xã hội kêu gọi cộng đồng mạng chia sẻ, giúp đỡ. Trong khi đó, chủ nhân đích thực không hề hay biết câu chuyện của mình, hay bức ảnh của mình đã trở thành chủ đề để các đối tượng trục lợi.

Rất nhiều nạn nhân của các vụ án mạng nghiêm trọng, những vụ cháy tang thương mất cả gia đình, người thân nay lại bị mang tiếng được nhận tiền của các nhà hảo tâm đóng góp trên mạng, trong khi thực chất họ không được gì...

1. Vụ cháy kinh hoàng căn phòng trọ phía sau trại hòm Đức Lập (tỉnh lộ 10, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) rạng sáng 12-3 khiến cả gia đình anh Huỳnh Văn Hiến (quê quán Quảng Ngãi) gồm vợ, 2 đứa con gái 5 tuổi sinh đôi và một người em vợ tử vong.

Nỗi đau tột cùng khiến anh Hiến dường như khuỵu ngã. Các cấp chính quyền ở TP Hồ Chí Minh cũng như Bình Thuận đã quyên góp để gia đình anh Hiến lo chu toàn nơi an nghỉ của 4 nạn nhân.

Những người trong gia đình nạn nhân quá đau thương nhưng không một dòng ca thán. Thế nhưng những hình ảnh tang thương trong vụ cháy phòng trọ anh Hiến lại xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội với lời kêu gọi đóng góp, ủng hộ để anh Hiến đưa người thân về quê chôn cất. Hình ảnh anh Hiến đau đớn ghép với hình ảnh người thân của anh được bọc trong bịch nilon sau vụ cháy kèm theo lời kêu gọi cộng thêm 2 số tài khoản mang tên Võ Thanh Nghị.

Hình ảnh vụ cháy khiến 4 người tử vong được các đối tượng đưa lên mạng trục lợi.

Thông tin về lời kêu gọi này thu hút hàng chục ngàn lượt like (thích) và hàng chục nghìn lượt chia sẻ, bình luận. Với lượng chia sẻ lớn như thế thì nguồn tiền ủng hộ đổ vào tài khoản này là không nhỏ. Sau khi lần ra chủ nhân Facebook đăng những dòng thông tin này, họ cho biết cũng chỉ chia sẻ lại từ một trang mạng xã hội khác. Trong khi đó người nhà anh Hiến cho hay, chưa từng lên mạng xã hội để kêu gọi đóng góp, cũng chưa từng nhận bất kỳ khoản tiền quyên góp, ủng hộ nào.

Một cụ già neo đơn, bị bệnh nặng sống ở đường Kinh Dương Vương, quận 6, TP Hồ Chí Minh. Một số bạn trẻ phát hiện ra bà đã chụp ảnh đăng trên mạng xã hội kêu gọi đến thăm và giúp bà tiền chữa bệnh. Chỉ sau vài ngày, dòng thông tin trên “gây bão” trên mạng. Một số đối tượng đã lấy hình ảnh về trường hợp của bà cụ về đăng trên trang mạng của mình, sau đó viết một bài thống thiết kêu gọi quyên góp.

Một vài trường hợp cũng đến tận nơi tặng tiền cho bà cụ nhưng đa phần đều gửi vào tài khoản của chủ Facebook đăng thông tin trên.  Cho đến khi bà cụ mất, một số trang Facebook vẫn còn kêu gọi quyên tiền để bà cụ chữa bệnh (!?)

2. Việc trục lợi từ những hình ảnh đau thương, kêu gọi người quyên góp ủng hộ dường như đã trở thành “dịch” trên mạng xã hội. Ai cũng kêu gọi, ai cũng đăng tài khoản cá nhân để người ủng hộ chuyển tiền vào nhưng số tiền quyên góp này liệu có đến tay những người cần được giúp đỡ hay chảy vào túi riêng của các đối tượng thì không thể biết được.

Chủ nhân của một trang Facebook tên J.M cho biết hình ảnh những em bé rách rưới, bệnh tật, hay những người già bị ngược đãi, bị bỏ rơi được đăng tải nhan nhản trên mạng xã hội, nhìn rất tội nghiệp. Nhiều khi mới đọc là mình muốn chia sẻ, muốn giúp đỡ ngay lập tức. Số tiền của mỗi người giúp đỡ tuy nhỏ nhưng “góp gió thành bão” cũng giúp cho những mảnh đời qua được giai đoạn ngặt nghèo bước đầu.

Một trong những lời kêu gọi dân mạng giúp đỡ.

Tuy nhiên, việc nghi ngờ lòng tốt cũng nên có, bởi không ai kiểm chứng, giám sát số tiền gởi vào tài khoản của họ có đích thực đến đúng tay người cần giúp đỡ hay không? Nếu muốn giúp đỡ, mình xin địa chỉ và tự tìm đến trao tận tay”.

Từng một lần kêu gọi trên mạng xã hội để giúp đỡ một người đàn ông bị mắc chứng bệnh nan y, anh D. (ngụ quận 6) cho biết, khi đăng thông tin trên mạng xã hội, ngay lập tức những dòng chia sẻ Facebook của anh được hưởng ứng mạnh. Nhiều người ngụ ý quyên góp tiền nên anh D. đưa thông tin số tài khoản lên trên mạng xã hội.

Từ khi đưa tài khoản lên, điện thoại anh D. liên tục nhận được tin nhắn nhận tiền, nhiều lên đến cả triệu, ít nhất cũng 200 ngàn. Số tiền sau vài ngày lên đến mấy chục triệu đồng, anh D. đã rút ra và trao tận tay người cần giúp đỡ. Sau khi rút tiền, anh lại nhận được nhiều tin nhắn chuyển tiền khác. Sợ vụ việc đi quá đà, anh D. phải lên mạng đăng tải dòng chia sẻ khác và xin rút không đăng số tài khoản nữa vì sợ... không thể kiểm soát được.

Anh D. tâm sự: “Bước đầu đăng thông tin, chia sẻ những mảnh đời bất hạnh xuất phát từ cái tâm nhưng tiền được “Mạnh Thường Quân” quan tâm gửi vào ngày một tăng cũng dễ khiến chủ tài khoản... động lòng. Bởi vậy, tôi phải gỡ dòng thông tin số tài khoản liền, nếu không thì tâm sẽ không còn trong nữa!”.

Không chỉ “đánh” vào những hình ảnh tang thương, những vụ thảm án, mà đa phần những nạn nhân này đều có hoàn cảnh khó khăn, những đối tượng trục lợi còn lợi dụng vào hình ảnh những nghệ sĩ nổi tiếng bị mắc bệnh nan y để trục lợi. Trong thời gian chữa bệnh ung thư máu, người mẫu, diễn viên D.N. bị một số đối tượng lập trang Facebook cá nhân giả D.N. để kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ, chia sẻ.

Nhiều người hâm mộ, bạn bè, đồng nghiệp của D.N. đã gửi tiền vào số tài khoản đăng trên mạng, tuy nhiên người nhà của D.N. khẳng định Facebook mang tên D.N. là giả mạo và người nhà cũng không lên mạng kêu gọi để giúp đỡ. Còn nhiều nghệ sĩ, ca sĩ diễn viên khác mắc bệnh ung thư đã qua đời như Trần Lập, Wanbi Tuấn Anh cũng trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo trên mạng.

Những hình ảnh đau thương như thế này dễ bị các đối tượng đưa lên mạng kêu gọi đóng góp, giúp đỡ để trục lợi.

Một facebooker chuyên nghiệp trên mạng xã hội cho biết, thông tin càng mới, càng nóng, càng thương tâm, nhiều hình ảnh thì càng gây sự chú ý trên mạng, dễ trở thành “bão”. Chuyên nghiệp hơn, những người sống bằng việc trục lợi từ nỗi đau của người khác sẽ đăng sẵn số tiền cần quyên góp cho nạn nhân “ảo” lên mạng sau đó cũng mang đúng số tiền đó “chia sẻ” với nạn nhân. Số tiền còn dư ra và số tiền vẫn đang được những nhà “Mạnh Thường Quân” gửi vào tài khoản của những đối tượng này thì chảy thẳng vào túi riêng của họ.

Việc kêu gọi cộng đồng chia sẻ, giúp đỡ những mảnh đời khốn khó, những tai ương bất hạnh trong xã hội, những người gặp hoạn nạn, thương tâm là điều rất đỗi bình thường. Bởi đạo lý truyền thống của người dân Việt Nam bao đời nay đều biểu thị lòng nhân ái “lá lành đùm lá rách”. Sự chung tay của xã hội đã giúp bao nhiêu cảnh đời thoát cơn đau bệnh, đói nghèo, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Tuy nhiên không ít kẻ lợi dụng những hoàn cảnh khốn khó, đau thương của người khác để tư lợi cho mình, đưa những hình ảnh tang thương của người khác lên mạng xã hội để trục lợi đã khiến những người làm từ thiện thật sự bị ảnh hưởng. Khi lòng tin đã mất, thì việc quyên góp, nhất là tiền bạc của những người làm từ thiện thật sự sẽ bị nhìn bằng một cặp mắt nghi ngờ, bán tín bán nghi hay từ chối thẳng thừng.

Mạng là mạng ảo nhưng tiền là thật. Hãy kiểm chứng trước khi đọc được những dòng thông tin yêu cầu giúp đỡ, chia sẻ trên mạng xã hội để tránh làm giàu cho các đối tượng trục lợi.

Mạnh Đức
.
.