Trùng tu di tích: Có nên triệt cỏ, bỏ rêu và chặt cây?

Thứ Ba, 26/04/2011, 12:55

Thời gian gần đây, việc trùng tu các di tích như Thành cổ Sơn Tây, thành cổ Tuyên Quang, Ô Quan Chưởng… đã gây nên một làn sóng tranh cãi với nhiều ý kiến khác nhau giữa các nhà quản lý văn hóa, các nhà khoa học trong lĩnh vực di sản và người dân. Và, xem ra ai cũng đều có cái lý của nó cả. Ngay trong cùng một công trình di tích lịch sử được tu bổ lại cũng có ý kiến trái chiều ngay từ những người trong nghề.

Bắt đầu từ số báo này, ANTG sẽ đăng tải loạt bài xung quanh câu chuyện "trùng tu" hay "làm mới" di tích.

Tiếc nuối bóng hình xưa đã mất

Trải qua bao mưa dập gió vùi, nhưng những di tích lịch sử vẫn khoác áo bạc màu thời gian, "trơ gan cùng tuế nguyệt". Vẻ đẹp mộc mạc, giản dị mà cũng rất đỗi khiêm nhường của di tích nằm nương nép hòa mình vào không gian tự bao đời, gắn bó như máu thịt với con người và thiên nhiên cây cỏ nơi đây. Ai đấy, khi xa quê, cứ thấy nhớ đến nao lòng, cái áo khoác ẩm ướt mang màu rêu phong trên tấm thân già nua của di tích, đang oằn mình vật lộn với giông gió cuộc đời. Di tích như một chứng tích lịch sử hàng trăm năm huyền thoại của nước Việt đầy bi tráng và kiêu hùng. Bỗng một ngày kia, sau khi được "chẩn đoán bệnh tình" và "chữa trị kịp thời", cụ già hàng trăm năm tuổi bỗng dưng thành ra một dung nhan khác hẳn. Còn đâu nếp nhăn bạc phếch màu thời gian. Hỡi ơi! Còn đâu hình bóng quen thuộc, người ta ngỡ ngàng, ngơ ngác trước một dung nhan mới toanh, lạ lẫm mà các nhà thầu khoán và thợ sửa tạo ra.

Theo ý kiến của nhiều người, họ - hệt như bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ đã "quá tài tình" biến cụ già hàng trăm tuổi thành cậu bé lên 3, lên 4. Ngơ ngác, ngờ nghệch trong đám đông, nhưng, sức "hấp dẫn" của đứa trẻ lên 3 bi bô ấy khiến nhiều người qua lại ngó nhìn, bình phẩm. Đã không ít người tấm tức khóc khi mất đi hình dáng quen thuộc của "cụ ông ruột rà máu mủ" mà thay vào đó là đứa trẻ con nhà hàng xóm. Dù gì thì vẫn là "khác máu tanh lòng" nên không thể nuối tiếc xót xa.

Thành cổ Tuyên Quang biến thành "cái lò gạch" như theo nhiều người bình luận rất rôm rả trên các diễn đàn văn hóa. Thành cổ Sơn Tây thì diêm dúa lòe loẹt với đá ong vàng ruộm mới toanh. Ô Quan Chưởng mà ca dao đã có câu: "Long thành bao quản nắng mưa/ Cửa Ô Quan Chưởng bây giờ còn đây", sau khi được trùng tu tôn tạo, người ta đã hát chệch đi rằng: "Long thành bao quản nắng mưa/ Cửa Ô Quan Chưởng bây giờ còn đâu"…

Ô Quan Chưởng cũ và hình ảnh mới sau khi trùng tu.

PGS-TS Trần Lâm Biền: Phải triệt cây, cỏ vì cây, cỏ phá thành

PGS-TS Trần Lâm Biền một nhà khoa học uy tín có thâm niên 50 năm trong nghề di sản đã quá bức xúc và lên tiếng để tránh nhầm lẫn. Chúng ta, không nhất thiết tán đồng với ông về quan điểm, nhưng ít ra đây cũng là ý kiến bổ ích, lý thú để tham khảo.

Phóng viên (PV): Ông thấy đấy, nhiều người đang rất bức xúc với hình ảnh mới của cả ba di tích này. Ở Thành cổ Tuyên Quang, người ta chặt phăng đi một cây đa cổ thụ bao quanh thành. Còn Thành cổ Sơn Tây khi tu sửa cũng làm biến mất một cây đa lâu năm ở đây. Ngay kể cả rêu phong cũng đã không còn với Ô Quan Chưởng. Cả ba di tích này tuyệt nhiên không còn bóng dáng của thời gian mà thay vào đó là gạch, vữa và xi măng. Tất cả như khoác tấm áo mới toanh, lạ lẫm.

PGS-TS Trần Lâm Biền: Nhiều người nói không dựa trên nền tảng tu bổ di tích mà nói theo cảm tính chủ quan. Rất có thể  hình thức cái cây mọc phủ lên thành thì tạo cho thành trở nên đẹp hơn. Không ai phủ nhận điều đấy. Nhưng chúng ta nên hiểu cái cây đấy như một người con gái đẹp lại “phản động”, liệu chúng ta sử dụng một cô gái đẹp “phản động” để nó phá hoại chúng ta hay không?! Vì rằng Thành cổ Sơn Tây dùng đá ong, Thành cổ Tuyên Quang là cơ bản dùng gạch. Mà gạch bị ẩm và đọng nước thì trước sau gì cũng hỏng. Cho nên họ phải triệt tất cả cây cối mọc ở trên những thành gạch, đá. Bởi rêu đọng nước. Rêu phong tưởng là cổ kính đó là những kẻ phá hoại. Vậy thì cái cây đó có là di sản hay không? Hay di sản lại là thành gạch, đá.

Cái cây không phải là tổ tiên ta hay cho những cái nền văn hóa này hay nền văn hóa khác tạo nên nó. Chúng ta duy trì cái cây, nếu cây phát triển không ảnh hưởng đến thành hay kiến trúc  thì cứ để cho đẹp. Nhưng cũng có khi như cây cỏ mọc ở trên mái nhà, ở Hội An là điển hình, mà cây cỏ mọc ở di tích là thứ cỏ giả. Là thứ tiểu nhân mà mọc ở trên mái thì đứng ở mặt tâm linh là "Kẻ tiểu nhân đứng trên đầu quân tử" không thể chấp nhận được, dù cho nó có đẹp.

Cây cối mọc ở trên cửa của Thành Sơn Tây làm xô lệch các gạch xây thành và trong tương lai không xa sẽ phá hủy thì chúng  ta không thể chấp nhận được sự tồn tại của nó. Nếu như thấy cây có đẹp, phá đi đành nuối tiếc chứ không thể để nó tồn tại.

PV: Nghĩa là khi trùng tu tôn tạo di tích nhất định phải phá cây?

PGS-TS Trần Lâm Biền: Muốn cây gì thì cây nhưng nhất định là phải triệt. Bởi vì cây cối nó phá thành. Ngành văn hóa bảo vệ cái thành hay bảo vệ cái cây?! Đương nhiên là bảo vệ cái thành. Đừng có thấy cây nó đẹp, mọc ở thành thì coi đó là dấu tích lịch sử. Nếu như một chí sĩ yêu nước mà bị giặc Pháp ngày xưa treo cổ ở trên cái cây đấy, thì cái cây đấy nó mới có giá trị lịch sử. Phải để bằng được, và tìm cách hạn chế cái cây khỏi phá thành.  Và có cách bảo vệ sao cho cây nó sống được. Còn cây đa ở những di tích này là một sự vô tình và không dính dáng gì  đến dấu tích lịch sử hay những vẻ đẹp của tâm linh mà nó có tác dụng phá thành thì nhất định tôi không chấp nhận được.

PV: Nghĩa là có ý kiến khác nhau một trời một vực với người dân và nhà nghiên cứu di tích như ông?

PGS-TS Trần Lâm Biền: Muốn bảo tồn di tích thì phải dựa trên nền tảng khoa học và phải quen dần với tính chất khoa học ấy đi. Hình ảnh di tích ăn sâu một cách bình thường vào trong tâm hồn, tình cảm của người dân địa phương nhưng thành cổ Tuyên Quang vượt ra khỏi không gian địa phương ấy, vượt ra khỏi không gian cộng đồng người ở nơi đó. Dù cộng đồng người ở nơi đó luôn luôn gắn kết với cái thành này nhưng thực sự nó đã vượt ra ngoài. Nó là di sản văn hóa cấp quốc gia. Do đó quốc gia phải lo tới nó.

PV: Nhưng ông có công nhận rằng khi người ta chặt cây và xóa hết rêu phong, chỉnh trang lại thì cái thành hoàn toàn trông như mới?

PGS-TS Trần Lâm Biền: Thành đó mà được tẩy rêu phong cây cối, các mạch bị người ta đem trát xi măng một cách thô thiển thì là điều đáng phê phán. Nếu như họ làm cẩn thận từng tí một và không phải dùng bay thợ nề trát bừa, mà cái bay chỉ nhỏ bằng cái ngón tay và miết dần cái vữa cũ vào thì đấy mới là tu bổ di tích. Bởi di tích văn hóa được tu bổ không thể áp dụng theo lối xây dựng nhà cửa được. Anh thợ trát mạch một cách lấy nhanh, trát bừa dù chất liệu tốt thì đó cũng là hành động phá hoại.

Ô Quan Chưởng, về cơ bản thì không sai nhưng cuối cùng vẫn bị kêu vì trông mới quá. Lẽ ra, họ nên tạo ra rêu phong để tránh phản cảm, có khi người ta còn vẩy nước cháo, quét cái này cái nọ chứ không chỉ dùng chất liệu mới để làm. Trong quan niệm hiện nay về di tích nhiều khi ý thức thực dụng và nhận thức văn hóa có độ chênh, không cùng một cung bậc thì đó là câu chuyện muôn thủa, sẽ dẫn đến những mâu thuẫn.

PV: Muốn trùng tu di tích thì phải hiểu di tích đến từng chân tơ kẽ tóc, tay làm đầu nghĩ chứ không đơn giản…?

PGS-TS Trần Lâm Biền: Đây là điều mà tu bổ di tích đòi hỏi. Nghề nghiệp không phải là tu sửa mà là tu bổ di sản văn hóa. Nếu nhìn hình thức của một di tích để làm lại đúng như hình thức cũ song trong nội dung cái ruột của nó thì đã  thay đổi thì đó cũng là một tội lỗi với tổ tiên. Nếu làm bừa, làm ẩu để nhận về một số tiền nào đấy đó là anh thầu khoán chứ không phải là anh đi làm tu bổ di tích.

Hình ảnh cũ của Thành cổ Tuyên Quang và sau khi trùng tu tôn tạo.

PV: Có nghĩa là ông cũng có ngậm ngùi và tiếc nuối?!

PGS-TS Trần Lâm Biền: Chủ đầu tư không thể cậy có tiền mà muốn làm thế nào cũng được. Bởi anh phá hoại thì không thể chấp nhận được. Một cái thành như Thành Sơn Tây xây thấp có một mét rưỡi mà cứ thẳng băng như thế thì đó là một sự lừa dối lịch sử. Trong khi đó, khi tôi đi khảo sát ở Thành Sơn Tây kiến trúc của nó với cái nền của nó cũng đã không đúng như xưa. Lên đó những người yêu quý di sản văn hóa thì hoàn toàn có nhiều cái nuối tiếc. Song, cái nuối tiếc ấy là nuối tiếc văn hóa. Nhưng người dân không hiểu được các nhà khoa học mà họ chỉ nhìn ở bên ngoài là cây cối, cây cỏ… Cây gì thì cây nếu nó phá hoại di tích là phải bỏ.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương): Không chấp nhận một hình ảnh quá xa lạ với hình ảnh cũ.

PV: Người dân quen nhìn thấy rêu phong trên các di tích là màu của thời gian, các nhà khoa học thì không thấy có ý nghĩa gì cả, mà quan trọng phải giữ thành, bản thân ông thấy sao về việc này?

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Cái này đặc biệt trên thực tế có lẽ đúng về thị giác  người ta quen nhìn một cái cổng có màu thời gian. Rêu phong cũng có giá trị riêng với kiến trúc. Quan niệm về trùng tu tôn tạo thì bây giờ phải tẩy duỗi những gì bằng được rêu phong để tôi làm mới cái cổng. Như cổng Ô Quan Chưởng, Thành Sơn Tây những màu mới phủ lên thì anh xây trát lại để cho phẳng phiu thì mất sạch đi vẻ đẹp. Ngôn ngữ kiến trúc khúc chiết bao nhiêu vẫn có ngôn ngữ kiến trúc mặt tiền, xung quanh cổng thành.

Cái này nhớ về những bài học xưa cũ ở Mỹ Sơn, kiến trúc sư người Ba Lan - Kazik đã sử dụng chính viên gạch cũ đấy để làm, để mà sửa lại những chỗ nứt vỡ ở trên Tháp Chàm. Có nghĩa là vẫn bảo vệ thực sự bề mặt của kiến trúc, những viên gạch vẫn được sử dụng bởi chính viên gạch của nó. Còn ở mình thì gần như xử lý lại hoàn toàn, sửa toàn bộ công trình  tạo ra một hình ảnh khác. Cái phản cảm nhất là tạo ra một hình ảnh khác với trước đấy người dân đã lưu giữ rất lâu ở trong tâm trí của người ta rồi.

Hàng ngày đi qua di tích người ta không chấp nhận một hình ảnh quá xa lạ với vẻ đẹp cũ. Quan điểm giữa trùng tu bảo tồn hiện nay đang có rất nhiều ý kiến khác nhau. Có những chuyên gia vẫn có quan niệm là cần phải chỉnh trang mới hoàn toàn.

PV: Riêng cá nhân ông có cảm nhận gì về 3 di tích lịch sử đặc biệt này sau khi được trùng tu tôn tạo?

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Bản thân tôi nhìn Ô Quan Chưởng, Thành cổ Sơn Tây hay Thành cổ Tuyên Quang, cái này như một thói quen thị giác. Mình thích một cái gì ấm áp gần gũi với mình nhưng bây giờ tự nhiên màu khác đi, cách xử lý ngôn ngữ của cổng ô làm cho mình dửng dưng. Nó làm cho mình cảm giác không còn thích đụng chạm, đi qua nó. Đấy cũng là một thiệt thòi cho di tích xưa

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.