Tuổi thọ của phụ nữ Nhật Bản cao nhất thế giới

Thứ Hai, 25/08/2008, 09:15
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tuổi thọ trung bình của phụ nữ Nhật Bản trong năm 2007 so với năm trước đó tăng thêm 0,19 điểm, đạt 85,99 tuổi. Như vậy là 23 năm liền họ đã chiếm kỷ lục thế giới về sống lâu.

Phụ nữ Hongkong đứng hàng thứ hai – có tuổi thọ trung bình 85,4 tuổi. Phụ nữ Pháp xếp hàng thứ ba - 84,1 tuổi. Tuổi thọ trung bình của đàn ông Nhật Bản trong năm vừa qua cũng tăng thêm 0,18 điểm, đạt 79,19 tuổi, nhưng chỉ được xếp hàng thứ ba trên thế giới, sau đàn ông Island 79,4 tuổi và Hongkong 79,3 tuổi.

Tuy nhiên, nếu tính chung cả đàn bà và đàn ông, thì người Nhật Bản vẫn chiếm kỷ lục thế giới về tuổi thọ – 82 tuổi. Báo cáo của WHO cho biết năm 2006, trong số 127,76 triệu người Nhật Bản đã có tới 26,82 triệu người vượt qua cái ngưỡng 65 tuổi, được coi là già - đến tuổi nghỉ hưu, chiếm 21% dân số (nhiều hơn 5 năm trước đó 3,7%). Tuổi thọ ngày càng cao, tỉ lệ người già ở tất cả 47 tỉnh của đất nước “Mặt trời mọc” đều tăng mạnh, nhưng tăng mạnh nhất là tỉnh Akita ở phía bắc đảo Honsyu – tính đến hết năm 2006 đã có 28,1% dân số của tỉnh vượt qua cái ngưỡng 65 tuổi. Trong khi đó ở tỉnh Sitama, kề cận với Tokyo, lại chỉ có 16,9% người già.

Các nước Italia, Thụy Sĩ, Island, Thụy Điển, Australia chiếm hàng thứ hai về sống lâu, tuổi thọ trung bình ở các nước này trong năm 2007 là 81 tuổi. Còn Pháp, Na Uy, Tây Ban Nha, Israel, New Zealand được xếp hàng thứ ba - 80 tuổi. Chiếm hàng thứ tư là các nước CHLB Đức, Anh, Phần Lan, Hy Lạp, Canada - tuổi thọ trung bình 79 tuổi. Theo báo cáo của WHO, ở Italia (thuộc nhóm nước chiếm hàng thứ hai về tuổi thọ) đã có 20% dân số vượt qua cái ngưỡng 65 tuổi, trong khi đó chỉ số này ở CHLB Đức (thuộc nhóm nước chiếm hàng thứ tư) là 18%.

Tuổi thọ trung bình ở Mỹ là 78 tuổi, Trung Quốc 72 tuổi, LB Nga 67 tuổi, Ấn Độ 62 tuổi, người Zimbabue có tuổi thọ thấp nhất thế giới – chỉ 36 tuổi.

Về điều kiện để nâng cao tuổi thọ, còn có nhiều quan điểm rất khác nhau, nhưng hầu như ai cũng phải thừa nhận rằng trước hết đó là chế độ sinh hoạt  và làm việc điều độ; ăn nhiều rau, củ, quả (thực vật), ăn thịt, trứng và tôm cua cá (hải sản) ở mức độ vừa phải; nên ăn hải sản nhiều hơn thịt các loại; thường xuyên tập thể dục và chơi các môn thể thao hợp với sức của từng người; luôn giữ hòa khí trong gia đình, trong tập thể làm việc và trong cộng đồng dân cư (bà con chòm xóm, đường phố).

Nên ăn gì và uống gì, không nên ăn và uống gì là những vấn đề có nhiều ý kiến trái ngược nhau nhất. Nhưng tất cả đều phải thừa nhận rằng ăn các loại hải sản sẽ kéo dài tuổi thọ; còn quá lạm dụng các loại thịt, kể cả các loại thịt gia súc, gia cầm, hay thú rừng đều rút ngắn vòng đời. Không nên uống nhiều rượu mạnh (trên 25o) và bia, nhưng nếu thường xuyên mỗi bữa ăn đều có rượu vang (14-18o) thì rất có lợi cho sức khỏe.

Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã chứng minh được rằng trong rượu vang có chứa những chất chống lão hóa, tăng cường sức làm việc của các cơ quan trong cơ thể

Linh Vũ (Tổng hợp)
.
.