Trung Quốc phản pháo vụ Huawei
- Tiết lộ bất ngờ về người đứng sau vụ bắt giữ Phó Chủ tịch Huawei
- Ông Trump nói "hớ", Phó Chủ tịch Huawei thoát dẫn độ
Ngày 13-12, Bắc Kinh khẳng định tạm giữ 2 công dân Canada bị tình nghi “hoạt động đe dọa an ninh quốc gia” Trung Quốc và đã có các “biện pháp cưỡng chế” với họ. Theo báo chí Trung Quốc, Michael Spavor bị bắt hôm 10-12 ở tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc. Ông bị điều tra vì có hành vi xâm hại an ninh quốc gia.
Trên một tấm hình selfie mới đăng trên tài khoản Twitter của ông, người ta thấy nhân viên tư vấn, chuyên gia về Triều Tiên này xuất hiện trước một chiếc máy bay của hãng hàng không Air Koryo trên sân bay Bình Nhưỡng. Đó là nơi ông thường xuyên đi lại, đưa các đoàn quan tâm đến thị trường Triều Tiên. Cư ngụ tại Đan Đông, ông là một số hiếm người phương Tây được gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Spavor được mô tả như là người móc nối các trao đổi với Bình Nhưỡng.
Đây là vụ bắt giữ thứ hai công dân Canada tại Trung Quốc trong vòng chưa đầy một tuần. Trước đó vài hôm, truyền thông Trung Quốc cho biết ông Michael Kovrig, nhà cựu ngoại giao Canada, đã bị bắt giữ tại Trung Quốc. Ông Michael Kovrig hiện đang làm việc cho Nhóm khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group - ICG) trong cương vị cố vấn cấp cao đặc trách vùng Đông Bắc Á. Ông Kovrig nói được tiếng Quan Thoại và từ tháng 2-2017, đã làm việc cho Nhóm khủng hoảng Quốc tế trong tư cách là chuyên gia toàn thời gian.
Khi được hỏi về vụ bắt giữ ông Spavor, theo Reuters, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng ông Spavor và cả ông Kovrig bị nghi gây tổn hại tới an ninh quốc gia của Trung Quốc. Người phát ngôn này cũng nói thêm rằng “quyền lợi pháp lý của cả hai công dân Canada đã được bảo đảm”.
Ông Michael Spavor tại Trung Quốc. |
Hãng tin Reuters đưa tin hai công dân Canada bị bắt giữ sau khi cảnh sát Canada bắt Giám đốc tài chính của Huawei, Trung Quốc hôm 1-12 theo yêu cầu của Chính phủ Hoa Kỳ, một động thái đã khiến cho Bắc Kinh nổi giận.
Hiện chưa rõ liệu hai trường hợp này có liên quan đến nhau hay không nhưng vụ bắt giữ Giám đốc tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, ở Vancouver đã làm dấy lên lo ngại về những hành động trả đũa nhắm vào cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc.
“Hai vụ công dân Canada bị bắt đang được điều tra riêng rẽ”, ông Lục Khảng nói nhưng không cho biết thêm chi tiết. Ông nói tiếp rằng Đại sứ quán Canada đã được thông báo về vụ bắt giữ. Vụ bắt giữ 2 công dân Canada nhiều khả năng sẽ làm leo thang tranh cãi ngoại giao, theo Reuters.
Trung Quốc không liên hệ vụ bắt ông Kovrig và ông Spavor với vụ của bà Mạnh nhưng các chuyên gia ngoại giao Canada nói rằng họ không nghi ngờ về sự liên kết giữa hai vụ này. Khi được hỏi rằng liệu 2 công dân Canada có được thả nếu bà Mạnh được phóng thích, ông Lục Khảng nhấn mạnh rằng việc bắt bà Chu là hành động sai lầm và Canada cần phải thả bà ngay lập tức. Còn nhớ ngày 8-12, Bắc Kinh đã có lời cảnh báo: Chính quyền Ottawa hoặc phải trả tự do ngay lập tức cho Giám đốc tài chính Huawei hoặc sẽ gánh lấy những hậu quả nghiêm trọng.
Hai vụ bắt giữ công dân Canada từ phía chính quyền Trung Quốc chỉ diễn ra ít giờ trước khi bà Mạnh được một tòa án ở Canada cho phép đóng số tiền thế chân để được tại ngoại mặc dù trước đó tư pháp Canada một mực từ chối. Để được tại ngoại, ngoài việc đóng số tiền thế chân (10 triệu đôla Canada, tương đương 7,5 triệu USD), bà Mạnh còn phải đeo vòng điện tử ở chân, giao nộp hộ chiếu, không được ra khỏi khu vực Vancouver và vùng phụ cận, đồng thời phải tuân theo giờ giới nghiêm từ 11 giờ tối hôm trước tới 6 giờ sáng hôm sau.
Trong một động thái hạ nhiệt khác, Ngoại trưởng Canada, bà Christina Freeland, ngày 12-12, lên tiếng cảnh cáo Mỹ là chớ chính trị hóa các trường hợp dẫn độ hình sự. Lời cảnh cáo này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump nói ông có thể sẽ can thiệp vào việc Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu của Huawei bị giữ ở Canada theo yêu cầu của Mỹ.
Cố vấn cấp cao đặc trách Đông Bắc Á của ICG Michael Kovrig. |
Ông Trump hôm 11-12 nói với Reuters trong cuộc phỏng vấn rằng ông sẽ can thiệp với Bộ Tư pháp Mỹ về trường hợp bà Mạnh Vãn Chu nếu điều này giúp cho quyền lợi an ninh Mỹ hoặc giúp có được thỏa thuận mậu dịch với Trung Quốc.
Bà Freeland nói rõ ràng là tiến trình luật pháp không thể nào được sử dụng cho mục tiêu chính trị và luật sư của bà Mạnh sẽ có cơ hội nêu lên lời phát biểu của ông Trump để chống lại đòi hỏi dẫn độ. “Các quốc gia hợp tác với chúng tôi về việc dẫn độ chớ nên tìm cách chính trị hóa tiến trình này hoặc dùng nó để giải quyết các vấn đề nào khác hơn là theo đuổi công lý và pháp luật”, theo lời bà Freeland khi được hỏi về phát biểu của ông Trump.
Hiện chỉ có Nhà Trắng và Bộ Tư pháp Mỹ trao đổi với các quan chức Trung Quốc về trường hợp của bà Mạnh. Bản thân ông Trump chưa nói chuyện với Chủ tịch Tập Cận Bình hay bất kỳ quan chức Trung Quốc nào khác. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ không loại trừ khả năng có thể hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc về các vấn đề thương mại nếu thấy cần thiết. Cuộc khủng hoảng ngoại giao từ vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu có vẻ như chưa tác động đến quyết định tạm ngừng cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh. Bộ Thương mại Trung Quốc đã nêu lịch trình đàm phán mới, còn theo Tổng thống Mỹ, các cuộc thương lượng mang lại kết quả tốt.
Bà Mạnh Vãn Chu đang đối mặt với khả năng bị dẫn độ sang Mỹ. Theo Reuters, Mỹ cáo buộc bà Mạnh che giấu mối liên hệ giữa tập đoàn của bà với một công ty bán thiết bị sang Iran bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Theo các nhà quan sát, việc dẫn độ bà Mạnh về Mỹ theo như yêu cầu của chính quyền Washington trong khuôn khổ thỏa thuận song phương giữa Mỹ và Canada, đòi hỏi nhiều thời gian, vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm, vì nhiều khả năng kháng cáo. Nếu bị dẫn độ sang Mỹ, bà Mạnh sẽ đối diện với mức án tối đa là 30 năm.