Trung Quốc “xuất khẩu” cơn sốt bất động sản ra thế giới
- Giải Ngoại hạng trên đường trở thành “sân sau” của Trung Quốc
- Tiền đồn quân sự nước ngoài - tham vọng 'xưng hùng' của Trung Quốc
Tại các thành phố lớn có nhiều người châu Á sinh sống, nhất là người Trung Quốc, như Sydney (Aistralia), Singapore, San Francisco, New York (Mỹ), London (Anh)... hàng đoàn du khách người Trung Quốc nối nhau tìm đến với mục đích chính là tham quan thị trường bất động sản, nghe ngóng và đánh giá tiềm năng phát triển để rồi hầu như không ai quay về "tay trắng" bởi không đứng tên một thì cũng phải sở hữu vài căn nhà.
Những nhà đầu tư từ Đại lục này mua tất tần tật mọi thứ, từ những căn nhà bị ngân hàng phát mại giá chỉ vài chục nghìn USD ở bang Florida của Mỹ cho đến những biệt thự bên bờ biển giá tính bằng "triệu đô" ở Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, phong trào mua bất động sản ở nước ngoài thêm rầm rộ khi chính quyền Trung Quốc đưa ra những quy định hạn chế mới về tín dụng và quyền mua nhà, nhằm làm nguội bớt sự bùng nổ của thị trường nhà đất nội địa.
Một số người Trung Quốc đang xem nhà tại California, Mỹ. |
Tianquan, người sáng lập và điều hành SouFun Holdings Ltd. (SFUN), với một website bất động sản lớn nhất ở Trung Quốc cho biết: "Chính phủ quy định hạn chế mua nhà buộc họ phải tìm cách đầu tư ra nước ngoài. Đây cũng là một cách để chống lại lạm phát. Trong số này, nhiều người mua nhà để đáp ứng nhu cầu học hành của con cái, một số khác lại tìm kiếm khả năng nhập cư".
Đầu năm 2011, Trung Quốc đã nâng mức trả trước tối thiểu cho việc mua căn nhà thứ hai lên 60% thay vì 50%. Mức lãi suất trả chậm tối thiểu cho việc mua nhà thứ hai cũng được nâng lên 110% lãi suất cơ bản. Nếu bán nhà trong vòng 5 năm, người bán sẽ phải chịu toàn bộ thuế cho thương vụ giao dịch. Chính quyền Hong Kong hôm 10/6 lại có hành động mạnh tay hơn để kìm giá bất động sản, bằng cách tăng số tiền trả trước với người mua nhà có giá trị trên 6 triệu đô la Hong Kong (770.000 USD). Với ngôi nhà giá trị trên 10 triệu HKD, số tiền phải trả trước là 50%.
Bắc Mỹ là nơi lý tưởng cho những nhà đầu tư Đại lục vì ngoài điều kiện khoảng cách địa lý, đây là nơi có thời tiết ôn hòa, môi trường giáo dục tốt và cộng đồng người Hoa đông đúc, lại có lịch sử hình thành từ hơn nửa thế kỷ trước. Tại Canada, doanh số bán nhà ở Vancouver trong tháng 3 đã tăng 32%, mức cao nhất kể từ năm 2004. Năm 2010, giá trung bình một căn nhà biệt lập ở Vancouver tăng lên 774.000 CAD (792.000 USD) tương đương 13% so với năm 2009.
Theo một khảo sát được công bố vào giữa tháng 7 vừa qua, khách hàng Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về số tiền mua nhà đất tại Mỹ. Với 27,3 tỉ USD, số tiền người Trung Quốc bỏ ra chiếm hơn 1/4 tổng số tiền nhà đất được bán cho người nước ngoài. Con số này lớn gấp 3 lần số tiền của người Canada, quốc gia đứng ở vị trí thứ hai (8,9 tỉ USD). Người Ấn Độ, Anh và Mexico lần lượt xếp sau trong top 5. Con số này được tính trong 12 tháng từ tháng 3-2015 đến tháng 3-2016.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp người mua Trung Quốc (tính cả Trung Quốc từ Đại lục, Hong Kong và Đài Loan) dẫn đầu thế giới về việc mua nhà đất tại Mỹ. Họ cũng mua nhiều bất động sản (29.195 bất động sản) hơn bất cứ quốc gia nào khác. Và những ngôi nhà, căn hộ họ mua đều rất xa xỉ, vì giới nhà giàu Trung Quốc thường chọn những khu trung tâm các thành phố lớn nhất, những tiểu bang có chi phí cao nhất, với số tiền trung bình là 936.615 USD/ bất động sản.
1/3 số người mua từ Trung Quốc chọn bang California. Theo Forbes, mối quan tâm chính của họ là mua bất động sản Mỹ như một nơi cất giữ tài sản an toàn, và có một nơi cho con cái của họ sinh sống trong khi họ tìm cách lập nghiệp.
Giới chuyên gia bất động sản đánh giá, khách hàng Trung Quốc là "cứu tinh" cho thị trường bất động sản ở Thung lũng Silicon và Hawaii, họ đang tăng dần sự hiện diện ở Las Vegas và New York. Người Trung Quốc chiếm 9% số nhà bán cho người nước ngoài ở Mỹ. Doanh số các căn hộ dành cho một gia đình tại Cupertino, California, đại bản doanh của Apple đã tăng 21% trong quý 1 năm nay. Rất khó tìm được một căn hộ chung cư 2-3 phòng ngủ tại đây, chủ yếu là do nhu cầu cao từ khách hàng Trung Quốc.
Trong khi đó, Hawaii cũng là một địa điểm thu hút rất nhiều triệu phú mới của Trung Quốc với những sân golf và khách sạn xa hoa, ngôi nhà nghỉ dưỡng đắt tiền. Giao dịch trên thị trường nhà ở cao cấp luôn tăng nhanh cả về số lượng và giá trị giao dịch, trong khi đó nguồn cung lại có hạn. Tuy vậy, báo cáo hằng năm của Hiệp hội Bất động sản Mỹ cho thấy, tổng doanh thu từ giao dịch với các nhà đầu tư Trung Quốc trong năm 2015 là 27,3 tỉ USD/năm, giảm hơn 1 tỉ USD so với năm 2014.
Vancouver - "Thành phố triệu phú" của Canada giờ đây góp mặt nhiều đại gia Trung Quốc. |
Tình trạng trên được cho là do sự phát triển chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc và sự xuống giá của đồng nhân dân tệ khiến nhu cầu cũng như khả năng mua bán của các nhà đầu tư Trung Quốc bị hạn chế. Bên cạnh đó, các chính sách kiểm soát vốn của Chính phủ Trung Quốc trong thời gian gần đây nhằm bảo vệ dự trữ ngoại hối quốc gia cũng khiến quá trình giao dịch tại nước ngoài của người Trung Quốc trở nên khó khăn hơn.
"Làm mưa làm gió" ở bắc bán cầu chưa xong, làn sóng nhà đầu tư Trung Quốc chuyển xuống "càn quét" nam bán cầu. Tuần trước, 6 trên 7 phiên đấu giá nhà tại ngoại ô phía bắc Sydney kết thúc với chiến thắng thuộc về người Trung Quốc, trong đó có một phiên chỉ toàn người Trung Quốc tham gia. Dù vốn đầu tư từ Trung Quốc vào bất động sản Australia tăng 4 lần, từ 5,9 tỷ USD năm 2013 lên 24,3 tỷ USD trong năm 2015, chính những người Australia gốc Hoa cũng góp phần không nhỏ khiến thị trường nhà đất tại đây bùng nổ.
Andrew Shen (26 tuổi, kinh doanh dụng cụ nhà bếp) là một trong số hàng chục người tham gia phiên đấu giá mua căn nhà 4 phòng ngủ tại Epping (bang Victoria, Australia). Căn này sau đó được bán với giá 1,8 triệu USD.
Shen đến từ Gia Hưng, Trung Quốc, nhập cư vào Australia năm 2010. Ban đầu Shen đến đây để học đại học. Khi ấy, chị gái anh đã định cư tại Australia được vài năm. Ít lâu sau, cha mẹ anh cũng chuyển đến sống cùng các con. Shen đang muốn chuyển gia đình mình khỏi căn hộ chật hẹp hiện tại. Shen cho biết đã đi tìm nhà hơn 2 tháng và rất ưng căn tại West Epping Park này, nhưng cuối cùng lại bị một người Trung Quốc khác trả giá cao hơn.
Nhiều vùng ngoại ô North Ryde (bang New South Wales, Australia) đã thay đổi đến mức người gốc Âu có mặt ở đây chỉ đóng vai trò là những người bán nhà. Patrick và Sue đã chi 1,5 triệu USD để sở hữu ngôi nhà 3 phòng ngủ mà ca sĩ nhạc jazz Ken Flannery từng ở. Hai người đã tham gia hơn chục phiên đấu giá và vận dụng tất cả kỹ năng mình có để chiến thắng.
Không dừng lại ở các lục địa này, người Trung Quốc cũng đang tạo nên một làn sóng xâm nhập vào châu Âu, đặc biệt là ở London, nơi lãi suất thấp, nền giáo dục kinh điển, nhiều thuận lợi cho người châu Á học ngoại ngữ chủ yếu là tiếng Anh. Trong năm 2015, người Trung Quốc đã chiếm đến 40% trong tổng doanh số 100 triệu bảng trên thị phần bất động sản. Bên cạnh sự hiện diện của giới nhà giàu Nga, giới nhà giàu Trung Quốc đang dần khiến những con người mang dáng dấp thượng lưu Bắc Âu sống trong những khu phố sang trọng trước đây phải thay đổi lối sống và cách nhìn về "láng giềng mới".
Ausgrid sở hữu mạng lưới phân phối điện lớn nhất cả nước. Ảnh: Reuters. |
Ngoài Anh, giới nhà giàu Trung Quốc cũng tìm kiếm nhiều thị trường khác như Đức, Italy, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ. Istanbul được coi là thị trường đầy hứa hẹn khi mà giá nhà tăng và "triển vọng kinh tế tốt, ngành du lịch phát triển, lãi suất thấp, địa điểm đẹp".
Tuy nhiên, các quốc gia trên đã bắt đầu thận trọng. Họ đã dùng cả lý do chính trị và kinh tế để kiềm chế làn sóng mua sắm từ Trung Quốc. Thomas Byrne - cựu Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu tiềm năng và rủi ro quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Hãng Moody's cho biết, mối lo ngại đến từ khả năng tham gia của Chính phủ Trung Quốc.
"Hầu hết những thương vụ đầu tư của Trung Quốc xuất phát từ các công ty quốc doanh. Vì thế, chúng luôn lo ngại rằng, Chính phủ Trung Quốc sẽ tác động vào hoạt động của các công ty này tại nước ngoài. Kể cả các doanh nghiệp tư nhân chúng tôi cũng không dám bỏ qua, do cấu trúc sở hữu mập mờ và có thể liên quan gián tiếp đến chính phủ", Byrne cho biết.
Dù vậy, tân Thủ tướng Anh - Theresa May - gần đây cho biết, Chính phủ Anh muốn thắt chặt quan hệ ngoại giao và hợp tác với Trung Quốc. Bà cũng xác nhận kế hoạch ghé thăm nước này sớm. Động thái này cho thấy thế khó của Anh - phải cân bằng giữa lợi ích quốc gia và lợi ích thương mại - khi hợp tác với "gã khổng lồ Đông Á".
Anh không phải quốc gia duy nhất muốn chống lại tham vọng thâu tóm của Trung Quốc. Tháng trước, Tập đoàn Điện lực Trung Quốc và Cheung Kong Infrastructure Holdings (Hong Kong, Trung Quốc) đã đấu thầu đầu tư mua 50,4% cổ phần kiểm soát trong Ausgrid. Công ty quốc doanh này chịu trách nhiệm phân phối điện cho 1,6 triệu gia đình tại Sydney và khu vực xung quanh, hiện thuộc sở hữu của chính quyền bang New South Wales.
Số cổ phần trong Ausgrid được định giá 7,5 tỷ USD. Nó sẽ cho phép nhà đầu tư Hong Kong và Trung Quốc giữ cổ phần kiểm soát Ausgrid trong 99 năm. Ausgrid hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại, do có lợi nhuận cao và ổn định.
Tuy nhiên, trong một thông báo gửi đến giới truyền thông hôm 11-8, Bộ trưởng Tài chính Australia - Scott Morrison - cho rằng, các lời chào mời đầu tư từ nhà thầu Hong Kong và Trung Quốc "đi ngược với lợi ích quốc gia". "Có 3 lý do là, các tranh chấp tại Biển Đông, Trung Quốc độc đoán hơn nhiều so với tưởng tượng và phải làm việc với một doanh nghiệp nhà nước. Chúng sẽ hạn chế khả năng thương mại tự do của tất cả các bên", một thành viên cấp cao thuộc liên minh cầm quyền Australia phát biểu với hãng tin Reuters.
Với nhiều thương vụ tỷ USD vẫn còn đang xếp hàng, giới quan sát cho biết những thương vụ dính đến các lĩnh vực chiến lược, như năng lượng, điện và cơ sở hạ tầng sẽ bị các cấp thẩm quyền ở các quốc gia xem xét thật cẩn thận trước khi phê duyệt.