Tưng bừng vở diễn trên sân khấu thủ đô

Thứ Năm, 24/09/2020, 13:29
Hướng đến kỉ niệm 1010 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và hướng về ngày giỗ tổ ngành sân khấu, từ ngày 26-9 đến 3-10. Tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (NSSKVN) phối hợp cùng Sở Văn hóa - Thể thao (VHTT) Hà Nội tổ chức Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ IV-2020.

Liên hoan sẽ mở cửa tự do để khán giả Thủ đô có thể thoải mái thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật. Đây không chỉ là một liên hoan mang tính chất nghề nghiệp của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam mà còn là một trong những hoạt động văn hóa nghệ thuật ý nghĩa của Thủ đô Hà Nội trong những ngày mùa thu năm nay.

Cảnh Trong vở “Bạch đàn liễu” của đơn vị Lucteam.

Sân chơi nhiều màu sắc

Liên hoan năm nay được tổ chức trong tình hình dịch COVID-19 đã cơ bản được khống chế. Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội NSSKVN, Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan cho biết: Hội NSSKVN và Sở VHTT Hà Nội  vẫn quyết định tổ chức Liên hoan.  Chúng tôi vẫn triển khai kế hoạch  từ đầu năm và gửi giấy mời các đơn vị nghệ thuật tham gia để họ lên kế hoạch luyện tập. Vừa làm công tác chuẩn bị, vừa theo dõi diễn biến của tình hình dịch bệnh, anh chị em nghệ sĩ cũng có chút lo lắng nhưng cuối cùng thì chúng ta cũng đã kiểm soát được dịch bệnh để thiết lập trạng thái bình thường mới như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. Vì thế, chúng tôi đã bắt tay ngay vào việc  tổ chức Liên hoan đúng dịp kỉ niệm  các ngày lễ lớn của Hà Nội và hướng về giỗ tổ nghề sân khấu”.

Năm nay, có 14 vở diễn thuộc các đơn vị nghệ thuật Thủ đô và một số tỉnh, thành tham gia liên hoan. Ngoài các đơn vị nghệ thuật đóng trên địa bàn Thủ đô như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ..., còn có những đơn vị ở các địa phương khác như Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh, Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu, Nhà hát Chèo Bắc Giang. Một số đơn vị xã hội hóa tham gia. Đây sẽ là những đơn vị góp phần giúp cho Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ IV thêm nhiều màu sắc và sự hấp dẫn.

Theo ông Nguyễn Văn Trực - Trưởng Phòng Nghệ thuật Sở VHTT Hà Nội: “Liên hoan sân khấu Thủ đô từ lâu đã được coi là một trong những sân chơi nghề chất lượng dành cho những nghệ sĩ sân khấu Thủ đô. Các đơn vị nghệ thuật đều đầu tư rất công phu từ khâu kịch bản đến dàn dựng. Có nhiều vở diễn đã gây được tiếng vang  như các vở “Cánh chim trắng trong đêm” của Nhà hát Chèo Hà Nội. Vở “Những người con Hà Nội” của Nhà hát Kịch Hà Nội. Vở “Hà Nội gió mùa” của Nhà hát Cải lương Việt Nam là các vở xuất sắc nhất năm 2014.

Các vở: “Dâu bể một kiếp tằm” của Nhà hát Cải lương Hà Nội đoạt Huy chương Vàng , vở “Quẫn” của Đại học Sân khấu Điện ảnh đoạt Huy chương Bạc, vở “Khát vọng” đến từ Nhà hát Kịch Việt Nam đoạt Huy chương Bạc... trong kì Liên hoan lần thứ II năm 2016. Các vở “Hà Nội mùa hoa sữa” của Nhà hát Kịch Quân đội đoạt Huy chương Vàng, vở “Ngôi nhà trong thành phố” của Nhà hát Kịch Hà Nội giành Huy chương Bạc, vở “Đen trắng vòng đời” của Nhà hát Cải lương Hà Nội đoạt Huy chương Bạc của Liên hoan lần thứ III năm 2018.

Quỳnh Kool - vai nàng Mị Nương trong vở “Trương Chi - Mị Nương” của nhà hát kịch Hà Nội.

Vở diễn đa dạng đề tài, nóng hổi tính thời sự

Không có quá nhiều đoàn nghệ thuật tham dự nhưng nhìn vào bảng kịch mục năm nay quả có nhiều ấn tượng, từ kịch lịch sử cho đến hiện đại. Từ những vấn đề nóng của xã hội như tệ tham nhũng cho đến hình tượng người tốt. Một điểm nhấn thú vị là  những vở diễn từ lâu đã đóng đinh vào lòng công chúng Thủ đô yêu kịch nay được dàn dựng theo phong cách mới và nóng hổi tính thời sự.

Vở “Bạch đàn liễu” của cố tác giả Xuân Trình do đơn vi Lucteam dàn dựng lại, vở “Người tốt nhà số 5”  của nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ được Nhà hát Kịch Việt Nam dựng lại. Hay vở “Đợi đến mùa xuân” của nhà biên kịch Xuân Trình được Nhà hát Tuổi trẻ hào hứng dàn dựng...

Vở “Bạch đàn liễu” được nhà biên kịch Xuân Trình viết năm 1972, Đoàn kịch Trung ương dàn dựng năm 1973. Vở chỉ xuất hiện trên sân khấu một lần, sau đó không được diễn vì vấn đề kiểm duyệt. Lần này, đạo diễn NSƯT Trần Lực dựng lại để tri ân nhà viết kịch quá cố với cách thể hiện đương đại. Tính thời sự của vở kịch trong vấn đề tham nhũng, lạm dụng chức quyền khiến khán giả thích thú. NSND Trần Minh Ngọc nhận xét: "Vở diễn được viết cách đây 50 năm nhưng vẫn đầy ý nghĩa, nêu bật những vấn đề thời sự nóng của xã hội ngày nay khiến con người phải suy  nghĩ”.

Vở kịch ban đầu dài khoảng 3 tiếng, được đạo diễn Trần Lực rút ngắn xuống 75 phút. Những câu chuyện mang tính sinh hoạt, mối quan hệ của nhân vật được cô đọng thông qua tự sự của nhân vật. "Kịch xoáy vào những vấn đề chính, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, người dân và chính quyền, tình yêu đôi lứa với tiết tấu nhanh để phù hợp khán giả hiện đại nhưng vẫn giữ được tinh thần của tác giả", Trần Lực nói. Đạo diễn còn lồng ghép những câu thoại mang đậm hơi thở đời sống hiện đại như "Nhà bao việc", "Khó nhưng không phải là không có cách", "Cán bộ chúng ta cứ sai đâu sửa đấy"... mang tính hấp dẫn cho khán giả.

Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu chủ trì buổi họp báo về Liên hoan Sân khấu Thủ đô.

Một vở diễn khác của Xuân Trình cũng vừa được Nhà hát Tuổi trẻ dựng lại là “Đợi đến mùa xuân”. Đạo diễn Duy Anh chia sẻ: “Tôi chọn kịch bản này vì tác phẩm của ông mang tính dự báo rất lớn. Kịch viết từ năm tám mấy mà đến giờ vẫn nóng hổi với câu chuyện tiêu cực trong giáo dục. Triết lý giáo dục của vở diễn mang lại quá lớn”.

“Nếu thầy không ra thầy thì nhất định trò cũng không ra trò. Một người thầy không toàn vẹn vẫn có thể dạy thành công một bài toán, bài lý, nhưng học sinh không thể tiếp nhận bài học đạo đức ở một người thầy như thế”. Đấy là lời cô giáo Nhung trong “Đợi đến mùa xuân” mà cố tác giả Xuân Trình đã đưa ra lời khẳng định ấy từ năm 1985, cách đây 35 năm trước.

Cũng trong vở “Đợi đến mùa xuân”, cô giáo Nhung nói: “Khi tôi gieo một hạt mẩy, nhất định nó sẽ nảy một mầm xanh. Nếu mùa đông giá rét nó chưa nảy thì mùa xuân ấm áp nó sẽ nảy mầm”.

Nhà văn Ngô Thảo, nguyên Phó Chủ tịch Hội NSSKVN nhận xét: Những kịch bản văn học của cố tác giả Xuân Trình luôn đặt vấn đề gai góc, thẳng thắn, quyết liệt. Những kịch bản này dù gặp trắc trở trên đường đối thoại với đương thời nhưng luôn được người xem ủng hộ nhờ tính thời sự, tính dự báo. Xuân Trình cũng thiết lập được trong tác phẩm của mình những đối thoại với người đương thời trên cái nền triết học riêng của mình.

Điểm nhấn thú vị cho Liên hoan lần này là “Tình sử Thăng Long” của Nhà hát Chèo Hà Nội. Vở diễn khắc họa mối tình của Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh vốn nổi tiếng trong lịch sử bởi gắn với cuộc chuyển giao lịch sử giữa nhà Lý và nhà Trần dưới bàn tay sắp đặt của thái sư Trần Thủ Độ. Trong vở chèo này, mối tình ấy vẫn cho khán giả thấy tầm vóc lớn lao của thời khắc quan trọng của lịch sử và cả những nỗi niềm ẩn sâu chất chứa của hai nhân vật chính, Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh.

Vở diễn ra mắt vào một năm đầy ý nghĩa với Thủ đô khi Thăng Long - Hà Nội tròn 1010 năm tuổi, dấu mốc thiêng liêng của mảnh đất nghìn năm văn hiến. “Tình sử Thăng Long” được tập thể nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hà Nội tái hiện trên lung linh sàn diễn khiến người đương thời thổn thức, say mê.

Vở diễn không bị bó hẹp về địa danh

Nói về một số thắc mắc xoay quanh chuyện các vở diễn chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô sao lại có những vở về đề tài nông thôn hay như vở cổ, mang màu sắc dã sử những câu chuyện của vùng ngoại ô thành phố. Nhà biên kịch Lê Quý Hiền thẳng thắn: Đó là Liên hoan sân khấu “của” Thủ đô chứ không phải sân khấu chỉ “về” Thủ đô! Nếu chỉ có tác phẩm “về” Thủ đô, vô tình liên hoan thành cục bộ, chỉ quảng bá, giới thiệu địa phương (dù địa phương đó là Thủ đô) có những danh nhân nào, di tích lịch sử nào và những sự kiện lịch sử xảy ra ở đây ra sao.

Mục đích Liên hoan nghệ thuật sân khấu là trong dòng chảy của sự tìm tòi, phát triển. Bởi đối tượng sân khấu của bất cứ ngành, địa phương nào cũng là những con người Việt, đời sống Việt nói về đất nước, dân tộc và nhân dân của mình”.

Một cảnh trong Vở chèo “Tình sử Thăng Long” của Nhà hát chèo Hà Nội.

“Năm nay, với 14 vở diễn, có thể nói Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ VI sẽ là cuộc so tài đầy kịch tính và hấp dẫn. Một số vở diễn được dàn dựng mới đây đã tạo được hiệu ứng tốt trong giới làm nghề và khán giả. Bên cạnh đó, có những đơn vị nghệ thuật dựng lại các vở đã từng công diễn nhưng với góc nhìn mới và mang hơi thở thời đại. Liên hoan lần này không chỉ là nơi giao lưu về nghề nghiệp giữa các nghệ sĩ, sự trao đổi học hỏi cách làm sân khấu thời kì mới giữa các đơn vị nghệ thuật mà còn là nơi thi thố tài năng nhằm phát hiện và tiếp lửa đam mê cho những nghệ sĩ trẻ để họ tiếp tục cống hiến tài năng, nhiệt huyết của mình cho khán giả, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành sân khấu Việt Nam”, Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy Mùi chia sẻ thêm.

Trần Mỹ Hiền
.
.