Trung Quốc nhanh chân trong kế hoạch tái thiết Syria

Thứ Ba, 18/07/2017, 16:57
Bắc Kinh dự tính đầu tư 2 tỷ USD để xây dựng một khu công nghiệp ở Syria, bước đầu sẽ đón tiếp khoảng 150 công ty đến từ Trung Quốc. Phó chủ tịch Hiệp hội thương mại Trung Quốc - Arập, Qin Yong, công bố thông tin này tại hội chợ kêu gọi đầu tư vào các dự án khôi phục Syria sau chiến tranh, được tổ chức tại Bắc Kinh ngày 9-7.

Đại sứ Syria tại Trung Quốc cùng ngày khẳng định Trung Quốc, Nga và Iran sẽ được ưu tiên trong việc thực hiện các dự án kinh tế tại Syria.

Thời điểm chấm dứt động thái "Tọa sơn quan hổ đấu"

Các chuyên gia được đài Sputnik phỏng vấn cho rằng, việc tổ chức một hội chợ như trên cho thấy sự quan tâm "hơi sớm" của Bắc Kinh tới tình hình Syria. "Đối với Syria, vấn đề chính hiện nay là chấm dứt chiến tranh và giải quyết các mối quan hệ giữa chính phủ và phe đối lập vũ trang. Sau đó mới tính đến việc khôi phục lại các cơ sở hạ tầng. Lúc này còn quá sớm, theo ý kiến của tôi, để nói về việc xây dựng một khu công nghiệp" - Chen Fengying, thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại Viện Quan hệ Quốc tế đương đại Trung Quốc nói.

Hội chợ kêu gọi đầu tư vào các dự án khôi phục Syria được Trung Quốc tổ chức chỉ hai ngày sau khi Tổng thống Nga V. Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được thỏa thuận về một lệnh ngừng bắn ở 3 điểm nóng nhất ở miền Nam Syria gồm Deraa, Quneitra và Soueida, bên lề Thượng đỉnh G20 tại Đức hôm 7-7. Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn này chỉ là tạm thời trong khi tiến trình hòa bình cho Syria còn rất dài. Các phe phái ở Syria sắp trải qua vòng đàm phán thứ 8 về hòa bình do LHQ bảo trợ mà dường như chưa thấy viễn cảnh khả quan nào.

Đại sứ Trung Quốc tại Syria Qi Qianjin (thứ hai từ trái sang) ký biên bản ghi nhớ với chính quyền al-Assad ở Damascus ngày 15-11-2016.

Nhưng nhà phân tích người Nga Ajdar Kourtov lại nghĩ khác. "Hoạt động đầu tư quy mô lớn cho ngành công nghiệp, nông nghiệp, giao thông ở Syria sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc hay quốc gia nào đó tích cực triển khai giai đoạn đầu của các dự án tái thiết cơ sở hạ tầng. Để làm được việc này Chính phủ Syria cần phải tạo điều kiện cho những ai chủ động đóng góp vào tiến trình tái thiết cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy bởi chiến tranh, và hành động của Trung Quốc là hoàn toàn hợp lý" - ông Kourtov nhận định.

Còn theo nhà khoa học chính trị Nga Vladimir Evseyev, có thể Trung Quốc đã nhìn thấy cơ hội hòa bình ở Syria nên họ mới bắt đầu tính đến chuyện làm ăn kinh tế tại Syria. "Bắc Kinh đang tham gia tích cực hơn vào việc giải quyết vấn đề Syria để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp của họ ở Syria" - chuyên gia Vladimir Evseyev nhận định.

"Trung Quốc thực sự rất muốn tham gia với tư cách là một trong những đối tác nước ngoài quan trọng giải quyết khủng hoảng Syria, vì vậy hiện nay Bắc Kinh đang tiến hành các bước như vậy. Trung Quốc đã chờ đợi một thời gian khá dài, vì không tin tưởng chắc chắn rằng chiến dịch của Nga sẽ dẫn đến kết quả mà Nga đã đạt được hiện nay" - ông Evseyev nói thêm.

Trước cuộc khủng hoảng, Trung Quốc đã kiểm soát một phần đáng kể tổ hợp dầu khí Syria, đầu tư vào đây hàng chục tỉ USD. Khi xảy ra khủng hoảng, vai trò của Trung Quốc trong cuộc xung đột khá mờ nhạt, Bắc Kinh thường tuyên bố rằng, họ không đứng về bất cứ bên nào, yêu cầu các bên kiềm chế và giải quyết xung đột thông qua một giải pháp chính trị.

Tuy nhiên, do có quan điểm trùng hợp nhau, nên về cơ bản, Trung Quốc thường ủng hộ Moscow trong cách giải quyết vấn đề Syria. Như vào tháng 3-2013, các đại biểu của Trung Quốc và Nga còn lần lượt rời phòng họp của Hội đồng Bảo an LHQ đã tạo bầu không khí căng thẳng cho cuộc thảo luận về nguy cơ vũ khí hóa học ở Syria, tháng 8 cùng năm, cả Nga và Trung Quốc cùng phủ quyết Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về áp dụng biện pháp quân sự nhằm vào Syria do Anh đưa ra.

Đối với các lực lượng xung đột trong nội bộ Syria, Trung Quốc chủ trương tiếp cận, đàm phán với cả chính quyền Damascus và các lực lượng đối lập. Đây là "chính sách lưỡng dụng", bởi tuy biết rõ, các lực lượng Hồi giáo cực đoan luôn nhắm đến mục tiêu lật đổ Tổng thống Assad, sẽ không mang lại ổn định và phát triển cho Syria cũng như khu vực, nhưng nếu những lực lượng này giành thắng lợi trong cuộc đối đầu với Chính quyền Damascus, thì Bắc Kinh vẫn phải hợp tác với họ để bảo vệ lợi ích của nước này trong giai đoạn "hậu Assad".

Trung Quốc rất quan tâm những dự án tái thiết đô thị Syria.

Trung Đông là nơi phân chia quyền lực của các cường quốc. Hai đối thủ chính vẫn là Mỹ và Nga. Hội đồng Bảo an LHQ từng nhiều lần thông qua kế hoạch giải quyết hòa bình xung đột thực chất là các chiêu "kèn cựa" nhau giữa Washington và Moscow. Và Trung Quốc đã nhận thấy rằng, nếu cứ tiếp tục đứng ngoài cuộc, sẽ không có chút lợi ích gì ở Syria khi mọi việc ngã ngũ.

Trong quyển sách "Bàn cờ lớn" của tác giả Zbigniew Brzezinski, cố vấn anh ninh quốc gia Mỹ (đã qua đời vào tháng 5 năm nay) từng đưa ra nhận định: về lâu dài, kẻ nào thống trị Á-Âu là thống trị cả thế giới. Trung Quốc đang tiến hành các bước đi cụ thể nhằm hiện thực hóa vị thế của mình ở khu vực này. Trong khi đó, Syria là mắt xích vô cùng quan trọng. Trong suốt thời gian qua, Trung Quốc dụng kế "tọa sơn quan hổ đấu".

Đây là động thái cực kỳ khôn ngoan của Trung Quốc. Bắc Kinh xuất hiện khi mọi việc bắt đầu ngã ngũ để bảo vệ lợi ích của mình đồng thời tỏ rõ họ là một cường quốc có trách nhiệm. Việc Trung Quốc không tham gia (và cả phản đối) dội bom không kich ở Syria khiến Bắc Kinh tránh được sự hận thù của các bên, trong đó có lực lượng IS.

Trong 70 năm qua, Mỹ phụ thuộc nhiều vào nguồn cung dầu mỏ của Trung Đông. Tuy nhiên, từ năm 2014 tới nay, Washington đã có thể tự túc dầu mỏ nhờ các phương thức khai thác mới. Điều đó khiến Washington không còn mặn mà với Trung Đông như trước đây. Trong khi đó, Trung Quốc nhập khẩu tới hơn 60% lượng dầu mỏ để phục vụ nhu cầu khổng lồ của mình. Bắc Kinh cần tìm nguồn cung ổn định để đảm bảo sự phát triển của đất nước đúng thời điểm Trung Đông cần một khách hàng mới.

Do đó, Trung Quốc vẫn muốn duy trì quyền kiểm soát ngành năng lượng tại Syria trong thời gian tới. Trung Quốc vẫn duy trì Đại sứ quán của nước này ở Damascus trong suốt cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm qua ở Syria, bên cạnh các động thái tham gia tích cực các giải pháp khủng hoảng Syria, cả về mặt chính trị lẫn kinh tế. Điều này có thể kèm theo sự tham gia hạn chế trong lĩnh vực quân sự để phát triển các vũ khí hiện có.

Thực thi dự án "Một vành đai, một con đường"

Thời điểm bắt đầu nội chiến Syria (năm 2011), đối tác thương mại hàng đầu của Syria chính là Trung Quốc với tổng giá trị xuất khẩu hơn 2,4 tỉ USD. Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Trung Quốc có cổ phần trong 2 công ty dầu khí lớn nhất Syria. Bắc Kinh cũng mong muốn tái khởi động đàm phán những hợp đồng dầu khí hàng tỉ USD tại các mỏ mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) từng chiếm giữ.

Năm 2016, Trung Quốc đã cử một đại diện đặc biệt tới Syria để tiếp xúc với cả phe chính phủ và thành phần đối lập trong một nỗ lực hàn gắn hòa bình cho quốc gia này. Một Chuẩn Đô đốc của Hải quân Trung Quốc thực hiện chuyến thăm chính thức đến Damascus và đưa ra cam kết giúp Syria đào tạo, huấn luyện quân sự cũng như một vài hỗ trợ khác. Bắc Kinh cũng đã công bố viện trợ hơn 29 triệu USD cho người tị nạn Syria.

Giữa tháng 3-2017, trong cuộc trả lời phỏng vấn trên Đài truyền hình Phoenix của Trung Quốc, khi đề cập đến các lĩnh vực Trung Quốc có thể tham gia tái thiết ở Syria, Tổng thống al-Assad đã nói: "Trung Quốc có thể tham gia vào mọi lĩnh vực mà không có ngoại lệ, bởi chúng tôi đã bị tàn phá trong tất cả các lĩnh vực".

Theo lời nhà lãnh đạo Syria, các chuyên gia Trung Quốc đã có mặt và đang làm việc tại đây, cụ thể, là trong lĩnh vực tái thiết khu vực thành thị và đây là ưu tiên chính cho các dự án trong tương lai. Những ưu tiên khác được đặt vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, các nhà máy điện, năng lượng, nước, vệ sinh. Hay như kế hoạch tái thiết thành phố Aleppo đã được phác thảo hồi đầu năm bao gồm việc xây dựng các cơ sở công nghiệp, y tế, giáo dục cũng như tăng cường an ninh.

Một mỏ dầu của Syria khi bị IS tấn công.

Trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Assad cũng khẳng định, mối quan hệ Syria-Trung Quốc đang được tăng cường bởi Trung Quốc là "một người bạn thực sự" mà Damascus có thể dựa vào.

Lâu nay, người ta vẫn biết đến Nga và Iran là hai đồng minh thân thiết nhất, gắn bó nhất và cũng là mạnh nhất của chính quyền Damascus. Cả Moscow và Tehran đều hậu thuẫn tích cực và hiệu quả cho quân đội của ông Assad trong cuộc chiến chống phe nổi dậy và chống khủng bố. Trung Quốc dù giữ quan hệ khá tốt đẹp với Syria nhưng ít được nhắc đến.

Việc ông Assad công khai mở rộng vòng tay đón chào Trung Quốc tham gia vào các dự án tái thiết đất nước và những phát biểu nồng ấm của Tổng thống Syria về mối quan hệ Syria-Trung Quốc cho thấy Damascus đang tìm cách đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Trung Quốc trong bối cảnh tình hình đất nước Syria nói riêng và tình hình địa chính trị xung quanh Syria nói chung đã có dấu hiệu thay đổi.

Một số chuyên gia cho rằng, giờ chưa phải là thời điểm thích hợp để Trung Quốc triển khai một dự án có mức kinh phí đầu tư lớn. Song một số người lại cho rằng thông qua dự án này, Trung Quốc muốn gửi tới cộng đồng quốc tế một thông điệp mạnh mẽ về những lợi ích địa chính trị mà quốc gia này sẽ giành được ở Syria. Thậm chí, một số nguồn tin cho hay, Trung Quốc cũng đang có kế hoạch thuê máy bay và tàu thuyền của Syria để phục vụ hoạt động kinh tế trong tương lai.

Các công ty Trung Quốc được hỗ trợ pháp lý trong những vấn đề này, cũng như trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, hoạt động tài chính, ngân hàng thông qua ủy ban công tác đặc biệt về các vấn đề pháp lý và đầu tư khôi phục Syria.

Hiện tại vị trí của khu công nghiệp mà Trung Quốc muốn xây dựng ở Syria chưa được chỉ định. Tuy nhiên, có lẽ, nơi đây sẽ trở thành một trong những trung tâm thực hiện sáng kiến Con đường tơ lụa của Trung Quốc. Điều này có nghĩa rằng công viên có thể xuất hiện ở vùng ven biển Địa Trung Hải. Syria nằm dọc Con đường tơ lụa. Nếu tình hình tại quốc gia này ổn định, Trung Quốc có thể đầu tư vào nhiều lĩnh vực kinh tế của Syria theo khuôn khổ của dự án "Một vành đai, một con đường".

Điều đáng chú ý ở đây là khi cuộc nội chiến Syria nổ ra, Trung Quốc không phải là quốc gia đầu tiên đứng ra bênh vực chính quyền của Tổng thống al-Assad. Khi Nga bắt đầu chiến dịch không kích ở Syria hồi tháng 9-2015, Trung Quốc đã có một phản ứng thận trọng và tỏ ra không mấy mặn mà. Sau đó, Trung Quốc còn công khai chỉ trích cả Nga và Mỹ về những bước đi ở Syria, cảnh báo các nước như Nga và Mỹ không được làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông.

Sử gia Syria Sami Moubayed, nguyên là chuyên gia Quỹ chính sách Carnegie (Mỹ), cho rằng Trung Quốc đang rộng cửa giành lấy thị phần béo bở ở vùng đất này. Viết trên National Interest, ông Moubayed nhận định Trung Quốc là nước vừa có mong muốn cao nhất, vừa có tiềm lực nhiều nhất để vào cuộc tái thiết Syria. Theo ông, Trung Quốc sẽ "vô cùng tích cực" vào cuộc nếu được đổi lại các điều kiện ưu đãi kinh tế.

Mộc Thạch - Quang Học (tổng hợp)
.
.