Truyền hình trong nền văn minh đương đại

Thứ Hai, 26/11/2018, 17:24
Giáo sư Neil Postman - Chủ nhiệm bộ môn Khoa học xã hội của Trường Đại học Tổng hợp New York, vừa có bài phát biểu với phóng viên đặc biệt của tờ tuần báo Đức Stern nhân Ngày Thế giới Truyền hình thường niên (21-4), về vai trò của truyền hình trong xã hội đương đại. Sau đây là những trích đoạn tóm lược trong nội dung bài phát biểu đầy cuốn hút này.

“Thế giới đang trên đường hoàn thiện một cuộc “thử nghiệm văn hóa” đắt giá nhất, mang tính hệ quả tất yếu của nền văn minh nhân tạo dựa trên nền tảng điện năng. Đây là cuộc thử nghiệm được bắt đầu một cách thầm lặng, rất từ từ và được khởi đầu ngay từ giữa thế kỷ XIX với việc phát minh ra điện báo, để đến hôm nay vào đầu thế kỷ XXI, biến thành “cơn sốt” của các mạng lưới truyền hình, hầu như trở thành thứ “hiện tượng đại trà”.

Riêng với Hoa Kỳ không giống như bất cứ nơi nào khác trên thế giới, điều mà người Mỹ đã đạt được chính là dành sự ưu tiên hàng đầu để truyền hình “vượt” lên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng còn lại. Với những ai còn nghi ngờ về vai trò to lớn của truyền hình trong xã hội Mỹ, tôi xin đưa ra một vài ví dụ để tham khảo:

Theo một cuộc phỏng vấn truyền hình được thực hiện cách đây 1/4 thế kỷ (vào năm 1993), thì 98% các gia đình Mỹ có sở hữu máy thu hình. Một chiếc tivi trong nhà thường làm việc trung bình 7 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Trẻ em Mỹ trong độ tuổi chưa đi học hàng năm sử dụng tới 5.000 giờ rỗi rãi trước màn hình, cộng thêm 16.000 giờ nữa với các em thuộc lứa tuổi học sinh.

Một hoạt động duy nhất khiến con trẻ Mỹ dành nhiều thời gian hơn cho truyền hình, đó là giấc ngủ. Đến độ 40 tuổi, một người Mỹ thường xem tới một triệu mẩu quảng cáo trên màn ảnh nhỏ.

Không một phương tiện truyền thông nào sử dụng nhiều bằng chứng hơn, nhiều giả thuyết hơn, cũng như nhiều nguyên cớ hơn so với truyền hình - qua phương pháp trực quan trừu tượng đầy sức thuyết phục. Giờ đây trong tất cả các lĩnh vực quan trọng, khẩu ngữ đã được thay thế bằng hình ảnh - phương tiện giao tiếp truyền cảm nhất. Từ đó suy ra, rằng nhờ liệu pháp “truyền hình ẩn dụ” nên các ý tưởng cách ngôn “cao siêu” không thực sự cần thiết nữa.

Hình ảnh ẩn dụ mang tính lôi cuốn hơn cả. Nếu như cần một bằng chứng rõ ràng nhất, tôi xin nêu hiện tượng sau: vào thời điểm này, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ không thể chọn một người thật béo vào cương vị chính khách cao cấp. Với vẻ ngoài không gây sự chú ý, dĩ nhiên là đã cản trở mọi điều còn lại - nhất là với các cương lĩnh tranh cử, mà ai đó có cơ hội đứng trước khán giả truyền hình.

Xin các bạn hãy tin rằng, nếu như trong một thời gian dài bạn không nghe được bất cứ một ý tưởng thú vị nào từ miệng các vĩ nhân Mỹ; đó không phải là do họ chưa nghĩ ra, mà đơn giản hơn là chưa thật thích hợp với bối cảnh ghi hình. Trong thời đại kỷ nguyên của truyền hình, dù muốn hay không, bất cứ chính khách cộm cán nào cũng phải là người “ưa nhìn” và đừng để mất thiện cảm với công chúng qua những động thái “không đáng có”.

Điều vừa đề cập về chính trị nêu trên hoàn toàn có hiệu lực về phương diện thông tin thuần túy, được trình bày với khán giả Mỹ dưới dạng hết sức phổ biến: Show thông tin - truyền hình. Các nam nữ phát thanh viên luôn là những người có ngoại hình đẹp nhất nước. Chương trình của họ thường bắt đầu và kết thúc dưới tiếng nhạc thịnh hành - biểu tượng hài hòa của sự kết hợp giữa các phương tiện nghe nhìn.

“American Idol” là một trong những show truyền hình thực tế “ăn khách” nhất hiện nay.

Nhưng thực ra trong các show thông tin - truyền hình ấy, vai trò của thông tin được đưa xuống hàng thứ yếu. Điều quan trọng hơn là phong thái cùng mức độ nổi tiếng của người dẫn chương trình. Show thông tin - truyền hình chính là cái điều, được bao hàm trong mỹ từ sau: show có nghĩa là giải trí, tiêu khiển, một loạt các ấn tượng mạnh nhằm mục đích khiến khán giả luôn tươi vui, sảng khoái, cười ra nước mắt và tạo cảm xúc thực sự.

Vì thế cho nên cứ sau mỗi chương trình kết thúc hàng đêm, phát thanh viên lại trân trọng mời khán giả chúng ta “đến hẹn lại lên” trong chương trình ngày mai - tạo thành một thói quen “không thể bỏ” cho những ai mê xem tivi, một sự thay đổi lớn trong quan niệm tận dụng thời gian rỗi rãi xưa nay.

Nhưng để tạo nên được “thói quen” mới ấy, truyền hình phải luôn đi sát thực trạng đời sống bên ngoài xã hội. Show thông tin - truyền hình đã trở thành ví dụ đáng tin nhất cho khán giả qua mỗi lượng tin ẩn dụ. Cách mà truyền hình trình bày thế giới này, đã trở thành “nguyên mẫu” trong nhận thức thế giới quan của khán giả chúng ta. Ngay cả báo giới cũng bắt đầu bắt chước truyền hình trong việc cung cấp thông tin cho độc giả, tạo cảm giác như là họ đang “xem” báo chứ không phải “đọc” báo.

Như tờ nhật báo trẻ tuổi nhất trong làng báo Mỹ USA Today đã áp dụng cách diễn đạt các trang - dòng của mình giống như những chuỗi hình ảnh liên tục, với mục đích cuối cùng nhằm cuốn hút độc giả. Giới sư phạm cũng hướng về các phương tiện nghe nhìn sao cho bài giảng của mình có sức hấp dẫn hơn. Các chương trình “Giáo dục từ xa” hay “Truyền đạo từ xa” đang nhan nhản trên mọi kênh truyền hình “ăn khách” nhất.

Truyền hình đã phổ thông đến mức cựu ứng viên chức Phó tổng thống của đảng Dân chủ Mỹ Geraldine Ferraro (1935-2011) còn “cả gan” xuất hiện trên màn ảnh nhỏ qua vai… một bà nội trợ, nhằm quyến rũ tầng lớp cử tri trong giới nội trợ Mỹ đông đảo. Thậm chí ngay cả y học cũng nhờ truyền hình… quảng bá hộ. Như trường hợp của ngài  Bob Skyler - người đã nổi danh khắp nước Mỹ một cách chóng vánh với “show” phẫu thuật ghép tim của mình, qua ê kíp thầy thuốc do bác sĩ Edward Diethrich chỉ đạo với các camera truyền hình trực tiếp.

Thậm chí B. Skyler còn quả quyết trước, rằng ca mổ của ông sẽ thành công mỹ mãn, bởi “giới thầy thuốc sẽ gắng làm tất cả, để tôi khỏi phải đi sang thế giới bên kia ngay dưới các ống kính ghi hình - đầy truyền cảm”.

Tóm lại: đời sống muôn màu của cả thế giới là một show - màn diễn… liền tù tì không ngơi nghỉ. Nhưng trình bày thế giới ấy qua các hoạt cảnh truyền hình vẫn hấp dẫn hơn. Đó là thành công khó phủ nhận mà truyền hình đã đem lại cho nhân loại văn minh thời nay”.

Kim Dung (theo Stren)
.
.