Tuyên bố áp thuế 300 tỷ USD hàng Trung Quốc và dự báo kinh tế Mỹ

Thứ Hai, 05/08/2019, 15:10
Bất chấp việc các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1-9-2019. Tuyên bố này đã gây sốc và ngay lập tức tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Mỹ cũng như toàn cầu.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung với những lần đánh thuế kiểu “ăn miếng trả miếng” đã khiến cả hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới đều gặp khó khăn, phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tài chính thế giới.

Trong viễn cảnh không xa, nền kinh tế Mỹ, vốn đang đóng vai trò điều phối, cũng không lấy gì làm sáng sủa.

Tăng trưởng chậm lại

Trong số liệu dự báo mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) công bố vào tháng 3, dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2019 sẽ giảm từ 2,3% xuống còn 2,1%. Ngoài ra, Văn phòng ngân sách Quốc hội Mỹ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng liên tục hạ thấp tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm 2019. Do đó, từ dự báo của các tổ chức quan trọng về kinh tế Mỹ, có thể thấy quan điểm chủ yếu nhất trí cho rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại.

Chỉ số hoạt động quốc gia của FED tại Chicago là một trong những chỉ số hàng đầu thường sử dụng để dự báo tình hình tổng thể kinh tế Mỹ. Nó bao gồm bình quân gia quyền của 85 chỉ số trên 4 lĩnh vực là sản xuất và thu nhập; việc làm và tiền lương tính theo giờ; tiêu dùng cá nhân và tình hình nhà ở; tình hình tiêu thụ và sinh sống. Chỉ số này phù hợp với xu thế tăng trưởng kinh tế Mỹ, đặc biệt là mấy năm gần đây thường đi trước khoảng một quý so với tăng trưởng của kinh tế Mỹ.

Chỉ số hoạt động quốc gia của Mỹ trong quý I-2019 giảm xuống dưới 0, ở mức -0,24,. Chỉ số hoạt động quốc gia tính bình quân trong 4 quý cũng xuất hiện dấu hiệu nhịp độ quay trở lại, điều này ngầm cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ có thể sẽ chậm lại.

Khi dự báo xu hướng kinh tế Mỹ, một chỉ số duy nhất có thể tạo ra sai lệch. Do đó, một mặt phải kết hợp các chỉ số hàng đầu khác, xem phương hướng của các chỉ số đó có phù hợp hay không, mặt khác phải dự báo các thành phần chủ yếu của GDP.

Chỉ số hàng đầu của tăng trưởng kinh tế Mỹ hiện nay thường dùng chỉ số ECRI hay còn gọi là chỉ số giá công nghiệp của Viện Nghiên cứu chu kỳ kinh tế Mỹ và chỉ số hàng đầu toàn diện OECD do chính đơn vị này công bố. Chỉ số ECRI bắt đầu đảo chiều nhịp độ vào tháng 2-2018 sau khi đạt đỉnh kể từ khi bùng nổ cuộc khủng hoảng tài chính, chỉ số toàn diện OECD cũng liên tục giảm sau khi đạt đỉnh cao vào tháng 3-2018. Rất nhiều chỉ số hàng đầu về tăng trưởng kinh tế Mỹ đã xuất hiện đảo chiều sau khi đạt đỉnh vào năm 2018, càng củng cố thêm dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố tiếp tục áp thuế 10% đối với 300 Tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc ngay khi các cuộc đàm phán còn đang diễn ra.

Biến động trên thị trường tài chính

Năm 2018, FED tăng lãi suất 4 lần, từ 2,25% lên 2,5%. Tuy nhiên, với những lo ngại về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế và sự hoài nghi đối với tiến trình phục hồi kinh tế, bao gồm cả những dự báo về tình hình thương chiến Mỹ - Trung, Hội nghị của FED vào tháng 3-2019 đã quyết định không tăng lãi suất do đã 2 lần tăng lãi suất thấp hơn dự báo trước đó. Thái độ mềm dẻo của FED là rõ ràng và nó tác động ngay đến tâm lý của các chuyên gia kinh tế cũng như các nhà đầu tư.

Nếu tính từ thời điểm có giá trị thấp vào tháng 4-2008, chu kỳ của đồng USD đã tiếp tục kéo dài khoảng 12 năm. Điều mà thị trường quan tâm nhất là chu kỳ đồng USD mạnh khi nào sẽ kết thúc? Do khả năng tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2019 suy giảm và việc FED ngừng tăng lãi suất, nên thị trường nhìn chung cho rằng tỷ giá của đồng USD năm 2019 sẽ giảm rõ rệt.

Tuy nhiên, xu hướng của tỷ giá đồng USD không đơn thuần do kinh tế Mỹ quyết định mà là sự so sánh tương đối giữa hai nền kinh tế. Sau khi đồng euro xuất hiện vào tháng 1-1999, quyền định giá của đồng USD cao hơn 57,6% so với đồng euro, nên khi dự báo tỷ giá đồng USD, người ta chủ yếu quan tâm đến sự thay đổi xu thế kinh tế và lãi suất giữa Mỹ với Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Việc so sánh các điểm mạnh, yếu của dự báo tăng trưởng kinh tế quyết định xu hướng dài hạn của đồng USD, còn sự thay đổi lãi suất quyết định biến động ngắn hạn của tỷ giá đồng USD. Tháng 3-2019, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã công bố quyết định lãi suất ôn hòa hơn dự kiến, cho biết ít nhất đến cuối năm 2019, mức lãi suất chủ yếu sẽ không thay đổi.

Cũng vào thời điểm đó, FED ngầm cho biết sẽ không tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay. Do đó, mức chênh dự báo lãi suất giữa Mỹ và Eurozone sẽ không thay đổi trong năm 2019 và cũng không hỗ trợ điều chỉnh mạnh tỷ giá đồng USD trong thời gian ngắn. Ngoài ra, sự chênh lệch về tốc độ tăng trưởng kinh tế giữa Mỹ và Eurozone là 1,1%. Mức chênh lệch này nhỏ hơn so với dự báo. IMF dự báo chênh lệch này sẽ rơi vào các mức 0,9%, 0,1% và 0,173% từ năm 2019 đến 2021.

Một dự báo khác của Ngân hàng Thế giới (WB) là các mức 0,9%, 0,2% và 0,3% cũng trong giai đoạn đó. Nhìn chung, chỉ số USD đối mặt với sức ép bị biến động suy giảm nhưng còn quá sớm để nhận định chu kỳ của đồng USD hiện tại đã kết thúc.

Một thay đổi đáng chú ý khác là lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ vào tháng 3-2019 đã chạm đáy. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy kể từ năm 1970 đến nay, lãi suất của loại trái phiếu này đã chạm đáy 6 lần và sau mỗi lần chạm đáy thì nền kinh tế sẽ suy thoái ở mức độ khác nhau. Liệu lần này sẽ khác?

Huy Thông (tổng hợp)
.
.