Trung Quốc: Xây dựng trung tâm vũ trụ mới

Thứ Sáu, 16/10/2009, 20:45
Ngày 14/9/2009, Trung Quốc bắt đầu xây dựng Trung tâm phóng tàu vũ trụ tại thành phố Văn Xương, gần bờ biển phía đông bắc đảo Hải Nam

Theo kế hoạch, trung tâm này sẽ hoàn thành vào năm 2013. Trung tâm được thiết kế để phóng các tên lửa đẩy, vệ tinh và tàu vũ trụ thế hệ mới như vệ tinh địa tĩnh (GEO), vệ tinh quỹ đạo cực, các trạm không gian và các tàu thăm dò vũ trụ.

Trung tâm phóng tàu vũ trụ Hải Nam là trung tâm thứ tư nằm ở vĩ độ thấp nhất của Trung Quốc, 19 vĩ độ  Bắc. Với Trung tâm này, Trung Quốc có thể thực hiện dịch vụ phóng các tàu vũ trụ thương mại quốc tế, như các vệ tinh địa tĩnh, vệ tinh có tải trọng lớn, trạm không gian lớn và vệ tinh thăm dò vũ trụ.

Trung Quốc hiện có 3 trung tâm vũ trụ là các trung tâm Tửu Tuyền, Thái Nguyên và Tây Xương. Trung tâm Tửu Tuyền ở sa mạc tỉnh Cam Túc, chỉ trở thành Trung tâm phóng tàu vũ trụ từ khi phóng Thần Châu V vào tháng 10/2003.

Trung tâm phóng tàu vũ trụ Thái Nguyên được xây dựng từ năm 1966, năm 1968 bắt đầu được đưa vào sử dụng tại thủ phủ tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.  Trung tâm này là nơi  phóng vệ tinh thăm dò khí tượng đầu tiên mang tên Phượng Hoàng 1A lên vũ trụ vào ngày 7/9/1988. Trung tâm Thái Nguyên, nơi có thể phóng các vệ tinh vào quỹ đạo trung bình và thấp, phóng thành công 8 loại vệ tinh vào không gian, bao gồm các vệ tinh khí tượng, chùm vệ tinh truyền thông Iridium của Motorola và các vệ tinh thăm dò nguồn lực trái đất.

Trung tâm vũ trụ Tây Xương, nằm ở phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên. Trung tâm này có hai bệ phóng, một dùng để phóng các vệ tinh truyền thông địa tĩnh và các vệ tinh khí tượng bằng tên lửa đẩy Trường Chinh CZ-3 và một dùng để phóng tàu vũ trụ nhờ tên lửa đẩy Trường Chinh CZ-2 và Trường Chinh CZ-3.

Vào ngày 16/7/1990, tên lửa đẩy Trường Chinh CZ-2 đã phóng thành công đưa vệ tinh nghiên cứu khoa học của Pakistan và vệ tinh của Trung Quốc lên các quỹ đạo đã dự kiến.

Ba Trung tâm phóng tàu vũ trụ đã thực hiện hơn 100 lần phóng và đã đưa lên vũ trụ thành công hơn 100 vệ tinh

Trọng Thức (theo Space war)
.
.