Trung Quốc: Cuộc trường chinh đưa nước về Bắc Kinh

Thứ Ba, 18/01/2011, 10:15
Trung Quốc đã khởi động một dự án còn khổng lồ hơn cả việc xây dựng đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử. Đó là xây dựng một hệ thống gồm ba kênh đào và ống dẫn đi xuyên từ đông sang tây, có chiều dài hàng nghìn cây số, đưa hàng chục triệu mét khối nước từ những dòng sông lớn ở miền Nam về thủ đô Bắc Kinh và các khu vực lân cận, vốn đang thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nghiêm trọng. Dự án vĩ đại này có tên gọi Nam Thủy Bắc Điều (Nanshui Beidiao).

Hàng nghìn kỹ sư được huy động, gần 800.000 dân sẽ bị di dời, và dự án Nam Thủy Bắc Điều sẽ tiêu tốn trên 50 tỉ euro, gấp đôi so với đập Tam Hiệp, đập thủy điện lớn nhất thế giới hoàn thành năm 2006. Mục tiêu của dự án vĩ đại trên là giúp cho thủ đô Bắc Kinh với 17 triệu dân có thể tiếp tục phát triển. Một kỹ sư trưởng của dự án cho biết, nếu không có Nam Thủy Bắc Điều, rất có thể Trung Quốc phải dời đô về Tây An hoặc một nơi nào khác, vì quá thiếu nước. Nhưng chính quyền Bắc Kinh không sẵn sàng dời thủ đô hoặc đầu hàng trước vấn đề "nhỏ nhặt" này.

Nam Thủy Bắc Điều đã được Chính phủ Trung Quốc đem ra bàn bạc vào thập niên 50. Một vùng đất rộng lớn phía bắc chiếm 35% dân số Trung Quốc nhưng hàng năm chỉ nhận được 7% nguồn nước so với cả nước. Khoảng 40% nguồn nước cung cấp cho thành phố Bắc Kinh lấy từ hồ chứa Mật Vân, cách thủ đô chừng 1 tiếng rưỡi lái xe. Tuy nhiên, mực nước hồ Mật Vân bây giờ thường xuyên chỉ còn chừng 25% thể tích.

Miền Bắc Trung Quốc từ lâu là trung tâm ngành công nghiệp, nông nghiệp và cả dân số đã và đang phát triển chóng mặt. Không có nguồn nước, khu vực này chủ yếu khai thác nước ngầm. Tính trên đầu người mỗi người dân miền Bắc Trung Quốc chỉ hưởng được 750 m3/năm.

Năm 1952, Chủ tịch Mao Trạch Đông đưa ra ý tưởng xây dựng dự án này để giảm sự thiếu nước ở các thành phố như Bắc Kinh, Thiên Tân và một số tỉnh phía bắc như Hồ Bắc, Hồ Nam và Sơn Đông. Báo chí chính thống của Trung Quốc đã dẫn lời ông Mao Trạch Đông năm 1952: "Nước quá dồi dào ở phương Nam, và phương Bắc thì thiếu, tại sao không dẫn nước từ Nam qua Bắc?".

Năm đại hạn 1972, Thủ tướng Chu Ân Lai cũng đã nghĩ đến, nhưng không có phương tiện và tiền bạc. 50 năm sau, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc mới dành ngân sách cho hàng nghìn kỹ sư nghiên cứu về dự án. Ngày 23/8/2002, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định khởi công dự án vào tháng 12 năm đó.

Một đoạn kênh dẫn nước trong dự án Nam Thủy Bắc Điều gần Bắc Kinh đã được hoàn thành.

Theo một chuyên gia đã nghiên cứu về dự án từ năm 1979, thì trong vài năm nữa dân số của Bắc Kinh sẽ vượt quá 25 triệu người. Kế hoạch Nam Thủy Bắc Điều chính thức hoàn thành vào năm 2050, khi đó dân số thủ đô sẽ là 34 triệu. Chiến lược được lựa chọn để hiện đại hóa Trung Quốc là tăng tốc đô thị hóa, và như vậy dự án Nam Thủy Bắc Điều có giá trị sống còn.

Một đường hầm dài 4km, có đường kính 11m ở độ sâu 30m dưới lòng sông Hoàng Hà đã gần như sắp hoàn tất. Từ đây nước sẽ được dẫn về phương Bắc đến Bắc Kinh, qua một con kênh có bề rộng khoảng 20m. Còn hàng chục triệu mét khối nước khác cũng sẽ được lấy từ một nhánh của sông Trường Giang, từ một hồ chứa của đập Đan Giang Khẩu, đang được mở rộng ra rất nhiều. Một kênh đào khác ở phía đông, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2013, được tiến hành song song với kênh Đại Vận Hà, được Ngô vương Phù Sai cho đào từ thời Xuân Thu cách đây hơn 2.400 năm, từng gây ngạc nhiên cho nhà thám hiểm Marco Polo.

Còn kênh ở phía tây dự kiến đưa nước từ cao nguyên Tây Tạng về, qua một loạt các ống dẫn và đường hầm đi xuyên dưới các dãy núi, phức tạp đến nỗi nhiều chuyên gia nghi ngờ tính hiện thực của chúng. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vốn là kỹ sư thủy lực, là người chủ trì dự án khổng lồ này. Còn Sinohydro là đơn vị chủ công của công trình mang tính lịch sử trên.

Tranh cãi trong suốt gần nửa thế kỷ về một dự án khổng lồ không phải là một chuyện bất thường. Mã Quân, chuyên gia môi trường nước của Trung Quốc, tác giả cuốn sách "Khủng hoảng nước tại Trung Quốc" xuất bản năm 1999, nhận định: "Dự án Nam Thủy Bắc Điều là cần thiết nhưng đó chưa phải là câu giải đáp cuối cùng vì không đơn giản là đem nước về phía bắc là xong".

Các công trường thi công dự án Nam Thủy Bắc Điều.

Ông Mã cùng quan điểm với một số chuyên gia trong nước cho rằng, dự án có thể chỉ giải quyết được vấn đề thiếu nước trước mắt cho phía bắc Trung Quốc. Điều đó chưa kể đến việc di dời hơn 330.000 nông dân tái định cư sang các vùng lân cận, vốn cũng đã quá đông đúc. Đường thủy dẫn nước phía đông chịu ảnh hưởng ô nhiễm nặng nề nhất. Nước theo con đường này sẽ chảy qua Đại Vận Hà, con kênh đào cổ và dài nhất trên thế giới, nơi nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề từ hai tỉnh công nghiệp Giang Tô và Sơn Đông.

Đài BBC trích dẫn lời ông Vương Phan Dư, một viên chức Trung Quốc phụ trách công trình Nam Thủy Bắc Điều cho biết: "Dự án đã chi 24 tỉ nhân dân tệ cho các trạm xử lý nước, gần 1/3 tổng kinh phí cho toàn bộ công trình đường thủy phía đông".

Tuy nhiên, theo ông Vương, khó khăn ở chỗ mở rộng và nâng cao hồ Đơn Giang Khẩu. Thời báo Kinh tế Trường Giang của Trung Quốc đã từng lên tiếng việc mở rộng hồ sẽ làm thay đổi môi trường tự nhiên của khu vực này. "Việc mở rộng hồ có khả năng ngăn dòng chảy từ hồ chứa của sông Hán, một phụ lưu của sông Trường Giang" - báo cáo nhận định.

Còn theo một số nhà quy hoạch đô thị và sinh thái học, Bắc Kinh chỉ việc giới hạn dân số thủ đô ở mức 6 triệu, và dự án Nam Thủy Bắc Điều là rất khó thực hiện được do nguy cơ động đất. Dự án vĩ đại trên đây cũng là lời thú nhận thất bại của chính quyền Bắc Kinh trong việc đấu tranh chống nạn sa mạc hóa.

3 đường thủy cung cấp nước ở Trung Quốc

Miền Đông: Dài 1.155km, hoàn thành vào năm 2010, sẽ cung cấp nước cho tỉnh Sơn Đông và một số khu vực phía bắc tỉnh Giang Tô. Đường thủy này sẽ nối Sơn Đông và con sông Trường Giang để dẫn nước về đồng bằng Hoàng Hải thông qua kênh đào Bắc Kinh - Hàng Châu.

Miền Trung: Dài 1.267km, hoàn thành vào năm 2030, sẽ dẫn nước từ dòng sông Hán về cho 2 tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc và Bắc Kinh.  Đường thủy này cũng sẽ bổ sung nước cho hồ Đan Giang Khẩu từ nguồn nước của nhà máy thủy điện Trường Giang Tam Hạp Đại Bá.

Miền Tây: Dài hơn 500km, hoàn thành vào năm 2050, chịu trách nhiệm dẫn nước về khu vực Thanh Hải - Tây Tạng.

Tại Long Bảo Sơn, chỉ cách thủ đô 80km về hướng đông bắc, những cồn cát mỗi ngày lại trải dài thêm, có cồn cát cao đến 50m, khiến người ta ngỡ rằng đang ở sa mạc Sahara. Những người dân quê làm dịch vụ cho thuê ngựa hoặc lạc đà Mông Cổ để cưỡi, hay cho thuê xe địa hình đi qua cồn cát. Cảnh quan giống như trên mặt trăng của Long Bảo Sơn đã được dùng làm bối cảnh cho nhiều bộ phim màn ảnh lớn cũng như truyền hình Trung Quốc, để quay những cảnh các đạo quân Trung Hoa đang chiến đấu đẩy lùi quân Mông Cổ.

Nhưng ngày nay, không phải Thành Cát Tư Hãn mà là bão cát đang đe dọa Bắc Kinh, và một phần ba lãnh thổ Trung Quốc. Chỉ riêng tại Long Bảo Sơn, vùng đất xanh tươi với nhiều khu rừng và hồ nước, nơi các vị vua thích đến săn bắn trước đây, hàng năm đã phải hứng chịu đến 90.000 tấn cát từ sa mạc Gobi.

Với dư luận quốc tế, tờ The Hindu, Ấn Độ cho rằng, dự án Nam Thủy Bắc Điều mà Trung Quốc đang tiến hành sẽ làm cạn kiệt nguồn nước hai con sông lớn Mekong và Brahmaputra. Còn theo báo Kommersant của Nga, dự án 50 tỉ euro này là "phản tự nhiên".

Ngoài ra, hiện Trung Quốc còn đang có một dự án vĩ cuồng hơn, đó là việc đưa một lượng lớn nước biển về Nội Mông, để lấp đầy 1.300 hồ nước đã bị khô cạn trong 10 năm gần đây do các nhà máy điện chạy than, và các nhà máy hóa chất. Những chiếc bơm khổng lồ có thể đưa nước biển lên độ cao 1.170m, đưa hàng triệu mét khối nước đến Mông Cổ, một phần trong số đó sẽ được khử mặn và bán lại cho các doanh nghiệp địa phương vốn đang thiếu nước.

Dự án này trị giá 14 tỉ euro, và nếu mọi sự diễn ra tốt đẹp, sẽ được kéo dài đến Tân Cương để lấp một phần các sa mạc, các hồ muối ở La Bố Bạc, làm dịu nhẹ đi khí hậu khắc nghiệt của vùng này.

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.