Trung Quốc: Siết chặt sản xuất sữa trẻ em

Thứ Tư, 28/08/2013, 19:30

Những vụ bê bối thực phẩm xảy ra thời gian qua ở Trung Quốc (TQ) đã khiến một bộ phận không nhỏ người dân nước này cảm thấy lo ngại đối với thực phẩm trong nước. Việc này cũng khiến người tiêu dùng TQ không khỏi lo ngại về thực phẩm "made in China" vốn đã đe dọa đến bữa ăn hằng ngày của họ.

Ngày 30/7 vừa qua, nhật báo Thượng Hải đưa tin: Lãnh đạo Công ty Shanghai Panpan (Thượng Hải, TQ) đã bị bắt vì trộn bánh trung thu tồn kho mốc meo từ lô bánh trung thu năm 2010 với bánh mới rồi tung ra thị trường. Số bánh mốc này được bán cho các cửa hàng nhỏ, các công ty và thu về khoảng 100.000 NDT.

Trung tuần tháng 7/2013, cơ quan chức năng TQ đã bắt 8 nghi phạm sản xuất và bán 560 tấn giá đỗ độc hại - sử dụng chất phụ gia bị cấm như hormone tăng trưởng và bột tẩy trắng, tại thành phố Tam Môn Hiệp, tỉnh Hà Nam. Giá đỗ độc hại này được bán cho các căng tin của trường học, nhà máy, khách sạn, cũng như các chợ  kể từ tháng 9/2011.

Tháng 6/2013, Đài Truyền hình Trung ương TQ đưa tin, nhiều cơ sở sản xuất trứng muối ở huyện Nam Xương, tỉnh Giang Tây đã buộc phải đóng cửa, sau khi bị phát hiện sử dụng đồng sunphát để làm trứng muối. Đồng sunphát dùng trong công nghiệp thường có các nguyên tố độc hại như chì, cadmium và asen, không thể sử dụng trong chế biến thực phẩm vì ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Theo một thống kê hồi tháng 5/2013 của Beijing News, lượng sữa ngoại được nhập vào TQ đã lên tới 310.000 tấn vào năm 2009, và tăng lên 528.000 tấn năm 2011. Thậm chí nhiều người TQ đã phải chen lấn, thậm chí xô đổ cả giá hàng để mua sữa bột nước ngoài, bởi lo sợ sữa trong nước chứa chất độc hại.

Ngày 8/7, tờ South China Morning Post đăng phóng sự cho biết, 3 nhãn hiệu sữa bột trẻ em phổ biến ở TQ có chứa chất gây bệnh tim, làm giảm sự phát triển của mắt và não, đó là Baby Club của Hãng Beingmate, Super của Synutra và Gold của Hãng Yili - chứa chất béo chuyển hóa (còn gọi là axít béo chuyển hóa). Cụ thể, trong 100 gram các loại sữa bột này có chứa 0,4-0,6 gram chất béo chuyển hóa.

Trước đó, Tân Hoa Xã cho biết, nhiều siêu thị ở TQ đã dỡ bỏ sản phẩm của Xile Lier khỏi kệ hàng sau khi công ty này bị phát hiện pha trộn thành phần và đánh tráo nhãn các loại sữa bột cho trẻ em. Đối tác của Xile Lier là Hero Group (công ty sản xuất sữa bột trẻ em lớn tại Thụy Sĩ) và Xile Lier đã gian lận bằng việc trộn các sản phẩm nhập khẩu từ Hero với những loại sữa bột đã quá hạn sử dụng và tung ra thị trường.

Ngoài ra, Xile Lier còn thay đổi thời hạn sử dụng trên vỏ hộp sản phẩm, đánh tráo nhãn sản phẩm sữa của trẻ em lớn hơn thành sữa bột dành cho trẻ sơ sinh để bán được giá đắt.

Ủy ban kế hoạch hóa gia đình và Sức khỏe TQ đã ban hành các quy định mới về đánh giá an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao công tác quản lý trong vấn đề đánh giá an toàn thực phẩm. Quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10/2013, thay thế quy định ban hành từ năm 2007. Quy định được áp dụng đối với các loại thực phẩm có nguồn gốc hoặc các thành phần chiết xuất từ động vật, thực vật và vi sinh vật không có trong thực đơn truyền thống của TQ.

Ngày 7/8, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Quốc gia TQ cho biết, vừa đưa ra dự thảo siết chặt hoạt động sản xuất sữa dành cho trẻ em để lấy ý kiến. Theo dự thảo, các nhà sản xuất sữa phải áp dụng Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP) và Thực hành sản xuất tốt (GMP). Các nhà sản xuất sữa phải có nguồn sữa do chính họ tạo dựng hoặc kiểm soát cũng như phải có năng lực nghiên cứu và phát triển

Khắc Dũng (tổng hợp)
.
.