Tuyển thủ Mali bị đuổi cổ khỏi CAN 2019 vì choảng nhau với đồng đội

Thứ Tư, 10/07/2019, 17:43
Tiền đạo Adama Niane của đội tuyển Mali đã phải sớm nói lời chia tay với CAN 2019 (giải vô địch các quốc gia châu Phi) vì màn choảng nhau với chính đồng đội. Không chỉ có Niane, làng túc cầu thế giới đã ghi nhận những trường hợp tương tự gây ra màn "gà nhà đá nhau" đáng xấu hổ…

Chơi càn lướt mạnh mẽ cùng khả năng không chiến khá tốt, chân sút 26 tuổi Adama Niane đã được ban huấn luyện của đội tuyển Mali kỳ vọng rất nhiều khi tham dự CAN 2019, diễn ra tại Ai Cập từ ngày 21-6 đến ngày 19-7-2019. Song càng kỳ vọng bao nhiêu, người ta lại hụt hẫng bấy nhiêu vì anh chàng cầu thủ chưa thành tài đã sinh tật.

Niane đã tự bôi vết đen vào hồ sơ qua màn tẩn nhau với chính đồng đội tại đội tuyển Mali. Sự vụ tai tiếng bắt đầu xảy đến khi một số tuyển thủ Mali mà đứng đầu là đội trưởng Abdoulaye Diaby thuê một thợ cắt tóc có tay nghề cao tới khách sạn đóng quân của cả đội tại thành phố  Cairo (Ai Cập) để cắt tỉa tóc tai. Lẽ ra màn chỉnh trang "góc con người" của cánh tuyển thủ Mali đã diễn ra vui vẻ nếu không có sự cố đáng hổ thẹn do Niane gây ra.

Adama Niane đang đối mặt với án phạt treo giò.

Trước cảnh thủ quân Diaby được ưu tiên ngồi vào ghế cắt tóc trước, tiền đạo hiện khoác áo CLB Charleroi (Bỉ) bỗng dưng nổi khùng lên. Từ chỗ tỏ thái độ khó chịu ra mặt, Niane đã lớn tiếng công kích Diaby không có đủ tư cách để tranh quyền cắt tóc với anh ta.

 Bất chấp việc Diaby lớn hơn mình 2 tuổi, Niane đã liên tục thóa mạ Diaby chỉ là "đứa trẻ ranh" bày đặt làm đàn anh. "Tất cả chúng tôi khi đó đều cảm thấy bị sốc vì cách hành xử một cách vô lối của Niane", một tuyển thủ Mali có mặt tại chỗ cắt tóc của cả đội nhớ lại, "Thái độ của Niane vô cùng hung hăng, hiếu chiến như thể muốn gây sự với bất kỳ ai".

Không muốn sự vụ diễn ra theo chiều hướng tồi tệ, đội trưởng Diaby đã cố ôn tồn khuyên bảo Niane hành xử một cách chừng mực. Hơn thế nữa, ngôi sao của CLB Sporting Lisbon còn tỏ thái độ thiện chí với việc tuyên bố sẽ nhường cho Niane hay bất kỳ đồng đội nào khác được ưu tiên cắt tóc trước nếu cần. Trong khi Diaby thể hiện thái độ nhân nhượng nhằm giữ hòa khí, Niane càng được đà lấn tới.

Máu nóng bốc lên đầu, Niane đã châm ngòi cho màn loạn đả giữa hai người khi xông tới tát mạnh vào mặt Diaby trong lúc Diaby vẫn còn đang ngồi trên ghế cắt tóc.

Tới lúc này, thủ quân của đội tuyển Mali buộc phải có phản ứng tự vệ nhằm đảm bảo sự an toàn cho bản thân mình. Màn "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" giữa hai tuyển thủ Mali bỗng chốc khiến một góc khách sạn trú chân của đội bóng trở nên náo loạn, ầm ĩ.

Trong cơn hăng máu quyết ăn thua với đối thủ, Niane đã tẩn luôn cả một đồng đội nữa là Moussa Djenepo khi cầu thủ chạy cánh mới gia nhập CLB Southampton liều mình xông vào can ngăn. Không thể khuyên can được số tuyển thủ Mali đang choảng nhau như những chú gà chọi hăng máu, nhân viên bảo vệ tại khách sạn đã buộc phải dùng biện pháp vũ lực để trấn áp. Cả Niane lẫn Diaby sau đó đã được cách ly với nhau để tránh lặp lại màn xô xát.

Chứng kiến cảnh học trò đánh nhau trong khi cả đội dồn sức tham dự giải đấu có quy mô châu lục như CAN  2019, ông Mohamed Magassouba, huấn luyện viên trưởng đội tuyển Mali đã nổi cơn thịnh nộ. "Tôi tin chắc rằng không chỉ cá nhân tôi mà bất kỳ ai cũng không thể nào tha thứ cho hành động đáng hổ thẹn của Niane. Cậu ta rõ ràng đã quay lưng lại với tình yêu và sự tin tưởng mà hàng triệu cổ động viên của đội tuyển Mali gửi gắm tại giải đấu năm nay".

Nhằm duy trì sự kỷ luật và đoàn kết cho cả đội trong những loạt trận còn lại CAN 2019, ông thầy Magassouba đã đưa ra quyết định cứng rắn trong việc tống cổ Niane về nước.

"Họa vô đơn chí", án phạt treo giò từ liên đoàn bóng đá Mali còn đang treo lơ lửng trên đầu Niane vì màn choảng nhau với đồng đội đầy tai tiếng. "Niane  rõ ràng không xứng đáng được tiếp tục khoác lên người chiếc áo đội tuyển quốc gia sau những gì anh ta đã gây ra", đại diện Liên đoàn bóng đá Mali phát biểu trước giới truyền thông.

Cùng với Adama Niane, tiền vệ Selemani Ndikumana của đội tuyển Burundi trước đó cũng đã bị loại khỏi CAN 2019 vì xô xát với đồng đội trên sân tập của đội bóng.

Sự vụ mà Niane cũng như Ndikumana gây ra  tại CAN 2019 đã lại một lần nữa khiến người ta ngán ngẩm vì cách hành xử thiếu kiềm chế của những cầu thủ cùng chung một màu áo, cùng chung một chiến tuyến.

Ví dụ điển hình ở đây là màn tẩn nhau ngay trên sân Arena da Amazonia của hai tuyển thủ Cameroon, Benoit Assou-Ekotto và Benjamin Moukandjo sau trận thua thảm hại với tỷ số 0-4 trước Croatia ở vòng bảng World Cup 2014 diễn ra tại Brazil.

Trước khi World Cup 2002 khởi tranh, đội tuyển Thụy Điển đã gây tai tiếng qua màn choảng nhau giữa bộ đôi Olof Melberg và Freddie Ljungberg. Sau khi bị Melberg vào bóng khá quyết liệt trong một buổi tập của cả đội, tiền vệ Ljungberg đã lao ngay tới… bóp cổ Melberg.

Một sự vụ tai tiếng không kém tai tiếng khác là màn lao vào đánh nhau của hai cầu thủ Lee Bowyer và Kieron Dyer ở CLB Newcastle ngay trên sân trong trận thua 0-3 trước Aston Villa vào năm 2005. Cả hai cầu thủ với cái đầu nóng đều đã bị trọng tài rút thẻ đỏ truất quyền thi đấu.

Điểm qua một vài trường hợp cụ thể, có thể thấy rõ vấn nạn "gà nhà đá nhau" trong làng túc cầu thế giới khó mà có thể chấm dứt trong một sớm một chiều nếu người trong cuộc không biết cách tiết chế hành động.

Bảo Quyên
.
.