Tỷ lệ dân số già đe dọa sự cường thịnh của châu Âu

Thứ Sáu, 30/06/2017, 19:40
Giới nhân chủng học của Lục địa già, hay Lục địa cũ (tên gọi châu Âu một cách phổ biến nhất trong mọi thế kỷ qua) đều nhất trí, rằng trong tất cả các vấn đề nan giải của Liên minh châu Âu (EU) bao gồm 28 nước thành viên, thì điều ưu tiên hàng đầu miễn bàn cãi là công cuộc đấu tranh chống lại nạn giảm dân số trầm trọng của lục địa này, cũng như tỷ lệ già nua ngày một tăng trong dân chúng.

Dân số của Pháp không bao giờ có thể vượt qua được con số 70 triệu người. Phải mất đúng 2 thế kỷ để tổng số dân Pháp tăng lên được gấp đôi: từ 27,5 triệu người hồi năm 1779 đến 55 triệu người trong thập niên 80 thế kỷ trước. Các nhà nhân chủng học quả quyết rằng tới đầu năm 2020 dân số Pháp sẽ xấp xỉ 70 triệu người, sau đó tới giai đoạn “chựng lại” và bắt đầu giảm dần...

Ông Jerar Elfarsi, Giám đốc Viện nghiên cứu Các vấn đề về Nhân chủng học và Dân số học có trụ sở tại Paris, luôn nhấn mạnh về “viễn cảnh dân số” của nước Pháp đến năm 2050, điều đó có nghĩa là những người trưởng thành hiện nay sẽ vượt qua giới hạn của lứa tuổi 60. Giám đốc J. Elfarsi đúc kết 2 cụm từ đặc trưng cho giai đoạn này là “chựng lại” và “già đi”. Đây cũng là vấn đề nổi cộm với các quốc gia khác thuộc EU.

Phác đồ tỷ lệ người cao niên trong cơ cấu dân số Pháp.

Việc tuổi thọ tăng cũng là một nguyên nhân khiến thực trạng dân số của Lục địa già đang ngày một già đi. So với đầu thế kỷ XX, tuổi thọ trung bình của phụ nữ trong EU đã tăng 26 năm, còn đàn ông là 22 năm. Nhưng tỷ lệ tử vong trong đàn ông cũng là một nguyên nhân khác khiến dân số “chựng lại”.

Nam giới thường chết nhiều hơn nữ giới, nhất là trong nhóm từ 14 - 24 tuổi bởi những lý do bất hạnh. Ví như với tai nạn xe hơi, số đàn ông tử vong thường nhiều gấp 4 lần phụ nữ. Còn trong nhóm từ 45 - 64 tuổi cánh “mày râu” thường thiệt mạng bởi chứng ung thư phổi hay các bệnh về tim mạch, hệ quả của tệ nghiện thuốc lá và nghiện rượu thời trẻ.

Tuổi thọ của nam giới nói chung không tăng mấy: tới năm 2020 cao lắm là thêm một năm nữa và sẽ vẫn giữ nguyên như vậy trong suốt nửa đầu thế kỷ XXI này.

Sự “chựng lại” và “già đi” được giải thích bằng rất nhiều nguyên nhân, như các thành tựu mới của y học về lão hóa, tỷ lệ tử vong trong dân số không đổi... Nhưng lý do cơ bản của thực trạng này là tỷ lệ sinh đẻ ngày một ít đi. Sau thời kỳ “bùng nổ sinh nở” hậu Thế chiến II, tỷ lệ sinh sản trong dân chúng châu Âu ngày càng giảm, thậm chí còn thấp hơn thế kỷ XIX.

Tỷ lệ sinh đẻ trung bình của một phụ nữ Pháp hiện nay là 1,8 đứa con. Còn theo các chuyên gia nhân chủng học, thì nữ giới phải tăng tỷ lệ ấy lên 2,1 đứa con mới bảo đảm được tính ổn định dân số cho các thế hệ sau của nước Pháp.

Cũng theo giới nhân chủng học Âu lục, tỷ lệ sinh đẻ trong EU sụt giảm trầm trọng trước hết là do lối sống tiêu thụ đầy tính vị kỷ. Tuy thế hệ đã trưởng thành ngày nay có cuộc sống nhiều tiện nghi hơn, nhưng luôn trong tình trạng bất an và lo lắng cho tương lai. Đa phần lớp người này có một cái nhìn bi quan về tương lai của con cái họ, với những viễn cảnh của khủng hoảng kinh tế, hay thảm họa hạch tâm...

Một nhà dưỡng lão với tỷ lệ các cụ bà áp đảo ở Bulgaria.

Ly hôn cũng là một khía cạnh nữa. Tỷ lệ ly hôn tại các nước thuộc EU hiện nay đã lên tới con số 30%. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng bi đát này, do bây giờ người ta thường “cưới vội” sớm hơn trước kia. Trình độ học vấn cao cũng vậy, các chuyên gia cho rằng những phụ nữ có học vấn càng cao càng khó lấy chồng. Trình độ của họ đòi hỏi những vị trí công tác tương xứng và điều này thường đi ngược lại chuyện lo toan cho gia đình, con cái... Gần 1/5 phụ nữ trí thức Pháp hiện nay không lập gia đình; con số này ở đàn ông là 15%.

Với việc tạo ra thế hệ mới đã như vậy, dẫn đến sự mất cân đối trong cơ cấu dân cư và đương nhiên tỷ lệ người già trong dân số sẽ tăng lên đáng kể. Cùng với thời gian, lực lượng lao động chủ chốt trong xã hội sẽ giảm, còn con số người về hưu cứ ngày một tăng.

Với thực trạng này, chúng ta có thể đoán trước những bi kịch không chỉ về mặt xã hội, mà cả của nền kinh tế nói chung nữa. Vì tuổi trẻ, hay thế hệ trẻ chính là yếu tố huyết mạch cho nền kinh tế của mỗi quốc gia, là nguồn nhân lực thiết yếu mang tính sống còn. Theo tính toán của giới nhân chủng học, thì sau 1/4 thế kỷ nữa tại nước Pháp số người già sẽ nhiều hơn lớp trẻ.

Nhóm người trên 60 tuổi từ 11 triệu người bây giờ sẽ tăng lên 12 triệu người vào năm 2020 và tới năm 2030 sẽ là 17 triệu người! Điều này có nghĩa là vào năm 2030 cứ 3,5 người Pháp thì có một người trên 60 tuổi. Tương tự lớp người trên 85 tuổi khi ấy sẽ tăng gấp 3 lần so với con số hiện nay. Thực trạng tại các quốc gia còn lại trong EU cũng không khác là bao, thậm chí còn ảm đạm hơn. Tỷ lệ sinh đẻ trung bình cho một phụ nữ hiện nay ở Đan Mạch là 1,4 đứa con, Hà Lan: 1,5, Bỉ, Italia và Thụy Điển: 1,6.

Chỉ còn Vương quốc Anh có tỷ lệ tương tự Pháp với 1,8 đứa trẻ cho một bà mẹ. Những thông số này đều được các quốc gia tiếp nhận như là một “đại họa” về dân số học. Riêng Hy Lạp có khả quan hơn: 2,1 đứa bé trên một phụ nữ. Duy nhất chỉ có Ireland với trung bình 3 đứa trẻ cho mỗi bà mẹ.

Việc giảm tỷ lệ dân số thoạt nhìn theo quan điểm chung hiện nay là một hiện tượng hữu ích. Với các chính phủ thì đó là việc giúp giảm đáng kể những chi phí nặng gánh về phúc lợi xã hội, như trợ cấp sinh nở, giáo dục, hướng nghiệp... Những người thiếu thông tin thì ngây thơ tin rằng, đó cũng là một phương cách giúp làm giảm nạn thất nghiệp.

Nhưng chỉ sau một thế hệ nữa thôi, sẽ dẫn tới các thảm họa. Không một chính phủ nào có thể giữ được vị thế về kinh tế và chính trị vốn có của mình, nếu như cư dân nước họ cứ ngày một già đi.

Quang Long (theo LHumanité)
.
.