Tục sùng bái voi trắng của người Myanmar

Chủ Nhật, 25/08/2019, 13:48
Nằm khuất sau một cái lều 3 tầng mạ vàng chói lọi, chúng đá chân từ bên này sang bên kia, tiến lên 2 bước, lùi lại 2 bước, mỗi động tác phát ra âm thanh leng keng từ chuỗi xích đeo ở chân phải của chúng.

Cựu quản tượng người gốc Thụy Sỹ, ông Georges Frei viết: “Lắc lư là một hoạt động cần phải tiến hành để giúp con voi tránh rơi vào cảm giác nhàm chán, thất vọng và cô quạnh”. Thi thoảng, một người quản tượng (ở Myanmar, họ gọi bằng cái tên Oozie) đóng khố, tay cầm những cây mía lấy lòng con vật.

Con voi cái ở phía bên trái vốn đã qua đào luyện, nó quỳ xuống theo tư thế ngồi xổm để lấy lòng ông chủ. Sau chân trái của nó có một vệt sẹo dài, có lẽ đó là dấu tích của thời mà nó còn bị giam giữ trong các cánh rừng già dọc theo biên giới Myanmar – Bangladesh.

Tranh vẽ truyền thống về những chú voi trắng được tô điểm nhiều vàng. suốt một thời gian dài chúng được cho là biểu tượng của sự giàu có và quyền lực bởi các hoàng gia ở Đông Nam Á.

Bạch tượng của các vua chúa

Những con voi khác, phần lớn là voi đực với những cặp ngà dài, đang nhai những cây mía to một cách ngon lành. Sư cả U Ottama, vị hòa thượng đang sinh sống ở miền Nam thủ đô Ngưỡng Quang (Yangon) khi đặt chân đến Vườn bạch tượng hoàng gia Myanmar, hồ hởi giải thích: “Bạch Tượng (voi trắng) là chỉ dấu về một tương lai tốt lành đang chờ đợi đất nước chúng tôi”.

Bà Ma Nu, 45 tuổi, người đang quản lý một gian hàng nhỏ dựng bên cạnh cái lều mạ vàng, cho biết: “Tôi làm việc ở đây vì ông xã từng bắt được một trong những con voi có mặt ở đây”. Sau khi bắt được bạch tượng, chồng của bà Ma Nu được thưởng số tiền tương đương 70 USD và kèm một công việc ổn định mang lại mức thu nhập tương đương 90 USD/tháng nhờ bán các loại bánh ngọt, nước quả ép, soda, nước suối và bia Chang (món bia phổ biến nhất ở Thái Lan).

Hai con voi trắng nằm phủ phục ngay dưới chân cội Bồ Đề vàng – và người địa phương cùng đám đông du khách đi du lịch bằng xe bus (người Trung Quốc và người Thái Lan) hay đến địa điểm này để vãn cảnh, xem voi.

Bà Ma Nu nhấc một cái túi nhựa ra khỏi quầy hàng để chỉ cho tôi coi một loạt nhẫn bạc, dây chuyền và những miếng bùa được xâu bằng những sợi lông đuôi voi. Ma Nu ra giá mỗi miếng bùa voi có giá 10 USD, người đeo nó sẽ giúp khắc chế tà ma và dễ sinh con. Rõ ràng, bùa voi này lại rất hấp dẫn với các du khách Thái Lan. Bà Ma Nu phân trần: “Tôi tin mấy con voi trắng có năng lực siêu nhiên nào đó”.

Khi chồng của bà Ma Nu bắt được một con voi đốm khoang ở bang Rakhine vào năm 2001 – đó cũng là con voi trắng đầu tiên được nhìn thấy ở Myanmar trong suốt gần 4 thập niên – truyền thông nhà nước khi đó đã tuyên bố rằng chú voi trắng sẽ mang lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho đất nước.

Và trong một nghi thức trọng đại được cử hành ngay sau đó, chú voi trắng 8 tuổi đã được đặt tên là Yaza Gaha Thiri Pissaya Gaza Yaza  (nghĩa là Hoàng Tượng Vạn Đại - chú voi hoàng gia mang lại ân sủng vạn năm cho đất nước).

Suốt nhiều thế kỷ, các hoàng gia Đông Nam Á đã tỏ lòng thèm muốn bạch tượng khi loài vật này được xem là hiện thân của uy quyền tối thượng. Tại am tu hành của mình nằm trong khuôn viên ngôi chùa cổ kính Maha Wizaya ở thủ đô Ngưỡng Quang, thầy bói Min Kyaw Khaung giải thích: “Xét về các mặt chính trị, xã hội và kinh tế, sự xuất hiện của bạch tượng được xem là điềm báo của những thay đổi tích cực”.

Háo hức mong diện kiến những chú voi phủ lông màu tuyết trắng, các vị khách Tây phương đã cất công lặn lội tới triều đình Miến Điện và Xiêm La (Thái Lan ngày nay) trong các thế kỷ 18, 19, nhưng ở đó họ đã chê bai loài sinh vật mà họ cho là “lừa đảo” vì lông nó có màu hồng phớt, vàng, xám… chứ không thực sự trắng tinh khiết.

Sư cả U Ottama: “Mơ thấy bạch tượng là điềm báo may mắn”.

Tuy nhiên thuật ngữ “bạch tượng” trong tiếng Anh có một chút hiểu nhầm: từ “hsin pyi taw” trong tiếng Miến Điện có nghĩa là “Hoàng Tượng” (voi của hoàng gia), và từ “Chang Phuek” trong tiếng Xiêm đôi khi còn được hiểu là gần với nghĩa “voi bạch tạng”.

Với niềm tin mãnh liệt vào quyền năng của bạch tượng thế nên là nhiều hoàng gia đã lao vào các trận chiến để tranh giành báu vật. Hoàng đế Miến Điện là Bayinnaung đã từng xâm lược kinh thành Ayutthaya (của nước Xiêm La thời bấy giờ) vào năm 1563 nhằm cướp con voi trắng thường dùng làm vật cưỡi của vua Xiêm Maha Chakkraphat.

Năm 1583, thương nhân thành Venetian (hoặc cũng gọi là thành Venice, Ý) tên là Gaspero Balbi đã mô tả “chiến lợi phẩm” của vua Bayinnaung khi ông viếng thăm Bago (ngày nay nơi này cách thủ đô Ngưỡng Quang khoảng 80km về phía bắc) như sau: “Khi nhà vua giải trí, thường có 4 con voi trắng đi trước ngài đóng vai trò tiên phong, chúng được trang điểm như các vị thần, hàm răng voi cẩn nhiều vàng và châu báu”.

Các nhà vua thường khoe khoang bạch tượng mà họ sở hữu. Vua Maha Chakkraphat, người được mệnh danh là “Chúa tể bạch tượng”. Năm 1820, vua Xiêm La, Rama II đã tổ chức một sự kiện thượng cờ bằng cách dùng 3 con voi trắng đội quốc kỳ trên lưng chúng.

Hay nhà vua Miến Điện, Sagaing Min, ngài là một người sùng bái bạch tượng có tiếng khi đã tự phong bản thân mình là “Đại chúa tể bạch tượng”. Hoặc gần đây là vào năm 2009, Chính phủ Myanmar đã cho phát hành tờ tiền giấy 5000 kyat mang hình ảnh một chú voi trắng tinh khôi. Sở hữu bạch tượng được xem là phát tài, may mắn; ngược lại nếu bạch tượng chết thì họa tai sẽ ập xuống đầu. Nhà truyền giáo sống vào thế kỷ 18, Vincentius Sangermano kể rằng khi một chú voi trắng qua đời, nhà vua Miến Điện tỏ ra kinh hoảng, ngài sợ kẻ thù sẽ phế truất ngai báu, và luôn tưởng tượng rằng mình sẽ chỉ còn sống được vài ngày trên cõi đời”.

Hoàng đế cuối cùng của xứ Miến Điện, Thibaw Min, dường như phớt lờ những lời cảnh báo của tiền nhân về voi trắng. Chuyện kể rằng vào năm 1885, nhà vua đã trừng phạt việc bán 1 con voi trắng cho ông chủ gánh xiếc người Mỹ, Phineas Taylor Barnum; không đầy 2 năm sau đó, vương quốc của Thibaw bị quân Anh chinh phạt và bản thân nhà vua bị lưu đày tới Ấn Độ.

Tranh vẽ cảnh voi trắng trong triều đình Miến Điện vào năm 1855.

Bạch tượng sống trong lòng dân tộc

Năm 2001, sau khi chồng của bà Ma Nu bắt giữ một con voi trắng thì đến năm 2002, cũng trong cùng khu vực đó, người ta đã bắt thêm một cặp voi cái khác. Và trong một đất nước do quân đội nắm quyền thì không có gì phải ngạc nhiên khi giới chức lãnh đạo quân sự lại đặc biệt sùng bái voi trắng, điển hình là tướng Khin Nyunt, ông xem voi trắng là điềm lành.

Sau rốt, con voi trắng cuối cùng của Myanmar đã chết khi mới 5 tuổi (năm 1963) tức chỉ 1 năm sau khi xảy ra cuộc đảo chính, quân đội Myanmar lên cầm quyền từ một chính phủ vốn do dân cử. Trở lại thời điểm thập niên 1960, việc voi trắng chết đột ngột được xem là điềm gỡ cho phe đảo chính quân sự.

Tướng Khin Nyunt từng lên kế hoạch sẽ xây dựng một cung điện vàng để tôn vinh bạch tượng đã ban phúc cho “triều đại” của ông. Tuy nhiên, giấc mơ của Khin Nyunt đã tan vỡ vào năm 2004 khi ông bị lật đổ, bị buộc tội tham nhũng và bị quản thúc tại gia.

Sau cuộc đảo chính, những pho tượng chân dung của tướng Khin Nyunt đã bị xóa khỏi Vườn bạch tượng hoàng gia Myanmar, những thác nước nhân tạo đã bị tắt, và cây cối, hoa cỏ nơi đây bị bỏ hoang tiêu điều. Thêm nữa chế độ quân đội tinh hoa của Myanmar đã ngừng phân phối nhu yếu phẩm, và từ đó lượng khách hành hương đến nơi đây cũng bắt đầu thưa vắng dần.

Một bài báo đăng vào tháng 5-2010 trên tờ The Irrawaddy có viết rằng Tướng Than Shwe – chính trị gia cứng rắn đã tiếp quản chính quyền sau khi lật đổ Tướng Khin Nyunt – đã ngầm ngăn cản thuộc cấp tới thăm những con voi từng thuộc đối thủ chính trị của mình. Là một người cực kỳ mê tín, có vẻ như tướng Than Shwe đã mơ ước có những con voi trắng là của mình – những con vật đẹp đẽ đó sẽ tô điểm cho thủ đô mới Naypyidaw, nơi này nằm cách Ngưỡng Quang khoảng 390km về phía bắc.

Khi một con voi trắng được phát hiện ở bang Rakhine vào năm 2008, lập tức một cuộc tìm kiếm quy mô đã được phát động, binh lính, quản tượng và các bác sĩ thú y đã lùng sục vào nhiều cánh rừng già, dân các làng cũng làm tình nguyện viên tìm kiếm và họ không được trả lương.

Quản tượng đang chăm sóc con bạch tượng ở thủ đô Naypyidaw.

Từ trên đỉnh những ngọn đồi ở Uppatasanti Paya, là những đại lộ trải dài ngút mắt cùng mạng lưới các công trình xây dựng đang mọc lên ở Naypyidaw, ngay từ năm 2005, đô thị này đã thay thế cho Ngưỡng Quang trở thành thủ đô mới của Myanmar. Bạch tượng cũng là sinh vật đại diện cho thủ đô mới. Khi con voi trắng cuối cùng của Lào chết tại một sở thú ở Viên Chăn (Vientiane) năm 2010, giờ đây Myanmar là một trong những nơi duy nhất ở Đông Nam Á đang tồn tại loài vật thiêng liêng.

Cả Myanmar và Thái Lan hiện tại đang sở hữu nhiều voi trắng hơn bất kỳ giai đoạn nào khác trong lịch sử. Một số người cho rằng 2 quốc gia này cùng có những tương lai hứa hẹn; số người khác lại tin rằng do những thành tựu công nghệ và sự bùng phát của nạn phá rừng mà loài người mới có cơ hội nhìn thấy voi trắng.

Những con voi trắng ở Naypyidaw đang sống chan hòa với người chăm sóc chúng. Kyaw Aye, 23 tuổi, vì may mắn bắt được voi trắng vào tháng 9-2010 tại quê nhà ở bang Rakhine mà anh đã được chính quyền trao tặng một ngôi nhà mới toanh ở thủ đô kèm một công việc chăm voi với mức lương 120 USD/ tháng.

Hồi xưa, nếu Kyaw Aye mà bắt được voi trắng thì sẽ được thưởng đất đai và nhiều tiền bạc, chức tước và cả được miễn thuế nhiều năm. Kyaw Aye khoe: “Tôi có lương ổn lắm, và tôi lấy tiền đó gửi về quê cho gia đình”.

Bạch tượng được mọi giới ở Myanamar hết sức yêu quý gồm người hành hương, viên chức, lính tráng, thương nhân, chính trị gia, nhà ngoại giao và cả sư sãi. Nhưng cũng có người nhìn nhận bạch tượng dưới một cách hiểu khác. Ông Saw Yan Nhin, một nhà số học kiêm chiêm tinh học danh tiếng ở Ngưỡng Quang, giải thích: “Chúng (bạch tượng) chỉ đơn thuần là những con vật mang bệnh hay biến đổi di truyền bất thường. Chúng không có tác dụng gì đối với đất nước”.

Trong văn phòng chất la liệt sách nằm gần chùa Shwedagon nổi tiếng, nhà chiêm tinh Saw Yan Nhin thường vẽ ra nhiều tấm bản đồ hóc búa cho các khách hàng của mình, ông tuyên bố mình đang giữ lá số tử vi của nhiều chính trị gia cao cấp ở Myanmar, và tuyên bố: “Hồi xưa, vua chúa thường lấy bạch tượng để tô vẽ bản thân họ. Tuy nhiên trong thời đại mới chỉ có giáo dục, sự tự tin và thiện chí mới có thể đưa đất nước này cất cánh được”.

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
.
.