Tiết lộ giây phút đoàn tàu SE2 gặp nạn ở Thừa Thiên - Huế

Thứ Tư, 22/02/2017, 11:35
Một vụ tai nạn giao thông hết sức thảm khốc đã xảy ra trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, đầu máy và 5 toa tàu của đoàn tàu mang số hiệu SE2 đang trên hành trình TP HCM đi Hà Nội đã bị lật và văng khỏi đường ray. Có 3 người tử vong tại chỗ, 4 người bị thương, hơn 220 hành khách đã được xe ôtô tăng bo về Ga Huế để đổi tàu tiếp tục hành trình trong tình trạng hoảng loạn...

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng có mặt tại hiện trường để chỉ đạo hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Công an huyện Phú Lộc, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, Đội 2 thuộc Phòng 11, Cục CSGT và hàng trăm công nhân của Công ty CP Quản lý đường sắt Bình Trị Thiên tích cực thực hiện công tác bảo vệ, cứu hộ, cứu nạn...

Lúc 14 giờ 40 phút, ngày 20-2-2017, đoàn tàu khách mang số hiệu SE2 do đầu máy mang số hiệu 906 kéo đang trên hành trình từ TP HCM đi Hà Nội. Khi đến vị trí Km738+245 thuộc khu gian Lăng Cô - Cầu Hai, nằm trên địa bàn thôn Phước Hưng, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) thì tông ngang chiếc xe tải mang BKS 75C-026.91của Công ty TNHH Đồng Tâm đang cố tình vượt qua đường sắt.

Hiện trường vụ tai nạn.

Cú va chạm mạnh làm chiếc xe ô tô tải văng ra xa hơn 50m, rồi lật úp xuống vực trong tình trạng ca bin xe bị tác động biến dạng. Đầu máy đoàn tàu cùng 5 toa tàu bị lật ngang và văng ra khỏi đường ray... Hậu quả, có 3 người tử vong tại chỗ gồm: Trưởng tàu phụ trách an ninh Phạm Hồng Phượng (1984, quê ở Yên Bái, hiện cư trú tại Hà Nội) cùng vợ và 2 con nhỏ; tài xế xe tải Lê Bá Dũng và phụ xe Lê Văn Thuấn cùng trú tại thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế). 2 hành khách đi trên tàu bị thương nhẹ cùng lái tàu Nguyễn Văn Công, lái phụ Vũ Như Ý đã được đưa đến Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu.

Nhận được thông tin về vụ tai nạn thảm khốc này, lực lượng chức năng địa phương đã nhanh chóng điều động người và phương tiện có mặt tại hiện trường để thực hiện việc cứu nạn, cứu hộ...

Thiếu tá Trần Hải Hoàng - Phó Đội trưởng Đội 2, Phòng 11, Cục CSGT cho biết: Chúng tôi đã có mặt kịp thời tại hiện trường nơi xảy ra tai nạn để phối hợp với các lực lượng địa phương vừa tham gia tổ chức công tác cứu nạn, cứu hộ, vừa triển khai lực lượng để bảo vệ hiện trường nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại nơi xảy ra tai nạn và bảo vệ hiện trường để đáp ứng tốt công tác điều tra. Tổ chức sắp xếp hành khách trên đoàn tàu bị nạn đến địa điểm tập kết lên xe trung chuyển đến ga Huế sang tàu khác tiếp tục hành trình...

Nhiều người dân ở thôn Phước Hưng kể lại rằng, thời điểm xảy ra tai nạn họ nghe những tiếng động lớn, họ chạy ra xem thì nhìn thấy nhiều toa tàu đã văng ra khỏi đường ray, bụi tung mịt mù, tới gần hiện trường họ thấy chiếc xe tải lật úp, đầu vỡ nát, tài xế và phụ xe chết ngay tại chỗ, xác văng ra khỏi ca bin... Hàng trăm hành khách trên tàu la hét trong tình cảnh hoảng loạn.

Những người dân thôn Phước Hưng đã nhanh chóng leo lên các toa tàu để hướng dẫn cho hành khách xuống tàu đúng lối ra một cách trật tự, có rất nhiều hành khách vì hoảng loạn đã thoát ra khỏi toa tàu qua những cửa kính bị vỡ, có người chỉ kịp thoát thân cho đến khi hoàn hồn mới nhớ mình còn quên hành lý trên toa tàu.

Chiếc xe tải lật úp, biến dạng.

Ông Nguyễn Văn Hải - một người dân địa phương cho biết, tuyến đường ngang dân sinh nơi xảy ra tai nạn là con đường độc đạo, phía bên trong đường sắt có chừng 200 hộ gia đình sinh sống. Hằng ngày cư dân vùng này chỉ có lưu thông qua con đường này, tuy nhiên, ở đường ngang này đến thời điểm xảy ra tai nạn vẫn chưa có gác chắn mà chỉ có biển cảnh báo.

Cũng tại điểm này đã từng xảy ra chuyện chết người vì tai nạn đường sắt, còn trâu, bò đi qua bị tàu lửa tông chết là chuyện thường xuyên xảy ra... Biết được nguy cơ tai nạn, người dân xóm Mía, xã Lộc Thủy cũng đã nhiều lần kiến nghị với cơ quan chức năng nên lắp rào chắn để phòng ngừa hậu họa, tuy nhiên, nguyện vọng này của người dân đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Trao đổi với báo giới tại nơi hiện trường xảy ra vụ tai nạn, ông Trần Hoán - Giám đốc Công ty CP Quản lý đường sắt Bình Trị Thiên cho biết: Hiện nay, còn khá nhiều đường ngang dân sinh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế chưa có gác chắn mà chỉ có biển cảnh báo. Ông Hoán cũng giải thích thêm rằng, ở các điểm đường ngang có 3 loại hình để hạn chế tai nạn đó là: Gác chắn tự động, gác chắn và biển cảnh báo.

Ông Hoán bảo rằng, đang có kế hoạch xây dựng hệ thống barie tự động cho các đường ngang dân sinh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, điểm vừa xảy ra tai nạn này cũng nằm trong kế hoạch lắp barie tự động. Chỉ tiếc một điều là chưa lắp được barie thì tai nạn nghiêm trọng này đã xảy ra...

Nhận được thông tin về vụ tai nạn nghiêm trọng trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, Phó thủ tướng thường trực - Chủ tịch Ủy Ban ATGT quốc gia Trương Hòa Bình đã có công điện gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân tử vong, động viên thăm hỏi các nạn nhân bị thương, đồng thời phân công Phó Chủ tịch Chuyên trách Ban ATGT quốc Gia Khuất Việt Hùng trực tiếp đến hiện trường để phối hợp cùng UBND và Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên Huế khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

Lãnh đạo Bộ GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo cứu hộ xuyên đêm.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo sát sao các cơ quan chức năng khẩn trương cứu chữa các nạn nhân bị thương, tổ chức thăm hỏi động viên các gia đình có người tử nạn. Lực lượng công an tỉnh khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm đã gây ra vụ tai nạn nghiêm trọng này.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với cấc bộ, ngành liên quan khẩn trương xử lý hiện trường, sớm giải tỏa để thông tuyến nhanh nhất...

Hàng trăm công nhân đường sắt thuộc Công ty CP Quản lý đường sắt Bình Trị Thiên cùng phương tiện vật tư đã được điều động khẩn trương có mặt tại hiện trường. Một chiếc cẩu 100 tấn từ Đà Nẵng cùng một chiếc cẩu 50 tấn từ Quảng Bình cũng đã được gấp rút điều động đến hiện trường để thực hiện việc cứu hộ.

Trong ngổn ngang toa xe và đầu máy cùng dầu mỡ chảy lênh láng trên hiện trường, Trưởng tàu khách Nguyễn Thanh Minh vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại: Thời điểm xảy ra tai nạn, tàu chạy với tốc độ chừng 70km/h (thấp hơn tốc độ cho phép), khi tàu bắt đầu vào khu gian Lăng Cô - Cầu Hai thì gặp tai nạn. Lúc đó, bản thân tôi cùng với chừng 10 cán bộ, nhân viên trên tàu đang ngồi ở toa bưu vụ thì nghe lái tàu kéo còi inh ỏi và tiếp đó là tiếng phanh gấp.

Chỉ một tích tắc, toa bưu vụ đã bị hất nghiêng qua bên trái đường ray, xoay hướng về phía nam, tôi bị văng ra, nhưng may mắn vớ được chân giường để níu lại. Rất may mắn là thời điểm đó cửa thoát hiểm mở nên tôi lấy búa đập cửa để đưa anh thoát ra ngoài, chỉ tiếc là không cứu được trưởng tàu phụ trách an ninh Phạm Hồng Phượng. Thời điểm tai nạn xảy ra, anh Phượng đang xuống ban và nằm ở toa bưu vụ, có lẽ do bị đồ đạc trong toa đổ chặn lên người nên anh Phượng bị kẹt trong đó tử vong...

Bằng rất nhiều nỗ lực trong công tác cứu hộ, đến 19 giờ ngày 20-2, đã có 9/15 toa xe của đoàn tàu SE2 cùng với 10 nhân viên được đưa về ga Lăng Cô, 15 cán bộ, nhân viên còn lại của đoàn tàu tiếp tục bám hiện trường để phối hợp với các ngành chức năng cứu hộ. Hơn 220 hành khách đi trên đoàn tàu SE2 đã được Công ty Cổ phần xe khách Thừa Thiên Huế tổ chức trung chuyển đến ga Huế để tiếp tục hành trình ra Bắc.

Lúc 20 giờ ngày 20-2, thi thể của trưởng tàu phụ trách an ninh Phạm Hồng Phượng mới được lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi toa xe, sau đó lực lượng y tế đã đưa thi thể anh Phượng về Bệnh viện Đa khoa Chân Mây để thực hiện việc khám nghiệm tử thi. Thời điểm này, vợ và người thân của anh Phượng cũng vừa đáp máy bay xuống sân bay Phú Bài và đã được đưa đến hiện trường vụ tai nạn. Những tiếng khóc xé lòng của người vợ trẻ cùng người thân của anh đã làm cho bạn bè, đồng nghiệp và những người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn không thể cầm được nước mắt...

Lực lượng cứu hộ đưa thi thể trưởng tàu an ninh ra khỏi toa xe.

Chị Hồng vợ anh Phượng cho biết, anh bảo anh đi chuyến này về rồi sẽ thu xếp để đưa 3 mẹ con về quê giỗ bố, vậy mà điều này mãi mãi không thành... Một người thân của anh Phượng nói trong giàn giụa nước mắt, em nó đi làm đã 10 năm nay, có đến 6 năm liền đi phụ trách an ninh cho trưởng tàu khách Nguyễn Thanh Minh. Anh em làm việc với nhau hòa thuận lắm, ai ngờ...

Khi có mặt tại hiện trường vụ tai nạn, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ban ATGT quốc gia, lãnh đạo ngành Đường sắt và lãnh đạo các ngành hữu trách của tỉnh Thừa Thiên Huế đã có cuộc họp khẩn bàn kế hoạch cứu hộ một cách hợp lý và an toàn nhất.

Ông Khuất Việt Hùng đã chuyển ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc Gia Trương Hòa Bình biểu dương đánh giá cao công tác cứu hộ, cứu nạn của địa phương và các lực lượng chức năng. Đồng thời yêu cầu sớm có giải pháp thông tuyến, đảm bảo tổng thể ATGT đường sắt.

Ông Hùng đề nghị địa phương hỗ trợ phương án đưa cẩu đường bộ vào phối hợp với mục tiêu ngay trong đêm 20-2 phải đưa được các toa ra khỏi đường ray và thông tuyến đường sắt trong sáng 21-2. Trước mắt, thăm hỏi nạn nhân trong vụ tai nạn, Ngành Đường sắt phải có chế độ chính sách hỗ trợ cao nhất cho trưởng tàu phụ trách an ninh gặp nạn, giải phóng hành khách cho kịp hành trình, lưu ý ngành hàng không xem xét để hỗ trợ chuyển tải hành khách...

Đại tá Lê Quốc Hùng - Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Hiện lực lượng công an tỉnh đã thu được hộp đen của tàu, các giấy tờ liên quan đến quá trình vận hành và chạy tàu của đoàn tàu mang số hiệu SE2... nhằm phục vụ cho công tác điều tra.

Ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, bước đầu có thể thấy nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn đường sắt thảm khốc này là do tài xế điều khiển xe tải cố tình vượt qua đường ngang không có gác chắn trong thời điểm tàu lửa đi qua...

Có thể nói, đêm 20-2 là một đêm trắng của cả nghìn con người thuộc nhiều lực lượng tham gia cứu hộ đoàn tàu SE2 gặp nạn. Lãnh đạo Bộ GTVT, lãnh đạo Ủy ban ATGT quốc gia và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã trắng đêm chỉ đạo công tác khắc phục sự cố này với quyết tâm trong thời gian sớm nhất sẽ thông được tuyến đường sắt Bắc - Nam. Tuy nhiên, địa bàn nơi xảy ra tai nạn không thuận lợi cho việc cứu hộ, gần 200m đường ray bị hư hỏng nặng, nên các công nhân đường sắt phải lắp tà vẹt, lắp ray bảo đảm an toàn thì những chiếc cẩu chuyên dụng mới áp sát các toa xe bị lật được.

Đến sáng 21-2, thêm một chiếc cẩu chuyên dụng 150 tấn đã được điều động đến hiện trường vụ tai nạn, hàng trăm công nhân của Công ty CP Quản lý đường sắt Bình Trị Thiên vẫn đang nỗ lực hết mình để khắc phục lại những điểm có ray và tà vẹt bị hư hỏng... Những chiếc cẩu 100 tấn, 50 tấn vẫn đang hoạt động hết công suất để quyết tâm đưa các toa xe bị lật, bị trật bánh ra khỏi đường sắt, nhằm tạo mặt bằng thông thoáng cho công nhân tác nghiệp.

Theo dự kiến, đến trưa 21-2 hiện trường vụ tai nạn sẽ được khắc phục, tuyến đường sắt Bắc - Nam sẽ được khai thông.

PV Miền Trung
.
.