Truyện tranh đem lại hy vọng cho trẻ em Syria

Thứ Sáu, 26/05/2017, 16:26
Bộ truyện tranh (manga) nổi tiếng của Nhật Bản “Captain Tsubasa” (Đội trưởng Tsubasa) giúp phục hồi sức mạnh tinh thần cho những trẻ em tỵ nạn Syria sau khi tác phẩm được Obada Kassoumah dịch sang ngôn ngữ Arập. Nỗ lực đáng trân trọng của sinh viên Obada đem lại niềm hy vọng vào ngày mai tốt đẹp hơn cho những đứa trẻ Syria rời khỏi quê hương để tỵ nạn nơi nước ngoài.

Obada Kassoumah phát biểu: “Thực tế ở Syria thật kinh khủng đến mức tôi nghĩ rằng nó sẽ hủy hoại giấc mơ về tương lai của trẻ em. Nhưng vào một ngày nào đó chính những giấc mơ trẻ con sẽ khiến cho Syria tươi sáng hơn. Tôi mong muốn mình có thể mang lại cho các em chút ít niềm hy vọng và khiến chúng tin rằng, đúng là chúng có thể có được những giấc mơ”.

Obada Kassoumah - 26 tuổi, sinh viên Đại học Tokyo ở Nhật Bản - là người dịch truyện tranh manga sang ngôn ngữ Arập. Sau đó, nhiều bản manga “Đội trưởng Tsubasa” được chuyển giao cho các cơ quan cứu trợ nhân đạo và từ đó chúng đến tay những đứa trẻ Syria đang tỵ nạn ở châu Âu và Trung Đông. “Đội trưởng Tsubasa” là tác phẩm của nhà văn 56 tuổi Yoichi Takahashi, trong đó nhân vật chính là cậu bé Oozora Tsubasa.

Trong khi học khoa tiếng Nhật tại một trường đại học ở thủ đô Damascus của Syria, Obada nhận được học bổng du học Nhật Bản trong một chương trình trao đổi sinh viên giữa hai nước. Lúc đó là năm 2012 và tình hình đất nước ngày càng trở nên tồi tệ hơn, cha mẹ Obada quyết định gửi anh đến Jordan để sống với người cô, anh sang Tokyo trong cùng năm.

Bản tiếng Arập “Đội trưởng Tsubasa”.

Sau khi chương trình học bổng kết thúc, Obada được ở nhật Bản để tiếp tục việc học và từ đó anh dành một phần thời gian để dịch bộ truyện manga “Đội trưởng Tsubasa”. Obada bắt đầu chơi bóng đá từ nhỏ và đó là lý do vì sao anh yêu thích bộ truyện manga.

Obada kể lại: “Hồi nhỏ, tôi xem “Đội trưởng Tsubasa” trên tivi, thấy thích thú vô cùng. Đó là câu chuyện về một đứa trẻ mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp và cố gắng hết sức để biến giấc mơ thành hiện thực”.

Obada bắt đầu công việc dịch bộ truyện manga vào mùa hè năm 2016 và đã hoàn thành cuốn thứ 6 trong tổng cộng 37 cuốn. Dự án xuất bản phiên bản tiếng Arập được tổ chức bởi chuỗi hiệu sách Kinokuniya Co. ở Tokyo và được Nhà xuất bản Shueisha Inc. cho phép bán bộ manga tại Trung Đông và Bắc Phi.

Obada Kassoumah và cuốn manga dịch sang tiếng Arập.

Cùng lúc đó, nhà xuất bản nhận được đề nghị từ Masanori Naito - giáo sư Đại học Doshisha và chuyên gia về Trung Đông - tặng sách cho trẻ em tỵ nạn Syria. Thông qua sự hợp tác với các tổ chức phi chính phủ (NGO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), khoảng 1.000 cuốn trong số 3.000 bản in tiếng Arập đầu tiên được phân phối đến trẻ em Syria đang sống trong các trại tỵ nạn khắp châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Đông.

Giáo sư Naito lập luận: “Đối với trẻ em, điều hết sức quan trọng là làm thế nào để thoát khỏi hiện thực đau thương. Những cuốn manga này có thể mang lại niềm hy vọng về tương lai cho các em”. Giáo sư cho rằng, manga Nhật Bản có thể là công cụ hữu ích chống lại sự tuyệt vọng và cực đoan hóa.

Bộ manga “Đội trưởng Tsubasa” nhanh chóng trở thành best-seller khi 700 bản được bán tại Dubai hồi tháng 1-2017. Trở lại Tokyo, Obada đang dịch cuốn thứ 7 của bộ truyện tranh.

Trẻ em Syria tỵ nạn ở Berlin (Đức) nhận manga.

Theo chi nhánh Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn (UNHCR) ở Tokyo, gần 5,03 triệu người Syria rời bỏ đất nước để tỵ nạn sang nhiều quốc gia khác và khoảng 6,37 triệu người - chiếm hơn một nửa dân số - bị mất nhà cửa do chiến tranh.

Giáo sư Naito nhận định: “Cuộc nội chiến ở Syria đã rơi vào tình trạng sa lầy và lớp người trẻ tuổi nước này đang tuyệt vọng vì cảm thấy bị cộng đồng quốc tế bỏ rơi. Cuộc chiến chống khủng bố không thể giải quyết bằng bạo lực. Do đó, manga là nguồn sức mạnh mềm mà cộng đồng quốc tế có thể đóng góp cho Syria”.

Theo Nhà xuất bản Shueisha, bộ truyện tranh manga được phân phối đến 26 quốc gia và khu vực trên thế giới bao gồm: Mỹ, châu Âu, châu Á v.v... Đối với Obada Kassoumah, việc trở lại Syria không là lựa chọn của anh. Obada sẽ tiếp tục ở lại Nhật Bản để kết thúc việc học và biết rằng đất nước sẽ cần đến những kỹ năng của anh trong tương lai.

Obada hy vọng bản dịch bộ manga sang ngôn ngữ Arập sẽ đem nụ cười trở lại trên gương mặt những đứa trẻ tỵ nạn Syria, giúp các em tạm thời quên đi sự khủng khiếp của chiến tranh cũng như những ký ức đau buồn.

Di An (tổng hợp)
.
.