Hướng tới đại lễ 1.000 năm Thăng Long:

“Trung tâm thông tin phố cổ” làm gì hay chỉ nói suông?

Thứ Bảy, 13/09/2008, 15:00
Cải tạo một nhà cổ và xây dựng Trung tâm thông phố cổ là 2 dự án mang tính khả thi nhất trong 5 dự án UBND TP Hà Nội giao UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.

Sau khi khảo sát thực tế và tham khảo ý kiến của các nhà khoa học. Ban quản lý phố cổ (chủ đầu tư dự án) đi đến thống nhất ghép dự án Cải tạo nhà cổ vào dự án Xây dựng Trung tâm thông tin phố cổ làm một, địa điểm được chọn là đền Quan Đế 28 Hàng Buồm.

Nơi đây, trong tương lai, trước tháng 10/2010, sẽ là trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ, nơi gặp gỡ giao lưu giữa nghệ nhân các làng nghề với người dân cả nước, hội tụ tinh hoa của giới các nhà khoa học đàm đạo trao đổi về lịch sử, kiến trúc, những giá trị phi vật thể, những nét văn hóa đặc trưng của 36 phố phường Hà Nội...

Nhà nghiên cứu Hà Nội học Giang Quân và Giáo sư – Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền (Cục Di sản kiến trúc cổ Việt Nam) được mời đến để lấy ý kiến, phóng viên ghi lại buổi trò chuyện giữa hai nhà khoa học về dự án này.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền: Dự án Xây dựng Trung tâm thông tin phố cổ chắc sẽ thực hiện được thôi.  Đấy chỉ phải di dời 5 hộ dân. Một ngôi đền kiến trúc đẹp, đặc biệt về khối hình điêu khắc. Đền có từ thời Nguyễn nhưng là một trong những sản phẩm đỉnh cao tạo hình của người Việt.

Điển hình là mặt hổ phù được chạm khắc trên gỗ chưa đâu đẹp đến thế. May những thanh xà gồ, cột gỗ ở trên cao, người dân không động đến, chứ ở dưới thấp thì đã làm tan nát ra mất rồi. 

Nhà nghiên cứu Hà Nội học Giang Quân: Tôi mong lắm, mai này, người ta sẽ bán những bộ ảnh, những cuốn sách giới thiệu về khu phố cổ ở đây. Du khách có yêu cầu gì, những người hiểu biết về văn hóa giải đáp cho họ.

Ngẫm mà xem, những nhà báo, nhà văn, người nghiên cứu khoa học nước ngoài đến đây họ nghe thông tin rồi viết bài trên báo nước họ bằng mấy mình làm tài liệu gửi sang, vì bản thân người ta trực tiếp tự cảm nhận nói về đất nước mình có cái nhìn khách quan, vô tư hơn mình. Xây dựng một trung tâm, tạo một nơi sinh hoạt vô cùng dễ nhưng nội dung chẳng đơn giản chút nào.

Ngày xưa, cứ đến những ngày giáp tết, các bà, các chị lại ra vòi nước công cộng rửa lá dong, dọc hai bên vỉa hè. Đêm tối, cả nhà quây quần trong khoảng sân những ngôi nhà hình ống, củi lửa hồng rực cháy bập bùng bên nồi bánh chưng xanh. Mùa hè lên sân thượng, thưởng gió, ngắm trăng, uống trà.

Không khí đầm ấm, sâu lắng đó đã lùi vào dĩ vãng. Nay đời sống đô thị, phố nghề vẫn duy trì nhưng không nổi lên được. Hà Nội mọc lên cơ man siêu thị trang sức, phố Hàng Bạc chẳng có nghĩa lý gì. Hiện tại những phố nghề còn chất, người ta đi qua nhận ra phố cổ, tập trung Hàng Đồng, Hàng Thiếc, Lò Rèn. Những phố khác biến dạng hết cả.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền: Cái hấp dẫn của phố cổ, chưa chắc là kiến trúc cổ còn lại ở đấy. Con phố tồn tại trong quá khứ hẹp, sầm uất, nơi người ta gửi vào đấy tình cảm của người Hà Nội. Đi lại trên phố, một không gian mặt tiền nho nhỏ, tầm tầm như thế khiến người yêu quý Hà Nội tìm được thần thái, gợi cho họ về một thời khắc xa cũ nhưng đầy tình cảm, vấn vương.

Người nước ngoài không lạ gì nhà xây bê tông chịu ảnh hưởng từ phương Tây, ở đây họ chìm đắm trong không gian văn hóa khác. Họ thích thú vì sự khác lạ, không tìm được ở đâu ra những con phố chật chội, đông đúc đến thế, hàng hóa tràn lan suốt từ nhà ra mặt đường.

Nhà nghiên cứu Hà Nội học Giang Quân: Đấy, chính sự chật như nêm cối, mắc cửi đó làm cuộc sống  của những ngôi nhà trong khu phố cổ ấy khổ lắm, chữa không cho chữa, xây dựng lại không được. Mà để nó đổ lúc nào không biết...

Thủ đô bao giờ cũng là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng. Nhưng tỏa sáng thì ít quá. Cư dân ở đây phải tiêu biểu cho con người Việt Nam từ ứng xử, giao tiếp. Bây giờ sớm ngày ra, vào mặc cả, bà bán hàng đốt vía, xòe tờ giấy cầm bật lửa châm vứt ra đường... 

Quả thật những cái đó ở trong phố cổ rất tai hại. Xây dựng trung tâm thông tin phố cổ để giới thiệu phố cổ nhưng xây dựng con người tôi vẫn cho là quan trọng nhất. Nếu con người có ý thức  người ta sẽ giữ gìn phố cổ.

Pháp luật ghi trong phố cổ không được xây nhà cao tầng, không hiểu tại sao vẫn có giấy phép, 87 Mã Mây là nhà di sản nhưng bên cạnh họ xây hotel nhiều tầng, ép nhà cổ không ra thế nào cả. Du khách đứng tầng 2, nhìn lên thấy bức tường hotel mở cửa sổ khách thuê vứt những mẩu thuốc lá sang bên này, du khách đứng đấy sẽ cảm thấy gì.

Ngay từ lúc mới xây tôi đã nói với Ban quản lý phố cổ, họ có ý kiến với quận nhưng đâu vẫn đóng đấy. Pháp luật đề ra phải giữ cho nghiêm, nếu không người này xây, người khác cũng xây được. Và như thế phá hủy cái mình muốn làm.

Nói đến hồn phố cổ, nhưng  nay mất hồn rồi còn đâu. Bây giờ chỉ còn những ngôi nhà hơn trăm năm trở lại đây, chẳng cổ lắm, thế cũng quý.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền: Biểu hiện văn hóa ở khu phố cổ không nhiều, bây giờ rút ra cái gì điển hình về tâm hồn Việt Nam, có lẽ có nhưng rất khó. Có khi người ta phải lừa dối chính mình, nịnh hót lương tâm để nói về một vẻ đẹp đang bị tàn phá. Chúng ta chỉ còn giữ lại được thần thái của phố cổ.

Phố cổ biến đổi theo thời gian, làm nhà sin sít, từng nhà nhỏ bé tương ứng các làng nghề hội tụ lại, tiến lên mở rộng ra. Người ta thấy nó xập xệ, giữ lại cái nhỏ bé, rách mục ấy nói lên vấn đề gì. Mọi ồn ào bởi cái sự đông đúc và cuộc sống thúc ép đến nỗi nhìn thấy duy trì cái đó là cản trở sự phát triển. Nếu muốn duy trì phố cổ ta phải dãn dân. Dân không muốn đi vì buôn bán của họ đã thành nếp rồi.

Tôi đi nhiều nơi trên thế giới, những phố cổ trong thành phố của họ chia hẳn ra làm đôi, một bên họ giữ dân giá trị nghệ thuật cao, đồng thời tìm một thành phố mới, nhiều khi cách nhau chỉ một con đường thôi.

Khi thành phố mới kinh tế phát triển tự nhiên làm giảm áp lực của khu phố cổ thì mới bảo vệ phố cổ. Nhưng nay kinh tế vẫn sầm uất ở nơi phố cổ, mưu sinh là áp lực tác động mạnh mẽ đến chữ cổ truyền.

Nhà nghiên cứu Hà Nội học Giang Quân: Rồi đây, trung tâm thông tin phố cổ sẽ giới thiệu với du khách, sự thanh lịch của người Tràng An, thế rồi họ đi thực tế, họ sẽ thấy gì? Đường Thanh Niên - con đường tình yêu, chùa Trấn Quốc bên này, chùa Quan Thánh bên kia, chúng tôi ngày trẻ buổi chiều ra Hồ Tây thơ mộng, trai thanh gái lịch đi dạo chơi, trò chuyện chứ không buông tuồng như bây giờ, đến ghế đá cũng bị chiếm, muốn ngồi ngắm cảnh hồ phải mua đồ của bà hàng nước.

Người ta thuê chiếu trải ra đấy nằm ngả ngớn mất hết cả nét đẹp. Hàng chục xe máy dàn hàng, trai gái xoắn xuýt nhau giữa thanh thiên bạch nhật. Tôi đưa ông bạn là người Hà Nội cũ, vào Nam từ năm 1954 trở về thăm lại nơi xưa, nhìn cảnh như thế rất ngượng...!

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền: Bác buồn làm gì, thời trẻ của tôi và bác, cấm  biết nhà hàng karaoke nó như thế nào, khách sạn nó ra sao. Bây giờ, phố nào chẳng đầy rẫy nhà nghỉ, cửa hàng hát hò. Người nước ngoài vào đây không vì cảnh đấy mà mất đẹp, họ sống hiện đại, “tây” bằng mấy mình ấy chứ...

Tuy rằng không khí sinh hoạt phố cổ Hà Nội giờ khác trước rất nhiều, người nước ngoài vẫn yêu thích bởi sự khác và lạ, đồng thời thích tâm tính con người cởi mở chan hòa, cuốn hút. Họ bị hấp dẫn bởi cung cách sinh hoạt hằng ngày, tìm thấy ở đây một văn hóa làng giữa đô thị.

Chính điều đó người mình lại không nhìn ra. Tâm hồn thôn dã bắt nguồn từ xa xưa được nuôi dưỡng bởi những phường hội  của khu phố cổ, thể hiện ở con người. Mà phường hội người Việt Nam khác xa phường hội các nước khác, phường hội của Việt Nam dựa trên nền tảng phát triển từ nền kinh tế nông nghiệp sản xuất lúa nước mà lên, cùng với buôn bán thủ công.

Cho nên tình cảm người dân vẫn dạt dào, hoài cổ. Rõ ràng thanh niên đến ngày lễ, tết nhớ quê hương da diết và ngày xuân vẫn muốn đi hội. Duy trì máu thịt từ làng quê đầm ấm, xa xôi vọng về lôi kéo tâm hồn của những người hiện nay đang  ở đô thị.

Sắp đến rằm Trung thu, trẻ em mong mỏi bày cỗ đón chị Hằng. Phố Hàng Mã, Hàng Lược lại tấp nập bày bán trò chơi dân gian truyền thống. Người dân thủ đô đổ cả về đấy...

Có lẽ bất cứ ai đã từng gắn bó 36 phố phường, hay từng một lần đi qua con phố vừa cũ kỹ, trầm buồn, vừa đông đúc đó hẳn không khỏi bâng khuâng, xao xuyến. Không gian phố thị nửa hư nửa thực, nửa gần nửa xa, nửa cổ nửa kim.

Với họ, những người nghiên cứu Hà Nội, càng đau đáu trông mong có một “lối rẽ” cho bài toán khó giải của khu phố cổ Hà Nội. Phóng viên cắt ngang câu chuyện của họ: “Thưa hai nhà khoa học, hình như hai ông  đang đi quá xa khi bàn luận về việc xây dựng Trung tâm Thông tin phố cổ?”.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền: Từ nãy đến giờ chúng tôi vẫn nói về vấn đề đấy thôi. Xây trung tâm thông tin phố cổ để quảng bá và giới thiệu hình ảnh phố cổ với du khách. Trung tâm không nên chỉ có hướng dẫn viên nói suông, hay những quyển sách kín chữ, những tờ rơi màu mè.

Cái chính họ đến, tự cảm nhận được, mình phải tìm hiểu kỹ để thích ứng với yêu cầu của quá khứ và thực tại. Đền Quan Đế cải tạo thành nhà cổ đồng thời là trung tâm thông tin phố cổ, chắc chắn, chúng ta không phải là những người chơi đồ cổ mà phải sử dụng đồ cổ cho lợi ích của quần chúng, xã hội.

Vì chúng ta nghĩ đến văn hóa nghệ thuật vị nhân sinh chứ  không phải chỉ văn hóa nghệ thuật vị nghệ thuật.

Nhà nghiên cứu Hà Nội học Giang Quân: Xây dựng trung tâm thông tin phố cổ là nơi gặp gỡ giao lưu, đàm đạo là chuyện nên làm nhưng để nó hoạt động thì ngay bây giờ  phải có kế hoạch, có cái nhìn chiều sâu, sự cộng tác của các hội văn hóa dân tộc, nhất là hội văn nghệ dân gian. Hội văn nghệ dân gian tập hợp đông đảo các nghệ nhân, tham khảo ý kiến của họ cũng sẽ rút ra được nhiều điều hay.

Nếu muốn cho du khách đến để nghe, biết thông tin, trung tâm phải hội tụ những người am hiểu, nghiên cứu về Hà Nội, yêu Hà Nội như máu thịt. Ngoài ra, các hoạt động định kỳ phải thường xuyên được tổ chức để cho các tua du lịch họ biết đến... Rồi còn phải đào tạo các phát thanh viên, hướng dẫn viên du lịch tham gia vào đó...

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.