"Truyền thuyết về Quán Tiên" - Góc nhìn chiến tranh của thế hệ trẻ
- Phim chiến tranh 10 tỷ ra rạp miễn phí nhân ngày Thương binh liệt sỹ
- Đạo diễn Trần Vịnh: Phim chiến tranh cũng là để nói hiện tại
- Theo đuổi dòng phim chiến tranh, người trẻ rất cần sự động viên
Sau đêm khai mạc, phim được nhiều khán giả và giới chuyên môn đánh giá là khá lôi cuốn, phim kết hợp với yếu tố ly kỳ, hài hước cùng cách kể chuyện hấp dẫn đã tạo được sự hứng thú cho người xem. Phim được thực hiện bởi đạo diễn trẻ tuổi sinh năm 1989 Đinh Tuấn Vũ.
Câu chuyện kính huyền ảo và kỳ bí
Phim "Truyền thuyết về Quán Tiên" dựa trên truyện ngắn của cố nhà văn quân đội Xuân Thiều viết về những năm tháng lửa đạn trên tuyến đường Trường Sơn. Nội dung phim kể về một binh trạm giữa Trường Sơn trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước khốc liệt với một thế hệ thanh niên "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", những đoàn xe và những đoàn quân hối hả ra mặt trận.
Trong một hang động kỳ lạ giữa rừng già, có ba cô gái thanh niên xung phong xinh đẹp được giao nhiệm vụ đặc biệt trong khung cảnh bom đạn khốc liệt và sự chết chóc cùng sự xuất hiện của một con vượn đầy bí ẩn...
Đoàn làm phim chọn bối cảnh. |
Mùi (Thúy Hằng), Tuyết Lan (Hoàng Mai Anh) và Phượng (Hồ Minh Khuê) sống trong một hang động trong rừng tại cao điểm của tuyến đường Trường Sơn, ngày ngày tiếp đón các anh lính tới nghỉ chân nên nơi đó còn được gọi là "quán Tiên".
Trong đó, Thúy Hằng đã thể hiện tốt vai Mùi - một cô gái mạnh mẽ, là "chị cả", trụ cột, nhận nhiệm vụ khó là làm chủ Quán Tiên. Mùi đã kết hôn nhưng chỉ được ở cùng chồng 3 ngày rồi cách biệt suốt 5 năm trời mà không có một dòng tin. Dù vậy, hình ảnh chồng luôn trong tâm trí của Mùi và niềm tin, tình yêu của cô luôn mạnh mẽ, chiến thắng mọi gian khổ, đau đớn trong cuộc chiến.
Mai Anh đảm nhiệm vai Lan là cô gái giàu bản năng, khát khao yêu thương nội tâm vô cùng phức tạp. Khi thì Lan mạnh mẽ, hồn nhiên, hài hước, có lúc lại yếu đuối, bi thương, thậm chí đôi khi bản năng chiến thắng lý trí khiến Lan có những biểu hiện bất thường.
Bên cạnh đó, diễn viên trẻ Minh Khuê cũng là sự lựa chọn thú vị khi đã thể hiện tốt vai Phượng - cô em út trong trẻo, mộc mạc, đầy hài hước. Sự kết hợp của Minh Khuê với Việt Hoàng và Leo Nguyễn đem đến những tình huống hài hước và nhiều tiếng cười cho khán giả.
Câu chuyện diễn giải với nhiều bất ngờ, đan xen giữa hiện thực và huyền ảo, để rồi cùng với năm tháng, binh trạm ấy và những cô gái thanh niên xung phong dần trở thành huyền thoại về một thời chiến tranh.
Không chỉ khắc họa sự khốc liệt, dữ dội của chiến tranh, bộ phim còn thể hiện được số phận mỗi cô gái với đời sống nội tâm giằng xé và những khao khát rất con người. Bên cạnh những cảnh bom đạn, bộ phim tập trung vào tâm lý của ba cô gái trẻ trong thời chiến với nội tâm luôn phải giằng xé giữa tình yêu đất nước với tình yêu lứa đôi và cả tình yêu với thiên nhiên, cuộc sống hòa bình.
Đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ chia sẻ, phim "Truyền thuyết về Quán Tiên" là thử thách lớn mà anh và ê-kíp phải cố gắng vượt qua. Một năm rưỡi trôi qua kể từ khi đi chọn cảnh, sửa kịch bản đến giai đoạn quay phim tại Quảng Bình.
Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ. |
Chưa kể, quá trình xử lý hậu kỳ nửa năm với rất nhiều khó khăn. Để tìm bối cảnh phim, anh đã đi tới nơi những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh như: Ngã ba Đồng Lộc, truông Bồn, hang Tám Cô... Và tiếp đó là những ngày làm việc mệt nhoài, gần như không biết đến ngơi nghỉ trong những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 mà cái nóng trở nên gay gắt và cháy bỏng tại rừng núi Quảng Bình.
Ngoài những gương mặt như NSƯT, biên kịch Hồng Ngát đảm nhận vai trò giám đốc sản xuất; NSƯT Vũ Quốc Tuấn đảm nhận vị trí D.O.P hay phó đạo diễn là NSƯT Nguyễn Đăng Khoa, ê-kíp của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ từ diễn viên, quay phim, mỹ thuật, hiện trường ánh sáng, hóa trang gần như đều là những người còn rất trẻ, trẻ nhất có người sinh năm 1998 và vẫn đang theo học tại Trường Sân khấu và Điện ảnh. Thế nên, đạo diễn không khỏi lo lắng và căng thẳng khi là một trong những đầu tàu của tác phẩm điện ảnh chiến tranh có quy mô lớn.
Hoàng Mai Anh, người vào vai Tuyết Lan trong "Truyền thuyết về Quán Tiên" chia sẻ, đây là một trong những vai diễn cá tính và khó nhất trong sự nghiệp đóng phim của mình, chưa bao giờ cô phải casting một nhân vật nhiều chiều diễn đến vậy, cô còn không tự tin và nghĩ ê-kíp sẽ chẳng chọn mình.
Nhưng không hiểu sao Tuyết Lan lại khiến cô cuốn vai đến mức tự mình cào cổ đến chảy máu ở buổi casting. Sau này khi đọc kịch bản tới lần thứ ba, Mai Anh quyết định nhận lời ê-kíp nhưng chia sẻ rằng trong gần 20 phim cô tham gia, đây là một nhân vật rất khó, đa cảm xúc, pha chút cả chính diện lẫn phản diện.
Đề tài chiến tranh hấp dẫn đạo diễn trẻ
"Truyền thuyết về Quán Tiên" là tác phẩm điện ảnh được Nhà nước tài trợ 70% kinh phí làm phim. Trong bối cảnh hiện nay, thị trường phim thường được các tác giả trẻ lựa chọn với đề tài nóng hổi của đời sống đương đại, giới trẻ thời thượng ăn khách thì Đinh Tuấn Vũ chọn đi một con đường khó và dài hơi đó là đề tài về chiến tranh. Một dạng đề tài khó và không phải đạo diễn trẻ nào cũng có khả năng để thử thách bản lĩnh nghề nghiệp của mình.
Chia sẻ về điều này, Đinh Tuấn Vũ khẳng định đúng là "Truyền thuyết về Quán Tiên" là một bộ phim rất khó làm bởi những điều tinh túy và sâu sắc nhất của tác phẩm truyện ngắn của nhà văn Xuân Thiều đều nằm ở nội tâm các nhân vật, đặc biệt là nhân vật Mùi.
Tuy nhiên, bản thân anh đã đọc truyện ngắn này cách đây hơn 5 năm và ám ảnh bởi nó một thời gian dài. Nên ngay khi nhận được lời mời làm đạo diễn, anh cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc. Cảm xúc lúc đó mạnh đến nỗi anh đã sởn gai ốc khi nghĩ rằng mình sắp làm một bộ phim lấy bối cảnh thời chiến.
Khi bắt tay vào sửa kịch bản phim, anh luôn đặt việc truyền tải đúng tinh thần truyện ngắn lên trên hết. Bởi với anh, câu chuyện của tác giả đã vô cùng dày dặn và có chiều sâu, nhiều tầng nghĩa. Anh chỉ thay đổi một số chi tiết cho phù hợp với điện ảnh, còn lại, anh hoàn toàn tôn trọng tác phẩm gốc.
Đinh Tuấn Vũ cũng khẳng định, để bắt nhịp với đời sống chiến tranh đầy ác liệt, với cá nhân anh, có lẽ không có cách nào khác ngoài việc đọc nhiều sách về chiến tranh, xem những bộ phim chiến tranh về Việt Nam, cả phim truyện và phim tài liệu. Đặc biệt, anh cũng đọc thêm nhiều truyện ngắn của chính nhà văn Xuân Thiều để hiểu rõ hơn về tác giả.
Với các diễn viên, dù là người từng đóng nhiều phim như Thúy Hằng, Hoàng Mai Anh, Minh Hải hay những người lần đầu tham gia phim điện ảnh như Hồ Minh Khuê, Trần Việt Hoàng, Leo Nguyễn, Lê Hoàng Long... thì điểm chung của họ là sự say mê và rất trách nhiệm với vai diễn của mình. Họ nghiên cứu kịch bản rất kĩ và thường trao đổi với đạo diễn mỗi khi có điều gì đó không hiểu hay cảm thấy kịch bản chưa hợp lý.
Như diễn viên Minh Hải, anh yêu nhân vật binh trạm trưởng Lâm đến nỗi học lời thoại mọi lúc mọi nơi và thường trằn trọc mất ngủ vào đêm trước mỗi ngày quay. Khi đạo diễn hỏi tại sao, anh nói anh vốn định ngủ từ sớm nhưng cứ tưởng tượng ra từng hành động, từng chi tiết diễn của ngày hôm sau và cứ thế, anh lại tỉnh như sáo.
Với một ê-kíp làm việc chuyên nghiệp, anh cũng tự tin rằng, xem "Truyền thuyết về Quán Tiên”, khán giả sẽ được mãn nhãn trước những cảnh quay hùng vĩ nhưng cũng đầy bí ẩn của núi rừng Trường Sơn với mây mù vờn quanh... cùng nhiều phong cảnh thiên nhiên lãng mạn, nên thơ của Quảng Bình.
Qua bộ phim này, đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ cho rằng, không hẳn là những người trẻ không mặn mà phim về chiến tranh, chỉ có điều những người làm phim phải làm ra những bộ phim chiến tranh có chất lượng đủ khiến họ yêu và thích dòng phim này. Còn để đi được dài hơi thì điều đó không phụ thuộc vào cá nhân một đạo diễn nào mà phụ thuộc nhiều hơn vào sự táo bạo của các nhà đầu tư và nhà sản xuất phim ở nước ta.
Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ năm nay 30 tuổi nhưng anh đã đạo diễn 6 phim điện ảnh trong 6 năm qua, trong đó có phim đề tài khá nặng mà đến các đạo diễn “cứng” cũng ngại như “Cuộc đời của Yến”, “Truyền thuyết về Quán Tiên"...
Tuấn Vũ cho biết, làm phim dù là phim Nhà nước đặt hàng hay phim tư nhân thì anh cũng luôn nghĩ đạo diễn sẽ chịu sức ép lớn từ dư luận, từ công chúng, bởi vì, đã là phim điện ảnh thì phải hấp dẫn và có cái để khán giả mua vé đến rạp. Cho dù hiệu ứng thế nào thì anh vẫn cảm thấy cảm ơn khán giả vì trong thời gian làm phim anh đã dồn hết tâm trí vào từng thước phim.
Cảnh phim "Truyền thuyết về Quán Tiên". |
Và đặc biệt với phim “Truyền thuyết về Quán Tiên”, trước đó anh và cả ê-kíp cũng đã đến mộ nhà văn Xuân Thiều, đến gia đình ông và cảm thấy mình nhận được sự ủng hộ về mặt tâm linh rất lớn.
Đinh Tuấn Vũ khẳng định, đúng như những câu chuyện xảy ra trong tác phẩm của nhà văn Xuân Thiều cũng như trong suốt hành trình làm phim "Truyền thuyết về Quán Tiên" đó là một sự kỳ ảo, một sự lãng mạn của chiến tranh cách mạng. Để thế hệ trẻ ngày nay, biết trân trọng hơn tất cả sự hy sinh mà một thời cha ông đã cống hiến tuổi trẻ và sức lực vì một nền hòa bình, thịnh vượng của dân tộc...