Tự ý dùng thuốc chống nhiễm xạ có thể gây bệnh

Chủ Nhật, 01/05/2011, 21:25

Báo cáo mới nhất của Bộ Khoa học- Công nghệ cho biết kết quả quan trắc mẫu son khí tại Đà Lạt của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tiếp tục ghi nhận được đồng vị phóng xạ nhân tạo I-131, Cs-134, Cs-137 ở mức rất thấp, không ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và môi trường. Tuy nhiên, mỗi người cần phải hiểu đúng về tác hại của phóng xạ với sức khỏe và biết cách phòng tránh đúng đắn...

Chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS-TS Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai kiêm Giám đốc Trung tâm Y học Hạt nhân và ung bướu, một trong những cơ sở y tế được giao nhiệm vụ kiểm tra và điều trị cho bệnh nhân nhiễm xạ.

PV: Thưa ông, phóng xạ xâm nhập cơ thể con người qua những con đường nào?

PGS-TS Mai Trọng Khoa: Sự phơi nhiễm phóng xạ có thể là do nhiễm xạ ngoài khi cơ thể bị chiếu xạ  bởi  các nguồn phóng xạ từ bên ngoài cơ thể như các máy phát tia xạ, các đồng vị phóng xạ bám dính trên da, quần áo, vật dụng... hoặc có thể là do nhiễm xạ vào bên trong khi chất phóng xạ xâm nhập vào bên trong cơ thể do hít, uống, ăn phải hoặc xâm nhập qua vết thương...

Một sự cố hạt nhân lớn có thể dẫn đến việc thoát khí và hạt nhân phóng xạ sẽ bay hơi từ nhiên liệu vào trong hệ thống làm nguội của lò phản ứng hạt nhân. Trường hợp vỏ lò bị hư hỏng có thể có phát thải vào không trung và chất phóng xạ bị gió cuốn hòa lẫn vào không khí. Một số hạt nhân phóng xạ có thể rơi xuống mặt đất theo mưa gió rồi thâm nhập vào nguồn nước, động, thực vật…

Một sự cố hạt nhân lớn có thể làm ô nhiễm nặng khu vực quanh lò phản ứng. Vì vậy dân chúng có thể phải chịu liều phóng xạ rất cao do hậu quả của sự cố hạt nhân xảy ra trong vùng hay ở nơi khác.

PV: Khi bị nhiễm xạ, bộ phận nào trong cơ thể bị tổn thương nhanh nhất? Những bệnh phát sinh sau khi cơ thể  bị nhiễm xạ?

PGS-TS Mai Trọng Khoa: Khi xảy ra các sự cố, tai nạn hạt nhân thì các chất phóng xạ thoát ra môi trường gồm nhiều loại do các sản phẩm phân hạch phóng xạ trong đó có 2 chất có nhiều ảnh  hưởng đến sức khỏe là iốt phóng xạ (I-131) và Xezi -137 (Cs-137).

Trong đó iốt phóng xạ được đặc biệt quan tâm do có nguy cơ làm tăng mạnh ung thư tuyến giáp, đặc biệt đối với trẻ em sau các sự cố hoặc tai nạn hạt nhân, như sau tai nạn nhà máy điện hạt nhân, nổ bom nguyên tử... Những rủi ro do việc nhiễm I-131 nặng có thể giảm thiểu bằng việc uống viên iốt, hạn chế dùng các thực phẩm trong vùng bị nạn, ở trong nhà, sơ tán dân chúng lâu dài hoặc tạm thời khỏi vùng bị nạn.

Như vậy sau sự cố hoặc tai nạn hạt nhân sẽ có nhiều chất phóng xạ thoát ra, trong đó có  khí iốt phóng xạ sẽ thoát ra và hòa vào môi trường, lúc đầu làm nhiễm xạ không khí và sau đó thành bụi lắng phóng xạ tại chỗ hoặc một vùng rộng lớn.

PV: Được biết thuốc viên kali iốt là một trong những loại thuốc có tác dụng điều trị dự phòng tác hại của iốt phóng xạ (I-131) trong các sự cố hạt nhân? Vậy khi nào thì mới dùng loại thuốc này?

PGS-TS Mai Trọng Khoa: Tuyến giáp người bình thường có thể hấp thu iốt qua nhiều đường khác nhau như từ thức ăn, nước uống, không khí... Khi iốt vào cơ thể, ví dụ qua đường tiêu hóa, nó sẽ vào dòng tuần hoàn sau đó tập trung chủ yếu tại tuyến giáp  và tồn tại ở đó vài ngày đến vài tuần. Nếu iốt phóng xạ (I-131...) vào được tuyến giáp thì tia phóng xạ của I-131 (tia gamma, đặc biệt tia beta) sẽ có thể làm tổn hại tuyến giáp hoặc gây ung thư tuyến giáp.

Do tuyến giáp không phân biệt được iốt thường (không phóng xạ) hay là iốt phóng xạ (I-131...) và tuyến giáp chỉ có thể hấp thụ một lượng hạn chế iốt, nên nếu ta chủ động đưa trước iốt thường với một liều lượng thích hợp (qua đường uống chẳng hạn) thì iốt này sẽ tập trung chủ yếu tại tuyến giáp mà sẽ không vào hoặc vào rất ít các cơ quan khác trong cơ thể.  Điều đó sẽ làm tuyến giáp được bão hòa iốt nên giảm, hoặc ngừng không hấp thu I-131 trong một khoảng thời gian nhất định.

Cho nên nếu sau đó có iốt phóng xạ xâm nhập vào cơ thể thì nó sẽ không còn cơ hội tập trung tại tuyến giáp. Lượng iốt phóng xạ này sẽ được cơ thể đào thải nhanh qua con đường tự nhiên (nước tiểu...), nên chúng ta có thể tránh được nguy cơ ung thư tuyến giáp một cách chủ động.

PV: Hiện có tình trạng người dân tự mua và uống thuốc phòng nhiễm xạ. Là một chuyên gia, ông có khuyến cáo gì đối với người dân về việc này? Việc người dân tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị nhiễm xạ sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?

PGS-TS Mai Trọng Khoa: Cần lưu ý là bình thường, cơ thể chúng ta cần một lượng iốt nhất định. Nếu thiếu hoặc thừa iốt đều không tốt, thậm chí có thể gây ra bệnh lý. Do vậy việc bổ sung iốt phải được cân nhắc và quyết định bởi các nhà chuyên môn và của ngành y tế. Chúng ta không nên tự ý bổ sung iốt khi chưa có khuyến cáo hoặc chỉ định của  các nhà chuyên môn.

Việc cung cấp các chế phẩm có chứa iốt với hàm lượng, dạng dùng thích hợp (viên, xiro, dung dịch), cách dùng, dùng trong bao nhiêu lâu, và dùng theo từng lứa tuổi như thế nào sẽ được các cơ quan chuyên môn chỉ định hướng dẫn cụ thể. Do đó, chúng ta cần bình tĩnh cập nhật thông tin mới.

Yên tâm rằng khi có sự cố thì cơ quan chức năng sẽ có những khuyến cáo cần thiết dựa trên cơ sở khoa học nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân một cách tối ưu.

Các dạng chế phẩm có chứa iốt thường ở dạng dung dịch, xirô, viên nén với các hàm lượng thích hợp sẽ được dùng cho các lứa tuổi khác nhau trong cộng đồng.

Tại thời điểm hiện tại, ở Việt Nam đã xuất hiện iốt phóng xạ (I-131) ở nhiều vùng khác nhau nhưng ở mức rất thấp so với giới hạn an toàn cho phép và chưa ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Vì vậy chúng ta chưa phải dùng các chế phẩm có chứa iốt.

Chúng ta cần theo dõi sát diễn biến của các sự cố hạt nhân và cơ quan có thẩm quyền (Bộ Y tế, Bộ Khoa học - Công nghệ…) sẽ có thông báo và khuyến cáo chính thức có dùng iốt hay không.

PV: Xin cảm ơn ông

Nguyễn Thiêm (thực hiện)
.
.